Lớp 9

Nghị luận xã hội về câu tục ngữ có chí thì nên đạt điểm cao

Đề bài: Nghị luận xã hội về câu tục ngữ có chí thì nên

nghi luan xa hoi ve cau tuc ngu co chi thi nen

3 bài văn Nghị luận xã hội về câu tục ngữ có chí thì nên

I. Dàn ý Nghị luận xã hội về câu tục ngữ có chí thì nên

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề nghị luận: “Có chí thì nên” khẳng định vai trò, ý nghĩa của ý chí trong cuộc sống của con người.

2. Thân bài

a. Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ “Có chí thì nên”
– Giải thích: “chí” là gì, “nên” là gì.
– Giải thích nội dung cả câu: Thể hiện bài học về sức mạnh của ý chí: khi có quyết tâm, con người ta sẽ đạt đến thành công.
b. Bình luận nội dung câu tục ngữ
– Ý chí kiên cường cùng sự quyết tâm cao độ là yếu tố cần và đủ để đưa con người đặt chân đến với thành công…(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết Dàn ý Nghị luận xã hội về câu tục ngữ Có chí thì nên tại đây.

II. Bài văn mẫu Nghị luận xã hội về câu tục ngữ có chí thì nên

1. Nghị luận xã hội về câu tục ngữ Có chí thì nên ngắn gọn, mẫu số 1 (Chuẩn):

Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam ngoài các câu chuyện cổ tích, truyền thuyết đặc sắc, những câu ca dao xưa thấm đẫm tình cảm cha ông, thì tục ngữ, thành ngữ cũng là một trong những mảng phong phú và đa dạng, phản ánh tư tưởng, quan niệm, những kinh nghiệm đúc kết của người xưa truyền dạy lại cho con cháu ngàn đời. Trong đó “Có chí thì nên” là một trong những câu tục ngữ được sử dụng phổ biến, đặc biệt thường được người lớn dùng để khuyên dạy con cháu, các bạn trẻ trong quá trình trưởng thành, xây dựng sự nghiệp.

“Chí” ở đây tức là ý chí, là nghị lực của con người vượt qua mọi khó khăn trắc trở để hướng tới những lý tưởng, hoài bão, tốt đẹp, là một sức mạnh tinh thần mà mỗi con người đều cần thiết phải trang bị cho mình, thì mới có thể vững bước trên đường đời. “Nên” có nghĩa là thành công, thành đạt, hoàn thành được mục tiêu ước vọng mà bản thân con người đã đặt ra. Như vậy toàn bộ câu tục ngữ “Có chí thì nên” tức là ý muốn khuyên dạy con người về tầm quan trọng của ý chí trong việc thực hiện những ước mơ, những khát vọng, thường là việc to lớn như thế nào khó khăn đến cỡ nào, chỉ cần bản thân chúng ta có ý chí, có nghị lực, kiên cường vượt qua mọi thử thách gian lao, quyết không bỏ cuộc thì chắc chắn sẽ có được thành công, được kết quả tốt đẹp ngoài mong đợi.

1 nghi luan xa hoi ve cau tuc ngu co chi thi nen

Những bàiNghị luận xã hội về câu tục ngữ có chí thì nên hay nhất

Như vậy tại sao trong cuộc sống muốn thành công con người lại cần phải có một ý chí vững mạnh, lòng quyết tâm không đổi dời? Đó là bởi vì, phàm là tất cả mọi khát khao, ước vọng của con người đều cần phải cố gắng nỗ lực mới có được, sống trên đời không ai cho không ai cái gì, cũng không bao giờ có chuyện “há miệng chờ sung” dễ dàng. Chúng ta rõ ràng không thể mãi dựa dẫm vào cha mẹ, gia đình, mà buộc bản thân chúng ta phải tự tạo lập cho mình một con đường, một tương lai tốt đẹp, phải có cuộc sống độc lập và tự chủ, sống có ý nghĩa giữa trần đời. Thế nhưng việc trưởng thành và đạt đến được mục tiêu và lý tưởng là cả một quá trình dài và có nhiều chông gai thách thức, một khi ước vọng của ta càng to lớn, phi thường thì những khó khăn lại càng nhiều hơn gấp bội. Chính vì vậy nếu bản thân không có được ý chí mạnh mẽ và sự quyết tâm to lớn, chúng ta sẽ dễ dàng từ bỏ ngay khi mọi chuyện vừa mới bắt đầu, mà nếu đã từ bỏ thì làm gì có thành công nào cho chúng ta nữa. Đặc biệt trong cuộc sống chúng ta vẫn thường hay nghe câu “Thất bại là mẹ thành công”, chỉ rõ một điều rằng có những thành công được sinh ra từ rất nhiều lần thất bại liên tiếp. Hiển nhiên rằng thất bại là điều không ai mong muốn, nó sẽ mang đến cho con người ta những cảm xúc tiêu cực, chán nản và thất vọng, dễ khiến người ta buông xuôi nhất, chính những lúc như thế này đây thì sức mạnh của ý chí chính là thứ kéo con người ta vực dậy sau thất bại, đôn đốc tạo động lực cho chúng ta bắt đầu lại một lần nữa, khiến chúng ta có niềm tin về những thành công đang chờ đợi phía trước.

