Đề bài: Bình luận về ý kiến: Đọc sách không cần nhiều, quan trọng nhất là đọc cho tinh, chọn cho kĩ
Bài làm:
Đọc sách vốn là một thói quen tốt, giúp chúng ta nâng cao tầm tri thức, rèn tính nhẫn nại, gom lại cái sự bồng bột của cuộc sống, thay vào đó là những phút giây trầm lắng, an yên để suy nghĩ, để chiêm nghiệm về cuộc đời. Sách cũng giúp ta nuôi dưỡng tâm hồn, tựa như nguồn nước mát tưới vào một gốc hoa xinh đẹp vậy, giúp ta nhìn cuộc sống bằng một ánh mắt tích cực và tươi sáng hơn. Thế nhưng, đọc sách không phải là cứ cố nhồi nhét, cố đọc cho nhiều mà theo như tác giả Chu Quang Tiềm có viết trong Bàn về đọc sách rằng: “Đọc sách không cần nhiều, quan trọng nhất là đọc cho tinh, chọn cho kĩ”.
Trước hết, chúng ta hãy định nghĩa sơ bộ về sách. Sách là loại ấn phẩm đã xuất hiện từ lâu đời trong nền văn minh của nhân loại, trước kia sách xuất hiện dưới bộ dạng rất thô sơ, chỉ là những ký tự tượng hình khắc lên trên các phiến đá, sau này là các dạng chữ viết, viết trên da thú, trên các mảnh gỗ, thẻ tre,… cốt là để lưu lại những ý nghĩ, những kinh nghiệm, hay đơn giản là lưu lại vài nét về lịch sử mà người thời đó còn muốn giữ lại cho đời sau. Mãi cho đến khoảng năm 105, một người tên là Thái Luân, sống ở Trung Quốc phát minh ra loại giấy viết làm từ vỏ cây, từ đó nền văn minh giấy viết lan rộng khắp thế giới, những ấn phẩm sách mới chính thức có sự phát triển vượt bậc, trở thành một trong những thành phần quan trọng trong cuộc sống của con người. Sách là loại sản phẩm cung cấp nhiều thông tin tri thức, đó có thể là những kiến thức về lịch sử, văn học, khoa học, toán học, hay đơn giản là những cuốn sách truyện để cho con người giải trí,…
Sách đã đóng góp một phần rất quan trọng trong nền văn minh nhân loại, mặc dù trong những năm gần đây sách giấy đã dần trở nên yếu thế so với các loại sách điện tử, các loại báo mạng, thế nhưng, suy cho cùng hiện đại đến đâu thì việc đọc sách giấy vẫn là một nét đẹp văn hóa, thú vui riêng biệt mà không loại hình nào thay thế được. Đọc sách mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực, sách là nguồn tri thức vô hạn và bao la, cung cấp cho chúng ta những kiến thức mới, những hiểu biết mới mà có khi cả đời chúng ta chẳng bao giờ có cơ hội để biết. Chúng ta đọc văn học để thấy cuộc sống muôn màu muôn vẻ và đậm tính nhân văn, nhân bản. Chúng ta đọc sách lịch sử để hiểu thêm về những gì đã qua, để ghi nhớ công lao của cha ông trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đọc sách khoa học để nâng tầm hiểu biết về những phát minh sáng tạo vĩ đại của nhân loại. Chúng ta chưa có điều kiện đi du lịch, thì việc lựa chọn một cuốn sách viết về các cảnh điểm là một lựa chọn không tồi, giúp chúng ta được mở mang tầm mắt, tạo tiền đề cho những chuyến đi trong tương lai.
Có một điều đáng mừng là so với những năm trước đây, hiện nay giới trẻ cũng đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến việc đọc sách, thứ nhất là để bồi dưỡng tâm hồn, thứ hai là để lắng lại sau những giờ làm việc và học tập căng thẳng. Thứ sách các bạn trẻ chọn đọc đa phần là các loại sách tâm lý, sách dạy kỹ năng mềm, đều là những thứ sách phù hợp với tinh thần cầu tiến và ham học hỏi cuộc sống của các bạn trẻ. Một số rất ít khác thì chọn các loại sách văn học cả trong nước và nước ngoài, sách lịch sử,… Chung quy là loại sách nào cũng đều đáng được tuyên dương bởi rèn được thói quen đọc sách cũng không phải dễ dàng và cũng là đáng quý lắm rồi, đặc biệt là trong thời đại 4.0 này.
