Đề bài: Phân tích bài thơ Vội vàng để thấy được sự tươi trẻ trong tình yêu
Phân tích bài thơ Vội vàng để thấy được sự tươi trẻ trong tình yêu
Bài làm
Phong trào Thơ mới đã tạo nên những tên tuổi nổi bật trong làng văn học Việt Nam. Ta không khỏi khắc khoải, ngậm ngùi với cái tôi “điên” trong hồn thơ Hàn Mạc Tử. Bâng khuâng, thổn thức với vẻ u buồn, sầu não trong thơ Huy Cận hay bình tâm, nhẹ nhàng với cái tôi “quê mùa” trong thơ Nguyễn Bính. Đến với thơ Xuân Diệu – “nhà thơ mới nhất trong những nhà thơ mới” – ta lại được sống trong những cảm xúc tươi trẻ, hồn hậu, rạo rực và thiết tha nhất qua những vần thơ đầy tài ba của thi nhân. “Vội vàng” là một nốt nhạc đẹp nhất trong bản tình ca về cuộc sống và tuổi trẻ của Xuân Diệu. Bài thơ cho thấy được vẻ đẹp của sự tươi trẻ, khát khao sống và khát khao giao cảm với đời, khát khao yêu, được yêu và sống hết mình với tuổi trẻ tươi đẹp.
“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt nữa
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi”
Nắng, gió là những vật thể không cầm nắm được cũng không nhìn thấy được, làm sao ta có thể sở hữu nó, đó là cái vô hình giữa hữu hình của thực tại, tác giả muốn được “tắt”, được “buộc”, cái tôi ấy muốn làm chủ thiên nhiên. Đó là cái tôi bùng cháy muốn đoạt lấy, giữ lấy vẻ đẹp của tạo hoá, chút hương của gió, chút màu nắng sớm mùa xuân cũng khiến thi nhân khát khao có được, mong muốn giữ lấy cho riêng mình. Tác giả say sưa muốn tận hưởng hương sắc của đất trời bởi ông biết rằng nay đây mọi thứ sẽ mất đi, chẳng còn vẹn nguyên như lúc này, hương gió, màu nắng vẫn chẳng thể tồn tại mãi với đất trời.
” Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi
Mỗi sáng sớm thần vui hằng gõ cửa”
Tình yêu là vẻ đẹp cao cả và đầy những cảm xúc thú vị. Và phải chăng, những con người đang yêu cũng mang tình yêu ấy soi vào hồn cảnh vật để thấy gì cũng rất đỗi đáng quý, đáng yêu. Một thiên đường mùa xuân trên mặt đất xuất hiện, mùa xuân của sự tươi trẻ, mùa xuân của nhiệt huyết, rất đỗi tuyệt vời và nên thơ. Hồn cảnh vật cũng mang dư vị yêu, bức tranh tình yêu đầy màu sắc, đầy gia vị và cảm xúc ngọt ngào rất đỗi tự nhiên. Từng câu, từng chữ thấm đượm vẻ khoan khoái, tươi vui, hân hoan trước vẻ đẹp của mùa xuân, vẻ đẹp của thời gian và đất trời. Điệp ngữ “Này đây” thể hiện được sự rạo rực, có phần vồ vập của tâm hồn tin yêu nơi tác giả như muốn được chiếm hữu tất thảy thiên nhiên tươi đẹp này. Mùa xuân, mùa của vạn vật khoe sắc, cánh hoa yêu thương của đồng nội, màu lá của cỏ cây, khúc nhạc tình yêu của yến anh đã tạo nên một không gian sinh động, tươi mới, tràn đầy hi vọng. Lòng người cũng không thể nguôi ngoai trước cảnh vật tuyệt diệu, tình yêu, muốn được nâng niu, trân trọng, giữ gìn, khi mỗi buổi sáng là ước mơ, là hy vọng, là thần niềm vui gõ cửa. Ta như cảm nhận được vị xuân đang ngập tràn trong từng ngõ ngách của đường phố, vào từng góc vườn của mỗi ngôi nhà mang yêu thương đến muôn nơi. Nhịp thơ nhanh, ngôn từ mượt mà, gợi hình, gợi cảm. “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”, lối so sánh độc đáo và rất đỗi lạ kì chỉ có ở hồn thơ Xuân Diệu. Thời gian đẹp như vẻ đẹp của tình yêu, hấp dẫn, hiển hiện với vẻ đẹp chẳng ai muốn mất đi, nó gợi cảm, cuốn hút đầy tình tứ như vẻ đẹp của đôi môi mang dư vị ngọt ngào của tình yêu. Nhà thơ đã rất tinh tế và sâu sắc khi viết nên những hình ảnh so sánh mới lạ như thế. Mùa xuân mê đắm lòng người, vạn vật mê đắm giấc xuân, dường như nhà thơ đã thức dậy đầy đủ các giác quan của mình để thưởng thức và tận hưởng trời xuân một cách dạt dào như thế.
