Đề bài: Phân tích khổ đầu và khổ cuối trong bài thơ Đoàn thuyền đánh cá
Phân tích khổ đầu và khổ cuối trong bài thơ Đoàn thuyền đánh cá
I. Dàn ýPhân tích khổ đầu và khổ cuối trong bài thơ Đoàn thuyền đánh cá (Chuẩn)
1. Mở bài:
– Giới thiệu về tác giả, tác phẩm và khổ đầu, khổ cuối trong bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá”.
2. Thân bài:
a. Trình bày khái quát về tác giả, tác phẩm:
– Huy Cận là nhà thơ tiêu biểu của nền thơ ca hiện đại Việt Nam.
– Bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” được viết năm 1985 trong chuyến đi thực tế của nhà văn tại Quảng Ninh và được in trong tập “Trời mỗi ngày lại sáng”.
b. Phân tích khổ đầu bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” (Cảnh đoàn thuyền ra khơi và tâm trạng của người lao động):
– Cảnh hoàng hôn trên biển được miêu tả ở điểm nhìn, vị trí đặc biệt đó là điểm nhìn di động trên con thuyền ra khơi:
+ Mặt trời như một hòn than cháy hồng đang lặn xuống mặt biển, gợi bước đi của thời gian.
+ Màn đêm dần buông xuống “sóng cài then”, “đêm sập cửa” gợi cảm giác gần gũi, thân thương, vũ trụ như một ngôi nhà lớn.
– Cảnh ra khơi của đoàn thuyền đánh cá với tâm thế vui tươi, sảng khoái:
+ Hình ảnh “đoàn thuyền” gợi ra sự tấp nập, tạo nên không khí sôi nổi trên mặt biển.
+ Hình ảnh câu hát, cánh buồm, gió khơi cho thấy niềm vui, niềm phấn chấn của người lao động đã tạo ra sức mạnh hòa cùng gió khơi để làm căng cánh buồm.
c. Phân tích khổ cuối bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” (Cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về trong bình minh rực rỡ):
– Hình ảnh câu hát được lặp lại như một điệp khúc ngân nga có tác dụng nhấn mạnh niềm vui lao động, làm giàu quê hương của những người dân chài.
– Đoàn thuyền như một sinh thể sống động, chạy đua với thiên nhiên bằng tốc độ ánh sáng.
– Đoàn thuyền trở về lúc mình minh “nhô màu mới” báo hiệu một sự sống sinh sôi, nảy nở với vô vàn niềm vui, niềm hạnh phúc của người lao động vùng biển.
– Mắt cá lấp lánh như sao trời chính là ánh sáng của thành quả lao động, gợi ra niềm tin, niềm hi vọng của người lao động về tương lai tươi sáng.
d. Đánh giá:
– Hình ảnh thơ phong phú, giàu sức gợi, khổ đầu và khổ cuối bài thơ đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên có hoàng hôn, có bình minh vô cùng đặc sắc và tràn đầy sức sống.
– Qua khổ đầu và khổ cuối bài thơ, ta thấy được một tâm hồn yêu thiên nhiên, trân trọng vẻ đẹp con người của ngòi bút sôi động, phóng khoáng của Huy Cận.
3. Kết bài:
– Khái quát lại giá trị đặc sắc của khổ đầu và khổ cuối bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá”.
II. Bài văn mẫuPhân tích khổ đầu và khổ cuối trong bài thơ Đoàn thuyền đánh cá (Chuẩn)
Thiên nhiên vốn là nguồn cảm hứng vô tận của mỗi nhà văn, nhà thơ và điều đó cũng không ngoại lệ với nhà thơ Huy Cận. Nếu như cảnh sông nước “Tràng Giang” gợi cho nhà thơ một “nỗi sầu vạn cổ” thì cảnh “Đoàn thuyền đánh cá” ra khơi lại đem đến một âm hưởng hào hùng, vui tươi. Khổ đầu và khổ cuối của bài thơ chính là một bức tranh thiên nhiên tuần hoàn về một ngày làm việc của những người lao động vùng biển.
Huy Cận là nhà thơ tiêu biểu của nền thơ ca hiện đại Việt Nam. Nếu trước Cách mạng tháng Tám những sáng tác của ông đều gợi một nỗi buồn man mác gửi vào thiên nhiên, vũ trụ thì sau cách mạng, phong cách sáng tác của nhà thơ trở nên vui tươi rõ rệt và được thể hiện cụ thể qua bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá”. Bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” được viết năm 1985 trong chuyến đi thực tế của nhà văn tại Quảng Ninh và được in trong tập “Trời mỗi ngày lại sáng”.
Nhà thơ mở đầu bài thơ bằng một bức tranh hoàng hôn tráng lệ khi thiên nhiên dần chìm vào giấc ngủ thì con người mới bắt đầu công việc của mình:
“Mặt trời xuống biển như hòn lửa.
Sóng đã cài then, đêm sập cửa.
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
Câu hát căng buồm cùng gió khơi.”
Cảnh hoàng hôn trên biển được miêu tả ở điểm nhìn và vị trí đặc biệt đó là điểm nhìn di động trên con thuyền ra khơi. Vì thế khi người quan sát nhìn về phía mặt trời lặn qua một khoảng biển rộng lớn thì sẽ thấy rằng mặt trời đang dần ngâm mình xuống dưới biển. Mặt trời như một hòn than cháy hồng đang lặn xuống mặt biển, gợi cho ta thấy bước đi của thời gian đó là dấu hiệu của một ngày sắp hết. Khi đó, màn đêm là tấm cửa khổng lồ cũng dần buông xuống “sóng cài then”, “đêm sập cửa” gợi cho ta cảm giác gần gũi, thân thương vì vũ trụ như một ngôi nhà lớn có then, có cửa. Nhà thơ đã miêu tả rất chân thực khoảnh khắc chuyển đổi giữa ngày và đêm khiến cho cảnh biển hiện ra trước mắt người đọc trở nên thật đẹp, kì vĩ, tráng lệ như thần thoại đồng thời gợi sự gần gũi, thân quen như ngôi nhà của những người dân chài vậy.
