Lớp 11

Nghị luận xã hội: Thực trạng nhiều học sinh không thích học môn Lịch sử

Đề bài: Nghị luận xã hội: Thực trạng nhiều học sinh không thích học môn Lịch sử

nghi luan xa hoi thuc trang nhieu hoc sinh khong thich hoc mon lich su

Nghị luận xã hội: Thực trạng nhiều học sinh không thích học môn Lịch sử

I. Dàn ý nghị luận xã hội: Thực trạng nhiều học sinh không thích học môn Lịch sử (Chuẩn)

1. Mở bài

– Có một thực trạng rất đáng buồn rằng, xã hội càng văn minh hiện đại thì dường như con người ta lại có xu hướng quên đi quá khứ, đặc biệt là ở lứa tuổi học sinh dường như các em có xu hướng bài xích môn Lịch sử,.
– Sự thực đau lòng ấy, ngày càng diễn tiến một cách trầm trọng và phổ biến ở toàn thể các em học sinh, khiến chúng ta không khỏi trăn trở suy nghĩ.

2. Thân bài

* Lịch sử là gì?
– Lịch sử là một môn học thiên về lý thuyết, không yêu cầu con người ta phải nghiên cứu và tư quá nhiều, đó là một tập hợp những sự kiện đã diễn ra trong quá khứ…(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết Dàn ý nghị luận xã hội: Thực trạng nhiều học sinh không thích học môn Lịch sửtại đây

II. Bài văn mẫuNghị luận xã hội: Thực trạng nhiều học sinh không thích học môn Lịch sử (Chuẩn)

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Dân ta phải biết sử ta cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, lời dạy của Bác quả thật rất đúng và vẫn lưu nguyên giá trị cho đến tận ngày hôm nay. Học lịch sử biết về lịch sử của dân tộc, để biết được những biến cố xảy ra trong quá khứ, để càng thêm tin, thêm yêu dải đất hình chữ S. Thế nhưng có một thực trạng rất đáng buồn rằng, xã hội càng văn minh hiện đại thì dường như con người ta lại có xu hướng quên đi quá khứ, đặc biệt là ở lứa tuổi học sinh dường như các em có xu hướng bài xích môn Lịch sử, cho rằng đây là môn học vô vị và không mang lại những lợi ích cụ thể. Sự thực đau lòng ấy, ngày càng diễn tiến một cách trầm trọng và phổ biến ở toàn thể các em học sinh, khiến chúng ta không khỏi trăn trở suy nghĩ về những giá trị trong cuộc sống hôm nay và khi xưa sao lại có sự cách biệt nhiều đến vậy.

Lịch sử là một môn học thiên về lý thuyết, không yêu cầu con người ta phải nghiên cứu và tư quá nhiều, đó là một tập hợp những sự kiện đã diễn ra trong quá khứ, đó là những trang sử hào hùng của dân tộc suốt trong những năm tháng kiêu hùng dựng nước rồi lại giữ nước. Ở đó ta cũng thấy được, hiểu được những con người làm nên đất nước, hy sinh vì đất nước, chiến thắng có, mất mát đau thương và nước mắt cũng có. Tuy chỉ ngắn gọn tầm trăm trang sách, thì không đủ để diễn tả hết chi tiết những sự kiện trọng đại trong quá khứ, nhưng chúng phần nhiều có giá trị nhắc nhở mỗi con người chúng ta về những điều cơ bản của đất nước trong quá trình dựng nước và giữ nước suốt hơn 4000 năm.

Chúng ta biết rằng, con người từ khi sinh ra đã có lòng yêu hương đất nước, yêu quê cha đất tổ muôn đời, nơi đã từng chôn rau cắt rốn, dẫu có đi ngược về xuôi cũng chẳng thể nào dứt bỏ. Thế nhưng lòng biết ơn, lòng tự tôn dân tộc, lòng yêu nước hình thành từ bản năng và những tình cảm thông thường trong cuộc sống hằng ngày muốn được vững bền và phát triển hơn nữa thì nhất thiết chúng ta phải tìm hiểu cái gọi là lịch sử dân tộc. Phải tận mắt đọc và thấu hiểu những gian khó mất mát của cha ông, phải biết được ông cha ta đã hy sinh bao nhiêu xương máu vì Tổ quốc hôm nay, con người ta mới thấm thía, mới càng trân trọng hơn mảnh đất quê hương, mới ý thức được việc “Uống nước nhớ nguồn”.

