Lớp 11

Phân tích tâm trạng nhân vật trữ tình trong bài thơ Tôi yêu em

Đề bài: Phân tích tâm trạng nhân vật trữ tình trong bài thơ Tôi yêu em

phan tich tam trang nhan vat tru tinh trong bai tho toi yeu em

Phân tích tâm trạng nhân vật trữ tình trong bài thơ Tôi yêu em

I. Dàn ý Phân tích tâm trạng nhân vật trữ tình trong bài thơ Tôi yêu em (Chuẩn)

1. Mở bài

– Từ xưa đến nay tình yêu luôn là một trong những đề tài được ưa chuộng trong thi ca nhạc họa.
– Pu-skin, người được mệnh danh là “mặt trời của thi ca Nga” cũng không ngoại lệ, một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông viết về đề tài tình yêu chính là bài thơ Tôi yêu em.

2. Thân bài

­* Tác giả, tác phẩm:
– Pu-skin (1799-1937) là một nhà thơ lỗi lạc không chỉ của riêng mình nước Nga mà còn là của toàn thế giới, là người đã mở ra một thời đại rực rỡ cho nền văn học Nga, đặt nền móng cho văn học hiện thực Nga thế kỷ XIX.
– Chủ đề xuyên suốt các tác phẩm của Pu-skin là một tâm hồn Nga khao khát tình yêu và tự do được thể hiện bằng tiếng nói Nga trong sáng và thuần khiết…(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết Dàn ýPhân tích tâm trạng nhân vật trữ tình trong bài thơ Tôi yêu em tại đây.

II. Bài văn mẫuPhân tích tâm trạng nhân vật trữ tình trong bài thơ Tôi yêu em (Chuẩn)

Từ xưa đến nay tình yêu luôn là một trong những đề tài được ưa chuộng trong thi ca nhạc họa, bởi tình yêu vốn là một đề tài rộng lớn có nhiều khía cạnh để khai thác, mà trọng điểm là tình yêu thường đem lại cảm giác thăng hoa, lãng mạn và sâu sắc phi lý trí nên dễ dàng đưa vào thi ca một cách tự nhiên, độc đáo, với nhiều phong vị khác nhau. Pu-skin, người được mệnh danh là “mặt trời của thi ca Nga” cũng không ngoại lệ, một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông viết về đề tài tình yêu chính là bài thơ Tôi yêu em. Đây là bài thơ được đánh giá là gần đạt đến trình độ hoàn thiện, là viên ngọc vô giá của nền thi ca Nga và của nền văn học toàn nhân loại, cho đến ngày hôm nay nó vẫn còn giữ nguyên những vẻ đẹp và giá trị ban đầu.

Pu-skin (1799-1937) , ông là một nhà thơ lỗi lạc không chỉ của riêng mình nước Nga mà còn là của toàn thế giới, là người đã mở ra một thời đại rực rỡ cho nền văn học Nga, đặt nền móng cho văn học hiện thực Nga thế kỷ XIX. Pu-skin xuất thân trong một gia đình đại quý tộc, thế nhưng thay vì đứng về phía lợi ích giai cấp mình ông lại chọn đứng về phía nhân dân, sát cánh với nhân dân trong cuộc đấu tranh chống lại chế độ độc đoán Nga hoàng. Pu-skin sáng tác nhiều thể loại từ tiểu thuyết bằng thơ, truyện ngắn đến trường ca, thế nhưng ông nổi danh nhất với các tác phẩm thơ, trong cả cuộc đời ông sáng tác đến hơn 800 bài thơ, trong đó có hai bài được coi là kiệt tác là Tôi yêu em và Một chút tên tôi đối với nàng. Chủ đề xuyên suốt các tác phẩm của Pu-skin là một tâm hồn Nga khao khát tình yêu và tự do được thể hiện bằng tiếng nói Nga trong sáng và thuần khiết.

Tôi yêu em là bài thơ tình nổi tiếng của toàn nhân loại, khơi nguồn từ mối tình của nhà thơ Pu-skin với nàng A.A. Ô-lê-nhi-na, người mà mùa hè năm 1829 ông cầu hôn nhưng bị từ chối.

