Đề bài: Qua đoạn trích Trong lòng mẹ, chứng minh nhận định: Hồi kí của Nguyên Hồng không phải là những trang ghi chép một cách giản đơn, khô khan những sự việc đã qua. Ông viết hồi kí theo cách thức của một nhà văn với một rung động mãnh liệt của trái tim người nghệ sĩ.
Hồi kí của Nguyên Hồng không phải là những trang ghi chép một cách giản đơn
Bài văn mẫuQua đoạn trích Trong lòng mẹ, chứng minh nhận định: Hồi kí của Nguyên Hồng không phải…
Có định nghĩa cho rằng nghệ thuật chân chính phải là thứ nghệ thuật vị nhân sinh – phải gắn với cuộc đời của con người. Và một người làm nghệ thuật xuất sắc phải thông qua các nhân vật, thông qua từng câu văn con chữ cất lên những tiếng nói đắng cay đang rên rỉ trong lòng xã hội còn lắm bất công. Nguyên Hồng – người dành cả đời cầm bút để viết cho những người khốn khổ có một vị trí quan trọng trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Mỗi tác phẩm của ông đều thấm đượm một tình cảm nhân đạo tha thiết đối với quần chúng ta động nghèo khổ, đặc biệt là những người phụ nữ và trẻ em. Ông hiểu họ, đồng cảm với họ, cùng họ đau một nỗi đau. Nguyên Hồng nổi tiếng và thành công nhất với thể loại kí, có người đã nhận xét rằng “Hồi kí của Nguyên Hồng không phải là những trang ghi chép một cách giản đơn, khô khan những sự việc đã qua. Ông viết hồi kí theo cách thức của một nhà văn với một rung động mãnh liệt của trái tim người nghệ sĩ”. Điều này được thể hiện rất rõ qua đoạn trích “Trong lòng mẹ” – chương 4 tác phẩm “Những ngày thơ ấu”.
Tuy chỉ là một chương hồi kí trong nhưng “Trong lòng mẹ” đủ để lột tả hết cái chất trữ tình đầy ngọt ngào, xuất phát từ trái tim một người nghệ sĩ giàu lòng nhân hậu như Nguyên Hồng. Cả chương sách, mỗi câu văn, con chữ đều dạt dào cảm xúc đến nghẹn ngào. Đầu tiên nói về nhân vật chú bé Hồng – một đứa trẻ bất hạnh, mồ côi cha, dòng đời xô đẩy bắt buộc mẹ chú phải đi tha hương cầu thực nơi xứ người. Hồng chỉ là một đứa trẻ nhưng lại phải chịu đựng cảnh sống thiếu thốn tình cảm gia đình, mất đi vòng tay che chở của cha mẹ. Nhưng đáng thương thêm, chú phải sống với một bà cô cay nghiệt, nhỏ nhen, ích kỉ, giả dối, độc ác. Một con người luôn muốn đem đến đau thương cho đứa trẻ bất hạnh bằng cách gièm pha, nói xấu người mẹ, tìm mọi cách để rót vào tai Hồng những lời nói vu oan, mong muốn nó phải khinh miệt, ruồng rẫy chính mẹ đẻ của mình.
Ở đoạn đối thoại giữa chú bé và bà cô thâm độc, người đọc có thể thấy cảm xúc của Hồng đã cố nén, cố gằn lại, sâu bên trong là cái nỗi căm ghét đến tận xương hủ tục, căm ghét cả bà cô thâm độc đang làm tổn thương tình yêu mẹ của chú bé. Nhưng khi nỗi đau đã vượt qua ngưỡng chịu đựng của một đứa trẻ còn ngây thơ, chú bé đã khóc rất nhiều, “nước mắt ròng ròng rớt xuống hai bên mép rồi chan hòa, đầm đìa ở cằm và ở cổ”. Chẳng dừng lại ở đó, người cô ruột lại còn biểu lộ cái nét mặt “tươi cười” khoét sâu vào nỗi đau đang rỉ máu của một đứa trẻ nghe tình cảnh túng quẫn, hình ảnh gầy guộc, rách rưới của người mẹ khiến bé Hồng nghẹn họng mà “khóc không ra tiếng”.
Có thể thấy qua ngòi bút của Nguyên Hồng, nhân vật bà cô được thể hiện một cách sắc sảo, sinh động. Bà ta đại diện cho cái nhìn thành kiến cổ hủ, cho sự phi nhân đạo của cả một xã hội mà người phụ nữ phải gánh chịu. Giữa cái cổ hủ và nhân đạo đó, có một chú bé Hồng vẫn luôn dành tình yêu thiêng liêng cao đẹp nhất dành cho người đã sinh thành ra mình. Tình yêu ấy không gì có thể dẫm đạp lên, không gì có thể dập tắt, nó bất diệt mạnh mẽ hơn tất cả mọi thứ thị phi trên đời này.
