Lớp 9

Phân tích đoạn thơ Lục Vân Tiên gặp nạn

Đề bài: Phân tích đoạn thơ Lục Vân Tiên gặp nạn

phan tich doan tho luc van tien gap nan

Bài văn mẫu Phân tích đoạn thơ Lục Vân Tiên gặp nạn

I. Dàn ý Phân tích đoạn thơ Lục Vân Tiên gặp nạn

1. Mở bài

Giới thiệu về đoạn trích Lục Vân Tiên gặp nạn: “Lục Vân Tiên gặp nạn” là một trong những đoạn trích hay và đặc sắc nhất, đoạn trích được trích trong tác phẩm “Truyện Lục Vân Tiên” của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu.

2. Thân bài

a. Nhân vật Trịnh Hâm- đại diện cho cái ác:
– Âm mưu: làm hại Lục Vân Tiên
– Hành động: đẩy Vân Tiên xuống sông
– Động cơ của hành động: giết chết Vân Tiên
→ Nguyên nhân dẫn đến hành động: ích kỷ, ghen ghét với sự giỏi giang, thành công của Vân Tiên
– Thời gian diễn ra: đêm khuya
– Không gian diễn ra: sông, thuyền, lặng lẽ, im ắng
– Thái độ: giả vờ xót thương, thân khóc
=> Trịnh Hâm là kẻ bất nhân, tàn nhẫn, độc ác, ích kỷ,…một nhân cách thấp hèn

b. Nhân vật lão Ngư và gia đình lão:
– Hành động: vớt Vân Tiên lên, hối thúc hơ tay, hơ bụng dạ, mặt mày,…
– Mục đích của hành động: cứu người
– Thái độ: khẩn trương, nhanh chóng khi cứu giúp, ủi an, cảm thông khi biết sự tình khốn khổ của Vân Tiên, không màng ơn báo đáp khi giúp đỡ người khác
– Mời Vân Tiên ở lại cùng gia đình: sự cưu mang người khốn khổ hơn mình
– Lối sống đẹp, tâm hồn đẹp: ứng dụng, tự tại, sống hoà hợp với thiên nhiên, bình yên làm bạn với mây, trời, trăng nước
=> Những con người lương thiện, nhân ái, tốt bụng….nhân cách cao cả.

3. Kết bài

Khái quát giá trị đoạn trích: Lục Vân Tiên gặp nạn”- một thi phẩm được viết bằng thể thơ dân tộc bằng tất cả sự nhiệt huyết, lòng mong ước về một cuộc sống bình yên, tốt đẹp với những người lương thiện. Và cao hơn thế nữa là sự ca ngợi lòng trắc ẩn trong trái tim mỗi chúng ta giữa đời sống hôm nay.

II. Bài văn mẫu Phân tích đoạn trích Lục Vân Tiên gặp nạn

1.Phân tích đoạn thơ Lục Vân Tiên gặp nạn, mẫu số 1 (Chuẩn)

Văn học Việt Nam có rất nhiều cây bút tài hoa, nghị lực hơn người. Văn xuôi chúng ta có một Nam Cao bản lĩnh vượt lên gánh nặng áo cơm để sống và sáng tạo nghệ thuật. Còn thơ ca, chúng ta có Nguyễn Đình Chiểu dũng cảm hơn người, vượt lên trên cuộc đời bất hạnh với đôi mắt không thể nhìn thấy ánh sáng, ông đã cống hiến cho nền văn học nhiều tác phẩm đặc sắc. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến Truyện Lục Vân Tiên với đoạn trích ấn tượng “Lục Vân Tiên gặp nạn”. Thông qua tình huống khó khăn của Lục Vân Tiên, đoạn trích đã tái hiện sự đối lập giữa thiện và ác, ngợi ca vẻ đẹp, lòng nhân hậu cũng như tình yêu thương ở con người. Đồng thời tố các tội ác, sự tàn nhẫn của những kẻ giả tạo, hai mặt, ích kỷ tham lam.