Bài thơ có cả thảy 8 câu thơ, thì 4 câu thơ đầu chính là những mâu thuẫn giằng xé trong tâm hồn của người thi sĩ, trước một mối tình đơn phương tan vỡ, trước người con gái ông hằng theo đuổi nay đã mãi mãi ở ngoài tầm tay.

“Tôi yêu em: đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai
Nhưng không để em bận lòng thêm nữa
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài”

Pu-skin giãi bày tình yêu sâu sắc của mình bằng những từ ngữ vô cùng giản dị, nhưng chân thành “Tôi yêu em: đến nay chừng có thể/Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai”. Dấu hai chấm thể hiện rằng tình yêu, lời giãi bày của nhà thơ có rất nhiều điều khó nói, nhiều vướng mắc mà ông muốn giải thích ở những ý thơ tiếp theo. Rằng cho dù nàng Ô- lê-nhi-na đã từ chối tình yêu chân thành và sâu sắc của Pu-skin nhưng cho đến tận bây giờ tình yêu ấy vẫn đang còn tiếp diễn, vẫn chưa lụi tắt hoàn toàn, ông muốn khẳng định rằng: Tôi yêu em, tôi yêu đã yêu em và tôi vẫn yêu em như thế! Tình yêu ấy không chỉ có trong quá khứ mà tình yêu ấy vẫn hằng tồn tại trong trái tim của chàng trai Pu-skin, nó là một thứ tình cảm rất sâu nặng, tha thiết, chứ không phải là thứ tình cảm bồng bột của thanh niên mới lớn, mà đó là tình cảm đã có sự chứng minh của thời gian, chung thủy và vững bền.

Thế nhưng trong thâm tâm của Pu-skin trước tình yêu ấy lại có những mâu thuẫn, những giằng xé giữa cảm xúc của con tim và sức mạnh của lý trí. Nếu như ở hai câu thơ trên là những cảm xúc chân thực của trái tim thì hai câu dưới lại là lời mách bảo, thúc giục của lý trí, chúng được phân tách với nhau bằng quan hệ từ “nhưng”.

“Nhưng không để em bận lòng thêm nữa
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài”

Chúng ta nhận thấy sự thay đổi cảm xúc rất rõ ràng, giọng thơ không còn là tiếng nói ngập ngừng của trái tim yêu chân thành, mà là tiếng nói mạnh mẽ, dứt khoát đầy lý trí. Thâm tâm thi sĩ đang mách bảo, thúc giục ông phải dập tắt đi cái tình yêu đang bốc cháy, đang âm ỉ tồn tại chỉ chờ thời mà bốc lên dữ dội trong trái tim tác giả. Ông rất lý trí khi không muốn tình yêu đơn phương của mình đem đến nỗi “u hoài” cho người mình yêu, ông không muốn nàng phải “bận lòng” khó xử. Pu-skin mong rằng tình yêu ấy mãi chỉ nằm ngủ yên trong trái tim mình, còn người con gái ông yêu sẽ được tự do, khoáng hoạt, vui tươi theo đuổi những cái mà nàng muốn, chỉ cần nàng hạnh phúc thì tình yêu của ông hy sinh cũng là xứng đáng. Tuy nhiên bề ngoài lý trí có phần mạnh mẽ, lấn át là thế nhưng chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy tâm hồn đau đớn vì bị bóp nghẹt của chàng trai, vết thương trong tình yêu bị chối bỏ hãy còn đang rỉ máu, nay lại một lần nữa Pu-skin cố ép nó thêm lần nữa, còn đau đớn nào hơn nỗi đau phải từ bỏ tình yêu mà mình hằng trân trọng, gắn bó. Càng đọc người ta lại càng thấu hiểu tình yêu sâu sắc và tâm hồn cao thượng của Pu-skin trong tình yêu, sẵn sàng hy sinh để người mình yêu được hạnh phúc, được vui vẻ, dẫu điều đó có khiến lòng ông đau đớn, tổn thương vô cùng.

Sau những giãi bày và tiếng nói mạnh mẽ của lý trí thúc giục từ bỏ tình yêu không kết quả, thì trái tim tràn đầy tình yêu của ông lại tiếp tục cất lên những tiếng nói sôi nổi, nồng cháy mà dường như nhân vật trữ tình không thể nào kiểm soát, ngăn chặn bằng lý trí được.