Khi thiên nhiên bước vào trạng thái nghỉ ngơi thì con người mới bắt đầu công việc hàng ngày của mình. Đoàn thuyền đánh cá ra khơi với tâm thế vui tươi, sảng khoái:
“Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
Câu hát căng buồm cùng gió khơi.”
Hình ảnh “đoàn thuyền” gợi ra sự tấp nập đã tạo nên không khí sôi nổi trên mặt biển. Đoàn ngư dân cất cao câu hát khởi hành tràn đầy khí thế bởi tiếng hát sẽ xua đi sự mệt mỏi. Nhà thơ sử dụng từ “lại” để chỉ nhịp điệu công việc của người lao động đã góp phần tô đậm sự đối lập giữa thiên nhiên và con người. Con người lao động khi thiên nhiên chìm vào giấc ngủ là việc vô cùng quen thuộc với những ngư dân vùng biển. Hình ảnh câu hát, cánh buồm, gió khơi đã cho ta thấy niềm vui, niềm phấn chấn của người lao động, đó chính là sức mạnh vô hình để đẩy căng cánh buồm. Họ ra khơi trong tâm thế hứng khởi bởi vì họ tìm thấy niềm vui trong lao động, yêu biển và say mê với công việc chinh phục biển khơi làm giàu Tổ quốc.
Nếu như ở khổ thơ đầu của bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” ta thấy được cảnh ra khơi của đoàn thuyền trong hoàng hôn rực lửa thì đến khổ thơ cuối, đoàn thuyền ấy đã trở về đầy ắp cá trong bình minh tráng lệ:
“Câu hát căng buồm với gió khơi,
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời.
Mặt trời đội biển nhô màu mới,
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.”
Hình ảnh “câu hát” được lặp lại như một điệp khúc ngân nga có tác dụng nhấn mạnh niềm vui lao động, làm giàu quê hương của những người dân chài. Có lẽ, câu hát lúc ra khơi của những ngư dân vùng biển là câu hát lạc quan, tin tưởng khi trở về con tàu sẽ đầy ắp cá tươi còn câu hát lúc trở về là câu hát vui sướng trước thành quả lao động sau một đêm đầy vất vả, cực nhọc của họ. Đoàn thuyền như một sinh thể sống động, chạy đua với thiên nhiên bằng tốc độ ánh sáng. Qua đó, ta thấy được khí thế khẩn trương, sức lực dồi dào, hăng say làm việc sau một đêm vất vả của người lao động cho nên đoàn thuyền vẫn còn sức để “chạy đua cùng mặt trời”. Bằng hình ảnh thơ bay bổng, tác giả đã làm nổi bật tư thế của những con người lao động đó là tư thế sánh ngang với vũ trụ, chiến thắng thiên nhiên và làm chủ thiên nhiên trong mọi cuộc đua. Đoàn thuyền trở về lúc mình minh khi mặt trời “nhô màu mới”, đây là dấu hiệu của sự sống sinh sôi, nảy nở với vô vàn niềm vui, niềm hạnh phúc của người lao động vùng biển có được sau một chuyến hành trình vất vả, cực nhọc. Ở câu thơ cuối cùng của bài thơ, ta lại bắt gặp một hình ảnh mặt trời khác, tuy nhiên đây không phải mặt trời của thiên nhiên mà của muôn ngàn “mắt cá”. Mắt cá lấp lánh như sao trời chính là ánh sáng của thành quả lao động, gợi ra niềm tin, niềm hi vọng của người lao động về tương lai tươi sáng. Khổ thơ cuối mang âm hưởng của bản hùng ca lao động với niềm vui phơi phới của con người khi thắng lợi trở về và làm chủ cả thiên nhiên, đất trời.
Mỗi một tác phẩm nghệ thuật đều thể hiện phong cách sáng tác riêng biệt của mỗi nhà văn, nhà thơ. Khổ đầu và khổ cuối bài thơ đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên có hoàng hôn, có bình minh vô cùng đặc sắc và tràn đầy sức sống với những hình ảnh thơ phong phú, giàu sức gợi. Từ đó ta thấy được một tâm hồn yêu thiên nhiên, trân trọng vẻ đẹp con người lao động của ngòi bút sôi động, phóng khoáng mang tên Huy Cận.
Khổ đầu và khổ cuối bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” giống như tấm bản lề mở ra và khép lại hành trình một ngày ra khơi của những người dân vùng biển với vô vàn niềm vui và sự phấn khởi. Bằng những cảm nhận tinh tế, nhà thơ Huy Cận đã phác họa thành công bức tranh thiên vùng biển tuyệt đẹp với những nét lao động khỏe khoắn của con người nơi đây.
—————-HẾT——————
Qua bài Phân tích khổ đầu và khổ cuối trong bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” trên đây, hi vọng các em sẽ nắm chắc được kiến thức khi viết những bài văn phân tích về bài thơ Đoàn thuyền đánh cá. Ngoài ra, các em cũng có thể tham khảo thêm những bài viết sau: Cảm nhận bài thơ Đoàn thuyền đánh cá; Phân tích cảm hứng lãng mạn trong bài thơ Đoàn thuyền đánh cá, Phân tích cảnh ra khơi của Đoàn thuyền đánh cá, Phân tích khổ 2 của bài thơ Đoàn thuyền đánh cá.