Đề bài: Em hãy phân tích cái hay của điệp ngữ “Buồn trông” trong Kiều ở lầu Ngưng Bích, trích Truyện Kiều của Nguyễn Du.
Phân tích cái hay của điệp ngữ “Buồn trông” trong Kiều ở lầu Ngưng Bích
I. Dàn ý Phân tích cái hay của điệp ngữ “Buồn trông” trong Kiều ở lầu Ngưng Bích (Chuẩn)
1. Mở bài
– Giới thiệu về Truyện Kiều và đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”
– Vẻ đẹp trong bút pháp miêu tả nội tâm của Nguyễn Du ở trong tám câu cuối cùng điệp từ “Buồn trông”.
2. Thân bài
– Bốn bức tranh được dựng lên qua tám câu thơ, thể hiện tâm trạng của nàng Kiều.
– Tất cả đều được bắt đầu bằng “buồn trông” → Nghe buồn thảm, sầu thương.
+ Nỗi buồn của con người thấm sang cảnh vật
+ Sau tất cả những biến cố đã xảy ra, giờ Kiều mới có thể ngồi ngẫm lại thấm thía nỗi buồn của bản thân.
– Bức tranh đầu tiên: Con thuyền và cánh buồm:
+ Lầu Ngưng Bích nhìn về phía biển, Kiều bắt gặp cảnh “cửa bể chiều hôm”
+ “Chiều hôm”: Lúc trời bắt đầu tối→ Buồn, nhớ nhà…(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ýPhân tích cái hay của điệp ngữ “Buồn trông” trong Kiều ở lầu Ngưng Bích tại đây.
II. Bài văn mẫuPhân tích cái hay của điệp ngữ “Buồn trông” trong Kiều ở lầu Ngưng Bích (Chuẩn)
Trong tác phẩm Truyện Kiều có rất nhiều đoạn trích độc thoại nội tâm, miêu tả tâm trạng của Thúy Kiều trong mười lăm năm lưu lạc xa quê. Thế nhưng để nói tới đoạn thơ miêu tả nội tâm đặc sắc nhất thì không thể không nhắc tới đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”. Đây là một trong những trích đoạn miêu tả nội tâm nhân vật xuất sắc nhất, độc đáo nhất của Nguyễn Du, đặc biệt là tám câu cuối của đoạn thơ. Tất cả vẻ đẹp, cái hay, cái tài hoa của Nguyễn Du đều đọng lại trong tám câu thơ này cùng với điệp từ “buồn trông”:
“Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu
Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt nước một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng vây quanh ghế ngồi”.
Tám câu thơ trên mới đọc qua tưởng chừng chỉ tả những cảnh vật bên ngoài lầu Ngưng Bích nhưng ngẫm lại thì mới thấy thực ra nó đang tả lại cái tâm trạng con người, tâm trạng của Kiều.
Bốn bức tranh được dựng lên bằng tám câu thơ, mỗi bức tranh là một khung cảnh khác nhau nhưng bức tranh nào cũng bắt đầu bằng điệp từ “Buồn trông”. Đọc lên nghe sao mà não lòng, sầu bi, thương xót đến thế! Nỗi buồn ấy dường như chứa đựng sẵn trong lòng người, vậy nên khi nhìn vào cảnh vật, Kiều lại càng thấy buồn bã hơn, buồn đến vô cùng, càng ngắm nhìn lại càng thêm buồn thảm. Tâm trạng đau thương, buồn tủi của Kiều đã thấm sang cảnh vật khiến nó cũng nhuốm màu thê lương giống như nàng lúc này. Cảnh vật ấy quả thực hợp với nàng hay do lòng nàng mà nên!
Trước khi gặp gia biến, Kiều sống trong cảnh “Êm đềm trướng rủ màn che”, nàng có buồn nhưng cái buồn ấy chỉ là sự thoáng qua, cái buồn bã của một thiếu nữ khuê các. Nhưng giờ đây, trải qua bao biến cố, bao đau khổ, ngồi một mình nơi này, nàng mới thấy cái buồn đang thấm vào tim gan của nàng, gieo rắc cho nàng một nỗi buồn dai dẳng, kéo dài tới tận cuộc đời phía trước.
