Lớp 9

Phân tích 4 câu thơ đầu của đoạn trích Chị em Thúy Kiều

Đề bài: Phân tích 4 câu thơ đầu của đoạn trích Chị em Thúy Kiều

phan tich 4 cau tho dau cua doan trich chi em thuy kieu

Phân tích 4 câu thơ đầu của đoạn trích Chị em Thúy Kiều

I. Dàn ýPhân tích 4 câu thơ đầu của đoạn trích Chị em Thúy Kiều (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu về đoạn trích Chị em Thúy Kiều và bốn câu thơ đầu của đoạn trích.

2. Thân bài

– Giới thiệu khái quát về nguồn gốc, địa vị:
+ “hai ả tố nga” hai người con gái đẹp
+ Là hai người con gái của Vương viên ngoại, Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân

– Vẻ đẹp của hai chị em:
+ “Mai cốt cách” là cốt cách thanh cao, dịu dàng như mai.
+ “tuyết tinh thần” lại gợi tả vẻ đẹp tâm hồn trong sáng, thanh khiết như tuyết trắng.
+ Nghệ thuật: Bút pháp ước lệ tượng trưng kết hợp với nghệ thuật đảo ngữ, nhà thơ đã mở ra trước mắt người đọc bức chân dung tuyệt đẹp về hai người giai nhân.
→ Câu thơ “Mai cốt cách, tuyết tinh thần” đã tạo cho người đọc ấn tượng mạnh mẽ về vẻ đẹp trong sáng, dịu dàng mà cũng rất mực thanh cao, đài các của chị em Thúy Kiều.
+ “mỗi người một vẻ”: vẻ đẹp riêng, sức thu hút riêng đến từ ngoại hình, khí chất và tâm hồn.
+ “Mười phân vẹn mười” vẻ đẹp hoàn hảo, khó bề so sánh, phân bì.
=> Thúy Kiều, Thúy Vân đều là những trang giai nhân tuyệt sắc sở hữu vẻ đẹp hơn người.

3. Kết bài

Cảm nhận chung.

II. Bài văn mẫuPhân tích 4 câu thơ đầu của đoạn trích Chị em Thúy Kiều (Chuẩn)

Truyện Kiều là những trang tuyệt bút về cuộc đời sóng gió, đoạn trường của người con gái “tài hoa bạc mệnh” Thúy Kiều. Cũng qua tác phẩm này, đại thi hào Nguyễn Du đã thể hiện được tài năng nghệ thuật độc đáo và tấm lòng nhân đạo sâu sắc khi trân trọng những vẻ đẹp tài năng, nhân cách và đồng cảm với số phận bất hạnh của con người. Điều này được thể hiện rõ nét qua đoạn trích “Chị em Thúy Kiều”, đặc biệt là trong bốn câu thơ đầu tiên, khi Nguyễn Du tập trung miêu tả vẻ đẹp “mười phân vẹn mười” của chị em Thúy Kiều, Thúy Vân.

Ngay trong phần mở đầu, nhà thơ Nguyễn Du đã có những giới thiệu khái quát về chị em Thúy Kiều, từ đó dần mở ra bức chân dung sinh động, ấn tượng về vẻ đẹp của hai tuyệt sắc giai nhân:

“Đầu lòng hai ả tố nga
Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân
Mai cốt cách tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”

Trong hai câu thơ đầu tiên, nhà thơ Nguyễn Du đã giới thiệu ngắn gọn về tên tuổi, nguồn gốc cũng như địa vị của hai chị em Thúy Kiều. Đó là hai chị em gái trong gia đình Vương viên ngoại, người chị là Thúy Kiều, em là Thúy Vân. Qua cách dùng từ “ả tố nga”- người con gái đẹp, nhà thơ đã rất khéo léo khi tạo cho người đọc ấn tượng đầu tiên về vẻ đẹp của hai chị em.