Mở đầu đoạn trích, nhà thơ vạch trần hành động xấu xa, mờ ám của kẻ tiểu nhân Trịnh Hâm với âm mưu toan tính đẩy Lục Vân Tiên vào tình cảnh hiểm nguy.

“Đêm khuya lặng lẽ như tờ,
Nghênh ngang sao mọc mịt mờ sương bay.
Trịnh Hâm khi ấy ra tay
Vân Tiên bị gã xô ngay xuống vời”

Lộ phí đã hết, hai mắt đã mù. Thời điểm bấy giờ, thầy trò Vân Tiên gần như đã đi đến bước đường cùng nơi đất khách quê người. Vân Tiên gặp Trịnh Hâm, vui mừng khi nghe hắn hứa sẽ đưa về tận nhà, những tưởng bản thân đã được giúp đỡ. Nào ngờ, Trịnh Hâm lừa tiểu đồng vào rừng, trói gốc cây rồi gạt Vân Tiên tiểu đồng đã bị cọp vồ. Lợi dụng tình cảnh lẻ loi trơ trọi của chàng, kẻ tiểu nhân thực hiện hành vi tàn độc.

1 phan tich doan tho luc van tien gap nan

Những bài vănPhân tích đoạn thơ Lục Vân Tiên gặp nạn hay nhất

Âm mưu được sắp đặt tỉ mỉ, Trịnh Hâm thâm hiểm, mưu mô lựa chọn thời gian “đêm khuya”, khi mọi người chìm sâu vào giấc ngủ và không gian “vắng lặng”, “mịt mờ sương bay” để ra tay. Hắn không chút mảy may do dự, tàn độc đẩy Vân Tiên xuống hồ khiến chàng không kịp phản kháng. Không những thế, ngay sau đó, kẻ bất nhân còn giả tạo than khóc, cầu xin giúp đỡ, ngụy tạo những lời nói dối để mọi người đồng cảm, che đậy hành động đáng khinh của mình:

“Trịnh Hâm giả tiếng kêu trời
Cho người thức dậy, lấy lời phôi pha”

Khá khen cho kẻ “vừa ăn cắp vừa la làng”, kẻ hại người lại cầu được thương xót, tỏ vẻ nhân nghĩa biết bao! Kế hoạch Trịnh Hâm sắp đặt quả thực quá hoàn hảo khi khiến mọi người nghĩ rằng Vân Tiên chẳng may gặp nạn còn bản thân là người thấy và kêu cứu. Hắn giả tạo đến nỗi mọi người nhìn vào không ai nghi ngờ, tất cả chỉ xôn xao hoảng hốt:

“Trong thuyền ai nấy kêu la
Đều thương họ Lục xót xa tấm lòng”

Ai nấy xót thương cho chàng Vân Tiên hiền lành, tốt bụng. Chỉ riêng Trịnh Hâm tàn nhẫn, hẹp hòi, chỉ vì thù riêng, vì ích kỷ mà rắp tâm hãm hại huynh đệ giữa lúc khó khăn. Hại người vốn đã xấu xa, hại người thân cận, tin tưởng mình lại càng độc ác dơ bẩn biết nhường nào. Tám câu thơ đầu đã vạch trần bộ mặt gian xảo, mưu mô của Trịnh Hâm, phơi bày nội tâm xấu xa của kẻ bất nhân bất nghĩa đến đáng khinh thường.

Thế nhưng, cha ông xưa có câu “Ở hiền gặp lành”. Vân Tiên bị Trịnh Hâm tàn ác đẩy vào kiếp nạn nhưng lại may mắn gặp được Ngư Ông hiền lành, tốt bụng.

“Vân Tiên mình lụy giữa dòng,
Giao long dìu dắt vào trong bực rày.
May vừa trời đã sang ngày,
Thuyền chài xem thấy vớt ngay lên bờ.”

