Đề bài: Thuyết minh về Chợ Bến Thành
Thuyết minh về Chợ Bến Thành
I. Dàn ýThuyết minh về Chợ Bến Thành (Chuẩn)
1. Mở bài:
– Giới thiệu về chợ Bến Thành
2. Thân bài:
a. Nguồn gốc:
– Hình thành từ rất sớm, trước khi người Pháp vào Việt Nam
– Khởi nguồn từ một khu chợ gần bến thuỷ sông Bến Nghé
– Từ 1859 đến 1911, hoạt động tấp nập dù bị chiếm đóng
– Năm 1912 được xây dựng trên một khu đất mới
b. Vị trí và quy mô:
– Nằm ở quận 1 thành phố Hồ Chí Minh, giữa các đường Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Lê Thánh Tông, công viên Quách Thị Trang thuộc phường Bến Thành
– Diện tích: 13.056m2 với 1437 sạp hàng.
– Chợ có đủ các loại mặt hàng quần áo, giày dép, hoa quả, …
c. Kiến trúc:
– Ban đầu ở chợ cũ, được làm vách gỗ, mái tranh, lá, … sau đó được nâng cấp lên với mái ngói, tôn.
– Năm 1912, được xây bằng gạch, lớp mái ngói.
– Có hình tháp đồng hồ, kiến trúc cổ điển.
– Gồm 4 cửa chính với 12 cửa phụ. Mỗi cửa bán 1 mặt hàng.
d. Chợ Bến Thành về đêm:
– Là một địa điểm du lịch đặc sắc
– Có nhiều hàng quán và món ăn đường phố nổi tiếng
đ. Các cách đến chợ Bến Thành:
– Đi bằng xe buýt số 01, 02, 03, 04, 18, …
– Đi bằng ô tô và xe máy
3. Kết bài:
Kết luận chung
II. Bài văn mẫuThuyết minh về Chợ Bến Thành (Chuẩn)
Nhắc đến thành phố Hồ Chí Minh, người ta nhắc đến nhà thờ Đức Bà, đến Dinh Độc Lập, đến Đầm Sen, … và nổi tiếng nhất là chợ Bến Thành. Không biết từ bao giờ chợ Bến Thành đã trở thành một biểu tượng không thể thiếu mỗi khi nhắc tới Sài Gòn. Chợ Bến Thành cũng như cầu Long Biên ở Hà Nội là những nhân chứng cho sự thăng trầm của thành phố, chứng kiến những đổi thay và phát triển của thành phố và cả sự giao thoa giữa xưa và nay của lớp người Sài thành.
Chợ Bến Thành được hình thành từ lâu đời, trước cả khi những người Pháp đầu tiên đặt chân đến đất Gia Định. Khởi nguồn của ngôi chợ là một khu chợ khởi thuỷ nằm ở bờ sông Bến Nghé, tại một bến gần thành Gia Định nên mới có tên Bến Thành. Từ năm 1858 đến năm 1911, chợ hoạt động khá tấp nập dù bị giặc Pháp chiếm đóng. Sau đó, do thời gian sử dụng dài, những gian hàng trong chợ đã cũ kĩ và có thể đổ sập bất cứ lúc nào nên chợ bị phá một phần với kế hoạch xây mới tại một vị trí khác.
Đến những năm 1911, người Pháp cho dời chợ về vị trí hiện tại, nằm giữa các đường Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Lê Thánh Tông, công viên Quách Thị Trang thuộc phường Bến Thành, cho xây dựng nên chợ Bến Thành từ một vùng đầm lầy. Năm 1912, chợ được khởi công xây dựng cho tới tháng 3 năm 1913 thì hoàn thành. Kể từ đó, chợ Bến Thành trở thành một khu chợ tấp nập dành cho những kẻ buôn người bán, cho người dân Sài Gòn.
Chợ có diện tích khoảng 13.056 m2, với khoảng 1437 sạp hàng và 6000 tiểu thương, 11 doanh nghiệp hoạt động liên tục. Mỗi ngày, chợ Bến Thành tiếp đón khoảng hơn 10.000 loạt khách hàng tới tham quan và mua sắm. Những sạp hàng trong chợ có đủ các loại mặt hàng từ hàng lẻ tới hàng sỉ, từ bình dân đến cao cấp. Những ngành hàng chủ yếu ở trong chợ Bến Thành là quần áo, vải sợi, hàng thủ công, giày dép, trái cây, rau củ quả, …
Về kiến trúc, thời gian đầu, chợ chỉ được xây dựng một cách thô sơ với các gian hàng bằng gạch, vách gỗ, lợp mái tranh, mái lá, … Tuy nhiên, có một khoảng thời gian, chợ bị cháy, vậy nên khi được xây dựng lại, chợ đã được nâng cấp vật liệu thành mái ngói, tôn. Sau năm 1912, chợ được xây bằng gạch và lợp mái gỗ. Nhìn từ bên ngoài, chợ Bến Thành như một tháp đồng hồ với kiến trúc cổ điển. Một chiếc đồng hồ lớn được đặt ngay phía mặt lớn của cổng chính diện, phía dưới là dòng chữ chợ Bến Thành. Hơn thế, cổng chợ còn điêu khắc các bức tranh nghệ thuật là các đặc sản của khu vực miền Nam Việt Nam.
Chợ Bến Thành gồm 4 cửa chính và 12 cửa phụ, được toả ra ở nhiều hướng khác nhau, đáp ứng nhu cầu của khách tham quan, mua sắm. Cứa phía Nam với tháp đồng hồ 3 mặt nằm ở đường Lê Lợi, đối diện công viên Quách Thị Trang, bày bán các gian hàng đồ khô, vải vóc, … Cổng phía Đông nằm ở mặt đường Phan Bội Châu, bày bán các loại bánh kẹo cũng như mỹ phẩm đa dạng. Cửa Tây nằm ở đường Phan Châu Trinh, bày bán các loại giày dép, hàng thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm cho mọi người có thể mua để mang về. Cửa phía Bắc là thiên đường của trái cây, hoa quả nhiệt đới tươi mát, nằm ở cung đường Lê Thánh Tông.
Chợ Bến Thành về đêm cũng là một địa điểm hấp dẫn thu hút những người trẻ tới tham quan, vui chơi. Với khoảng 200 các quầy hàng, các xe đẩy ở mặt đường Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, với đủ các mặt hàng như quần áo, đồ mỹ nghệ, … đặc biệt là các quầy hàng ăn uống đường phố như nướng, lẩu, … Chợ Bến Thành đã trở thành một trong những vị trí mà không vị khách du lịch nào có thể bỏ qua khi tới với thành phố Hồ Chí Minh.
Đến với chợ Bến Thành, khách tham quan có thể thưởng thức đủ các hương vị ở ba miền từ món chính tới món tráng miệng cũng như các loại chè, nước giải khát. Ngoài ra, các món ăn đến từ các quốc gia lân cận như Campuchia, Lào, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, … cũng không thiếu trong các gian hàng ở chợ Bến Thành. Dạo quanh một vòng chợ Bến Thành, bạn có thể mua cho mình đủ thứ quần áo, quà bánh, ăn các món ăn đặc sắc.
Chợ Bến Thành nằm ở vị trí ngay tại quận 1 nên khá dễ dàng để có thể ghé thăm chợ bằng bất cứ phương tiện nào cũng như khoảng thời gian nào. Bạn có thể đi bằng xe buýt tới chợ với các tuyến xe 01, 02, 03, 04, 18, 19, …đi bằng xe máy hay ô tô đều rất thuận tiện.
Có thể nói, chợ Bến Thành đã trở thành một phần không thể thiếu, một trong những biểu tượng đặc trưng của nơi đây. Đến với thành phố Hồ Chí Minh mà không ghé chợ Bến Thành tấp nập thì bạn sẽ không bao giờ biết được không khí, hương vị cũng như con người của vùng đất Sài Gòn xưa này.
——————–HẾT——————
Mỗi nơi đều có một biểu tượng, có một danh lam thắng cảnh đủ để níu chân du khách. Qua các bài Thuyết minh cầu Rồng Đà Nẵng, Thuyết minh về sông Hương, Thuyết minh về cố đô Huế, Thuyết minh về chùa Trấn Quốc chúng ta sẽ có thêm nhiều thông tin hữu ích về những cảnh đẹp, danh thắng trên khắp non sông Việt Nam.