Biến cố bắt đầu tất cả từ khi nàng phải bán mình chuộc cha, phải rời xa tình yêu đầu đời Kim Trọng, xa nhà, xa quê hương, xa cả gia đình êm ấm, rồi bị làm nhục, bị đưa vào lầu xanh, bị lừa, bị đánh đập, tất cả cứ liên tiếp, liên tiếp xảy đến với nàng. Như thế hỏi sao nàng không buồn được chứ? Nhưng cái buồn ấy cũng chỉ mới thoảng đến thoảng đi, bởi nàng còn chưa kịp hoàn hồn trước biến cố này thì biến cố khác đã ập tới. Để đến tận giờ đây, ngồi lại một mình yên tĩnh, nàng mới có cơ hội được thấm cái buồn trong số mệnh của mình.
Quả thực là buồn bởi ngay từ những dòng thơ đầu tiên, người ta đã thấy Kiều thơ thẩn một mình ngoài hàng hiên của lầu Ngưng Bích, ngắm những cảnh vật xa xăm, khi bốn bề thật là vắng lặng, quạnh quẽ đến vô cùng. Không gian ấy dội vào lòng Kiều những nỗi buồn khó tả.
Nàng nhớ Kim Trọng, nhớ mẹ cha, nhớ nhà. Tất cả nỗi nhớ ấy hòa quyện đượm lên nỗi buồn của nàng, thấm thía làm sao. Và Nguyễn Du đã thật tinh tế khi gợi lên nỗi buồn ấy của nàng bằng một từ thật mộc mạc, chân thật quá đỗi: “Buồn trông”. Vì buồn nên trông nên ngắm nhưng càng trông càng ngắm lại càng thấy buồn. Hai tiếng ấy dội vào lòng người thật thê lương biết bao! Để đến giờ đây, nàng ngắm đâu nhìn đâu cũng thấy cảnh vật thật buồn bã.
Bức tranh đầu tiên hiện lên trước mắt chúng ta:
“Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa”
Ghé mắt nhìn về cửa bể, mong cảnh vật mang lại chút niềm vui cho mình, nhưng lại bắt gặp khung cảnh “của bể chiều hôm”. Chỉ nghe hai tiếng “chiều hôm” thôi, cũng thấy cái gì đó thật sầu muộn. Bởi khi đó là khi ánh mặt trời sắp lụi tàn, chỉ còn vương vấn chút ánh sáng thoi thóp trên mặt nước bể. Một dải nước mênh mang choáng lấy cái nhìn, nó cứ hút mãi tầm mắt ra xa, càng trông lại càng vô tận vô cùng. Ngoài đó chẳng có gì ngoài một miền trống vắng đến hoang hoải khi bầu trời đang dần chuyển mình vào màn đêm. Tưởng như chẳng có gì để mà bắt gặp vậy mà Kiều lại thấy “thấp thoáng” đâu đó một chiếc thuyền với “cánh buồm xa xa”. Nếu như người ta thường trông thấy cả một đoàn thuyền tấp nập, nhộn nhịp nối đuôi nhau thì ở đây, Kiều chỉ trông thấy một chiếc thuyền đang lẻ loi giữa cửa biển xa xăm. Chiếc thuyền ấy thật mơ hồ, lẻ loi, “thuyền ai”, Kiều tự hỏi, nó đang trôi về đâu? Phải chăng nó cũng đang trôi dần về vô định, trôi trong sự cô đơn lạc lõng giống như Kiều? Và chiếc thuyền ấy cũng đang dần mất hút về phía chân trời bởi Kiều chỉ còn nhìn thấy chiếc buồm “thấp thoáng” ngoài xa. “Thấp thoáng” – một từ mà khiến người ta cảm thấy nó mờ nhạt quá, cứ chợt ẩn, chợt hiện, mơ hồ, như một ảo ảnh của con người. Tâm trạng đã thật trĩu nặng, cảnh vật lại càng khiến cho lòng nàng thấm thía, buồn tủi hơn vài phần.
Ngoảnh mặt sang phía bên kia của góc lầu, nàng muốn tìm một khung cảnh khác tươi vui hơn thế nhưng:
“Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu”
Kiều chỉ muốn tìm một khoảnh khắc tươi vui giữa sự sầu muộn đang bủa vây lấy mình, thế nhưng, ngoảnh đi ngoảnh lại, nàng vẫn chỉ bắt gặp những khung cảnh thật sầu đến não lòng.