Những ai thiếu ý chí, thiếu nghị lực có lẽ ngay từ lần thất bại đầu tiên họ đã mặc định rằng bản thân mình vĩnh viễn không thể thành công được. Nhưng bản thân họ lại không hề ý thức được rằng trong cuộc sống thất bại và thành công chiếm tỉ lệ ngang nhau, trong 100 người thì chỉ có một vài người may mắn thành công ngay lần đầu mà thôi, số còn lại là dựa vào sức mạnh của ý chí, niềm tin, và nghị lực phi thường, biết vực dậy sau vấp ngã, biết tổng kết đúc rút kinh nghiệm từ những thất bại mà họ gặp phải thành một bí kíp chuẩn bị cho những thành công sau này. Mà phàm càng là những thành công khó có được phải chịu nhiều gian lao, vất vả thì lại càng đáng quý, đáng trân trọng và bản thân chúng ta cũng có được nhiều kinh nghiệm sâu sắc, những bài học quý giá từ những gì ta đã trải qua hơn là những thứ đạt được quá dễ dàng. Để lấy ví dụ cho câu tục ngữ “Có chí thì nên” này thì có lẽ đã có quá nhiều tấm gương nổi tiếng, đơn cử như Hồ Chí Minh với hơn 30 năm trời buôn ba nơi hải ngoại, nhiều lần bị thực dân, và các thế lực thù địch bắt giam, kết án, phải chịu sống trong những hoàn cảnh ngặt nghèo gian khó “Sớm ra bờ suối, tối vào hang/Cháo bẹ rau măng đã sẵn sàng”. Thử hỏi rằng nếu không có một ý chí mạnh mẽ một nghị lực phi thường, và tấm lòng yêu nước thương dân kiên trung không dời đổi thì làm sao có được một đất nước Việt Nam tươi đẹp như ngày hôm nay. Mà như Bác nói nguyện vọng của Bác, lý tưởng của Bác là khiến cho nhân dân được ấm no, đất nước được độc lập, như vậy có thể thấy thành Hồ Chủ tịch đã tạo dựng cho cả non sông Việt Nam cũng như chính bản thân mình những thành tựu rực rỡ và vĩ đại. Tuy nhiên để có được những thành công ấy, cả Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam đã phải đánh đổi bằng rất nhiều những thất bại và xương máu, cùng với việc lấy ý chí kiên cường, tinh thần lạc quan làm động lực, thúc đẩy suốt mấy chục năm trời. Một tấm gương khác có thể kể đến Cao Bá Quát người lúc còn nhỏ đi học nổi danh là viết chữ xấu như gà bới, vì quá xấu hổ ông đã nhiều đêm thức muộn để luyện chữ sao cho thật đẹp, thậm chí tự cột ngược tóc lên trần nhà, cùm chân vào bàn học để ép mình luyện chữ. Cứ như thế sau nhiều năm khổ luyện không ngừng nghỉ ông đã luyện được nét chữ “rồng bay phượng múa” tiếng thơm lan xa khắp vùng, nhiều người ngưỡng mộ đến tìm xin chữ đem về nhà treo. Ngoài ra có thể kể đến một tấm gương khác ấy là thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, người bị liệt cả hai tay thế nhưng với lòng hiếu học, ông quyết không từ bỏ, kiên trì luyện viết bằng chân cuối cùng trở thành một nhà giáo, và người truyền động lực cho nhiều các thế hệ trẻ cho đến tận hôm nay.

Có thể thấy rằng có được thành tựu, thành công tốt đẹp trong cuộc sống chưa bao giờ là dễ dàng, mà người muốn thực hiện được lý tưởng, ước mơ buộc phải tự trang bị cho mình một ý chí kiên cường, sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn, không lấy thất bại hay những chông gai làm nản chí. Câu tục ngữ “Có chí thì nên” là một lời khuyên dạy rất thấm thía và sâu sắc của cha ông ta dành cho các thế hệ con cháu, mà cho đến ngày hôm nay cũng như mai sau nữa nó sẽ luôn còn nguyên những giá trị giáo dục tốt đẹp.

2. Nghị luận xã hội về câu tục ngữ có chí thì nên, mẫu số 2 (Chuẩn)

Tục ngữ Việt Nam để lại cho thế hệ mai sau những khó tàng kinh nghiệm quý báu. Mỗi câu tục ngữ đều mang đến lời khuyên bổ ích để con người sống đẹp và sống có ích hơn. Có một câu tục ngữ mà em luôn lấy nó làm “kim chỉ nam” trong cuộc sống mỗi khi thất bại hay cảm thấy mệt mỏi, đó là câu “Có chí thì nên”.

Vậy, “chí” ở đây là gì? Chí chính là ý chí, là chí hướng trong mỗi chúng ta. Chí cũng chính là sự quyết tâm, là nghị lực bền bỉ bên trong mỗi con người, nó thuộc phạm trù tinh thần. “Nên” có nghĩa là sự thành công, là những gì mà ta đạt được sau khi nỗ lực hết mình. “Nên” chính là thành quả, cũng là niềm vui mà còn người có được, nó thuộc yếu tố tích cực, vừa thể hiện phạm trù vật chất vừa thể hiện phạm trù tinh thần. Câu tục ngữ “Có chí thì nên” khẳng định sự cần thiết và quan trọng của ý chí, mỗi con người nếu có ý chí, có quyết tâm và hết mình với mục tiêu của mình thì sẽ làm nên thành công.

Thật vậy, ý chí và nghị lực luôn cần thiết trong mọi thời điểm bởi cuộc sống không phải lúc nào cũng đầy màu hồng và bằng phẳng. Trên con đường theo đuổi những mục tiêu và khát vọng ta luôn gặp phải những bất trắc, khó khăn, những đoạn đường gồ ghề mà nếu không có ý chí sẽ không thể vượt qua. Ngược lại, nếu nuôi dưỡng ý chí, kiên trì với mục tiêu, thấy khó khăn không nản, thấy thất bại không lùi vẫn cần mẫn bước tiếp thì chắc chắn một ngày thành quả sẽ đến.

Trong văn học, ta đã được tiếp xúc với nhiều nhân vật có ý chí và nghị lực phi thường. Đó là chàng Thạch Sanh chiến thắng những độc ác, xấu xa để lập nên chiến công hiển hách, tìm thấy hạnh phúc đời mình. Là cô Tấm dẫu năm lần bảy lượt bị mẹ con Cám hại vẫn không ngừng tranh đấu để giành lại sự tự do và cuộc sống bình yên. Là những người lính trẻ trong Đồng chí của Chính Hữu với chí nguyện giết giặc cứu nước, luôn sẵn sàng tay súng, góp phần mình vào công cuộc chiến đấu của đất nước. Là những cô gái mở đường trên đỉnh Trường Sơn đầy bom đạn, dẫu hiểm nguy họ vẫn kiên trì với lý tưởng, chính họ đã góp một phần máu xương mình cho Tổ quốc hôm nay.

nghi luan xa hoi ve cau tuc ngu co chi thi nen 1

Ý chí là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn giúp con người vượt qua mọi thử thách

Quả ngọt của cây ý chí lúc nào cũng đáng được trân trọng và nâng niu, quả ngọt từ ý chí nuôi dưỡng lúc nào cũng mát lành, đáng ngưỡng mộ. Trong thực tế, ta bắt gặp không ít người có được thành công nhờ sự bền lòng của ý chí. Đó là thầy Nguyễn Ngọc Kí dẫu đôi tay không được lành lặn vẫn giữ ý chí của mình, nuôi quyết tâm cố gắng rèn luyện và đã trở thành một nhà giáo ưu tú, truyền cảm hứng sống cho bao thế hệ hôm nay. Là trạng nguyên Nguyễn Hiền bằng ý chí đã vượt qua những nhọc nhằn của tuổi thơ để trở thành người tài giúp ích cho đất nước. Là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, nhờ ý chí và kiên định, vượt qua trăm ngàn sự hiểm nguy để soi sáng con đường cách mạng, đưa dân tộc đi đến thắng lợi, thống nhất. Là chàng trai Trần Ngọc Vũ Hoàng, bằng nghị lực phi thường, và quyết tâm vươn tới ước mơ giúp ba mẹ nghèo, anh đã học tập, vượt khó để dành lấy vòng nguyệt quế vinh quang, đi du học để phát triển, mang lại niềm vui cho gia đình, giúp ích cho xã hội. Và gần đây, ta còn thấy được đó là hình ảnh của nữ diễn viên Mai Phương, một người mẹ đơn thân nghị lực, căn bệnh ung thư đã mang đến muôn vàn những cơn đau đớn về thể xác nhưng chẳng thể nào dập tắt ý chí chiến đấu đến giây phút cuối cùng. Mai Phương đã mãi ra đi trong sự tiếc nuối của người hâm mộ nhưng ý chí, nghị lực của người con gái bé nhỏ ấy mãi là tấm gương sáng cho hàng triệu người, đặc biệt là thế hệ trẻ. Đó còn là một đất nước Việt Nam cùng chung ý chí chống dịch Covid, với tinh thần đoàn kết, ý chí quyết thắng, sự đồng lòng của Đảng và nhà nước, chúng ta cũng sẽ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn để hướng đến cuộc sống tốt đẹp.

Ý chí có ý nghĩa như vậy, nhưng trong cuộc sống, ta vẫn thấy nhiều người lại thiếu mất đi yếu tố cần thiết này. Một vài người trẻ dễ nản chí khi lỡ gặp chuyện không hay, dễ bỏ cuộc khi mới bước được bước đầu tiên trong hành trình dài của mình. Một vài người khác lại bị quan, cứ ngập chìm trong than vãn, mệt mỏi mà chẳng thể thoát ra, họ sống dựa vào người khác, phụ thuộc vào người khác. Họ là những người thiếu bản lĩnh, sợ khó, sợ khổ nên chẳng thể tìm thấy chính mình, khẳng định vị trí của mình trong xã hội. Giải một bài toán khó, mới hai lần đã bỏ cuộc, viết một bài văn hay, mới mở bài đã chán nản. Không thi đậu đại học lại vội vàng chọn cái chết để chấm dứt cuộc đời. Đó là sai lầm rất lớn của tuổi trẻ.

Cần có ý chí để có được thành công, cần nuôi dưỡng ý chí để vươn tới những điều tốt đẹp cho mình, cho gia đình và xã hội. Ý chí không phải sẵn có mà phải luyện tập, phải vấp ngã, phải trải qua, phải hành động mới có được. Ngay từ bây giờ, hãy cố gắng nhìn lại mình, xem xét những ưu điểm để phát huy, khắc phục những khuyết điểm đề hoàn thiện, kiên trì mỗi ngày, quyết tâm trong mỗi khoảnh khắc, có như vậy mới thành công.

Chúng ta là những học sinh của thời đại mới, thời đại của hội nhập và phát triển, vì vậy phải càng bản lĩnh càng cố gắng hơn nữa. “Có chí thì nên” , hãy hành động, hành động với tư duy mở, ý chí phi thường để trở thành con người mà bản thân từng mơ ước.

3. Bài văn Nghị luận xã hội về câu tục ngữ có chí thì nên, mẫu số 3:

Cuộc sống của con người luôn chứa đựng vô vàn khó khăn, thử thách. Để đặt chân bước tới thành công, chúng ta cần rèn luyện, nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ và đặc biệt là cần có sự kiên định cùng ý chí vững vàng theo đuổi mục tiêu. Bàn về vấn đề này, ông cha ta từng nói: “Có chí thì nên”. Câu tục ngữ đã khẳng định vai trò, ý nghĩa của nghị lực và sự bền bỉ đối với con người.

Để hiểu hết giá trị sâu sắc của câu tục ngữ, chúng ta cần hiểu rõ những khái niệm mà ông cha ta gửi gắm qua những từ ngữ hàm súc như “chí” và “nên”. “Chí” là cách nói ngắn gọn thể hiện ý chí, tinh thần tự giác, ý thức tự nguyện và sự kiên định, quyết tâm đạt được mục đích đã đề ra. Còn “nên” là sự diễn đạt hình ảnh của sự thành công, là kết quả mà con người mong muốn đạt được. Như vậy, câu tục ngữ “Có chí thì nên” đã khẳng định vai trò sức mạnh của ý chí đối với cuộc sống của con người: khi có ý chí và sau những nỗ lực, cố gắng kiên trì, bền bỉ, con người nhất định sẽ đạt được những mục tiêu, dự định mà bản thân đã đề ra và vươn tới thành công.

