Lớp 9

Phân tích ý nghĩa nhan đề của Bài thơ về tiểu đội xe không kính

Đề bài: Phân tích ý nghĩa nhan đề của Bài thơ về tiểu đội xe không kính

phan tich y nghia nhan de cua bai tho ve tieu doi xe khong kinh

Phân tích ý nghĩa nhan đề của Bài thơ về tiểu đội xe không kính

I. Dàn ýPhân tích ý nghĩa nhan đề của Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu khái quát về bài thơ và nhan đề “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”.

2. Thân bài

* Nhận xét khái quát về nhan đề:
– Nhan đề dài, đọc lên có cảm giác hơi dư thừa
– Sự kết hợp độc đáo, hình ảnh lạ lùng chưa từng bắt gặp trong thơ văn trước đó.

* Phân tích ý nghĩa nhan đề:

– “Bài thơ” được kết hợp với “tiểu đội xe không kính”, một sự kết hợp kì lạ nhưng lại tạo nên chất thơ, sự khác lạ và độc đáo cho bài thơ.
+ “Bài thơ” được đặt đầu câu không hề dư thừa mà nó nhấn mạnh đến chất thơ, cũng gợi ra vẻ đẹp lãng mạn, thơ mộng của những người lính lái xe.
+ “xe không kính” gợi ấn tượng về những chiếc xe bị hư hỏng, không hoàn hảo.

– Ý nghĩa:
+ Hé mở về “đối tượng” đặc biệt xuyên suốt bài thơ – những chiếc xe không kính
+ Khẳng định quan niệm mới mẻ về nghệ thuật: Cái đẹp nằm trong chính những sự vật bình thường nhất của đời sống, thậm chí trần trụi, bị tàn phá khốc liệt.
=> Nhà thơ đã khai thái chất thơ từ hiện thực khốc liệt của chiến tranh qua những chiếc xe không kính để làm nổi bật lên vẻ đẹp của sự kiên cường, dũng cảm của những người lính.
– Cách đặt nhan đề thể hiện rõ nét phong cách sáng tác của nhà thơ-chiến sĩ Phạm Tiến Duật: Sôi nổi, tinh nghịch nhưng cũng tràn đầy niềm tin vào cuộc sống, vào cuộc chiến đấu.

3. Kết bài

Cảm nghĩ chung

II. Bài văn mẫuPhân tích ý nghĩa nhan đề của Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Chuẩn)

Bài thơ về tiểu đội xe không kính là bản anh hùng ca hào hùng, sôi nổi về những người lính lái xe làm việc trên tuyến đường Trường Sơn xưa. Có thể thấy, ngay từ phần nhan đề, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã mang đến cho người đọc những ấn tượng mạnh mẽ về độ dài của nhan đề và hình ảnh độc, lạ của những chiếc xe không kính.

Nhan đề “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” vừa đọc lên có cảm giác hơi dài và có chút dư thừa. “Bài thơ” được kết hợp với “tiểu đội xe không kính”, một sự kết hợp kì lạ nhưng lại tạo nên chất thơ, sự khác lạ và độc đáo cho bài thơ. Nếu đã đọc hết nội dung của bài thơ thì chúng ta sẽ nhận thấy rằng cách đặt nhan đề không hề qua loa, tùy ý mà rất được dụng tâm của nhà thơ Phạm Tiến Duật. “Bài thơ” được đặt đầu câu không hề dư thừa mà nó nhấn mạnh đến chất thơ, cũng gợi ra vẻ đẹp lãng mạn, thơ mộng của những người lính lái xe. “xe không kính” có lẽ là hình ảnh tạo ấn tượng mạnh mẽ hơn cả, nó gợi ấn tượng về những chiếc xe bị hư hỏng, không hoàn hảo. Đến đây chúng ta lại thấy tò mò, có chút nghi ngờ vì những chiếc xe không đẹp, có phần “trần trụi”, thiếu thốn như vậy thì có liên quan gì đến cái đẹp, đến chất thơ được gợi nhắc qua hai tiếng “Bài thơ”?

Tuy nhiên, sự kết hợp ấy không hề ngẫu nhiên. Qua nhan đề bài thơ, Phạm Tiến Duật không chỉ hé mở về “đối tượng” đặc biệt xuyên suốt bài thơ – những chiếc xe không kính mà còn khẳng định quan niệm mới mẻ về nghệ thuật: Cái đẹp nằm trong chính những sự vật bình thường nhất của đời sống, thậm chí trần trụi, bị tàn phá khốc liệt. Những chiếc xe vốn hoàn hảo nhưng bị tàn phá nặng nề của bom đạn chiến tranh mà trở nên méo mó, biến dạng. Nhà thơ đã khai thái chất thơ từ hiện thực khốc liệt của chiến tranh qua những chiếc xe không kính không phải nhấn mạnh đến cái khắc nghiệt của hoàn cảnh mà để làm nổi bật lên vẻ đẹp của sự kiên cường, dũng cảm, dám đương đầu với những thử thách, gian khổ của những người lính lái xe trong chiến tranh.

Cách đặt nhan đề cũng đã thể hiện rõ nét phong cách sáng tác của nhà thơ-chiến sĩ Phạm Tiến Duật: Sôi nổi, tinh nghịch nhưng cũng tràn đầy niềm tin vào cuộc sống, vào cuộc chiến đấu.

Nhan đề “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” không chỉ làm tốt vai trò của một nhan đề bình thường, góp phần hé mở nội dung, tư tưởng bài thơ mà còn tạo ra sức hấp dẫn lạ kì, kích thích sự tìm hiểu, khám phá của người đọc. Mặt khác, cái độc, lạ của nhan đề “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” cũng góp tên mình vào danh sách bài thơ có nhan đề ấn tượng bậc nhất của thơ ca kháng chiến.

————–HẾT—————-

Qua những phân tích trên đây, hi vọng rằng các em đã hiểu được ý nghĩa, nội dung tư tưởng được gửi gắm qua nhan đề Bài thơ về tiểu đội xe không kính. Bên cạnh đó, các em cũng có thể tham khảo thêm những bài văn mẫu đặc sắc khác như: Cảm nhận của em về Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Vẻ đẹp người chiến sĩ trong tác phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính và Những ngôi sao xa xôi, Phân tích bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Phân tích hình tượng chiếc xe không kính trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính.

Nguyễn Thị Hương Thủy

Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội và hiện đang tham gia giảng dạy môn Ngữ Văn tại trường THPT Chu Văn An. Cô có 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, dẫn dắt nhiều thế hệ học sinh đạt những thành tích cao và đặt chân vào các trường đại học danh tiếng. Cô gặt hái được rất nhiều thành công trong sự nghiệp: giải Nhì trong cuộc thi giáo viên giỏi do thành phố Hà Nội tổ chức, tham gia giảng dạy đội tuyển Học sinh giỏi Quốc gia.
Back to top button