Ngư Ông chính là đại diện cho những người dân lao động nghèo, biết yêu thương giúp người, giúp đời, lương thiện chất phác. Vô tình nhìn thấy Vân Tiên trôi nổi giữa dòng nước, ông chẳng hề do dự nhanh chóng vớt chàng lên rồi hối thúc thành viên trong gia đình giúp đỡ.

“Hối con vầy lửa một giờ
Ông hơ bụng dạ, mụ hơ mặt mày”

Những người thân của Ngư Ông cũng nhân hậu như ông, không tính toán, không so đo, hành động hào hiệp, trượng nghĩa. Họ không biết Vân Tiên là ai, kẻ ác hay người tốt vẫn chung tay cứu người. Hành động của Trịnh Hâm ghê tởm bao nhiêu thì hành động của họ đáng trân trọng ngợi ca bấy nhiêu!

Vân Tiên tỉnh lại, biết rõ hoàn cảnh éo le của chàng Ngư Ông càng thêm cảm thông, thương xót, ngỏ lời mời Vân Tiên ở lại. Dẫu gia cảnh chẳng hề khá giả, những con người nghèo khổ vẫn sẵn sàng giang tay giúp đỡ người. Thậm chí khi Vân Tiên trăn trở không biết làm sao báo đáp ơn cứu mạng, Ngư Ông vẫn ân cần:

“Ngư rằng: Lòng lão chẳng mơ
Dốc lòng nhân nghĩa há chờ trả ơn”

Lời Ngư Ông bộc trực, khảng khái, đậm chất cá tính của người dân Nam Bộ ngay thẳng. Trong suy nghĩ của con người giàu lòng nhân nghĩa, làm việc tốt là điều cần thiết, là nghĩa vụ và hành động nên có của mỗi người. Không những thế, lão Ngư còn có một tâm hồn và lối sống cao đẹp. Lão không màng vật chất cao sang, chẳng màng phú quý danh lợi, chỉ cần cuộc sống tự do, ung dung là đủ:

“Rày doi mai vịnh vui vầy,
Ngày kia hứng gió đêm này chơi trăng.
Một mình thong thả làm ăn,
Khỏe quơ chài kéo, mệt quăng câu dầm,
Nghêu ngao nay chích mai đầm,
Một bầu trời đất vui thầm ai hay”

Một đoạn thơ ngắn với ý thơ phóng khoáng, sâu sa, lời thơ uyển chuyển, thanh thoát đã gợi lên bức tranh về một cuộc sống đầy ung dung, tự tại. Vũ trụ bao la hòa hợp với con người. Con người không chút lẻ loi, cô độc, chơi trăng, hứng gió. Tâm hồn “vui vầy”, “thong thả”, nghêu ngao,… Bỏ qua mọi danh lợi để tìm về cuộc sống sông nước sạch trơn, tấm lòng Ngư Ông sáng lấp lánh như sao trời.

Cặp từ “hứng gió, chơi trăng” cùng nhịp thơ 2/2/2 (dòng lục) và 4/4 (dòng bát) đã phác họa chân dung người lao động có tâm hồn thơ mộng, lãng mạn cùng phong thái chủ động, dung. Cuộc sống tự do tự tại thất hạnh phúc, vui vẻ biết bao:

“Kinh luân đã sẵn trong tay
Thung dung dưới thế vui say trong trời
Thuyền nan một chiếc ở đời,
Tắm mưa trải gió trong vời Hàn Giang”

Chiếc thuyền nan tuy bé nhỏ, mong manh, nổi trôi giữa biển rộng sông dài vẫn không sợ đắm chìm. Cuộc đời Ngư Ông cũng như chiếc thuyền ấy, đẹp đẽ biết bao. Hình ảnh của ông và gia đình là hình ảnh tiêu biểu cho những người lao động bình thường nhưng lương thiện, nhân nghĩa. Họ mang trong mình những tấm lòng nhân ái, bừng sáng nhân cách tươi đẹp, cao thượng.