Nhưng sẽ chẳng có gì là tồn tại mãi với thời gian :
“Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già”
Thời gian vốn chẳng chờ đợi ai bao giờ, xuân đến xuân đi để lại nỗi lưu luyến chốn nhân gian. Người thi nhân đang lo lắng trước sự chảy trôi của thời gian. Niềm vui thì bao giờ cũng ngắn ngủi, ai mà không khỏi lo sợ, không khỏi khắc khoải khi mùa xuân hết là lúc tuổi trẻ qua đi, tình yêu chẳng thể ở lại: “Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất”. Tuổi trẻ là mùa xuân, mùa xuân là sức sống là khát khao của tuổi trẻ, tình yêu lại gắn liền với mùa xuân và tuổi trẻ. Lòng người rộng lớn bao nhiêu, thì thời gian lại chật hẹp bấy nhiêu, làm sao cho thoả sức vùng vẫy những khát khao tuổi trẻ. Đặc biệt, với những con người đang sống với tuổi trẻ thì lại khao khát hơn bao giờ hết khoảnh khắc được sống hết mình với tình yêu, với thanh xuân tươi đẹp, triết lý sống vội của Xuân Diệu thực rất đỗi cao đẹp.
“Lòng tôi rộng mà lượng trời cứ chật
Không cho dài tuổi trẻ của nhân gian
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi”
Khi tình yêu trọn vẹn, khi tuổi trẻ được sống và cống hiến, tận hưởng hết mình thì cũng là lúc viên mãn nhất của thanh xuân. Tác giả tin rằng, xuân vẫn tuần hoàn đó, tuổi trẻ lại chẳng thể hai lần thắm lại. Ngày mai sẽ mãi chẳng thể là ngày hôm nay được nữa. Khi mà cả đất trời đổi thay, chuyển giao theo mỗi bước đi của thời gian thì khát khao của tác giả bùng cháy đến đỉnh điểm.
“Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn chiều”
Từ “tôi” đến “ta” là một sự vận động tất yếu của cái tôi trữ tình. Những động từ mạnh như”ôm”, “riết”, “say”, “thâu” …càng cho thấy được khát khao bùng cháy của tác giả như thể chỉ có hôm nay thôi. Nhà thơ ao ước được đắm mình trong tình yêu tuổi trẻ rạo rực, được sống, được ôm ấp, vỗ về giữa đất trời tuyệt đẹp cho thoả cõi lòng. “Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi”, xuân hấp dẫn quá, tuyệt vời quá, làm sao ta có thể cưỡng nổi trước sức hút ấy. Xuân như một người tình rất đỗi đẹp đẽ và xinh tươi.
Bằng những hình ảnh giàu sức gợi, cảm xúc chân thành và tươi mới. Xuân Diệu đã viết nên một bài thơ như một bản nhạc hiến dâng cho đời, cho tuổi trẻ. Bài thơ đã thể hiện quan niệm sâu sắc về tuổi trẻ, thời gian và tình yêu của đời người, thúc giục mỗi chúng ta phải sống hết mình với tuổi trẻ, tận hưởng hạnh phúc chính đáng mà cuộc sống ban tặng. Hãy sống như thể không có ngày mai, trân trọng những khoảnh khắc diệu kì của hiện tại.
—————–Tổng kết——————
Bên cạnh bàiPhân tích bài thơ Vội vàng để thấy được sự tươi trẻ trong tình yêu của Xuân Diệu, để học tốt và nắm vững những đặc sắc nội dung, nghệ thuật của bài thơ Vội vàng, các em có thể tìm đọc thêm:Phân tích bài thơ Vội vàng đoạn 1, Phân tích tâm trạng nhân vật trữ tình trong bài thơ Vội Vàng của Xuân Diệu, Phân tích Vội vàng để thấy quan niệm sống của Xuân Diệu, Triết lí nhân sinh trong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu.