Lớp 11

Phân tích tác phẩm Đời thừa

Đề bài: Phân tích tác phẩm Đời thừa

phan tich tac pham doi thua

Bài văn mẫu Phân tích tác phẩm Đời thừa

Bài mẫu: Phân tích tác phẩm Đời thừa

Nam cao là một nhà văn nổi tiếng trong nền văn học Việt Nam, ông đi sâu vào chủ nghĩa hiện thực, lột tả hết những cái khốn khổ của lớp dân lành trong xã hội cũ từ người nông dân cho đến người trí thức. Hầu hết những tác phẩm ấy đều có cốt truyện là tấn bi kịch của cuộc đời nhân vật chính, tuy nhiên vẫn thấm đượm tính nhân văn sâu sắc trong từng câu chữ, đặc biệt là tấm lòng yêu thương đồng loại và Đời thừa chính là một tác phẩm như vậy.

Nam Cao (1917-1951), quê tại tỉnh Hà Nam, sống trong cảnh đất nước lầm than, đâu đâu cũng thấy cảnh nghèo đói tang thương, với nền tảng nghệ thuật vị nhân sinh, Nam Cao sớm ý thức được tinh thần Cách mạng, ông vừa tham gia chiến đấu vừa viết văn với vai trò là một nhà báo ở chiến trường. Trong đời viết văn của mình Nam Cao có rất nhiều quan điểm nghệ thuật đậm tính nhân văn và sâu sắc, ấn tượng nhất là câu nói: “Chao ôi, nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối; nghệ thuật chỉ có thể là tiếng kêu đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than và nhà văn không được trốn tránh nghệ thuật mà phải đứng trong lao khổ mở hồn ra đón lấy những vang động của đời”. Rằng nghệ thuật phải gắn liền với cuộc sống của con người, đi sâu vào cái bi kịch khổ đau để mà thấu hiểu cảm thông. Những tác phẩm nổi tiếng của Nam Cao phải kể đến Chí Phèo, Đời thừa, sau cách mạng tháng tám thì cóĐôi mắt, tác phẩm đánh dấu sự thay đổi trong cách nhìn nhận và quan điểm nghệ thuật của nhà văn.

Đời thừa được viết và đăng báo lần đầu tiên vào năm 1943, đây là một tác phẩm đặc sắc của Nam Cao nói về số phận của giới tri trức trong nhưng năm trước cách mạng, được ví như một tác phẩm văn học dành cho cả loài người bởi nó đã vượt qua khỏi mọi ranh giới của lòng bao dung giữa người với người, đấy là thứ tình cảm đáng trân quý biết bao. Càng khẳng định được công việc làm nghệ thuật không phải chỉ làm qua loa đại khái cho có lệ, mà đó là cả một công trình dày đặc tâm sức mà người nghệ sĩ phải bỏ ra bao gồm cả máu và nước mắt. Nếu viết văn mà cẩu thả thì đó gọi là vô lương tâm, là bất lương, là đê tiện bởi tác phẩm là đứa con tinh thần bất diệt của nhà văn. Tất cả những điều kể trên đều được thể hiện trong tác phẩm Đời thừa mà nhân vật chính là Hộ, một trí thức có niềm đam mê văn học nhưng lại phải đi ngược lại với cái mong muốn của mình vì phải kiếm tiền cưu mang vợ con, điều đó đã đẩy Hộ vào tấn bi kịch cuộc đời, vào một cái vòng luẩn quẩn không lối thoát.

Câu chuyện mở đầu bằng ánh mắt của Từ, vợ Hộ nhìn anh bằng ánh mắt rụt rè mà trong đó là niềm thương yêu sự nhẫn nhịn, hình ảnh nhân vật Hộ hiện lên thật rõ nét, điều ấy cũng phần nào bao quát được cuộc sống hiện tại của Hộ. Đôi mày rậm chau lại, trán có nếp nhăn, đôi gò má cao bóng nhẫy, mũi cũng cao mà thẳng tắp, đôi mắt sáng hơi lồi. Tất cả những nét đó đem đến cho Hộ một vẻ “hốc hác” và “trông khắc khổ đến thành dữ tợn”, đến cả người hàng ngày đầu ấp tay gối với anh cũng thấy sợ “Từ thấy sợ” .