Đoạn trích “Lục Vân Tiên gặp nạn” được xây dựng khéo léo theo kết cấu truyền thống của truyện cổ dân gian. Tuy nhiên, Nguyễn Đình Chiểu đã thành công sử dụng bút phát hiện thực kết hợp bút pháp ước lệ tượng trưng, nhịp thơ nhẹ nhàng, có điểm nhấn, ngôn ngữ bình dị, gần gũi. Đoạn trích qua đó đã gửi gắm niềm tin về một cuộc sống bình yên, tốt đẹp với những người lương thiện, ngợi ca vẻ đẹp ẩn giấu từ lòng trắc ẩn trong trái tim con người, lên án và phê phán những kẻ tiểu nhân mưu mô xảo quyệt, sẵn sàng đẩy người khác vào chỗ chết để đạt được mục đích cá nhân.

“Lục Vân Tiên gặp nạn” đã góp phần không nhỏ làm nên thành công của cả tác phẩm và ghi dấu phong cách hồn thơ Nguyễn Đình Chiểu trong văn học Việt Nam. Không chỉ chứa đựng giá trị văn chương sâu sắc, nó còn nâng niu một đạo lý truyền thống tốt đẹp của cả dân tộc – Ở hiền gặp lành.

—————-HẾT BÀI 1—————

Để có những cảm nhận chân thực nhất về hình tượng nhân vật Lục Vân Tiên, bên cạnh bài Phân tích đoạn trích Lục Vân Tiên gặp nạn, các em có thể tìm đọc thêm:Phân tích phẩm chất tốt đẹp của Lục Vân Tiên trong Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga, Cảm nhận về nhân vật Lục Vân Tiên trong đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga, Tính cách nghĩa hiệp của Lục Vân Tiên qua đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga, Phân tích nhân vật Lục Vân Tiên qua đoạn thơ: Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga.

2.Phân tích đoạn thơ Lục Vân Tiên gặp nạn, mẫu số 2(Chuẩn)

“Lục Vân Tiên gặp nạn” là một trong những đoạn trích hay và đặc sắc nhất trong tác phẩm “Truyện Lục Vân Tiên” của nhà thơ tài năng nhưng có cuộc đời đầy bất hạnh Nguyễn Đình Chiểu. Qua sự đối lập giữa thiện và ác, Nguyễn Đình Chiểu qua đoạn trích đã ngợi ca vẻ đẹp, lòng nhân hậu, tình thương của con người, đồng thời tố cáo tội ác tàn nhẫn của những kẻ sống giả tạo, hai lòng, sẵn sàng hãm hại người khác vì sự ích kỷ của bản thân.

Mở đầu đoạn thơ, Nguyễn Đình Chiểu đã tái hiện hành động mờ ám, xấu xa của kẻ tiểu nhân Trịnh Hâm khi ra tay đẩy Lục Vân Tiên vào chỗ nguy hiểm:

“Đêm khuya lặng lẽ như tờ,
Nghênh ngang sao mọc mịt mờ sương bay.
Trịnh Hâm khi ấy ra tay
Vân Tiên bị gã xô ngay xuống vời”

Trịnh Hâm sau khi lừa gạt tiểu đồng- người theo hầu Vân Tiên vào rừng trói lại, hắn bèn lợi dụng cảnh khốn khó, mù loà của bạn để hãm hại Vân Tiên. Âm mưu được sắp đặt sẵn, hắn chờ đến “đêm khuya” thời điểm mà mọi người đang chìm vào giấc ngủ để dễ bề thực hiện hành động ác độc của mình. Lựa chọn không gian “vắng lặng” cùng “mịt mờ sương bay” lại ở giữa sông giúp hắn ra tay của hắn nhanh chóng mà “người không biết, quỷ không hay” cho thấy hắn thâm hiểm, mưu mô đến mức độ nào. Trịnh Hâm ra tay một cách rất tàn nhẫn, không hề do dự mà đẩy ngày Vân Tiên xuống hồ, khiến chàng hoang mang, không kịp trở tay. Không chỉ vậy, sau khi đẩy Vân Tiên xuống, kẻ bất nhân đó còn giả tạo đến mức diễn cảnh “vừa ăn cắp vừa la làng” khi giả tiếng than khóc, kêu trời, cầu người giúp đỡ, khi mọi người tỉnh dậy, hắn nói những lời lừa dối hòng lấy lòng thương xót từ người khác để che giấu hành động của mình:

“Trịnh Hâm giả tiếng kêu trời
Cho người thức dậy, lấy lời phôi pha”

phan tich doan tho luc van tien gap nan 1

BàiPhân tích đoạn thơ Lục Vân Tiên gặp nạn ngắn, có dàn ý

“Giả tiếng kêu trời”- thật đáng khinh biết bao. Một kế hoạch do hắn lập ra thật hoàn hảo. Kẻ hại người lại cầu người thương xót. Hắn la làng khiến mọi người nghĩ rằng Vân Tiên tự ngã, còn hắn vô tình thấy và kêu cứu. Thật gian xảo biết bao mới nghĩ ra một kế hoạch trọn vẹn và có lợi cho hắn như thế. Sau khi nghe tiếng kêu mọi người xôn xao hoảng hốt:

“Trong thuyền ai nấy kêu la
Đều thương họ Lục xót xa tấm lòng”

Một người hiền lành, tốt bụng như Lục Vân Tiên thì chẳng ai mà không xót xa, thương tiếc khi nghe tin ấy. Trịnh Hâm thật tàn nhẫn, hẹp hòi khi chỉ vì tư thù, ích kỷ mà sẵn sàng hại người huynh đệ giữa lúc hoạn nạn, khó khăn còn là người mà đã đặt hết niềm tin vào mình. Đã vậy hắn còn sẵn sàng phủi tay, che dấu tội lỗi của mình. Hại người đã là xấu, hại cả người thân cận, bằng hữu của mình lại càng xấu xa biết bao. Qua tám câu thơ đầu ta thấy được bộ mặt gian xảo, xấu xa, mưu mô, độc ác của Trịnh Hâm, một kẻ bất nhân, bất nghĩa đến ghê tởm.

Khác với Trịnh Hâm tàn ác, mưu mô, những dòng tiếp theo ta được thấy hình ảnh một Ngư Ông đầy hiền lành, tốt bụng, một người đại diện cho những người lao động nghèo chân chính, họ thương người, giúp đời, làm việc thiện bởi hai chữ “nghĩa tình” đáng quý. Khi thấy Vân Tiên mình lụy giữa dòng nước, ông nhanh chóng cứu vớt chàng lên rồi khẩn trương hối thúc mọi người trong gia đình giúp đỡ:

“ Hối con vầy lửa một giờ
Ông hơ bụng dạ, mụ hơ mặt mày”.

Họ không hề tính toán, so đo thiệt hơn về mình, hành sự đầy hào hiệp, trượng nghĩa. Mỗi người một tay nhanh chóng tập trung cứu người không may, những việc làm tận tâm nơi họ thật đáng trân trọng biết bao, không vì thấy người xa lạ mà bỏ mặc, họ dành cho Vân Tiên sự quan tâm và ủi an hết mực. Ta càng thấy ghê rợn với hành động của Trịnh Hâm bao nhiêu thì ta lại càng cảm động, càng ấm lòng với hành động của gia đình Ngư Ông bấy nhiêu. Khi biết rõ hoàn cảnh trái ngang của Vân Tiên, lão Ngư lại càng không hề khinh khi mà càng cảm thông sâu sắc, rồi mời Vân Tiên ở lại cùng, dẫu gia đình chẳng hề khá giả hay giàu có gì. Thật ân tình và đầy thương cảm, tấm lòng “lá rách ít đùm lá rách nhiều” của lão Ngư là một thứ ánh sáng mang đến vầng hào quang đầy nhân văn cho đoạn trích. Khi Vân Tiên trăn trở không biết lấy gì báo đáp công ơn cứu giúp mình, lão Ngư ân cần mà bảo:

“Ngư rằng: Lòng lão chẳng mơ
Dốc lòng nhân nghĩa há chờ trả ơn”

Còn điều gì đáng trân quý hơn một tấm lòng nhân nghĩa, hành đạo giúp đời chẳng màng báo đáp. Với ông Ngư, đó là điều cần phải làm trong đời sống, là nghĩa vụ và trách nhiệm, tấm lòng mà mỗi người nên có trong đời.