Học Lịch Sử, cũng khiến con người ta được mở mang tầm vóc trí tuệ, bởi những bài học được đổi bằng xương máu lúc nào cũng quý giá và sâu sắc hơn tất cả, ở đó chúng ta học được lòng dũng cảm, tinh thần đoàn kết, sự nỗ lực không ngừng nghỉ, tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của cha ông. Cũng ý thức được hơn rằng việc bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi một cá nhân, là người Việt Nam phải yêu thương dân tộc mình, phải bảo vệ từng tấc đất quê hương, phải cư xử và hành động cẩn trọng, chớ để kẻ thù lợi dụng, …

Lịch sử vốn là một môn học khá thú vị, nó giống như là một tập nhật ký dày, trong đó có vô vàn các câu chuyện, thế nhưng chẳng biết vì sao lại có nhiều bạn trẻ chán chường với nó đến vậy. Nhiều bạn học sinh chia sẻ, cứ đến giờ học Lịch Sử là bạn ý lại buồn ngủ, cuốn sách cả năm cũng không lật ra được mấy lần, thầy cô mà lỡ cho nghỉ tiết thì đúng là vui như mở hội, cảm thấy như trút được gánh nặng vậy. Có em còn thẳng thắn cho rằng, Lịch Sử có học hay không cũng chẳng ảnh hưởng gì mấy tới cuộc sống, tại sao lại cứ lôi quá khứ ra để mà mổ xẻ, phân tích, thật mệt mỏi và nhàm chán. Rồi thì những bài kiểm tra định kỳ, thậm chí là thi học kỳ đều có rất nhiều bạn được điểm dưới trung bình, tôi bất ngờ không lẽ môn Lịch Sử thực sự khó đến vậy sao? Đôi ba sự kiện lịch sử mà lại cũng làm khó được tầng tầng lớp lớp những học sinh vốn thông minh sáng dạ? Đó là những biểu hiện bình thường, chưa có gì đáng bàn nhiều, phải thấy cảnh các em học sinh lớp 12, đốt sách, xé đề cương Lịch Sử rải như tuyết giữa sân trường khi nghe tin không phải thi tốt nghiệp môn này người ta mới thấy được tầm nghiêm trọng của sự việc. Thi tốt nghiệp, chẳng em nào muốn chọn môn Lịch Sử, mà trường nào bắt buộc thi là y như rằng năm đó cơ số điểm không, với điểm liệt nhiều không xuể, đến nỗi nhà trường cũng thật sự sợ nếu cứ chọn môn Lịch Sử làm môn thi tốt nghiệp. Đó là trong nhà trường, ra xã hội nhiều lúc tôi phải bật cười vì trình độ hiểu biết lịch sử dân tộc của một số bạn trẻ, tôi từng đọc được một comment trên facebook nói rằng Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai anh em, rồi Bà Trưng với Bà Triệu là hai chị em, thậm chí còn nhầm cả tướng Trung Quốc thành tướng của Việt Nam,… Nhiều lúc hỏi bâng quơ ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước là ngày nào, nhiều người còn lớ ngớ, ậm ừ mãi không trả lời được.

Suy đi ngẫm lại thì thực trạng học sinh kém Sử và chán Sử phần nhiều lỗi vẫn thuộc về người lớn, cách dạy khô khan cứng nhắc hời hợt, thậm chí là không nắm vững kiến thức khiến các em thấy chán nản, có những nhầm lẫn “xấu hổ” về Lịch Sử dân tộc. Chúng ta vẫn luôn nói rằng Lịch Sử là một môn học cần thiết với học sinh, thế nhưng trong thực tế cho thấy bản thân ngành giáo dục rõ ràng đã xem nhẹ bộ môn này, trước khi bị học sinh coi nhẹ, trong một tuần học đến mấy chục tiết nhưng Lịch Sử chỉ chiếm độ 1,5-2 tiết, có khi còn bị cắt bớt đi. Điều đó rõ ràng đã chỉ ra cho các em học sinh thấy, Lịch Sử là môn phụ! Sách giáo khoa Lịch Sử quá nặng về các mốc sự kiện, sách đã cũ, không được cải tiến, lời văn lời dẫn còn nghèo nàn, thực sự trông vào đã thấy buồn ngủ, nói chi là đọc cho hết. Ngoài ra lối học, lối dạy “ứng thi” lại càng khiến học sinh thêm chán nản, lên lớp giáo viên đọc cho học sinh chép kín cả quyển vở, cuối kỳ dặn học hết cả quyển vở ấy, rồi thi, những sự kiện lịch sử chẳng được truyền dạy một cách thật nghiêm túc, thì đối với các em học sinh nó cũng chẳng có ý nghĩa gì mấy mà thậm chí còn là gánh nặng học tập. Nhiều lúc ngẫm thấy có một điều dở khóc dở cười ấy là Việt Nam ta có bao nhiêu triều đại thì không biết nhưng của Trung Quốc lại thuộc làu làu, ấy cũng là một sự yếu kém trong khai thác văn hóa lịch sử của đất nước ta, những bộ phim dã sử, chính sử không được đầu tư bài bản, trên truyền hình thì lại xuất hiện nhan nhản những bộ phim cổ trang Trung, Hàn hấp dẫn thú vị, thu hút nhiều sự chú ý hơn cả. Còn bản thân các em học sinh thì chưa đủ nhận thức để nhìn ra tầm quan trọng của môn Lịch Sử, còn quá định hướng một cách thực dụng về nghề nghiệp sau này, ngành mình không thi Sử thì cớ chi phải học, đấy là cái lý lẽ của các em.

Nhận thấy được thực trạng đáng buồn ấy, chúng ta cần phải có những biện pháp giáo dục, tuyên truyền để thay đổi nhận thức của các em học sinh về tầm quan trọng của môn Lịch Sử. Thầy cô cần đặt tâm huyết của mình vào môn dạy, cố gắng sáng tạo thêm những phương pháp học tập mới thu hút sự quan tâm lắng nghe của các em, cha mẹ cũng cần quan tâm khuyến khích các em tìm hiểu về Lịch Sử dân tộc, dành tặng các em những cuốn sách Lịch Sử hữu ích, kể cho các em nghe những câu chuyện lịch sử thú vị. Bản thân mỗi em học sinh cần thay đổi nhận thức về môn Lịch Sử, phải đối xử và dành sự quan tâm đồng đều với tất cả các môn học, phải tự tìm được hứng thú và động lực trong học tập, bỏ đi cái thói quen bị động, chán nản thường thấy. Lên tiếng phê phán những hành động thiếu tôn trọng Lịch Sử và các bậc anh hùng dân tộc, cố tình quên lãng, bỏ bê những trang sử vẻ vang của dân tộc, không có lòng biết ơn, lòng yêu nước lòng tự tôn dân tộc.

Lịch Sử là môn học dạy cho chúng ta những bài học quý giá, đó là những kinh nghiệm quý báu của cha ông, dù thành công hay thất bại, Lịch Sử cũng đem lại cho chúng ta tầm hiểu biết về con người, về đất nước, để chúng ta càng yêu thêm Tổ quốc xinh đẹp này. Người tôn trọng Lịch Sử chính là người có lòng yêu nước và lòng tự tôn dân tộc, sống là con dân Việt Nam sao có thể không biết chút gì về lịch sử dân tộc, chao ôi nếu để bạn bè quốc tế biết được thì xấu hổ biết bao?

———————-HẾT———————–

Để rèn luyện cho kĩ năng viết bài nghị luận, bên cạnhNghị luận xã hội: Thực trạng nhiều học sinh không thích học môn Lịch sử, các em có thể tham khảo thêm những bài văn nghị luận trong tập tài liệu Nhữngbài văn hay lớp 11 như:Nghị luận xã hội Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình thương, Nghị luận xã hội về tình cảm giữa cha mẹ và con cái,Nghị luận xã hội Tình thương là hạnh phúc của con người, Nghị luận Tình yêu quê hương là một tình cảm thiêng liêng đối với mỗi con người;…

Nguyễn Thị Hương Thủy

Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội và hiện đang tham gia giảng dạy môn Ngữ Văn tại trường THPT Chu Văn An. Cô có 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, dẫn dắt nhiều thế hệ học sinh đạt những thành tích cao và đặt chân vào các trường đại học danh tiếng. Cô gặt hái được rất nhiều thành công trong sự nghiệp: giải Nhì trong cuộc thi giáo viên giỏi do thành phố Hà Nội tổ chức, tham gia giảng dạy đội tuyển Học sinh giỏi Quốc gia.
Back to top button