Nói đến Từ người phụ nữ có số phận bất hạnh, từng khóc cạn nước mắt, định chết cùng đứa con mới đẻ khi bị kẻ nhân tình sở khanh ruồng bỏ. Nhưng đời Từ đã chuyển sang một hướng khác, khi được Hộ một chàng trai tốt bụng lại yêu văn chương cưu mang, nhận làm vợ và trở thành một người mẹ, người vợ cam chịu, nhẫn nhịn. Nam Cao so sánh tình yêu của Từ dành cho chồng gần như tình cảm của một con chó đối với chủ nhân của nó. “Từ là một người vợ rất ngoan, rất phục tùng, rất tận tâm”, suốt mấy năm trời Từ chưa một lần nào có ý nghĩ khác, hay cãi lại chồng, bởi đối với Từ, Hộ không chỉ là người cứu vớt cuộc đời mình ra khỏi vũng bùn lầy mà còn là người mà Từ phải mang ân suốt đời, thay cho cả mẹ gìa và con thơ của mình. Từ không có gì cả, Từ chỉ có đôi bàn tay trắng, sự dịu dàng đúng mực và lòng biết ơn sâu sắc nên dù có phải làm nô lệ cho Hộ, cô cũng chẳng từ nan.

Hộ thế nhưng cũng không sung sướng được bao lâu, bởi sau cái hành vi đầy nhân đạo của mình, cùng với tình yêu của vợ thì Hộ lại rẽ vào một con đường khác và đó không phải là lý tưởng của anh. Hộ nghèo, đúng vậy nhà văn thuở trước cách mạng làm gì có ai giàu, may mắn lắm thì đủ bữa ăn, bữa mặc, nuôi thân còn khó huống chi đến việc nuôi cả một gia đình, vừa vợ vừa mấy đứa con thơ dại đang chờ Hộ mang tiền về. Từ đây Hộ bước ra khỏi con đường viết văn chân chính với những tác phẩm tràn đầy tâm huyết, từ bỏ thứ hoài bão lớn lao mà anh từng theo đuổi cả tuổi trẻ, để viết những thứ văn chương mà theo anh là “toàn những cái vô vị, nhạt nhẽo, gợi những tình cảm rất nhẹ, rất nông, diễn một vài ý rất thông thường quấy loãng trong một thứ văn bằng phẳng và quá ư dễ dãi”. Hộ thấy xấu hổ đỏ cả mặt khi đọc lại những đoạn văn ấy, Hộ tự thấy sao mình khốn nạn quá, bất lương quá, sự cậu thả trong văn chương khiến Hộ thấy mình thật đê tiện. Suốt mấy năm trời Hộ không có một tác phẩm nào ra hồn, anh tự thấy mình thật thừa thãi trong giới văn chương nơi mà không cần “những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho” mà chỉ dung nạp những kẻ biết tìm tòi ra cái mới. Hộ nghĩ thế thế và thấy sao đau đớn quá, những suy nghĩ tự trách cứ mãi quẩn quanh trong cái đầu óc của một người đàn ông khắc khổ vì phải lo cơm áo gạo tiền và ti tỉ những thứ khác cho vợ con vừa phải vật lộn với nỗi đau trái lương tâm nghề nghiệp. Nhưng Hộ có thể quay lại với hoài bão của mình mà bỏ vợ con nheo nhóc được hay sao? Lương tâm và trách nhiệm của một người chồng người cha không cho phép anh làm như vậy, Hộ tự an ủi mình bằng suy nghĩ cố gắng làm vài ba năm kiếm tiền cho đủ vốn để Từ buôn bán nhỏ, rồi anh sẽ rảnh rỗi để thực hiện tiếp ước mơ văn chương một cách tử tế nhất. Nhưng cuộc sống luôn nghiệt ngã như vậy khi mà những đứa con của hai vợ chồng cứ lần lượt ra đời, chúng cứ liên tục quấy khóc, bệnh vặt liên miên, khiến Từ gần như không còn đủ sức để lo thêm việc nào nữa. Nhà cửa ồn ào, khiến Hộ không thể tập trung mà viết một thứ nào cho ra hồn, đã nhiều lúc Hộ vì thấy bực dọc và uất ức trong lòng mà “đang ngồi bỗng đứng phắt lên, mắt chan chứa nước, mặt hầm hầm, vùng vằng đi ra phố, vừa đi vừa nuốt nghẹn”. Hộ ban đầu chỉ đi tìm mấy người bạn bàn về văn chương, uống đôi cốc bia cốc chanh giải khát, rồi đến khi đã vơi hết nhọc nhằn, khó chịu Hộ lại về nhà trong nỗi buồn miên man. Nhưng dần dà Hộ đã thay đổi, Hộ đi ra ngoài và về nhà trong cái say mèm chẳng biết trời trăng rồi đổ ập xuống giường thiếp đi, Từ ở nhà đợi chồng phải rón rén lừa con ngủ mới dám thay áo quần và đắp chăn, kê gối cho chồng. Đấy là những hôm Hộ đã ngủ, còn có những buổi chẳng hiểu cớ sự gì, Hộ cũng về nhà trong men say rồi nhìn gườm gườm nhìn vợ, nói những lời như dọa trẻ con, Từ không dám nói lời nào, bởi cô nghĩ âu tất cả cũng do mình. Hộ dọa đuổi, dọa giết, chắc có lẽ vì túng quẫn và đau khổ quá mà Từ đã thốt ra những lời như vậy, đọc vào đôi khi ta cảm thấy đó không phải là lời thật lòng của Hộ, phải chăng Hộ chỉ đang đùa, đùa cho vơi bớt cái khổ tâm sầu não của anh, bởi ngữ điệu của câu nói trong lúc say khướt ấy chẳng mang tính điên cuồng nào cả, tưởng như Hộ chỉ đang dọa nạt mấy đứa con nít xíu xiu chưa biết gì.

