Lớp 11

Phân tích truyện ngắn Người trong bao của Sê-khốp

Đề bài: Phân tích truyện ngắn Người trong bao của Sê-khốp

phan tich truyen ngan nguoi trong bao cua se khop

Phân tích truyện ngắn Người trong bao của Sê-khốp

I. Dàn ýPhân tích truyện ngắn Người trong bao của Sê-khốp

1. Mở bài:

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm Người trong bao.

2. Thân bài:

a. Sự kỳ dị đến từ ngoại hình, trang phục, thói quen:
– Bê-li-cốp “bao” tất cả mọi thứ trong một cái vỏ bọc, kể cả bản thân mình:
+ Ngay cả những lúc thời tiết mát mẻ, đẹp trời Bê-li-cốp cũng vẫn giữ nguyên phong cách “đi giày cao su, cầm ô, và nhất thiết là mặc áo bành tô ấm cốt bông”.
+ Cổ áo bành tô lúc nào cũng dựng lên che giấu gần như hết khuôn mặt, đeo kính râm, mặc áo bông trần, nhét bông bịt tai, thậm chí đi xe cũng phải kéo mui xe lên.
+ Những đồ vật bên cạnh nhân vật này đều có bao: ô để trong bao, chiếc đồng hồ quả quýt để trong bao bằng da hươu, dao để trong bao,…
+ Ngôi nhà trông như cái hộp, đích xác là một cái hộp kín mít, không mở cửa sổ bao giờ, mặc cho hơi nóng ngột ngạt nhưng bản thân hắn vẫn trùm chăn thật kín đầu.
=> Nỗ lực tách biệt mình khỏi thế giới, bảo vệ mình một cách cực đoan, lập dị, thậm chí trông như đang sợ hãi trốn tránh điều gì đó mà không ai hiểu được.

b. Lối sống và tâm hồn:
– Dạy tiếng Hy-lạp một thứ tiếng cổ, xem nó cũng như đôi giày cao su, như những chiếc ô, sự cổ kính, nguyên bản, không bao giờ sai sót.
– Luôn “ngợi ca quá khứ, ngợi ca những gì không có thật”.
– “duy trì mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp” bằng cách đến nhà từng giáo viên, kéo ghế, ngồi im như phỗng soi mói xung quanh như tìm kiếm một vật gì đó đúng một tiếng rồi cáo từ.
– Bê-li-cốp còn có một vỏ bọc chắc chắn nữa ấy chính là những giáo điều, chỉ thị và lý luận cứng nhắc, sự bảo thủ và lạc hậu mà hắn vẫn dùng để soi mói, xét nét những người vô tình hoặc cố tình đi chệch.
– Sốc khi thấy chị em nhà Cô-va-len-cô cưỡi xe đạp ngoài phố, hay hình ảnh một giáo viên như anh mặc áo thêu.
=> Tức tối và khó chịu với những điều khác lạ ấy, hắn bèn tìm đến tận nơi để cố gắng thay đổi bằng cách đưa ra một loạt các lý lẽ hủ lậu để nhắc nhở, hăm dọa và đòi báo cáo với cấp trên, với thanh tra.
– Luôn tin rằng mình luôn có một “lối cư xử đúng đắn và mẫu mực”.
=> Bê-li-cốp không chỉ muốn bao mình lại mà còn muốn bao hết cái thành phố này trong một cái vỏ bọc. Dân chúng đâm ra sợ tất cả, “sợ nói to, sợ gửi, thư, sợ làm quen, sợ đọc sách, sợ giúp đỡ người nghèo, đọc sách,…”, người ta sợ tất cả những gì đang tân tiến, đổi mới, bằng sự khống chế, sợ hãi của Bê-li-cốp.