Một ngọn nước đang ầm ầm từ trên cao tuôn xuống, dòng nước tuôn chảy dữ dội, sôi trào. Nó cuộn xoáy, xô đẩy, cuốn trôi đi mọi cát bụi, cành lá. Nhìn cảnh tượng ấy, Kiều chẳng khỏi chạnh lòng, càng nhìn con nước ấy, lại càng buồn thương hơn. Nàng chợt bắt gặp một cánh hoa đang xoay tròn trên dòng nước xiết, cánh hoa ấy mỏng manh, yếu đuối bất lực giữa những xoáy nước hung dữ. Cánh hoa ấy phải chăng cũng như số phận nàng giờ đây, rơi vào chốn tủi nhục, vào dòng nước xoáy, không thể thoát ra nổi, cũng chẳng “biết là về đâu”. Cánh hoa ấy quá yếu đuối, sa vào dòng nước này, nó chẳng thể thoát ra nổi, lang thang vô định, bị vùi cho tan nát giữa dòng đời. Từ láy “man mác” được Nguyễn Du khéo léo dẫn vào câu thơ, đọc lên ta thấy một nỗi buồn thật khó tả. Cánh hoa ấy cứ dập dềnh, “man mác” gợi lên một nỗi buồn thật mơ hồ, nỗi buồn cho cánh hoa rơi giữa dòng nước dữ hay nỗi buồn cho chính số phận lênh đênh của mình giữa dòng đời dài rộng?
Hai lần ngoảnh mặt giữa khoảng không vô định là hai lần Kiều bắt gặp những cảnh vật thật vàng võ, thật sầu thảm giống y như cuộc đời của nàng. Lần thứ ba ngoảnh mặt, bức tranh cảnh vật lại càng thêm bi thương hơn nữa:
“Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt nước một màu xanh xanh”
Như Nguyễn Du cũng đã từng nói: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, vậy nên giờ đây, ngó quanh bên mình, cái nhìn mang một nỗi sầu muộn nên vẫn chỉ là “buồn” mà “trông”. Lại là một khung cảnh quạnh quẽ, thê lương! Chẳng còn màu xanh tươi mát của: “Cỏ non xanh tận chân trời” như những ngày còn êm ấm, giờ đây, Kiều chỉ thấy một “nội cỏ rầu rầu”. Vẫn là một thảm cỏ trải dài tới tận chân trời, thế nhưng lại mang một màu sắc thật u ám “rầu rầu”, không chút sức sống. Cả một cánh đồng cỏ mênh mông, không một bóng hoa, bóng cây, nhà cửa, con người, thật đơn điệu, thật nhàm chán biết bao. Nhìn ra xa, toàn một màu cỏ vàng úa, héo tàn, chẳng còn chút sức sống mãnh liệt thuở nào, hay chăng cũng giống như tâm trạng của Kiều lúc này, cùng sầu thảm, bi thương, héo úa hệt như thế? Cánh đồng cỏ bát ngát ấy chắc cũng hệt như tâm trạng con người ngắm nó lúc này:
“Chân mây mặt đất một màu xanh xanh”
Mặt đất, bầu trời dường như nối liền vào với nhau, tạo nên một màu “xanh xanh”. “Xanh xanh” – chẳng phải là xanh hẳn mà chỉ là “xanh xanh”. Cái màu xanh ấy nó nhợt nhạt, xa xôi quá khiến cho người ngắm nhìn cảm thấy cô đơn, sầu thảm. Nguyễn Du đã đặt vào bức tranh thứ ba này hai từ láy chỉ màu sắc liên tiếp ở hai câu thơ. Phải chăng ông đang muốn nhấn mạnh màu sắc u ám của bức tranh thứ ba mà Kiều đang ngắm nhìn?
Ngoảnh mặt ba bên, bên nào cũng là những cảnh vật thật khiến người ta cảm thấy thê lương đến vô cùng. Chỉ còn một phía cuối cùng, Kiều ngoảnh lại nhìn. Nếu ba bức tranh đầu kia, cái buồn chỉ là chút vương vấn, tăng dần theo khung cảnh, chưa thực sự hẳn là buồn thì ở bức tranh này, cái nỗi buồn ấy mới thực là thấm thía tim gan:
“Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng vây quanh ghế ngồi”.