Thế nhưng lúc tỉnh cơn say Hộ lại trở về là người cha người chồng mẫu mực, thương yêu vợ con như chưa từng có những lời nói hôm qua, riết rồi cũng thành quen Từ không giận nổi nữa. Bởi chính Từ cũng tự nghĩ rằng bi kịch của Hộ chính là do Từ mang đến, nhiều lần Từ muốn bồng con đi thật xa, có lẽ thế thì Hộ sẽ hết khổ, sẽ trở lại là chàng trai tươi sáng năm nào, chứ không phải gã đàn ông khắc khổ, rượu chè như bây giờ. Nhưng cái thứ tình cảm mềm yếu trong Từ đã giữ chân không cho Từ đi lấy nửa bước và Từ lại tiếp tục ở lại ngoan ngoãn chăm sóc chồng con bằng một tình yêu và sự hi sinh trung thành nhất. Từ nhớ đến lúc Hộ hôn hít, bế bồng các con, lúc Hộ xanh mặt thức đêm chăm sóc mình ốm bệnh, Từ nhận ra cả hai vợ chồng đều yêu và cần nhau đến mức nào, như vậy Từ càng không thể bỏ đi được, Từ sẽ ở lại đến tận cùng với chồng với con, đói rách cũng chẳng sao chỉ cần được ở bên nhau.

Câu chuyện lại tiếp tục tiến vào cái vòng luẩn quẩn của nó khi Từ nhắc đến tiền nhà, Hộ lại tỏ ra khó chịu, bởi biết bao nhiêu thứ cần đến tiền, mà tiền thì đã hết từ hôm mồng 10 đầu tháng. Hộ ân hận vì mình đã tiêu pha quá trớn để vợ con phải nheo nhóc, thậm chí đói, thế nên anh quyết tâm hôm nay lấy được tiền lương thì sẽ về thẳng nhà, ăn cơm với vợ con, mua thêm chút đồ ăn nữa và cứ thế Hộ nằng nặc đòi vợ phải đợi mình về ăn cơm. Thế rồi mọi chuyện lại chẳng được như Hộ nghĩ anh lại tiếp tục lao vào cuộc nhậu với bạn bè của mình, quên béng đi rằng vợ con anh đang háo hức chờ cha về trong mỏi mòn. Sáng hôm sau Hộ thức dậy tại nhà, anh giật bắn mình dáo dác đi tìm vợ, Hộ sợ Từ bỏ đi mất, bởi hình như anh lờ mờ nhớ ra hôm qua mình đã đánh và đuổi cả Từ đi nữa. Thật may Từ vẫn ở nhà, ôm con thiếp đi trên chiếc võng, lúc này Hộ ân hận biết bao nhiêu, sao anh lại có thể làm như thế với người vợ tào khang chân yếu tay mềm, người chưa từng cãi anh một lời mà chỉ biết vâng dạ chăm sóc cho cha con anh ngày này qua tháng khác. Hộ khóc, khóc vì bất lực trước cuộc sống, khóc vì thương vợ cũng khóc cho cái bi kịch trái ngang của cuộc đời mình, anh đã làm khổ mình cũng làm khổ cả vợ con bởi cái bản ngã cái tự trách đầy tiếc nuối về hoài bão xưa kia. Thế mới nói co người chỉ thực sự làm tốt khi họ hoàn toàn chú tâm vào chúng, còn Hộ anh vừa muốn sống cho lý tưởng vừa muốn sống cho thực tế (kiếm tiền), mà hai thứ ấy nào có dung hòa được với nhau. Cuối bài lời ru con của Từ đã dấy lên nhiều suy nghĩ:

“Ai làm cho gió lên giời,
Cho mưa xuống đất, cho người biệt li;
Ai làm cho Nam, Bắc phân kỳ,
Cho hai hàng lệ đầm đìa tấm thân…”

Cuộc sống đau khổ của vợ chồng Hộ có lẽ nguồn cơn to lớn nhất ấy là bối cảnh đất nước những năm trước cách mạng, cái xã hội ấy đã kìm kẹp người nông dân và người trí thức khiến họ phải sống trong kiếp vật vờ, đầy bi kịch, tiêu biểu là nhân vật Hộ, một trí thức với nhiều hoài bão ước mơ, nhưng cuối cùng vì sự khốn khó xuất phát từ tấm lòng thương người của mình mà phải đau khổ.

Truyện ngắnĐời thừa là một trong những tác phẩm xuất sắc của Nam Cao về đề tài hiện thực xã hội trước Cách mạng tháng 8, năm 1945, ở đó ta thấy được một nghịch lý rất lạ, lòng nhân đạo của nhân vật cũng chính là sợi dây dẫn đến bi kịch cho chính cuộc đời họ, rồi từ trong cái bi kịch ấy ta lại thấy hiện lên những thứ tình cảm khác, ấy là tình vợ chồng, tình cha con, tình người. Và có lẽ ấn tượng nhất ấy là tấm lòng yêu văn chương sâu sắc đến day dứt của nhân vật Hộ, nhấn mạnh một quan điểm nghệ thuật rất tâm đắc của Nam Cao: Văn chương không được phép cẩu thả, cẩu thả là vô lương tâm, là đê tiện.

Xem thêm các bài văn mẫu phân tích, soạn bài tác phẩm Đời thừa trên TH Văn Thủy

– Phân tích nghệ thuật của Đời thừa
– Soạn bài Đọc thêm: Đời thừa
– Phân tích giá trị nhân đạo của tác phẩm Đời thừa

Đời thừa là tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nam Cao, ngoài bài làm văn Phân tích tác phẩm Đời thừa, thầy cô và các bạn học sinh có thể tìm hiểu thêm những bài làm văn mẫu khác như Cảm nhận tác phẩm Đời thừa, Phân tích nghệ thuật của Đời thừa, Phân tích giá trị nhân đạo của tác phẩm Đời thừa, Có ý kiến cho rằng truyện ngắn Đời thừa là một tuyên ngôn nghệ thuật của Nam Cao. Hãy giải thích và chứng minh ý kiến trên hay cả các phần Soạn bài Đọc thêm: Đời thừa cùng rất nhiều những tài liệu hữu ích khác.

Nguyễn Thị Hương Thủy

Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội và hiện đang tham gia giảng dạy môn Ngữ Văn tại trường THPT Chu Văn An. Cô có 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, dẫn dắt nhiều thế hệ học sinh đạt những thành tích cao và đặt chân vào các trường đại học danh tiếng. Cô gặt hái được rất nhiều thành công trong sự nghiệp: giải Nhì trong cuộc thi giáo viên giỏi do thành phố Hà Nội tổ chức, tham gia giảng dạy đội tuyển Học sinh giỏi Quốc gia.
Back to top button