Lớp 11

Phân tích bài thơ Mồng hai Tết viếng cô Kí

Đề bài: Phân tích bài thơ Mồng hai Tết viếng cô Kí

phan tich bai tho mong hai tet vieng co ki

Bài văn mẫu Phân tích bài thơ Mồng hai Tết viếng cô Kí

Bài mẫu: Phân tích bài thơ Mồng hai Tết viếng cô Kí

Tú Xương tên thật là Trần Tế Xương, là một người vốn thông minh, kiên trì học tập, nhưng lại không may mắn trong việc thi cử. Cuộc đời ông chỉ ngắn ngủi 37 năm nằm trọn đúng vào thời buổi nước ta rối ren, hỗn tạp và bi thương nhất. Cả đời ông không thỏa chí học hành, lại sống cảnh thiếu thốn cơ cực nên ông thường lấy việc làm thơ là thú vui tiêu khiển giải sầu, cũng chính vì thế mà hậu nhân mới có được những bài thơ thật chân thực và xuất sắc phản ánh đúng bản chất xã hội đương thời. Tiêu biểu phải kể đến bài Mồng hai Tết viếng cô Kí.

Cô Kí là ai mà nhà thơ phải viếng, kể ra thì cũng thật đáng thương, người phụ nữ ấy vốn là người sống cùng một phố với Tú Xương, còn trẻ nhưng lại chết một cách bất thình lình, không những thế còn nhằm ngày mùng hai Tết để chết. Một người đàn bà trẻ thì cớ gì Tú Xương lại gọi là cô, nguyên do bởi chồng của cô là thầy Kí, một người lớn tuổi tới bậc cha, bậc chú chăng, hẳn là ông ta cũng làm công việc chữ nghĩa, văn thư gì đó mới được xưng làm “thầy” trong cái thời buổi nửa Tây nửa ta, nửa nạc nửa mỡ này. Quân Pháp xâm lược nước ta, những gì chúng đem lại chỉ có tiếng súng nổ và sự lầm than cực khổ cho nhân dân ta, nhưng cũng có những kẻ lại nhờ cái văn minh bọn thực dân đem đến mà giàu lên thành kiểu “nhà giàu mới nổi”, mà tiêu biểu là hai vợ chồng cô Kí, thầy Kí. Họ mở một cửa hàng xe kéo tay, dùng sức lao động của những con người khốn khó, nghèo khổ để kiếm tiền, đạp lên mồ hôi nước mắt của người khác để làm giàu và họ giàu một cách nhanh chóng. Tất nhiên không riêng gì hai vợ chồng này mà ở cái đất Nam Định khi ấy còn rất nhiều những người có “thân phận” như vậy. Tuy nhiên đã là chết thì dù là ai cũng đều đáng để xót thương, hơn nữa lại là người có “câu chuyện” đặc biệt như cô Kí.

Quay lại bài thơ, hai câu mở đầu như sau:

“Cô Kí sao mờ đã chết ngay
Ô hay trời chẳng nể ông Tây!”

Câu “Cô Kí sao mờ đã chết ngay” là lời thảng thốt của Tú dành cho cái chết bất đắc kỳ tử của cô Kí, có vẻ nhà văn không tin vào cái chết ấy, cô Kí đang khỏe mạnh thế kia sao lại “chết ngay” được, quả kỳ lạ và là tin khá sốc. Thế nhưng đến câu tiếp “Ô hay trời chẳng nể ông Tây!” Tú cũng biểu lộ sự ngạc nhiên, nhưng mà có gì đó lạ quá, ông Tây hay ông ta thì trời cũng chẳng cần phải nể, hơn thế nữa sao đang nói về cô Kí bỗng nhảy thoắt sang một ông Tây ở tận đẩu tận đâu là thế nào, câu trên câu dưới chẳng logic với nhau gì cả. Nhưng khoan hãy vội nghi hoặc bởi chỉ cần đọc câu dưới đây ai cũng sẽ phải vỡ lẽ:

“Gái tơ đi lấy làm hai họ”

Ta bắt đầu phân tích từng câu từng chữ, “gái tơ” nghĩa là cô gái trẻ, cái này chẳng đáng bàn, nhưng “lấy làm hai họ” thì còn nhiều điều phải ngẫm. Bởi nếu để riêng thì ta hiểu theo mặt chữ, à thì ra cô gái trẻ này về làm vợ bé của ông thầy Kí, nhưng khi đọc lại câu trên “Ô hay trời chẳng nể ông Tây!”, lập tức ngộ ra cô này vừa làm vợ bé của ông thầy Kí, lại còn đèo vòng thêm cả ông Tây nữa kia, hóa ra cô này phận hai chồng, thờ hai họ là ý thế. Người đàn bà có số phận kỳ cục ấy, lại xấu số khi về tây thiên đúng ngày mùng hai Tết, và thái độ của hàng xóm quanh phố và đặc biệt là ông chồng cũng khiến con người ta cảm thán không thôi, trách cho lòng người bạc bẽo.

“Hàng phố khóc bằng câu đối đỏ
Ông chồng thương đến cái xe tay.”

Dịp Tết Nguyên Đán, dĩ nhiên ai nấy đều trang trí nhà cửa bằng những câu đối đỏ thẫm chói mắt, tăng thêm cái không khí tưng bừng phấn khởi của một năm mới bắt đầu. Nhưng đối với cái chết của cô Kí thì điều ấy lại như một gáo nước lạnh tạt vào, đầy vô tình, cô Kí chết có những ai khóc thương, không ai cả, họ “khóc bằng câu đối đỏ”, ngụ ý ai chết cứ chết, Tết thì vẫn phải ăn, vẫn phải vui, chẳng ai thèm quan tâm người đàn bà mới chết như nào. Xã hội gì mà con người ta lại trở nên vô tâm, lạnh lùng đến thế. Nhưng ấy vẫn chưa là gì so với nỗi “thương đến cái xe tay” của ông chồng, cứ ngỡ vợ chết, thì dù gì ông ta cũng phải khóc thương đôi chút, nhưng không, ông ta chỉ xót vì mối lợi từ “xe tay” mà ông Tây, người chồng hai của cô Kí đem đến, chấm dứt từ đây. Thế có nghĩa là từ xưa đến nay ông chồng chỉ coi cô Kí là công cụ để kiếm tiền, làm giàu bằng chính thân xác vợ mình ư? Có sự thật nào đắng cay hơn nữa cho một kiếp đàn bà? Cô Kí đem bản thân làm món quà mỹ nhân tặng người, để mở đường làm ăn cho chồng, nhưng kết cục nhận lại chỉ là sự lạnh lẽo, cô đơn, đến chết cũng chẳng ai thèm ngó tới, phần vì khinh, phần vì không ai thèm quan tâm. Đọc những vần thơ của Tú mặt ngoài thấy thật bình thản, như kể một câu chuyện bình thường, nhưng ngẫm kỹ bỗng thấy lạnh toát hết cả người, từ lúc nào mà đồng tiền lại có giá trị hơn sinh mạng của một con người!

Nếu sáu câu thơ đầu, là lời kể về cái chết và tình cảnh trớ trêu của cô Kí thì đến hai câu cuối nhà thơ lại đổi ngay sang giọng khác, có phần hơi đanh đá, chua ngoa:

“Gớm ghê cho những cô con gái
Mà vẫn đua nhau lấy các thầy”

Nhà thơ có vẻ ngạc nhiên, ý bảo rằng bên trên đã có tấm gương vừa to vừa sáng thế cớ sao người ta vẫn cứ lần theo vết xe đổ chứ. Nhưng nói qua cũng phải nói lại, chuyện vợ chồng cô Kí chắc đã trở thành quen trong cái xã hội này, chẳng ai còn lạ gì cái cảnh chân trong chân ngoài này nữa, vậy nên chuyện các cô con gái có lấy các thầy cũng là chuyện thường ở huyện thôi. Bởi có một xã hội rối ren, kim tiền dẫm lên nghĩa tình con người như thế thì ắt phải sản sinh ra những con người, những số phận như cô Kí. Cô Kí nói cho cùng thì cũng có chỗ đáng thương mà cũng đáng giận, có lẽ cô chỉ còn cách làm vậy mới có thể tồn tại hay sống sung sướng trong một cuộc sống thực dụng, nhạt nhẽo chăng?

Bài thơ Mồng hai Tết viếng cô Kí mang đậm dáng vẻ của một bài thơ trào phúng, nhưng cung không thể vì thế mà phủ nhận đi cái chất trữ tình nằm sâu trong từng câu chữ của bài thơ này. Tú Xương đã mang vào bài thơ những câu chữ sâu cay, nhưng vẫn ẩn chứ tình thương, nỗi đau xót cho một kiếp con người lầm lỡ, cô độc, vừa trách xã hội sao lạnh bạc, tệ hại đến thế.

Nguyễn Thị Hương Thủy

Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội và hiện đang tham gia giảng dạy môn Ngữ Văn tại trường THPT Chu Văn An. Cô có 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, dẫn dắt nhiều thế hệ học sinh đạt những thành tích cao và đặt chân vào các trường đại học danh tiếng. Cô gặt hái được rất nhiều thành công trong sự nghiệp: giải Nhì trong cuộc thi giáo viên giỏi do thành phố Hà Nội tổ chức, tham gia giảng dạy đội tuyển Học sinh giỏi Quốc gia.
Back to top button