c. Tình yêu với Va-ren-ca:
– Yêu đơn phương một cô gái trẻ tuổi mới chuyển về làm giáo viên tên là Va-ren-ca, một người con gái nhí nhảnh, hay nói, hay cười năng động và hồn nhiên, sống rất tự do và phóng khoáng.
– Bê-li-cốp thật sự rất yêu và muốn lấy Va-ren-ca nhưng hắn lại càng sợ sự chỉ trích, trêu chọc của những người xung quanh hơn, sự sợ hãi này khiến hắn chùn bước vô số lần, hắn lại càng trở nên yếu đuối và hèn nhát hơn trong lớp vỏ kinh dị của mình.
– Một cú sốc lớn đã đến với Bê-li-cốp khi hắn vô tình nhìn thấy hai chị em Va-ren-ca đạp xe vui đùa trên phố. Cú ngã kỳ quặc của hắn đã bị Va-ren-ca nhìn thấy và cô không khỏi phá lên cười “Ha-ha-ha”.
=> Điều đó khiến Bê-li-cốp sốc nặng, sự xấu hổ, căm tức tràn lên khiến hắn không thể chịu đựng nổi. Hắn chui về căn phòng kín như bưng của mình với sự sụp đổ của tình yêu và những ước mộng, sự tuyệt vọng bao trùm khắp nơi, cuối cùng một tháng sau hắn chết.

d. Cái chết của Bê-li-cốp:
– Cơ hội để hắn bước vào một cái bao an toàn hơn – một cỗ quan tài ghép bằng 6 tấm gỗ, rất chắc chắn, đặc biệt được chôn dưới đất.
– Bê-li-cốp sẽ không bao giờ phải thấy khó chịu về sự “lệch lạc” luôn diễn ra xung quanh mình, không phải chăm chăm mệt mỏi với nỗi sợ hãi bị chỉ trích, bêu rếu, nhạo báng nữa.
=> Hắn đã đạt được mục đích của cuộc đời mình, lúc này đây vẻ mặt hắn trở nên tươi tỉnh và mừng rỡ hơn.
– Nhưng cái chết của Bê-li-cốp cũng không làm cho cái thị trấn này khấm khá hơn, người ta chỉ thấy bớt đi một kẻ lập dị, còn nhịp sống vẫn vậy “nặng nề, mệt nhọc, vô vị”, không tốt đẹp tươi sáng và tự do hơn.
=> Nhắc nhở con người một điều rất tất yếu rằng “Không thể sống mãi như thế này được”.

3. Kết bài:

Nêu cảm nhận.

II. Bài văn mẫuPhân tích truyện ngắn Người trong bao của Sê-khốp

Sê-khốp (1860-1906), là đại biểu lớn cuối cùng của nền văn học hiện thực, đồng thời trở thành một thiên tài trong công cuộc cách tân nền kịch nói và truyện ngắn của văn học Nga hiện đại. Bản thân tác giả luôn chú ý đến những đề tài lên án, phản ánh một cách nghiêm khắc chế độ xã hội bất công, hà khắc, tàn ác của tầng lớp thống trị Nga hoàng, đồng thời phê phán gay gắt lối sống sợ hãi, hèn nhát và bất lực của các trí thức đương thời, những con người luôn ẩn mình trong một cái vỏ bọc an toàn, yếu đuối không dám đứng lên đấu tranh thay đổi xã hội. Tác giả cũng thông qua các tác phẩm của mình thể hiện niềm tin, tình yêu vào những con người dám đấu tranh, những trí thức, lao động nghèo có sự vươn lên nỗ lực cố gắng thay đổi số phận, cũng như xã hội Nga lúc bấy giờ. Tác phẩm Người trong bao là một trong những tác phẩm nổi tiếng và thành công nhất tiêu biểu cho phong cách sáng tác của Sê-khốp, phản ánh thật rõ ràng lối sống một bộ phận trí thức, cũng như chính xã hội Nga tù túng thông qua nhân vật Bê-li-cốp với cách xây dựng nhân vật điển hình, đặc sắc.