Không chỉ có việc làm, hành động tốt, lão Ngư còn có một tâm hồn, một lối sống, cách nghĩ đầy cao quý. Với lão, chẳng màng vật chất cao sang, chẳng màng phú quý, bạc vàng hay danh lợi to lớn chỉ cần thấy đủ với cuộc sống, tự do, ung dung trước cuộc đời, trước thiên nhiên:

“Rày doi mai vịnh vui vầy,
Ngày kia hứng gió đêm này chơi trăng…
Kinh luân đã sẵn trong tay
Thung dung dưới thế vui say trong trời
Thuyền nan một chiếc ở đời,
Tắm mưa trải gió trong vời Hàn Giang”

Cuộc sống thật thanh cao, khoẻ khoắn, chẳng toan tính, nghĩ suy quá nhiều. Sớm mai vui vầy làm bạn cùng mây trời, trăng , gió vui cùng thuyền, câu, sóng, nước. Một cuộc sống bình dị mà ấm êm, đong đầy những tình cảm yêu thương dành cho nhau, cuộc sống ấy thật an nhiên, tự tại biết bao. Hình ảnh ông Ngư và gia đình là hình ảnh đẹp, tiêu biểu cho hình ảnh những người lao động bình thường, dân giã, ở họ ánh lên sức sống, vẻ đẹp của lương thiện, của chính nghĩa trong đời sống, ở họ ánh lên cả vẻ đẹp của những tấm lòng nhân ái, nhân cách cao cả, sống hành nghĩa, giúp đời đầy cao thượng.

Thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu vẫn luôn luôn như thế, bình dị, nhẹ nhàng mà chạm đến bao trái tim người đọc bởi những ý nghĩa và giá trị đầy đẹp đẽ mà nó mang lại. “Lục Vân Tiên gặp nạn”- một thi phẩm được viết bằng thể thơ dân tộc bằng tất cả sự nhiệt huyết, lòng mong ước về một cuộc sống bình yên, tốt đẹp với những người lương thiện. Và cao hơn thế nữa là sự ca ngợi và khơi dậy lòng trắc ẩn trong trái tim mỗi chúng ta khi sống giữa đời sống hôm nay.

3.Phân tích đoạn thơ Lục Vân Tiên gặp nạn, mẫu số 3:

Lục Vân Tiên là tác phẩm thơ Nôm tiêu biểu của Nguyễn Đình Chiểu dựng lên bức tranh đối lập giữa những người “cương trực”, “khẳng khái”, “vị tha”, “trọng nghĩa hiệp” như Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga và những kẻ độc ác, đầy lòng đố kị, ghen ghét như Trịnh Hâm, Bùi Kiệm. Qua đó, ông bày tỏ quan niệm của mình về lẽ công bằng và cái thiện sẽ luôn chiến thắng cái ác. Đoạn trích “Lúc Vân Tiên gặp nạn” đã thể hiện xuất sắc quan niệm ấy của nhà thơ.

Đoạn trích nằm ở phần thứ hai của truyện thơ. Trên đường về quê chịu tang mẹ, khóc nhiều nên Vân Tiên đã bị mù cả hai mắt, chàng và tiểu đồng bơ vơ nơi đất khách quê người. Đúng lúc này, Trịnh Hâm trên đường đi thi trở về gặp được hai người. Vì tâm địa xấu xa, ghen ghét, hắn đã không giúp bạn bè khi gặp hoạn nạn mà còn lập mưu hãm hại Vân Tiên. Hắn lừa tiểu đồng vào rừng rồi trói lại, giả bộ đưa Vân Tiên xuống thuyền, hứa sẽ đưa về nhà. Đợi lúc đêm xuống, hắn thực hiện tội ác của mình. Đoạn thơ thể hiện sự đối lập giữa cái thiện và cái ác, đồng thời gián tiếp gửi gắm lòng tin của tác giả đối với những người lao động bình thường.

Tám câu thơ đầu của đoạn trích miêu tả hành động tội ác của Trịnh Hâm:

Đêm khuya lặng lẽ như tờ,
Nghinh ngang sao mọc mịt mờ sương bay.
Trịnh Hâm khi ấy ra tay,
Vân Tiên bị gã xô ngay xuống vời.
Trịnh Hâm giả tiếng kêu trời,
Cho người thức dậy lấy lời phui pha.
Trong thuyền ai nấy kêu la,
Đều thương họ Lục xót xa tấm lòng.

Trong hoàn cảnh “đêm khuya lặng lẽ như tờ” – đêm hôm khuya khoắt, yên lặng không một tiếng động, người người còn đang say giấc nồng, Trịnh Hâm đã ra tay để hại Vân Tiên. Dường như đó là thời điểm thuận lợi để những kẻ xấu xa thực hiện tội ác của mình bởi chúng dễ dàng che giấu mọi hành vi tội lỗi. Vì tính độ kị, ghen ghét tài năng của Vân Tiên và lo lắng cho con đường tiến thân của mình, Trịnh Hâm đã ra tay phân tán thầy trò và bất ngờ khiến “Vân Tiên bị gã xô ngay xuống vời”. Không chỉ vậy, hắn còn vu khống “giả tiếng kêu trời” để mọi người thức dậy nghĩ rằng Vân Tiên tự mình bị ngã. Có thể nói, đó là hành động vừa bất nhân, bất nghĩa, vừa độc ác và gian xảo. Đó là hành động bất nhân bởi hắn đang tâm ác lòng hại người khác trong khi người ấy đang rơi vào hoàn cảnh hoạn nạn, không nơi nương tựa, bị mù hai mắt, bị lang băm lừa lấy hết tiền. Đó là hành động bất nghĩa bởi Vân Tiên từng là người bạn từng đàm đạo thơ văn, hứa hẹn đưa Vân Tiên về nhà. Đó còn là hành động độc ác, gian xảo bởi cái ác đã ăn vào máu thịt, đẩy con người ta vào đau đớn còn sẵn sàng phủi tay khiến người khác hiểu lầm. Chỉ với tám dòng thơ, bộ mặt của một kẻ độc ác, bất nhân, bất nghĩa đã được tái hiện một cách chân thực và toàn diện nhất.

phan tich doan tho luc van tien gap nan 2

Phân tích đoạn trích Lục Vân Tiên gặp nạn để thấy được sự đối lập thiện ác

Đối lập với kẻ độc ác, ghen ghét đố kị người khác như Trịnh Hâm là những người thiện lành, có tấm lòng nhân hậu, hào hiệp như Ngư Ông và gia đình của ông. Trời vừa hửng sáng, thấy người gặp nạn, Ngư Ông đã nhanh nhẹn cứu ngay lên bờ và hối thúc gia đình mình tập trung cứu giúp:

“Hối con vầy lửa một giờ,
Ông hơ bụng dạ, mụ hơ mặt mày”.

Mỗi người nhanh nhẹn, không ai bảo ai mà tìm mọi cách để cứu người. Họ cứu giúp không tính toán, không nề hà, trượng nghĩa và hào hiệp. Sau khi hỏi han biết tình cảnh của Vân Tiên, Ngư Ông còn sẵn lòng cưu mang chàng dù hoàn cảnh hết sức nghèo đói:

“Ngư rằng: Người ở cùng ta
Hôm nay hẩm hót với già cho vui.”