Dường như ba bức tranh trên chỉ là phông nền, là sự chuẩn bị cho nỗi buồn trào dâng ở bức tranh thứ tư này.
Một vùng biển ăn sâu vào trong bờ đất, bên ngoài là mặt biển lớn mênh mang, gió từ biển cuộn lại hút sâu vào cái “duềnh”, tạo nền một thứ âm thanh thật khủng khiếp. Nó ầm ầm, rung chuyển, cuộn trào bọt tung trắng xóa. Những con sóng ở đây chẳng êm đềm mà đang gào thét, cuồng nộ, xô nhau, cuốn phăng đi mọi thứ. “Ầm ầm”, từ láy âm thanh mà khi đọc lên dường như ta còn cảm nhận thấy được sự dũng mãnh, sự cuồng nộ vô cùng của những con sóng biển. Dường như ta còn nghe được tiếng nó đang gào thét ngay bên mình, hết lớp này tới lớp nọ, không ngơi không nghỉ. Tiếng sóng dữ dội ấy dường như đang vây quanh Kiều. Nàng thấy mình chẳng còn ngồi trong lầu Ngưng Bích “khóa xuân” ấy nữa mà ngồi giữa mặt biển, nghe tiếng sóng vỗ đang gào thét quanh mình. Trong lòng nàng chợt dâng lên một nỗi lo lắng, cảm khái, sợ hãi trước tương lai. Những con sóng ấy phải chăng là sóng gió của cuộc đời đang bủa vây lấy nàng, tâm hồn nàng, nhìn nàng mà cuồng nộ? Hay phải chăng đó cũng là lời của Nguyễn Du muốn báo trước cho nàng về số mệnh của người con gái tài hoa nhưng truân chuyên ấy?
Ba bức tranh trước, chúng ta luôn thấy con người và cảnh vật song hành. Tuy xuất hiện cùng nhau nhưng lại hoàn toàn tách biệt đến tận bức tranh thứ tư, con người và cảnh vật đã hòa quyện lại với nhau. Cái buồn của con người đã thấm hết sang cảnh vật, đẩy nó lên cao trào, tột đỉnh. Sự tột đỉnh của cái buồn có thể khiến con người có thể làm bất cứ điều gì để thoát khỏi cái bóng ghê gớm của nó. Chính điều này có lẽ là nguyên do khiến cho sau này Kiều dại dột nghe theo Sở Khanh để rồi bị hắn lừa gạt.
Khép lại bốn bức tranh, người đọc không thể không ấn tượng bởi điệp từ “buồn trông”. Khi tâm trạng buồn tủi, chán chường đến vô cùng thì nhìn đâu cũng chỉ là cái nhìn đầy sầu muộn mà thôi. Điệp từ luôn được Nguyễn Du đặt ở đầu câu, theo sau nó là bốn bức tranh phong cảnh chứa đựng sự u ám, đầy thê lương. Có thể nói, điệp từ ấy là từ để gợi tả lên nỗi lòng của Kiều, cũng là mở ra những bức tranh tâm trạng của nàng, cũng là dự báo về những giông tố cuộc đời phía trước của nàng.
Phải nói, để dựng lên bức tranh tâm trạng này, không một nhà thơ nào có thể làm tốt hơn Nguyễn Du. Những bức tranh thiên nhiên ấy hòa hợp một cách diệu kì với tâm trạng của một nàng Kiều đang trong bề đau khổ. Đặc biệt là điệp từ “buồn trông”. Cái cách ông thể hiện sắc thái của thiên nhiên, của tâm trạng con người thật khiến người ta thán phục. Nguyễn Du quả thật là một nhà thơ với bút pháp miêu tả nội tâm con người sâu sắc với độc đáo nhất.
—————HẾT—————-
Tìm hiểu về đặc sắc nghệ thuật trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích, bên cạnh bàiPhân tích cái hay của điệp ngữ “Buồn trông” trong Kiều ở lầu Ngưng Bích, các em có thể tìm đọc thêm:Phân tích nét đặc sắc nghệ thuật trong 8 câu thơ cuối đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích, Phân tích nghệ thuật miêu tả tâm trạng Thuý Kiều trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích, Phân tích tâm trạng của Kiều trong Kiều ở lầu Ngưng Bích, Phân tích tám câu thơ cuối trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích.