Tổng hợp

Tài sản công là gì? Quy định sử dụng và quản lý tài sản công?

Cùng Trường TCSP Mẫu giáo – Nhà trẻ Hà Nội tìm hiểu Tài sản công là gì? Quy định sử dụng và quản lý tài sản công như thế nào?

Tài sản công là gì? Tài sản công ở cấp chính quyền địa phương là gì? Thẩm quyền, trách nhiệm và cơ chế giám sát quản lý, sử dụng tào sản công ở địa phương được quy định như thế nào? Trường TCSP Mẫu giáo – Nhà trẻ Hà Nội đã sưu tầm và biên tập trong nội dung bài viết dưới đây:

Tài sản công là gì? Các định nghĩa liên quan đến tài sản công

Tài sản công được định nghĩa như sau:

Tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm: tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; tài sản công tại doanh nghiệp; tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sáchdự trữ ngoại hối nhà nước; đất đai và các loại tài nguyên khác.

Đi liền với tài sản công là các định nghĩa (khái niệm) có liên quan, bao gồm:

Nguồn lực tài chính từ tài sản công là tổng hợp các khả năng có thể khai thác được từ tài sản công thông qua các hình thức theo quy định của pháp luật nhằm tạo lập nguồn tài chính phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Trụ sở làm việc là đất, nhà làm việc và tài sản khác gắn liền với đất phục vụ hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội.

Cơ sở hoạt động sự nghiệp là đất, nhà làm việc, công trình sự nghiệp và tài sản khác gắn liền với đất phục vụ hoạt động quản lý và cung cấp dịch vụ công của đơn vị sự nghiệp công lập.

Tài sản đặc biệt tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân là tài sản công được sử dụng trong chiến đấu, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và nghiệp vụ quốc phòng, an ninh của lực lượng vũ trang nhân dân.

Tài sản chuyên dùng là những tài sản có cấu tạo, công năng sử dụng đặc thù được sử dụng trong một số ngành, lĩnh vực.

Đấu giá tài sản công là hình thức bán tài sản công theo nguyên tắc và trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.

Bán trực tiếp tài sản công là hình thức bán tài sản công thông qua việc niêm yết giá hoặc chỉ định người mua tài sản.

Sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết là việc cơ quan, người có thẩm quyền cho phép sử dụng tài sản công để hợp tác với tổ chức, đơn vị, cá nhân thực hiện hoạt động kinh doanh có thời hạn theo quy định của pháp luật, bảo đảm lợi ích của Nhà nước.

Dự án sử dụng vốn nhà nước là các chương trình, dự án, đề án đầu tư phát triển, nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước, vốn từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh.

Tài sản bị tịch thu là tài sản thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân bị tịch thu theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền.

Hệ thống thông tin về tài sản công là hệ thống tổng hợp các yếu tố hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, phần mềm, dữ liệu và quy trình, thủ tục được xây dựng để thu thập, lưu trữ, cập nhật, xử lý, phân tích, tổng hợp và truy xuất thông tin về tài sản công.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công là tập hợp các dữ liệu về tài sản công được sắp xếp, tổ chức để truy cập, khai thác, quản lý và cập nhật thông qua phương tiện điện tử.

Phân loại tài sản công

Theo Luật số 15/2017/QH14 về việc Quản lý, sử dụng tài sản công; Tài sản công được phân loại như sau:

1. Tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh của cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội, trừ tài sản quy định tại khoản 4 Điều này (sau đây gọi là tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị);

2. Tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng là các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, công trình kết cấu hạ tầng xã hội và vùng đất, vùng nước, vùng biển gắn với công trình kết cấu hạ tầng, bao gồm: hạ tầng giao thông, hạ tầng cung cấp điện, hạ tầng thủy lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng đô thị, hạ tầng cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, hạ tầng thương mại, hạ tầng thông tin, hạ tầng giáo dục và đào tạo, hạ tầng khoa học và công nghệ, hạ tầng y tế, hạ tầng văn hóa, hạ tầng thể thao, hạ tầng du lịch và hạ tầng khác theo quy định của pháp luật (sau đây gọi là tài sản kết cấu hạ tầng);

3. Tài sản công tại doanh nghiệp;

4. Tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước;

5. Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật bao gồm: tài sản bị tịch thu; tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy, tài sản không có người nhận thừa kế và tài sản khác thuộc về Nhà nước theo quy định của Bộ luật Dân sự; tài sản do chủ sở hữu tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước; tài sản do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giao không bồi hoàn cho Nhà nước Việt Nam theo cam kết sau khi kết thúc thời hạn hoạt động; tài sản được đầu tư theo hình thức đối tác công tư được chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam theo hợp đồng dự án;

6. Tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và dự trữ ngoại hối nhà nước;

7. Đất đai; tài nguyên nước, tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, kho số viễn thông và kho số khác phục vụ quản lý nhà nước, tài nguyên Internet, phổ tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh và các tài nguyên khác do Nhà nước quản lý theo quy định của pháp luật.

Quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công ở chính quyền địa phương

Tài sản công ở cấp chính quyền địa phương

Tài sản công được giao cho các cấp chính quyền địa phương trực tiếp quản lý, sử dụng bao gồm tài sản được sử dụng với tư cách là nguồn lực phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao và các tài sản công khác mà chính quyền địa phương có trách nhiệm quản lý để bảo vệ và đưa vào khai thác nhằm phát huy giá trị, phục vụ cho sự phát triển kinh tế – xã hội. Điều này cũng có nghĩa là, việc thực hiện quyền quản lý, sử dụng tài sản công ở cấp chính quyền địa phương chính là một phần quan trọng của việc thực thi chế độ sở hữu toàn dân.

Chính quyền địa phương được giao thực thi những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng tại địa phương và đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển chung của quốc gia. Nguồn lực cần thiết phục vụ cho việc thực hiện các nhiệm vụ này là rất lớn. Bên cạnh đó, các tài sản công khác như tài nguyên tự nhiên, di sản văn hoá, các cơ sở hạ tầng về cơ bản đều toạ lạc ở một địa phương cụ thể. Do vậy, tài sản công do chính quyền địa phương quản lý chiếm tỷ trọng lớn trong tài sản của quốc gia.

Thẩm quyền quản lý, sử dụng tài sản công ở cấp chính quyền địa phương

Thẩm quyền quản lý, sử dụng tài sản công của chính quyền địa phương được xác lập dựa trên các phương diện (i) phân cấp hành chính, (ii) tổ chức quyền lực nhà nước và mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân và (iii) quyền năng về mặt dân sự.

Khía cạnh phân cấp hành chính trong quản lý, sử dụng tài sản công thể hiện ở việc chính quyền địa phương được chính quyền trung ương chuyển giao các quyền hạn và trách nhiệm trong quản lý tài sản công. Việc phân cấp về mặt hành chính đòi hỏi việc xác định thẩm quyền về quản lý tài sản phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan được giao quản lý, sử dụng tài sản. Việc phân cấp cũng đòi hỏi thiết lập các định mức, quy trình quản lý, sử dụng tài sản rõ ràng, minh bạch để các cơ quan địa phương thực thi thẩm quyền quản lý, sử dụng tài sản của mình. Việc phân cấp giúp chính quyền trung ương tập trung vào việc hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược, quy hoạch về quản lý tài sản, khi mà các hoạt động thực thi về cơ bản đã được chuyển giao cho chính quyền địa phương. Chính quyền trung ương chỉ ra các quyết định cụ thể đối với các tài sản có ý nghĩa quan trọng.

Đối với khía cạnh tổ chức quyền lực nhà nước và mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân, việc thực hiện quản lý, sử dụng tài sản công ở cấp chính quyền địa phương là kênh quan trọng để tăng cường mối quan hệ giữa chính quyền và người dân địa phương, là cơ sở để chính quyền địa phương thực hiện cam kết với người dân địa phương trong đảm bảo các dịch vụ công cơ bản (giáo dục, y tế, vệ sinh môi trường, chiếu sáng. v.v..) bảo vệ, giữ gìn tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hoá tại địa phương. Điều này cũng đòi hỏi bản thân chính quyền địa phương phải có một không gian nhất định để có thể chủ động ra quyết định phù hợp với những điều kiện đặc thù địa phương và với các quy tắc chung về quản lý, sử dụng tài sản công.

Ở khía cạnh dân sự, thẩm quyền quản lý, sử dụng tài sản công của chính quyền địa phương bao hàm việc mang lại cho chính quyền địa phương quyền chủ động tiến hành các giao dịch dân sự, ký kết hợp đồng phục vụ cho quá trình quản lý, sử dụng tài sản cũng như chịu trách nhiệm dân sự (trách nhiệm tài sản) khi thực hiện các hành vi này.

Chế độ trách nhiệm quản lý, sử dụng tài sản công ở cấp chính quyền địa phương

Xuất phát từ đặc thù về thẩm quyền như đã nêu ở trên, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý, sử dụng tài sản công bao gồm cả trách nhiệm hành chính, trách nhiệm chính trị và trách nhiệm dân sự.

Trách nhiệm hành chính phát sinh từ yêu cầu tuân thủ các quy định về nhiệm vụ, thẩm quyền quản lý, sử dụng tài sản; yêu cầu tuân thủ các quy trình và định mức áp dụng đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công và yêu cầu tuân thủ các nguyên tắc, mục tiêu của việc quản lý tài sản. Việc không tuân thủ các quy tắc này sẽ dẫn đến việc chủ thể quản lý phải chịu các hình thức kỷ luật hoặc có thể bị truy tố về mặt hình sự.

Ngoài trách nhiệm hành chính, chính quyền địa phương cũng phải chịu trách nhiệm về mặt dân sự. Đây là trách nhiệm đối với các đối tác khi ký kết, thực thi các hợp đồng phát sinh từ quá trình quản lý, sử dụng tài sản và trách nhiệm ngoài hợp đồng đối với những thiệt hại gây ra trong quá trình thực thi quyền quản lý, sử dụng tài sản.

Bên cạnh các trách nhiệm pháp lý hành chính và dân sự, chính quyền địa phương cũng phải chịu trách nhiệm chính trị, được hiểu là “chế độ trách nhiệm đòi hỏi các quan chức (chính trị) phải có được sự tín nhiệm của nhân dân hoặc của những người đại diện cho nhân dân”. Xem xét mức độ tín nhiệm của người dân đối với hoạt động quản lý, sử dụng tài sản của chính quyền địa phương là một trong những yếu tố quan trọng để có thể thúc đẩy hơn hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công của chính quyền địa phương. Trách nhiệm chính trị đòi hỏi chính quyền địa phương phải giải trình trước người dân địa phương trong việc đảm bảo quản lý, sử dụng tài sản công tại địa phương đúng mục đích, hiệu quả và mang lại lợi ích chung cho người dân. Pháp luật cần có những cơ chế cần thiết để đảm bảo thực hiện chế độ trách nhiệm này.

Cơ chế giám sát quản lý, sử dụng tài sản công ở cấp chính quyền địa phương

Do thẩm quyền và trách nhiệm trong quản lý, sử dụng tài sản công của chính quyền địa phương không chỉ được thiết lập trên phương diện hành chính mà cả phương diện chính trị và dân sự, việc giám sát không chỉ được thực hiện theo cơ chế hành chính, bởi cơ quan cấp trên với cấp dưới (từ trên xuống) mà còn cần được thực hiện bởi người dân đối với cơ quan quản lý ở địa phương (từ dưới lên). Do vậy, bên cạnh các quy định về thanh tra, kiểm tra, pháp luật cần thiết lập cơ chế giám sát cộng đồng đối với quá trình quản lý, sử dụng các tài sản công tại địa phương thông qua việc trao quyền và tạo động lực. Quá trình quản lý, sử dụng tài sản công ở địa phương phải được minh bạch hoá, người dân địa phương phải được hưởng lợi từ quá trình này, được tham gia vào quá trình ra các quyết định quan trọng có ảnh hưởng đến lợi ích của họ. Để giám sát có hiệu quả, người dân cũng cần được yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin về tài sản công, về quá trình quản lý, sử dụng các tài sản này và đưa ra những ý kiến của mình.

Pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công ở cấp chính quyền địa phương

Pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công ở cấp chính quyền địa phương ở Việt Nam đã trải qua một quá trình hoàn thiện cùng với quá trình hoàn thiện pháp luật về quản lý tài sản công nói chung. Từ năm 1998, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 14/1998/NĐ-CP ngày 06/3/1998 về quản lý tài sản nhà nước, sau đó là Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008 và gần đây là Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017. Các văn bản này cho thấy, pháp luật về quản lý và sử dụng tài sản công ở cấp chính quyền địa phương ở Việt Nam chủ yếu được nhìn nhận ở góc độ pháp luật hành chính, trong đó chủ yếu là tài chính công.

Theo đó, tài sản do cấp nào quản lý thì cấp đó quyết định việc đầu tư, mua sắm, sử dụng: Bộ Tài chính thực hiện quản lý nhà nước đối với tài sản công tại khu vực hành chính sự nghiệp, tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước…; việc quản lý nhà nước đối với tài nguyên, đất đai, tài sản hạ tầng do các Bộ chuyên ngành thực hiện; việc định giá đất do các cơ quan chức năng của địa phương xác định và UBND cấp tỉnh quyết định…

Cách phân định thẩm quyền như trên cho thấy sự chi phối của phương diện phân cấp hành chính, trong khi yếu tố chính trị hay dân sự chưa được chú trọng một cách thích đáng. Sự chi phối của phương diện hành chính cũng thể hiện trong các quy định về chế độ trách nhiệm và cơ chế giám sát đối với quản lý, sử dụng tài sản ở cấp chính quyền địa phương. Các quy định về chế độ trách nhiệm chủ yếu mang tính hành chính, trách nhiệm về dân sự và chính trị thiếu rõ nét.

Khi thực thi quyền quản lý và sử dụng tài sản, chính quyền địa phương chủ yếu chịu trách nhiệm trước cấp trên. Trách nhiệm dân sự mặc dù đã được quy định nhưng chưa rõ ràng và chưa có cơ chế đảm bảo thực hiện. Thông thường, việc thực hiện các trách nhiệm dân sự, nếu có phát sinh, cũng thuộc quyền quyết định của cơ quan cấp trên và trong trường hợp cơ quan cấp trên chấp thuận, việc thực hiện trách nhiệm sẽ được đảm bảo. Ngược lại, nếu cơ quan cấp trên không chấp nhận, trách nhiệm dân sự sẽ khó được thực hiện. Đặc biệt, việc quản lý, sử dụng tài sản của chính quyền địa phương cũng ít được gắn với trách nhiệm chính trị. Điều này gia tăng sự lệ thuộc của chính quyền địa phương vào chính quyền trung ương ngay cả trong các quyết định cụ thể về quản lý, sử dụng tài sản, trong khi chính quyền trung ương không phải lúc nào cũng nắm bắt được thực tiễn địa phương.

Việc giám sát đối với quản lý, sử dụng tài sản công ở cấp chính quyền địa phương hiện nay chủ yếu được thực hiện bằng cơ chế hành chính, thông qua thanh tra và kiểm tra hành chính. Vai trò giám sát của nhân dân chủ yếu được thực hiện bởi cơ chế đại diện, thông qua Hội đồng nhân dân, chưa hình thành cơ chế giám sát cộng đồng. Hơn nữa, do thiếu cơ sở là trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương trước người dân nên việc giám sát khó có thể đạt hiệu quả.

Như vậy, ở Việt Nam hiện nay, pháp luật về quản lý và sử dụng tài sản công ở cấp chính quyền địa phương chủ yếu dựa vào cơ chế hành chính. Mặc dù áp dụng cơ chế hành chính là cần thiết, tuy nhiên, việc chỉ chú trọng vào yêu cầu tuân thủ, chưa chú ý đến phát huy vai trò chủ động của chính quyền địa phương cũng như chưa chú ý phát huy vai trò của người dân địa phương với tư cách là thành phần của sở hữu toàn dân và là người trực tiếp tương tác với các tài sản công tại địa phương có thể coi là điểm thiếu sót trong cơ chế về quản lý, sử dụng tài sản công ở cấp chính quyền địa phương hiện nay.

Những bất cập nêu trên phần nào lý giải cho những vấn đề nổi cộm phát sinh trong thực tiễn quản lý, sử dụng tài sản công ở cấp chính quyền địa phương, được phản ánh khá nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, bao gồm tình trạng tham nhũng, đặc biệt là việc tham nhũng liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai; tình trạng khai thác tài nguyên tràn lan, trong đó có nạn phá rừng; tình trạng lãng phí trong quản lý tài sản công… Đáng chú ý, những vụ việc được phát hiện chủ yếu thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan cấp trên, ít có trường hợp là kết quả của việc người dân lên tiếng. Do vậy, thời điểm phát hiện thường khá muộn và hậu quả khó khắc phục. Những vấn đề này có thể được giảm thiểu nếu những bất cập về mặt pháp lý như trên được khắc phục, bởi khi đó trách nhiệm của chính quyền trước người dân địa phương rõ ràng hơn và người dân có cơ chế đầy đủ hơn để hưởng lợi cũng như tham gia một cách hữu hiệu vào quá trình quản lý và sử dụng tài sản công tại địa phương.

Qua bài viết ở trên, Trường TCSP Mẫu giáo – Nhà trẻ Hà Nội đã giúp các bạn hiểu rõ Tài sản công là gì? Tài sản công gồm có những loại nào? Quy định về việc quản lý và sử dụng tài sản công tại chính quyền địa phương. Các bạn có thể truy cập website Trường TCSP Mẫu giáo – Nhà trẻ Hà Nội để tìm hiểu những bài viết hay, hữu ích phục vụ quá trình thi cử của mình.

Bản quyền bài viết thuộc trường trung học phổ thông Sóc Trăng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường THPT Thành Phố Sóc Trăng (thptsoctrang.edu.vn)

Nguyễn Thị Hương Thủy

Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội và hiện đang tham gia giảng dạy môn Ngữ Văn tại trường THPT Chu Văn An. Cô có 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, dẫn dắt nhiều thế hệ học sinh đạt những thành tích cao và đặt chân vào các trường đại học danh tiếng. Cô gặt hái được rất nhiều thành công trong sự nghiệp: giải Nhì trong cuộc thi giáo viên giỏi do thành phố Hà Nội tổ chức, tham gia giảng dạy đội tuyển Học sinh giỏi Quốc gia.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button