Tuy nhiên, đọc sách không phải là cứ vơ đại mà đọc, sách nào cũng đọc, không có sự lựa chọn cân nhắc, thậm chí có nhiều nhiều chỉ mua về rồi đọc “lướt” cho có vệt mà chưa hề thông hiểu được những nội dung mà sách đang truyền tải. Đó là một cách đọc sai lầm và tai hại. Chu Quang Tiềm đã nói: “Đọc sách không cần nhiều, quan trọng nhất là đọc cho tinh, chọn cho kĩ”. Đây quả thật là quan điểm đọc sách rất đúng đắn và hay, tất cả những người đọc sách đều nên nắm rõ. Đọc sách không cần nhiều, bởi ta không phải đọc sách để lấy công, lấy cuốn, lấy giờ, lấy buổi, mà đọc sách cốt là để cung cấp cho chúng ta những tri thức cần thiết. Nếu các bạn tự hào về số sách mình đọc được đã lên tới vài chục, vài trăm cuốn, nhưng khi được hỏi về nội dung của một cuốn nào đó, các bạn lại ấp úng, gãi đầu gãi tai, bảo rằng mình mới đọc sơ qua, thì đó là một sự thất bại trong quá trình đọc. Bởi chính bản thân các bạn vừa lãng phí thời gian đọc, vừa lãng phí tiền của đầu tư vào sách mà lại không thu được tí kiến thức nào cho bản thân, đó chẳng phải là thất bại hay sao. Sách chúng ta đọc có thể không nhiều nhưng phải “đọc cho tinh, chọn cho kỹ”. Thế có nghĩa là thế nào? Ở đây, Chu Quang Tiềm muốn nhấn mạnh cái cốt yếu trong việc đọc sách, đó là “đọc” phải đi kèm với “hiểu”, hai từ ấy có sự liên quan mật thiết và có mối quan hệ biện chứng với nhau. Đọc nhiều mà không hiểu thì cũng coi như bỏ đi, ta không thể chứng minh tầm hiểu biết của mình bằng số sách mình đã “kinh” qua, mà dựa vào chính những kiến thức mà ta thu nạp được từ việc đọc sách. Chính vì thế, việc đọc ít nhưng hiểu nhiều có giá trị hơn vạn lần việc đọc nhiều nhưng hiểu lấy chẳng được bao nhiêu, mà đó chỉ là những suy nghĩ nông cạn, hơn thua nhau ở đời mà thôi. Thêm vào đó, việc đọc sách cũng phải đọc từ từ, mới thấm hết được những giá trị trong từng câu chữ, một cuốn sách vài ba trăm trang, bạn có thể đọc nó trong một tháng, hai tháng cũng không thành vấn đề, quan trọng là bạn đã nắm hết nội dung trong sách hay chưa, còn đọc bao nhiêu thời gian cũng không quan trọng, bởi đọc sách chứ không phải thi chạy, nhanh để làm gì.
Trong câu nói của Chu Quang Tiềm còn một ý nữa mà ta phải hết sức lưu ý, đó là “chọn cho tinh”. Hiện nay, có một bộ phận rất lớn người đọc vẫn còn mù mờ, cho rằng sách nào cũng đọc được, mà không có sự cẩn thận, tỉ mỉ trong việc lựa chọn sách, dẫn tới việc chọn phải những cuốn sách không có ý nghĩa hay trị gì đáng bàn, thậm chí là đưa con người ta đến những suy nghĩ lệch lạc. Đặc biệt là các bạn trẻ, có nhiều bạn rất thích lãng phí tiền của vào những cuốn truyện sến sẩm, màu mè, nội dung vô vị, cổ súy lối sống mơ mộng, xa rời thực tế. Rồi có nhiều bạn thậm chí còn chọn đọc những cuốn sách có nội dung phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, gây lệch lạc trong tư tưởng, mất đi cái chân – thiện – mĩ mà con người thường hướng đến. Đó là cách đọc vô cùng nguy hiểm. Hãy nhớ rằng, chọn sách phù hợp với nhu cầu, nhưng nội dung cũng phải phù hợp đáng để đọc để suy ngẫm. Nếu mới chập chững chưa biết chọn loại sách nào, ta nên tìm lấy một người có nhiều kinh nghiệm, nhờ họ chỉ cho vài cuốn sách bổ ích, để đọc từ từ, cái gì cũng cần có thời gian mới tinh thông được, có câu “dục tốc bất đạt”.
Tóm lại, đọc sách không phải chỉ là thú vui tao nhã thông thường, mà đọc sách là cả một nghệ thuật, ở đó người đọc phải biết lèo lái cái tâm hồn của mình, nuôi dưỡng tâm hồn của mình bằng việc đọc sách. Hãy nhớ đọc ít nhưng hiểu nhiều, đọc làm sao mà tinh thông hết những nội dung chất chưa trong ấy và một việc cũng quan trọng không kém ấy là phải lựa chọn sách cho kỹ càng, tránh cẩu thả, cẩu thả trong việc đọc là hỏng.