Trong thơ ca xưa, các nhà thơ, nhà văn thường lấy vẻ đẹp của thiên nhiên để làm chuẩn mực đánh giá vẻ đẹp con người. Ở đây, nhà thơ Nguyễn Du đã sử dụng hình ảnh của mai, của tuyết để làm nổi bật lên vẻ đẹp dịu dàng, trong sáng của hai chị em Thúy Kiều:

“Mai cốt cách tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”

Bằng bút pháp ước lệ tượng trưng kết hợp với nghệ thuật đảo ngữ, nhà thơ đã mở ra trước mắt người đọc bức chân dung tuyệt đẹp về hai người giai nhân. “Mai cốt cách” là cốt cách thanh cao, dịu dàng như mai, “tuyết tinh thần” lại gợi tả vẻ đẹp tâm hồn trong sáng, thanh khiết như tuyết trắng. Nhà thơ Nguyễn Du đã rất khéo léo khi lựa chọn những hình ảnh mang tính ước lệ của tự nhiên để làm nổi bật vẻ đẹp hơn người của Thúy Kiều, Thúy Vân. Bởi, hoa mai là một trong “tứ quân tử”, nó tượng trưng cho sự thanh cao, sang trọng, tuy mảnh mai nhưng lại chứa đựng sức sống bền bỉ. Tuyết lại là vật thể vừa mỏng manh vừa trong trẻo, nhẹ nhàng.

Câu thơ “Mai cốt cách, tuyết tinh thần” đã tạo cho người đọc ấn tượng mạnh mẽ về vẻ đẹp trong sáng, dịu dàng mà cũng rất mực thanh cao, đài các của chị em Thúy Kiều. Có thể nói đó là những vẻ đẹp đã đạt đến chuẩn mực của sự hoàn hảo. Bên cạnh những vẻ đẹp chung, Thúy Kiều và Thúy Vân còn có những vẻ đẹp riêng:

“Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”

Thúy Kiều và Thúy Vân đều là những tuyệt sắc giai nhân sở hữu vẻ đẹp hơn người, mỗi người lại có vẻ đẹp riêng, sức thu hút riêng đến từ ngoại hình, khí chất và tâm hồn. Câu thơ vừa thể hiện được vẻ đẹp độc đáo riêng của từng người lại vừa thể hiện sự hoàn hảo, khó bề so sánh, phân bì “Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”.

Như vậy, chỉ bằng nghệ thuật ước lệ tượng trưng cùng một vài nét chấm phá, nhà thơ Nguyễn Du đã mang đến cho người đọc những cảm nhận chân thực, sinh động về vẻ đẹp của hai chị em Thúy Kiều, Thúy Vân. Đó là những giai nhân tuyệt sắc, mỗi người mang một vẻ đẹp riêng nhưng đều gặp gỡ ở sự hoàn hảo, vẹn toàn “mười phân vẹn mười”.

——————HẾT—————-

Trên đây các em đã cùng chúng tôi tìm hiểu về vẻ đẹp chung của hai chị em Thúy Kiều, Thúy Vân. Để khám phá vẻ đẹp riêng và những dự báo về số phận, tương lai của 2 chị em, các em không nên bỏ qua những bài văn mẫu đặc sắc khác như: Phân tích nhân vật Thúy Kiều trong đoạn trích Chị em Thúy Kiều, Cảm nhận về vẻ đẹp và tài năng của Thúy Kiều trong Chị em Thúy Kiều, Phân tích đoạn trích chị em Thúy Kiều, Phân tích chân dung Thúy Kiều trong đoạn Chị em Thúy Kiều.

Nguyễn Thị Hương Thủy

Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội và hiện đang tham gia giảng dạy môn Ngữ Văn tại trường THPT Chu Văn An. Cô có 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, dẫn dắt nhiều thế hệ học sinh đạt những thành tích cao và đặt chân vào các trường đại học danh tiếng. Cô gặt hái được rất nhiều thành công trong sự nghiệp: giải Nhì trong cuộc thi giáo viên giỏi do thành phố Hà Nội tổ chức, tham gia giảng dạy đội tuyển Học sinh giỏi Quốc gia.
Back to top button