Câu chuyện mở ra bằng lời kể của Bu-rơ-kin một giáo viên trung học về một kẻ kỳ dị mới chết cách đây được hai tháng trong thị trấn với bác sĩ I-van nhân lúc hai người trú chân tại một nhà dân không về nhà được. Thú thực rằng, trần đời người ta khó có thể tưởng tượng ra một kẻ lập dị giống như Bê-li-cốp, hắn sống ngột ngạt đồng thời cũng khiến cho cả những người xung quanh hắn ngột ngạt và sợ hãi theo. Khi nhắc đến nhân vật này những người xung quanh dễ dàng hình dung ra hình ảnh một chiếc bao vô hình cứ lắc lư di chuyển xung quanh cuộc sống của họ như một ám ảnh không dứt. Cái bao ấy được Bê-li-cốp xây dựng và thiết kế rất đỗi tinh vi và tỉ mẩn, hắn “bao” tất cả mọi thứ trong một cái vỏ bọc, kể cả bản thân mình, mà theo lời thuật của anh nhà giáo Bu-rơ-kin thì ngay cả những lúc thời tiết mát mẻ, đẹp trời Bê-li-cốp cũng vẫn giữ nguyên phong cách “đi giày cao su, cầm ô, và nhất thiết là mặc áo bành tô ấm cốt bông” hệt như đang sống giữa những ngày lạnh giá, ẩm ướt đầy hung hiểm vậy. Những đồ vật bên cạnh nhân vật này đề có bao ô để trong bao, chiếc đồng hồ quả quýt để trong bao bằng da hươu, dao để trong bao, và thậm chí cả mặt hắn cũng gần như núp trong bao, khi mà cái cổ áo bành tô lúc nào cũng dựng lên che giấu gần như hết khuôn mặt. Không những thế hắn cũng muốn bao cả mắt của mình lại bằng chiếc kính râm, rồi mặc áo bông trần như những ngày rét, nhét bông bịt tai, thậm chí đi xe cũng phải kéo mui xe lên sao cho kín đáo. Mọi nỗ lực ấy của Bê-li-cốp chính là để tách biệt mình khỏi thế giới, bảo vệ mình một cách cực đoan, lập dị, thậm chí trông như đang sợ hãi trốn tránh điều gì đó mà không ai hiểu được. Đó mới chỉ là những trang bị trên người, có lẽ độc giả sẽ vẫn nghĩ rằng hắn chỉ thích “ăn diện” thế, nhưng không, Bê-li-cốp còn quyết tâm bao mình trong một cái bao khác kinh dị hơn, ấy chính là ngôi nhà trông như cái hộp, đích xác là một cái hộp kín mít, không mở cửa sổ bao giờ, mặc cho hơi nóng ngột ngạt nhưng bản thân hắn vẫn trùm chăn thật kín đầu.