Trong cuộc sống, ý chí kiên cường cùng sự quyết tâm cao độ luôn là yếu tố cần và đủ để đưa con người đặt chân đến với thành công. Bởi khi có ý thức, nghị lực và bản lĩnh vững vàng, con người sẽ có động lực và sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Để đánh đổ ngoại xâm và bảo vệ đất nước, ông cha ta đã trải qua những cuộc kháng chiến trường kì, gian khổ. Trên chặng đường gian nan đó, đã in dấu biết bao sự hi sinh thấm đẫm máu, nước mắt khi phải đối diện với những cường quốc hùng mạnh về trang thiết bị vũ khí và nhân lực như đế quốc Mĩ, thực dân Pháp, phát xít Nhật,…. Nhưng rồi, với tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết cùng ý chí bền bỉ, vững vàng, dân tộc ta đã đánh đuổi sạch bóng quân thù và giành được bầu trời của hòa bình và tự do.

nghi luan xa hoi ve cau tuc ngu co chi thi nen 2

Nơi nào có ý chí nơi đó có con đường

Trong cuộc sống của hiện nay, cũng có rất nhiều tấm gương ngời sáng vẻ đẹp của sự kiên cường. Mặc dù sinh ra với hình hài không toàn vẹn, bị liệt hai tay nhưng với ý chí mãnh liệt, Nguyễn Ngọc Kí đã miệt mài kiên nhẫn tập viết bằng hai chân. Đó là một hành trình kiên trì, nhẫn nại để không đầu hàng trước số phận nghiệt ngã, và cuối cùng, anh đã thành công và trở thành một thầy giáo. Hay như những nhà khoa học đang ngày đêm nghiên cứu, kiên định với mục tiêu của mình để đem đến những sáng chế có ích cho đời sống nhân loại,… Tất cả những điều này đã khẳng định sức mạnh to lớn của ý chí và lòng quyết tâm, giống như Bác Hồ đã từng nói:

“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”

Như vậy, sự quyết tâm, vững vàng trong ý chí sẽ giúp con người vượt qua mọi khó khăn, thử thách và đạt được rất nhiều thành quả tốt đẹp. Vậy mà, trong cuộc sống hiện nay, vẫn có những con người không kiên trì, nhẫn nại với mục tiêu đã đặt ra mà dễ dàng nhụt chí và từ bỏ lí tưởng. Chỉ cần gặp phải khó khăn, họ sẵn sàng bỏ cuộc và không bao giờ đặt chân đến được với miền đất của sự thành công. Nhận thức được vai trò quan trọng của ý chí của thành công, chúng ta cần đặt ra cho bản thân những mục tiêu, đích đến rõ ràng; đồng thời kiên định với con đường đã vạch sẵn và không đầu hàng trước khó khăn, thử thách. Để làm được điều này, con người luôn phải tự nhắc nhở bản thân đặt ra những kỉ luật riêng và thực hiện mục tiêu một cách nghiêm túc và vững vàng.

Như vậy, “Có chí thì nên” đã khái quát một bài học mang ý nghĩa giáo dục về việc con người cần kiên trì, nhẫn nại đối với những mục tiêu đã đề ra. Trong kho tàng tục ngữ Việt Nam cũng có rất nhiều câu tục ngữ thể hiện điều này như “Thất bại là mẹ thành công”, “Có công mài sắt, có ngày nên kim”,… và trở thành những lời nhắc nhở sâu sắc dành cho thế hệ trẻ về sự bền gan quyết chí.

———————-HẾT———————-

Qua bàiNghị luận xã hội về câu tục ngữ có chí thì nên, các em đã cùng chúng tôi tìm hiểu và bàn luận về vai trò của ý chí đối với cuộc sống con người. Để thấy hết được vai trò của ý chí- nguồn sức mạnh tinh thần lớn lao của con người, bên cạnh bài văn mẫu trên đây, các em có thể tham khảo thêm rất nhiều bài văn mẫu cùng chủ đề khác như:Nghị luận xã hội Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường, Viết đoạn văn ngắn nói về một người có ý chí, nghị lực nên đã vượt qua nhiều thử thách, đạt được thành công, Nghị luận xã hội Bàn về vai trò của ý chí tại TH Văn Thủy.

Nguyễn Thị Hương Thủy

Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội và hiện đang tham gia giảng dạy môn Ngữ Văn tại trường THPT Chu Văn An. Cô có 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, dẫn dắt nhiều thế hệ học sinh đạt những thành tích cao và đặt chân vào các trường đại học danh tiếng. Cô gặt hái được rất nhiều thành công trong sự nghiệp: giải Nhì trong cuộc thi giáo viên giỏi do thành phố Hà Nội tổ chức, tham gia giảng dạy đội tuyển Học sinh giỏi Quốc gia.
Back to top button