Đề bài: Suy nghĩ về ước mơ và hạnh phúc của người phụ nữ Việt Nam qua bài Tự tình 2
Tìm hiểu dàn ý, văn mẫu nêu suy nghĩ về ước mơ và hạnh phúc của người phụ nữ Việt Nam qua bài Tự tình 2
I. Dàn ýSuy nghĩ về ước mơ và hạnh phúc của người phụ nữ Việt Nam qua bài Tự tình 2 (Chuẩn)
1. Mở bài
– Sơ lược về nhà thơ Hồ Xuân Hương và phong cách sáng tác.
– Giới thiệu bài thơ Tự tình II với nội dung về ước mơ và hạnh phúc của người phụ nữ Việt Nam.
2. Thân bài
Phân tích bài thơ để biểu đạt suy nghĩ. Trình bày sơ lược một số hiểu biết về bài thơ.
a. Hai câu đề:
– Tình cảnh của người thiếu phụ, cô đơn trong đêm vắng lặng, đợi chờ chồng đến mức chán chường.
– Nỗi phiền muộn bởi đêm tối quá tĩnh mịch quạnh hiu khiến con người ta tủi phận, buồn rầu, mà với Hồ Xuân Hương đó còn là sự bẽ bàng của số phận là thứ thiếp.
– Phản ánh số phận bất hạnh, éo le của người phụ nữ trong xã hội xưa.
=> Khóc thương, đớn đau, chua chát cho cái cuộc đời hồng nhan của mình, cũng như của rất nhiều nhiều những phụ nữ ngoài kia, hạnh phúc đối với họ trở thành thứ xa xỉ, bởi ở cái xã hội này làm gì có hạnh phúc cho phụ nữ đâu!
b. Hai câu thực:
– “Chén rượu hương đưa say lại tỉnh”: Cái vòng luẩn quẩn không hồi kết, càng trốn tránh nỗi cô đơn, khốn khổ của mình thì mỗi lúc tỉnh lại Hồ Xuân Hương lại càng thấm thía hơn về cuộc đời hồng nhan bạc phận của mình.
– “Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tàn”: Phản ánh chính hoàn cảnh của người thiếu phụ đã sắp đi qua hết thời thanh xuân, son sắc nhưng tình duyên đã 2 lần mà vẫn còn lận đận trái ngang.
=> Lời than vãn về số phận chung của những người phụ nữ dưới chế độ phong kiến hà khắc, nhất phu đa thê, người phụ nữ chưa bao giờ thực sự tìm được hạnh phúc cho riêng mình dù họ đã cố gắng và khao khát biết bao nhiêu.
c. Hai câu luận:
– Ý chí, cũng như khao khát cháy bỏng được thoát khỏi sự kìm kẹp của chế độ phong kiến, đòi quyền công bằng, khao khát hạnh phúc của người phụ nữ.
– Bà không muốn sống trong cái cảnh bị rẻ rúng coi thường, không muốn chịu kiếp chồng chung, muốn được tự do thể hiện cá tính và vui sống cuộc đời do mình làm chủ chứ không phải phụ thuộc vào ai khác.
d. Hai câu kết:
– Ý thức được sự chảy trôi của thời gian, thanh xuân của phụ nữ có hạn, chưa tìm được hạnh phúc đích thực thì tuổi già ập đến thực sự là nỗi chán ngán vô cùng tận.
– Hạnh phúc của người phụ nữ ở chế độ phong kiến không được trọn vẹn, vừa ít lại còn phải chia năm xẻ bảy, khiến họ vô cùng đau khổ và chán chường với lòng ghen và sự cô quạnh.
3. Kết bài
– Nêu cảm nhận cá nhân.
II. Bài văn mẫuSuy nghĩ về ước mơ và hạnh phúc của người phụ nữ Việt Nam qua bài Tự tình 2 (Chuẩn)
Trên thi đàn Việt Nam cũng như trong cả nền văn học Việt Nam chiếm số đông là các nhà thơ nam với số lượng tác phẩm đồ sộ và vô cùng phong phú về thể loại thế nhưng điều ấy cũng không có nghĩa là phận nữ nhi chẳng có tiếng tăm gì trên văn đàn, mặc dù xuất hiện ít ỏi nhưng các nhà thơ nữ vẫn có những đóng góp vô cùng quan trọng cho nền văn học dân tộc mà tiêu biểu nhất, nổi trội nhất phải kể đến nữ sĩ Hồ Xuân Hương, người được mệnh danh là bà chúa thơ Nôm trong văn học trung đại. Bên cạnh việc sáng tác hay và sáng tác nhiều, với ngòi bút sắc sảo, đôi lúc là đanh đá chua cay, Hồ Xuân Hương là một trong các nhà thơ hiếm hoi hiểu và viết về cuộc đời cũng như những vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ phong kiến một cách sâu sắc. Có lẽ rằng cuộc đời của bà cũng chịu nhiều bất hạnh, dẫu tài hoa mấy bậc nhưng cũng không có nổi nửa phần hạnh phúc, hai lần làm vợ thì cả hai lần chịu chịu cảnh làm thiếp, nên Hồ Xuân Hương lại càng ý thức được sâu sắc cái ước mơ, cái khao khát cháy bỏng về hạnh phúc của những người phụ nữ và đưa nó vào nhiều các tác phẩm của mình. Tự tình 2 cũng là một tác phẩm mang phong cách ấy của nữ sĩ.
Không biết rằng chùm thơ Tự Tình được viết vào khoảng thời gian nữ sĩ Hồ Xuân Hương còn chung sống với ông Tổng Cóc hay đã lần nữa tái giá với ông phủ Vĩnh Tường, nhưng dù viết vào giai đoạn nào thì ý thơ cũng chỉ có một đó là tâm tình của người thiếu phụ chịu cảnh chung chồng, thiếp thất. Đọc Tự Tình 2 ta luôn thấy một giọng thơ bén nhọn, nỗi buồn bực không cam của người phụ nữ đương buổi phòng không gối chiếc, mà chẳng biết rằng chồng mình đang ở phòng của người vợ nào khác. Nỗi cô đơn trống trải giày vò khiến Hồ Xuân Hương có những tư tưởng và những ý nghĩa táo bạo hòng muốn thoát khỏi cuộc đời trái ngang và bất công để tìm cho mình hạnh phúc khác.
Hai câu thơ đầu là tình cảnh của người thiếu phụ, cô đơn trong đêm vắng lặng, đợi chờ chồng đến mức chán chường.
“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn
Trơ cái hồng nhan với nước non”
Vốn dĩ rằng khoảng thời gian “đêm khuya” là lúc con người đã chìm vào giấc nồng để nghỉ ngơi sau một ngày mệt mỏi, để dưỡng thần, dưỡng sức, cũng là lúc những cặp vợ chồng son sắt tâm tình thủ thỉ chuyện sâu kín. Thì với Hồ Xuân Hương đêm khuya này bà không ngủ được, không ngủ có lẽ phần vì ghen chồng, phần vì tủi phận chán chường cho một kiếp hồng nhan dẫu có tài giỏi, có nhan sắc nhưng vẫn không thể giữ chồng ở bên cạnh mình. Trong nỗi cô đơn trống trải, nữ sĩ theo thức với đêm trường, là cái khoảnh khắc lặng yên mà con người dễ dàng suy nghĩ và nhìn nhận lại những gì đã qua, đặc biệt là nhìn nhận lại bản thân. Nhịp “trống canh dồn” báo hiệu bước đi vội vã của thời gian, thời gian cứ trôi đi nhưng đôi mắt hồng nhan không thể nào khép, trí lại tiếng trống canh ấy càng như tô đậm thêm cái vắng lặng, trống trải của không gian về đêm, cái cô đơn, trơ trọi, lẻ loi trong tâm hồn người phụ nữ. Đặc biệt nhất là nỗi phiền muộn bởi đêm tối quá tĩnh mịch quạnh hiu khiến con người ta tủi phận, buồn rầu, mà với Hồ Xuân Hương đó còn là sự bẽ bàng của số phận là thứ thiếp.
“Trơ cái hồng nhan với nước non”
Việc dùng từ táo bạo và khí khái mạnh mẽ dường như đã thành đặc sản trong thơ của nữ sĩ thế nên trong bài thơ này cũng vậy, một từ “Trơ” khiến người ta có cảm giác sao nó sắc bén và thẳng thắn quá mức, nó vừa là trơ trọi, cô đơn, lạc lõng và bẽ bàng và tủi hổ. Nhưng đồng thời cái “trơ” ấy lại dường như đang thể hiện một tính chất khác đó là sự chai lì, dạn dĩ, “trơ gan cùng tuế nguyệt” sẵn sàng thách thức cả thế gian, thách thức với màn đêm đang phủ kín cuộc đời. Cái từ “trơ” ấy kết hợp với vế tiểu đối trong câu “cái hồng nhan/nước non”, rõ ràng rằng đang phản ánh một hiện thực sâu sắc số phận bẽ bàng, nhỏ bé của người phụ nữ đang phải đương đầu với cả một xã hội phong kiến rộng lớn lắm quy củ, lắm đạo lý khiến người phụ nữ bị chèn ép. Họ một là phải chịu cảnh cô đơn, trơ trọi, lẻ loi, hai là phải trở nên chai lì, trơ cứng như đá sỏi để gồng gánh những áp lực nặng nề của chế độ trên vai. Ở đây ta còn thấy có một sự kết hợp rất hay, rất đặc sắc trong cụm từ “cái hồng nhan”, bởi xưa nay “hồng nhan” vẫn là từ ngữ để chỉ người phụ nữ đẹp, được trân trọng nâng niu, được săn đón và nó là một từ khá trang trọng thế nhưng Hồ Xuân Hương lại đem ghép với từ “cái” vốn chẳng ăn nhập gì, bởi từ này lại dùng để chỉ những thứ nhỏ bé, tầm thường, chẳng mấy ai coi trọng. Thế nhưng thực tế rằng khi kết hợp thành cụm “cái hồng nhan” thì người ta cũng ngộ ra cái ý của nữ sĩ rằng hồng nhan thời này cũng chẳng đáng mấy xu, cũng bị rẻ rúng coi thường như một món đồ bày trí mà đàn ông, xã hội phong kiến bất công là người có cái quyền lực to lớn ấy. Bà đang khóc thương, đang cười một cách đớn đau chua chát cho cái cuộc hồng nhan của mình cũng như của rất nhiều nhiều những phụ nữ ngoài kia, hạnh phúc đối với họ trở thành thứ xa xỉ, bởi ở cái xã hội này làm gì có hạnh phúc cho phụ nữ đâu!
Đó là hai câu đề, đến hai câu thực, ta lại càng thấm thía hơn cái nỗi buồn của bà chúa thơ Nôm những đêm phòng không gối chiếc dài dằng dặc, nỗi trống vắng, mệt mỏi ấy không phải ai cũng thấu hiểu.
“Chén rượu hương đưa say lại tỉnh
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”
Chén rượu xưa nay vốn chẳng phải là quen thuộc với phận hồng nhan thế nhưng với một người đang chán ngán, buồn tủi thì chén rượu nồng say lại là liều thuốc tốt nhất để bà được quên đi những nỗi sầu khổ về kiếp chung chồng, kiếp hồng nhan rẻ rúng, cô quạnh. Thế nhưng giá như rượu uống vào mà quên được thì cũng cố uống cho quên, khổ nỗi nó cứ “say lại tỉnh”, như một cái vòng luẩn quẩn không hồi kết, vừa mới quên đi được chút thì lại tỉnh lai để đối mặt với đớn đau, bất hạnh, nó như một loại khổ hình tinh thần cứ trở đi trở lại giày vò tâm hồn của nữ sĩ. Và cứ càng trốn tránh nỗi cô đơn, khốn khổ của mình thì mỗi lúc tỉnh lại Hồ Xuân Hương lại càng thấm thía hơn về cuộc đời hồng nhan bạc phận của mình, bởi càng say lại càng tỉnh. Câu thơ “Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn” chính là cái nhận thức sâu sắc của nữ sĩ về cuộc đời mình sau những say tỉnh liên miên như thế, nó không chỉ đơn thuần báo hiệu rằng đêm tối sắp tàn, người chồng bà chờ đã yên giấc tại nơi nào đó, mà nó còn thực tế phản ánh chính hoàn cảnh của người thiếu phụ đã sắp đi qua hết thời thanh xuân, son sắc nhưng tình duyên đã 2 lần mà vẫn còn lận đận trái ngang. Hồ Xuân Hương vẫn chưa thể tìm cho mình một người chồng của riêng bà, vẫn chưa thể hằng đêm đầu gối tay ấp, thủ thỉ văn chương, tâm tình, mà bà vẫn phải đắng cay, hậm hực lòng ghen chứng kiến chồng mình san sẻ tình cảm cho những người phụ nữ khác, điều ấy khiến bà không thể cam lòng mà trách phận. Hai câu thơ ấy là lời than vãn về số phận chung của những người phụ nữ dưới chế độ phong kiến hà khắc, nhất phu đa thê, người phụ nữ chưa bao giờ thực sự tìm được hạnh phúc cho riêng mình dù họ đã cố gắng và khao khát biết bao nhiêu.
Sau những đắng cay, buồn tủi trong sự cô đơn, lẻ bóng thì Hồ Xuân Hương đã từng có riêng cho mình những ý nghĩ đột phá, chống lại số phận, để đi tìm cho mình một cuộc sống hạnh phúc trong hai câu thực.
“Xiên ngang mặt đất rêu từng đám
Đâm toạc chân mây đá mấy hòn”
Nỗi phẫn uất, tức giận của nữ sĩ được thể hiện một cách rất mạnh mẽ và có phần đanh đá thông qua lối nói đảo ngược, những hình ảnh thiên nhiên vốn vô cùng bình thường, xuất hiện đầy rẫy trong trời đất nhưng vào thơ bà đã mang một dáng vẻ khác, dường như tất cả chúng đều mang một nỗi tức giận, chất chứa những tình cảm đè nén trong lòng bấy lâu giống như tâm trạng của Hồ Xuân Hương. Có thể nói rằng bút pháp nghệ thuật trong hai câu thơ này khá tương tự với bút pháp tả cảnh ngụ tình của Nguyễn Du “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, bởi khi con người mang một tâm hồn bức xúc, đè nén, phẫn uất thì dẫu có là vạn vật vô hại vào đôi mắt rực lửa của thi nhân cũng trở thành cảnh phản kháng, đối nghịch. Rêu vốn là thực thể mềm yếu, nhỏ bé giống hệt như người phụ nữ chân yếu tay mềm, còn đá thì xưa nay vẫn trơ cứng, chai lì, tĩnh tại về mặt cảm xúc đem đến cảm giác cam chịu của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến. Nhưng đến khi vào thơ, giọng điệu ngang ngạnh thách thức của Hồ Xuân Hương đã khoác cho chúng một tầng áo mới, một dáng vẻ mới, rêu và đá sẵn sàng phá vỡ mọi thứ ràng buộc và ngăn trở chúng, để được trở nên mạnh mẽ, tận hưởng quan cảnh đất trời, thoát khỏi cái lớp vpr bọc mềm yếu, nhẫn nại xưa nay. Qua hai hình ảnh rêu và đá người ta thấy rất rõ cái ý chí, cũng như khao khát cháy bỏng được thoát khỏi sự kìm kẹp của chế độ phong kiến, đòi quyền công bằng, khao khát hạnh phúc của người phụ nữ, bà không muốn sống trong cái cảnh bị rẻ rúng coi thường, không muốn chịu kiếp chồng chung, muốn được tự do thể hiện cá tính và vui sống cuộc đời do mình làm chủ chứ không phải phụ thuộc vào ai khác.
Thế nhưng dẫu có khao khát mãnh liệt, có mạnh mẽ phản kháng đến bao nhiêu lần đi chăng nữa thì bất hạnh thay Hồ Xuân Hương vẫn chẳng thể thoát khỏi cái ách kìm kẹp của xã hội cũ, bà vẫn bị ép quay về với cuộc đời hiện thực, tiếp tục gặm nhấm nỗi cô đơn chán chường, trong một kiếp nhân sinh bất hạnh.
“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con”
Cũng như nhiều người phụ nữ khác, Hồ Xuân Hương cũng chán ngán cái cảnh mùa xuân đi rồi mùa xuân lại đến, đôi lúc có người hỏi sao lại có người chán ngán cái mùa xuân tươi đẹp đến thế. Nhưng mấy ai hiểu rằng tuổi tác luôn là nỗi đau của người phụ nữ, khi họ ý thức được sự chảy trôi của thời gian thì cũng đồng nghĩa với việc thừa nhận bản thân mình đang già đi theo năm tháng. Mà đặc biệt với Hồ Xuân Hương một người đàn bà có nhan sắc có phẩm chất, nhưng lại chưa tìm được hạnh phúc đích thực thì tuổi già ập đến thực sự là nỗi chán ngán vô cùng tận. Nghịch cảnh ấy của người phụ nữ càng trở nên sâu sắc khi chút hạnh phúc họ gom góp được cũng bị san sẻ mấy hồi, thuở xưa nam nhi chí ở bốn phương, nào có quan tâm gì đến chuyện nhi nữ thường tình, đối với họ phụ nữ chỉ là để tề gia, để vui vầy trong lúc rảnh rỗi, hiếm thấy người đàn ông nào thật sự nặng tình. Chính vì thế cái mà người phụ nữ nhận được chỉ là “mảnh tình”, thậm chí vớ cảnh chung chồng, thiếp thất thì chút tình ấy họ cũng chỉ được “san sẻ tí con con”, ít ỏi đến đáng thương. Như vậy hỏi làm sao mà một người phụ nữ như Hồ Xuân Hương không chán ngán, không cô đơn muốn tự giải thoát để tìm hạnh phúc thực sự và bà cũng đã từng làm vậy thật, từ bỏ kiếp vợ lẽ của ông Tổng Cóc để tìm kiếm tình yêu nơi ông phủ Vĩnh Tường, dù chỉ làm lẽ lần nữa nhưng thiết nghĩ rằng ít nhất bà cũng có phần hạnh phúc hơn, chỉ tiếc rằng ông phủ qua đời sớm quá, để lại ỏng lòng bà nỗi nuối tiếc khôn nguôi.
Bài thơ vừa là lời than thân đầy đau xót, cô đơn, trống trải của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến, sự phản kháng mạnh mẽ, đanh đá của nữ sĩ Hồ Xuân Hương trước cuộc đời đầy trái ngang. Đồng thời cũng thể hiện rõ những khao khát được hạnh phúc, niềm ước mơ được hưởng chế độ công bằng, được tự do thể hiện cá tính, cũng như tự do thể hiện tình yêu, cùng niềm hy vọng cuộc sống một chồng một vợ yên ấm của người phụ nữ xưa dù rằng điều đó khó có thể xảy ra.
—————————
Tự tình 2 là bài thơ thể hiện được những tâm sự và khát khao hạnh phúc của Hồ Xuân Hương cũng như bao người phụ nữ trong xã hội xưa, tìm hiểu chi tiết về bài thơ, bên cạnh bàiSuy nghĩ về ước mơ và hạnh phúc của người phụ nữ Việt Nam qua bài Tự tình 2, các em có thể tham khảo thêm một số bài văn hay lớp 11 khác như:Phân tích bài Tự tình 2 của Hồ Xuân Hương, Bình giảng bài thơ Tự Tình 2: Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn… Mảnh tình san sẻ tí con con, Phân tích hai câu luận và hai câu kết bài Tự Tình 2, Hình tượng người phụ nữ Việt Nam trong xã hội cũ qua Tự Tình II và Thương vợ