Không chỉ về lối sống tự bọc mình trong những cái “bao” chặt chẽ mà thậm chí tinh thần, tâm hồn của Bê-li-cốp cũng tù túng chật hẹp y như căn buồng ngủ của hắn, mọi nguyên tắc giáo điều khô khan đều trở thành cái bao cứng rắn nhất quyết bao bọc bảo vệ cái tâm hồn kỳ quặc hay sợ hãi của người này. Hắn dạy tiếng Hy-lạp một thứ tiếng cổ, dĩ nhiên chẳng ai bảo rằng đây là thứ tiếng dở, nhưng đối với bản thân Bê-li-cốp hắn không yêu tiếng Hy-lạp bằng tình yêu của một kẻ mộ đạo, tôn thờ hay thấm thía bản chất tốt đẹp của ngôn ngữ mà thực tế hắn chỉ xem nó cũng như đôi giày cao su, như những chiếc ô, sự cổ kính, nguyên bản không bao giờ sai sẽ giúp hắn được trốn tránh cuộc sống hiện thực đang thay đổi mỗi ngày một cách an toàn tuyệt đối. Bê-li-cốp hoàn toàn không chấp nhận được cuộc sống hiện tại, một trí thức hủ lậu, nhút nhát như hắn chỉ luôn “ngợi ca quá khứ, ngợi ca những gì không có thật”, chứ không chịu thoát ra và vươn lên, hắn hệt như một táng đá cuội trơn nhẵn, tròn trịa và không biết suy chuyển. Một sự an toàn đến mức kỳ dị. Bê-li-cốp lại còn có một cá tính kỳ dị rằng hắn mặc dù sống khép kín, không thích giao du thế nhưng lại sợ bị người ta ghét bỏ, sợ người ta làm hại hắn thành ra hắn có “cách duy trì mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp” kỳ quặc chưa từng thấy bao giờ. Ấy là đến nhà từng giáo viên, kéo ghế, ngồi im như phỗng soi mói xung quanh như tìm kiếm một vật gì đó đúng một tiếng rồi cáo từ. Có lẽ rằng, sự không giao tiếp đối với hắn chính là sự bảo vệ tốt nhất, hắn sợ lỡ nói hớ hênh, nói sai người ta sẽ ghét và cười nhạo hắn đến chết, một sự sợ hãi quái dị và hài hước. Bê-li-cốp còn có một vỏ bọc chắc chắn nữa ấy chính là những giáo điều, chỉ thị và lý luận cứng nhắc, sự bảo thủ và lạc hậu mà hắn vẫn dùng để soi mói, xét nét những người vô tình hoặc cố tình đi chệch. Hắn thấy sốc khi thấy chị em nhà Cô-va-len-cô cưỡi xe đạp ngoài phố, hay hình ảnh một giáo viên như anh mặc áo thêu. Bê-li-cốp thấy tức tối và khó chịu với những điều khác lạ ấy, hắn bèn tìm đến tận nơi để cố gắng thay đổi bằng cách đưa ra một loạt các lý lẽ hủ lậu để nhắc nhở, hăm dọa và đòi báo cáo với cấp trên, với thanh tra về cái sự “lệch lạc” ấy. Hắn luôn tin rằng mình luôn có một “lối cư xử đúng đắn và mẫu mực”, không đáng để bị ai đó xì xào bàn tán hay nhục mạ. Bê-li-cốp rất tự tin nhưng thực chất đó là một sự tự tin giả, hắn lúc nào chẳng sợ hãi điều tiếng, sợ hãi xã hội thế nên hắn thật cố gắng tuân thủ tuyệt đối các thông tư, chỉ thị và cũng muốn ép cả người khác buộc phải sống theo hắn. Có thể nói rằng Bê-li-cốp không chỉ muốn bao mình lại mà còn muốn bao hết cái thành phố này trong một cái vỏ bọc. Chẳng hiểu hắn có sức ảnh hưởng như thế nào mà cả thành phố phải sợ hắn, nằm dưới sự khống chế kỳ dị của hắn. Dân chúng đâm ra sợ tất cả, “sợ nói to, sợ gửi, thư, sợ làm quen, sợ đọc sách, giúp đỡ người nghèo, đọc sách,…”, người ta sợ tất cả những gì đang tân tiến, đổi mới, bằng sự khống chế, sợ hãi của Bê-li-cốp. Đôi lúc thật muốn hỏi rằng người ta là sợ Bê-li-cốp hay thực tế là những con người này cũng là một trong những Bê-li-cốp khác, chẳng qua là đỡ kỳ dị và âm thầm hơn hắn mà thôi.

