Đề bài: Nghị luận xã hội về đức hi sinh trong cuộc sống
Nghị luận xã hội về đức hi sinh trong cuộc sống
I. Dàn ý nghị luận xã hội về đức hi sinh trong cuộc sống (Chuẩn)
1.Mở bài
– Giới thiệu về đức hi sinh trong cuộc sống
2. Thân bài
a. Giải thích
– Hi sinh là một đức tính cao quý của con người.
– Hi sinh là vì người khác mà chịu sự thiệt thòi về bản thân mình.
– Đó là những suy nghĩ, hành động tự nguyện vì người khác, không vụ lợi cá nhân, đặt lợi ích của người khác lên trên lợi ích của bản thân mình…(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý nghị luận xã hội về đức hi sinh trong cuộc sống tại đây
II. Bài văn mẫuNghị luận xã hội về đức hi sinh trong cuộc sống (Chuẩn)
Nếu sự ích kỉ khiến con người trở nên tầm thường, nhỏ bé thì sự hi sinh lại giúp con người trở nên cao thượng. Đức hi sinh luôn hiện hữu và tồn tại trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Nó đã trở thành lẽ sống, lí tưởng sống trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc.
Hi sinh là vì người khác mà chịu sự thiệt thòi về bản thân mình. Đó là những suy nghĩ, hành động tự nguyện vì người khác, không vụ lợi cá nhân, đặt lợi ích của người khác lên trên lợi ích của bản thân và có thể hi sinh tính mạng của mình vì sự sống của người khác. Đây là đức tính cao quý của nhân dân ta mà chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp trong cuộc sống hàng ngày. Trong thời kì chiến tranh ác liệt, biết bao người anh hùng đã tham gia chiến đấu để giành lấy hòa bình, tự do cho Tổ quốc. Họ là người anh hùng Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai trong chiến dịch Điện Biên Phủ, anh Bế Văn Đàn lấy vai làm giá súng hay người thanh niên quả cảm Tô Vĩnh Diện đã dùng thân mình để chèn pháo,…Một tấm gương về đức hi sinh mà chúng ta không thể không nhắc đến đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Người đã dành cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng. Những năm tháng tuổi trẻ Bác đã bôn ba khắp các nước trên thế giới để tìm ra con đường giải phóng dân tộc, khi trở về Bác lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành thắng lợi. Những câu hát: “Cả cuộc đời Bác chăm lo cho hạnh phúc nhân dân. Cả cuộc đời Bác hi sinh cho dân tộc Việt Nam…Cả cuộc đời rất thanh cao không gợn chút riêng tư. Mãi ngàn đời ngát hương thơm trong tâm hồn Việt Nam…” (Bác Hồ một tình yêu bao la – Thuận Yến) vẫn còn vang mãi trong tâm thức mỗi chúng ta. Bên cạnh những anh hùng được tổ quốc ghi công được nhiều người biết đến thì vẫn có vô số những con người vô danh đã ngã xuống vì màu cờ sắc áo của dân tộc. Họ là những người “Không ai nhớ mặt đặt tên/ Nhưng họ đã làm ra Đất Nước” (Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm). Đức hi sinh của họ đã trở thành lí tưởng sống. Đối với họ, sống là cống hiến, là hi sinh để có thể mang lại hạnh phúc cho đồng bào, dân tộc. Bao nhiêu gian nan, khổ cực cũng không thể khiến họ lùi bước.