Đến đoạn tả cảnh bé Hồng gặp mẹ, nhào vào lòng mẹ, thực sự ngòi bút tác giả đã chạm đến trái tim cảm xúc người đọc. Những xéo xắt của sự hủ tục, khinh miệt, vô nhận đạo nhường chỗ cho tư tưởng xã hội tươi sáng và tình cảm mẫu tử thiêng liêng. Nguyên Hồng không xây dựng cốt truyện mà là kể lại những kỉ niệm thơ ấu chính bản thân mình đã trải qua. Mỗi câu văn đều như rưng rức dòng nước mắt tươi rói vào cái ngày Hồng được sà vào vòng tay mẹ. Tình yêu thương dâng trào thành cảm xúc mãnh liệt khao khát của một đứa trẻ đã thèm hơi ấm của mẹ quá lâu.
Chú bé cảm thấy ngây ngất hạnh phúc, sung sướng khi tìm lại được thứ cảm giác mà bấy lâu nay đã mất đi: “Tôi ngồi trên đệm xe, đùi áp đùi mẹ tôi, đầu ngả vào cánh tay mẹ tôi, tôi thấy những cảm giác ấm áp đã bao lâu mất đi bỗng lại mơn man khắp da thịt”. Chú đắm đuối nhìn ngắm gương mặt mẹ để thấy mẹ vẫn đẹp như thuở nào “vẫn tươi sáng với đôi mắt trong và nước da mịn làm nổi bật màu hồng của hai gò má”. Thậm chí, đến những điều nhỏ nhặt nhất như hơi thở của mẹ cũng được ghi lại chân thưc “Hơi quần áo của mẹ tôi và những hơi thở ở khuôn miệng xinh xắn nhai trầu phả ra lúc đó thơm tho lạ thường”. Và tình yêu mẹ dâng lên đầy cảm xúc khi cậu bé Hồng nghẹn ngào “Phải bé lạị và lăn vào lòng một người mẹ, áp mặt vào bầu sữa nóng của người mẹ, để bàn tay người mẹ vuốt ve từ trán xuống cằm, và gãi rôm ở sống lưng cho, mới thấy người mẹ có một êm dịu vô cùng”. Hạnh phúc ấy lớn lao đến nỗi bé Hồng như quên hết những lời buồn tủi, cay độc trước kia: “Bên tai tôi ù đi, lời bà cô chìm xuống, tôi không mảy may nghĩ ngợi gì nữa…” Mẹ về và được ở trong lòng mẹ chính là liều thuốc tốt nhất để chữa lành mọi tổn thương trong tâm hồn chú bé tội nghiệp.
Trong lòng mẹ là hồi kí, lời của nhân vật cũng xuất phát từ chính tâm hồn tác giả nên mỗi cảm xúc trong chú bé Hồng dạt dào sống động như chính chúng ta đang chứng kiến một câu chuyện về tình mẫu tử thiêng liêng diễn ra. Trong khi nhân vật đang thổn thức kể lại câu chuyện của mình, nhà văn còn khéo léo đan xen những lời bình đây xúc động, ngọt ngào, dịu êm. Dưới cái tài năng của ngòi bút viết hồi kí, với một trái tim đa cảm tràn đầy yêu thương, Nguyên Hồng nắm bắt và miêu tả tỉ mỉ đến chính xác từng chuyển động tinh tế nhất của nội tâm nhân vật. Mỗi cảm xúc giống như một cơn sóng trào lên từng đợt, không lần nào giống lần nào. Từ sự kìm nén đau thương đến nức nở đột ngột. Tất cả mang đến sức hấp dẫn và lay động lòng người đến kì lạ.
Không đi theo sự sắp đặt của lí trí tỉnh táo, mạch văn trong đoạn trích Trong lòng mẹ xuất phát từ chính trái tim đang tuôn chảy dòng máu nóng, chan chứa yêu thương của tác giả Nguyên Hồng. Mỗi dòng chữ, mỗi câu văn đều đang tràn đầy nhựa sống mang lại một sức hút đặc biệt cho người đọc. Và hơn cả, ta cảm nhận được tấm lòng nhân đạo, niềm tin khao khát về những điều tốt đẹp trong cuộc sống mà Nguyên Hồng muốn truyền tải.
—————–HẾT——————-
Trong lòng mẹ là đoạn trích đặc sắc trong hồi kí “Những ngày thơ ấu” của Nguyên Hồng, sau khi tìm hiểu bàiQua đoạn trích Trong lòng mẹ, chứng minh nhận định: Hồi kí của Nguyên Hồng không phải là những trang ghi chép một cách giản đơn,các em có thể tham khảo thêm:Giá trị nhân đạo trong đoạn trích Trong lòng mẹ của Nguyên Hồng, Nêu suy nghĩ về tình mẫu tử trong đoạn trích Trong lòng mẹ của Nguyên Hồng, Chứng minh Nguyên Hồng là nhà văn của phụ nữ và trẻ em,Phân tích người mẹ trong đoạn trích Trong lòng mẹ của Nguyên Hồng.