Những người luôn sống sợ hãi và thích trong bao như Bê-li-cốp sẽ không bao giờ dám thử những thứ mạo hiểm và mới lạ như tình yêu, thế nhưng không hắn đã yêu đương, hắn đơn phương một cô gái trẻ tuổi mới chuyển về làm giáo viên tên là Va-ren-ca. Đó là một cô gái khác hẳn với Bê-li-cốp, một người con gái nhí nhảnh, hay nói, hay cười năng động và hồn nhiên, sống rất tự do và phóng khoáng. Và hắn đã say như điếu đổ cô nàng xinh đẹp chừng 30 tuổi này, ý định lấy vợ cứ mãi choàng ngập trong tâm trí hắn, nhưng sự gán ghép và trêu chọc đến từ mọi người chung quanh với những bức biếm họa “một người tình si” của một kẻ ngỗ nghịch nào đó đã khiến hắn chững lại. Bê-li-cốp thật sự rất yêu và muốn lấy Va-ren-ca nhưng hắn lại càng sợ sự chỉ trích, trêu chọc của những người xung quanh hơn, sự sợ hãi này khiến hắn chùn bước vô số lần, hắn lại càng trở nên yếu đuối và hèn nhát hơn trong lớp vỏ kinh dị của mình. Một cú sốc lớn đã đến với Bê-li-cốp khi hắn vô tình nhìn thấy hai chị em Va-ren-ca đạp xe vui đùa trên phố, thì như một người nghiêm khắc, hắn cảm thấy mình có nghĩa vụ nhắc nhở hai chị em đi về đúng nề nếp của một nhà giáo. Nhưng có lẽ hắn đã sai lầm, Cô-va-len-cô và chị cậu không phải là những người dễ sợ hãi sự kỳ dị và giáo điều hay chỉ thị, sau cái sự “giáo huấn” của mình, Bê-li-cốp đã phải nhận lấy những lời phản kích mà hắn cho là “thô bạo” đến từ Cô-Va-len-cô. Đó là điều mà Bê-li-cốp suốt mười mấy năm “thống trị” đã không thể nào tưởng tượng nổi, một đức tính xấu xa nảy lên hắn lại đe dọa rằng sẽ báo cáo hiệu trưởng, chính quyền về câu chuyện với Cô-va-len-cô. Và sự xấu xa ấy của hắn đã khiến khổ chủ phải đón nhận một cú đẩy kinh hoàng từ cậu em của Va-ren-ca, hắn ngã lăn hẳn xuống cầu thang, thế nhưng may mắn rằng lớp “vỏ” trang bị muôn đời của Bê-li-cốp đã cứu hắn khỏi những chấn thương ghê gớm, hắn vẫn bình an. Nhưng thật xui xẻo, cái cú ngã kỳ quặc của hắn đã bị Va-ren-ca nhìn thấy và cô không khỏi phá lên cười “Ha-ha-ha”, giọng cười vang vọng khắp khu nhà. Điều đó khiến Bê-li-cốp sốc nặng, sự xấu hổ, căm tức tràn lên trong óc kẻ “trong bao”, khiến hắn không thể chịu đựng nổi. Hắn chui về căn phòng kín như bưng của mình với sự sụp đổ của tình yêu và những ước mộng, sự tuyệt vọng bao trùm khắp nơi, cuối cùng một tháng sau hắn chết. Như một cái chết để giải thoát khỏi tất cả những cú sốc mà hắn chịu đựng. Từ đó người ta nhận ra rằng bản thân Bê-li-cốp dù có được bao bọc kỹ từ ngoại hình đến tâm hồn bằng đủ thứ cách thức, thì cuối cùng sự yếu đuối, èo uột của một tinh thần bất ổn luôn luôn sợ hãi cuối cùng cũng phải chịu giập nát bởi những tác động thông thường nhất của xã hội – Bê-li-cốp đã chết chỉ vì một nụ cười!