“Tôi yêu em âm thầm, không hy vọng
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen”

Đó là nỗi khổ đau tuyệt vọng của nhà thơ khi mà phải từ bỏ tình yêu ông hằng trông mong, dẫu rằng lý trí đã quyết tâm gạt bỏ tình cảm, thế nhưng con tim lại trào ra những cảm xúc hết sức tiêu cực, là sự đau khổ, giày vò đầy tuyệt vọng của một tình yêu âm thầm, không hồi đáp. Nhân vật trữ tình đã phải trải qua tất cả những cảm xúc trong tình yêu. Điệp khúc “Tôi yêu em” lại một lần nữa vang lên, dai dẳng và bền bỉ, kéo theo đó là những cảm xúc đó là những lúc hồi hộp, rụt rè khi đứng trước người mình yêu, muốn bày tỏ nhưng lại sợ nàng từ chối, rồi có những lúc phải đau đớn, “hậm hực lòng ghen” khi thấy người con gái ấy vui vẻ bên chàng trai khác, mà bản thân ông không thể làm gì.

Đi qua hết những cảm xúc day dứt, khổ đau của tình yêu, một lần nữa lý trí của người thi sĩ lại thức dậy, gạt bỏ hết những cảm xúc tiêu cực, tiến đến sự cao thượng trong tình yêu.

“Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em”

Điệp khúc “Tôi yêu em” lại một lần nữa vang lên, nhưng lần này niềm cảm xúc của tác giả đã trở nên êm đềm, không còn mãnh liệt và tiêu cực, lúc này đây tình yêu của ông lại trở về với những cảm xúc sâu nặng “chân thành, đằm thắm”. Câu thơ cuối là lời chúc phúc cho người yêu đầy cao thượng, vị tha trong tình yêu của nhân vật trữ tình đồng thời cũng khẳng định lại một lần nữa tình yêu sâu nặng của chàng trai, sự thông minh, niềm tự hào về tình yêu lớn lao của mình dành cho cô gái. Đôi lúc người ta còn thấy đâu đó ở câu thơ là một chút hy vọng, chờ đợi, dẫu rằng rất mơ hồ của chàng trai.

Tôi yêu em là bài thơ thể hiện nỗi buồn của một mối tình đơn phương, đó là nỗi buồn trong sáng của một tâm hồn nhân hậu và vị tha mà thông qua đó người ta đã học được một bài học quý giá về cách ứng xử trong tình yêu muôn đời. Bài thơ được viết với ngôn ngữ trong sáng, giản dị, không kiểu cách cầu kỳ trong việc diễn tả tình cảm, nhịp thơ giàu nhạc điệu lúc chậm rãi, ngập ngừng, lúc nhanh, gấp gáp thể hiện cảm xúc mãnh liệt, mạnh mẽ. Cấu tứ của bài thơ cũng rất mạch lạc, lô gíc trôi chảy đem lại những xúc cảm chân thực, dạt dào.

—————–HẾT—————

Tôi yêu em là bài thơ tình nổi tiếng viết về mối tình đơn phương mãnh liệt, đau đớn nhưng cũng thật cao thượng, đáng trân trọng. Tìm hiểu về những cung bậc cảm xúc phức tạp mà thống nhát của nhân vật trữ tình, các em có thể tìm đọc thêm:Phân tích tâm trạng nhân vật trữ tình trong bài thơ Tôi yêu em, Bình giảng bài thơ Tôi yêu em, Cảm nhận về vẻ đẹp tình yêu trong sáng trong bài thơ Tôi yêu em, Cảm nghĩ về bài thơ Tôi yêu em.

Nguyễn Thị Hương Thủy

Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội và hiện đang tham gia giảng dạy môn Ngữ Văn tại trường THPT Chu Văn An. Cô có 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, dẫn dắt nhiều thế hệ học sinh đạt những thành tích cao và đặt chân vào các trường đại học danh tiếng. Cô gặt hái được rất nhiều thành công trong sự nghiệp: giải Nhì trong cuộc thi giáo viên giỏi do thành phố Hà Nội tổ chức, tham gia giảng dạy đội tuyển Học sinh giỏi Quốc gia.
Back to top button