Thậm chí, ông còn không hề tính toán đến ơn cứu mạng:

“Ngư rằng: Lòng lão chẳng mơ
Dốc lòng nhơn nghĩa há chờ trả ơn”.

Qua đó, người đọc lại càng thêm cảm phục tấm lòng nhân ái, bao dung của Ngư Ông. Tấm lòng ấy hoàn toàn đối lập với mưu toan hãm hại người khác của những kẻ độc ác như Trịnh Hâm. Ngư Ông còn có một cuộc sống tự do, hòa hợp với thiên nhiên, tránh xa mọi vòng quay danh lợi:

“Nước trong rửa ruột sạch trơn,
Một câu danh lợi chi sờn lòng đây.
Rày doi mai vịnh vui vầy,
Ngày kia hứng gió đêm nầy chơi trăng…”

Lời tâm sự của Ngư Ông về cuộc sống tự do không kiềm tỏa, tránh xa mọi danh lợi thị phi, tìm đến với thiên nhiên nay đây mai đó cũng chính là quan niệm, ước mơ của Nguyễn Đình Chiểu về một cuộc sống trong sạch thanh cao, giản dị mà vẫn không kém phần phóng khoáng. Những dòng thơ cuối lại càng nhấn mạnh cuộc sống thoải mái, phóng khoáng tự do cùng với thiên nhiên của Ngư Ông:

“Kinh luân đã sẵn trong tay
Thung dung dưới thế vui say trong trời
Thuyền non một chiếc ở đời, .
Tắm mưa chải gió trong vời Hàn Giang”.

Có thể nói, qua nhân vật Ngư Ông, Nguyễn Đình Chiểu đã bộc lộ quan điểm nhân dân rất tiến bộ. Tác giả thể hiện niềm tin, khát vọng về cái thiện, về những con người lao động bình thường. Đó là những người đối lập với cái tráo trở, cái lừa lọc ganh ghét, cái đố kị, họ đối xử với đời hòa nhã và bao dung. Phải chăng đó cũng chính là vẻ đẹp ẩn chứa trong tâm hồn của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu?

Đoạn trích “Lục Vân Tiên gặp nạn” đã sử dụng cách sắp xếp các tình tiết hợp lí, lời thơ dung dị đời thường, xây dựng các hình ảnh đối lập. Qua đó, người đọc thấy được sự đối lập giữa cái thiện và cái ác, giữa những người cao cả và những kẻ thấp hèn, đặc biệt cảm nhận được niềm tin mãnh liệt của nhà thơ dành cho vẻ đẹp của những người dân lao động bình dị.

——————HẾT—————-

Lục Vân Tiên gặp nạn là đoạn trích đặc sắc trong truyện thơ Lục Vân Tiên, thể hiện rõ nét sự đối lập thiện – ác giữa gia đình Ngư ông và kẻ tiểu nhân gian xảo Trịnh Hâm. Để củng cố thêm những hiểu biết về đoạn trích, bên cạnh bài văn mẫu Phân tích đoạn thơ Lục Vân Tiên gặp nạn, các em có thể tham khảo thêm: Soạn bài Lục Vân Tiên gặp nạnhayPhân tích sự đối lập thiện – ác trong đoạn trích Lục vân Tiên gặp nạn, Phân tích nhân vật ông Ngư trong đoạn trích Lục Vân Tiên gặp nạn.

Nguyễn Thị Hương Thủy

Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội và hiện đang tham gia giảng dạy môn Ngữ Văn tại trường THPT Chu Văn An. Cô có 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, dẫn dắt nhiều thế hệ học sinh đạt những thành tích cao và đặt chân vào các trường đại học danh tiếng. Cô gặt hái được rất nhiều thành công trong sự nghiệp: giải Nhì trong cuộc thi giáo viên giỏi do thành phố Hà Nội tổ chức, tham gia giảng dạy đội tuyển Học sinh giỏi Quốc gia.
Back to top button