Nhưng có lẽ cái chết đối với Bê-li-cốp lại là cơ hội để hắn bước vào một cái bao an toàn hơn – một cỗ quan tài ghép bằng 6 tấm gỗ, rất chắc chắn, đặc biệt được chôn dưới đất thì rõ ràng là kín kẽ hơn gấp nhiều lần căn phòng hay những trang bị mà hắn thường yêu thích. Bê-li-cốp sẽ không bao giờ phải thấy khó chịu về sự “lệch lạc” luôn diễn ra xung quanh mình, không phải chăm chăm mệt mỏi với nỗi sợ hãi bị chỉ trích, bêu rếu, nhạo báng nữa. Hắn đã đạt được mục đích của cuộc đời mình, lúc này đây vẻ mặt hắn trở nên tươi tỉnh và mừng rỡ hơn, chắc là vậy. Nhưng cái chết của Bê-li-cốp cũng không làm cho cái thị trấn này khấm khá hơn, người ta chỉ thấy bớt đi một kẻ lập dị, còn nhịp sống vẫn vậy “nặng nề, mệt nhọc, vô vị”, không tốt đẹp tươi sáng và tự do hơn. Vậy tất cả là do đâu, rõ ràng rằng Bê-li-cốp là một biến dị quá đáng của cái xã hội vốn ngột ngạt, cổ hủ, lạc hậu này. Cái chết của hắn và sự bất di bất dịch của xã hội đã nhắc nhở con người một điều rất tất yếu rằng “Không thể sống mãi như thế này được”. Những con người trong xã hội ấy phải nỗ lực tìm cách thay đổi cuộc sống, thoát khỏi cái cảnh tù túng, sợ hãi, lối sống co mình như những con ốc, con sên để vươn tới những chân trời mới rộng mở, tươi sáng, hồn nhiên hơn, để phát triển bản thân và xã hội.

Nguyễn Tuân đã từng ca ngợi Người trong bao rằng: “Truyện Bê-li-cốp là một áng văn đả kích lên đến tuyệt đỉnh: hình thù, tên họ nhân vật đã thành cái sự, thành một hình dung từ ngày nay vẫn có một tác dụng lớn”, đủ để thấy những giá trị và ý nghĩa lâu dài của tác phẩm. Nó không chỉ phê phán chỉ trích lối sống của người Nga dưới chế độ thống trị chuyên chế đương thời, mà nó còn cảnh tỉnh tất cả những con người trong mọi xã hội, mọi thế hệ, khiến người ta tỉnh ngộ mau chóng thoát ra khỏi những cái bao, những nỗi sợ hãi vô hình, để xông pha vào thế giới, hòa nhập với mọi người, cùng xây dựng một cuộc đời tốt đẹp hơn.

——————HẾT——————-

Người trong bao của Sê-khốp là truyện ngắn mang tính thời sự rõ nét khi bàn đến một kiểu người, một lối sống thu mình trong bao của một bộ phận không nhỏ người trong xã hội. Bên cạnh bài tìm hiểu chungPhân tích truyện ngắn Người trong bao của Sê-khốp, các em có thể tìm hiểu chi tiết về những biểu hiện của lối sống trong bao cũng như tính đặc sắc trong hình tượng chiếc bao qua bàiPhân tích hình tượng cái bao trong truyện ngắn Người trong bao, Suy nghĩ về cái chết của nhân vật Bê-li-cốp trong truyện ngắn Người trong bao, Phân tích hình tượng Bê-li-cốp trong Người trong bao, Phân tích và nêu cảm nghĩ về Người trong bao của Sê-khốp.

Nguyễn Thị Hương Thủy

Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội và hiện đang tham gia giảng dạy môn Ngữ Văn tại trường THPT Chu Văn An. Cô có 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, dẫn dắt nhiều thế hệ học sinh đạt những thành tích cao và đặt chân vào các trường đại học danh tiếng. Cô gặt hái được rất nhiều thành công trong sự nghiệp: giải Nhì trong cuộc thi giáo viên giỏi do thành phố Hà Nội tổ chức, tham gia giảng dạy đội tuyển Học sinh giỏi Quốc gia.
Back to top button