Khi bom đạn chiến tranh đã qua đi, đức hi sinh của con người vẫn luôn được thể hiện trong cuộc sống thường nhật. Chắc hẳn chúng ta đều biết đến anh Trần Hữu Hiệp hay anh Nguyễn Văn Nam và nhiều tấm gương khác vì cứu người mà hi sinh tính mạng của mình. Anh Trần Hữu Hiệp đã có một hành động thật dũng cảm khi nhường chiếc áo phao của mình cho một phụ nữ trong vụ chìm tàu ở vùng biển Cần Giờ để nhận lấy cái chết về mình. Giữa ranh giới mỏng manh của sự sống và cái chết, con người ấy đã nhường lại cơ hội sống của mình cho người khác. Khi trông thấy năm em nhỏ đang bị đuối nước, Nguyễn Văn Nam đã không ngần ngại mà nhảy xuống cứu các em. Ngay cả khi bản thân đã đuối sức thì Nam vẫn liều mình để cứu một em nhỏ còn lại và anh bị dòng nước nhấn chìm. Những hành động đó cao cả và đáng quý biết nhường nào!
Đức hi sinh không chỉ thể hiện ở việc nhận lấy cái chết về mình để đánh đổi lấy sự sống cho người khác mà nó còn được thể hiện ở những hành động thầm lặng mà vô cùng ý nghĩa. Những người cha, người mẹ đã dùng cả cuộc đời chăm lo cho các con để các con có một cuộc sống đầy đủ. Họ không quản ngại mưa nắng, khó khăn, cực khổ lao động để mua cho con một chiếc cặp sách mới, một bộ quần áo mới. Bao nhiêu giọt mồ hôi cũng chính là bao nhiêu sự vất vả, hi sinh của cha mẹ. Họ luôn giấu đi sự mệt mỏi để dành cho ta những gì tốt đẹp nhất trong cuộc đời. Sự hi sinh của các bậc cha mẹ là vô bờ bến. Công ơn ấy chúng ta dành cả một đời cũng không thể nào đền đáp hết được. Ngoài ra, chúng ta còn biết đến những người chiến sĩ, giáo viên tự nguyện lên vùng cao hay vùng biển đảo xa xôi để công tác và làm việc. Những người giáo viên đã hi sinh cả tuổi trẻ, thậm chí là cả cuộc đời của mình để gắn bó với những nơi hẻo lánh, những nơi điều kiện kinh tế còn khó khăn để mang kiến thức đến cho mọi người. Những người lính cũng góp sức mình để bảo vệ chủ quyền dân tộc. Tất cả những con người ấy đều xứng đáng được ngợi ca và tôn trọng.
Người có đức hi sinh sẽ luôn được mọi người yêu quý. Đức hi sinh xuất phát từ lòng yêu thương con người vì vậy nó là sợi dây gắn kết con người lại với nhau. Đức hi sinh giúp ta biết yêu thương người khác, biết hành động vì người khác. Cũng vì lẽ đó mà chúng ta sống đẹp hơn, sống có ích hơn bởi “Có gì trên đời đẹp hơn thế/ Người yêu người sống để yêu nhau (Tố Hữu). Bên cạnh việc ngợi ca những người có đức hi sinh chúng ta cũng cần phê phán lối sống theo chủ nghĩa cá nhân, sống ích kỉ của một số cá nhân trong xã hội. Họ chỉ quan tâm đến bản thân mình mà vô cảm, thờ ơ, không biết hi sinh vì người khác.
Để có được cuộc sống no ấm, tươi đẹp như hôm nay, chúng ta cần bày tỏ lòng biết ơn đối với những người anh hùng đã hi sinh vì nền độc lập, hòa bình của dân tộc, biết ơn những người cha, người mẹ đã dành cả cuộc đời để chăm lo cho chúng ta. Đồng thời mỗi cá nhân cần rèn luyện đức hi sinh cho bản thân và phát huy đức tính cao đẹp ấy để xã hội ngày càng phát triển, con người ngày càng gắn kết.
———————HẾT———————
Những đức tính tốt đẹp góp phần làm nên phẩm giá, là thước đo giá trị của mỗi con người. Cùng với đức hi sinh, còn rất nhiều những đức tính tốt đẹp khác cần được trân trọng, trau dồi như:Nghị luận xã hội về lòng kiên nhẫn, Nghị luận xã hội về tính tự lập, Nghị luận xã hội về đức tính chăm chỉ, Nghị luận xã hội Đức tính khiêm tốn.