Lớp 11

Nghị luận về câu nói Dân tộc ta chủ yếu sống bằng tình thương

Đề bài: Nghị luận về câu nói Dân tộc ta chủ yếu sống bằng tình thương

nghi luan ve cau noi dan toc ta chu yeu song bang tinh thuong

Nghị luận về câu nói Dân tộc ta chủ yếu sống bằng tình thương

I. Dàn ýNghị luận về câu nói Dân tộc ta chủ yếu sống bằng tình thương

1. Mở bài

Giới thiệu về vấn đề cần nghị luận, dẫn dắt vào câu nói “Dân tộc ta chủ yếu sống bằng tình thương”: Dân tộc Việt Nam ta luôn tự hào là một dân tộc có truyền thống nhân nghĩa, yêu chuộng hòa bình và yêu thương đồng loại. Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã từng thể hiện niềm tự hào đó của dân tộc qua câu nói “Dân tộc ta chủ yếu sống bằng tình thương”

2. Thân bài

– Giải thích khái niệm tình thương: Là một phạm trù đạo đức của con người, đại diện cho những tình cảm tốt đẹp mà con người đối đãi với nhau; là sự yêu thương, đùm bọc, chia sẻ, giúp đỡ và đồng cảm với nhau bằng tấm lòng chân thành
– Vì sao lại nói “Dân tộc ta chủ yếu sống bằng tình thương”?
+ Dân tộc ta có truyền thống đoàn kết, yêu thương và đùm bọc lẫn nhau
+ Dân tộc ta đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh để bảo vệ đất nước
+ Đất nước thường xuyên hứng chịu thiên tai
+ Là dân tộc có tinh thần nhân nghĩa cao đẹp
– Ý nghĩa của tình thương với dân tộc: Giúp dân tộc ta chiến đấu với mọi kẻ thù xâm lược, chống chọi với thiên tai và bảo vệ được nền độc lập, hòa bình, ngoài ra tình thương chính là tiền đề căn bản để dân tộc ta hiên ngang tiến bước, sánh vai với cường quốc năm châu

3. Kết bài

Bài học rút ra từ câu nói: Mỗi con người Việt Nam cần phải nhận thức được ý nghĩa và giá trị của tình thương, truyền thống yêu thương tốt đẹp của dân tộc để gìn giữ và phát huy tới mọi thế hệ, trong mọi hoàn cảnh đất nước.

II. Bài văn mẫuNghị luận về câu nói Dân tộc ta chủ yếu sống bằng tình thương

Dân tộc Việt Nam ta luôn tự hào là một dân tộc có truyền thống nhân nghĩa, yêu chuộng hòa bình và yêu thương đồng loại. Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã từng thể hiện niềm tự hào đó của dân tộc qua câu nói “Dân tộc ta chủ yếu sống bằng tình thương”, quả thực trải qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử, dân tộc ta vẫn luôn duy trì tình yêu thương trong mọi hoàn cảnh, tình thương trở thành một truyền thống tốt đẹp của dân tộc, mỗi người dân phải gìn giữ và phát huy truyền thống quý báu ấy.

Tình thương là một phạm trù đạo đức con người, đại diện cho những tình cảm tốt đẹp mà con người đối với nhau, đó là sự yêu thương, đùm bọc, chia sẻ, giúp đỡ và đồng cảm với nhau bằng tấm lòng chân thành. Đối với người dân Việt Nam nói riêng và mọi người dân của dân tộc khác nói chung, một trong những phẩm chất cần phải có để hoàn thiện nhân cách đạo đức con người đó chính là lòng nhân ái, có lòng nhân ái nghĩa là người có tình thương, biết yêu thương. Tại sao cố Bí thư Lê Duẩn lại nhận định rằng “Dân tộc ta chủ yếu sống bằng tình thương”?, có thể hiểu tình thương chính là thành tố quan trọng chủ yếu trong đời sống của dân tộc ta, không có tình thương dân tộc ta không thể tồn tại và chính tình thương là nguồn nuôi dưỡng cả dân tộc. Tình thương đã ăn sâu vào lối sống, nếp nghĩ của mọi người dân Việt Nam bởi cội rễ bắt nguồn từ truyền thống đoàn kết, yêu thương và đùm bọc lẫn nhau giữa mọi người. Từ xa xưa, ông cha ta đã có những câu ca dao, tục ngữ khẳng định những nét đẹp văn hóa yêu thương đùm bọc của dân tộc như “Lá lành đùm lá rách”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, hay “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Những biểu hiện về tinh thần tương thân tương ái luôn có mặt ở khắp mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh, trong nạn đói năm 1945 người dân sẻ chia cho nhau từng củ khoai, củ sắn, giúp đỡ nhau từng nắm gạo để nấu cháo. Đất nước ta nhiều lần bị xâm lược, nhiều lần phải đấu tranh để bảo vệ dân tộc, chính vì hoàn cảnh phải gồng mình lên chiến đấu đã củng cố và thắt chặt thêm tình thương của dân tộc ta.

Trong những năm tháng chiến đấu, hậu phương ra sức lao động sản xuất cung cấp lương thực, vũ khí, quân tư trang cho tiền tuyến chiến đấu, quân ta đi đến đâu dân cũng yêu thương đùm bọc và chăm sóc như chính con cái trong gia đình. Chiến tranh xảy ra tất yếu đòi hỏi dân tộc phải đoàn kết đồng lòng chiến đấu, mỗi con người đều sẵn sàng hy sinh vì hạnh phúc của cả đất nước. Càng trải qua nhiều chiến tranh, dân tộc ta càng thấm thía sức mạnh của yêu thương, đùm bọc và đoàn kết trong hoàn cảnh khó khăn gian khổ, chính nhờ có tình thương dân tộc ta mới có được những chiến thắng vang dội, mang lại hòa bình độc lập và tự do. Bên cạnh chiến tranh, đất nước ta còn thường xuyên phải hứng chịu nhiều những thiên tai, dịch bệnh, mỗi năm thiên tai cướp đi sinh mệnh của hàng nghìn người. Đó cũng chính là lúc dân tộc ta phát huy tình thương, giúp đỡ người dân vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, ví dụ như chương trình “Hướng về miền Trung” với ý nghĩa chung tay đưa người dân thoát khỏi hậu quả của lũ lụt, ngoài huy động con người để khắc phục nhà cửa sau lũ còn quyên góp và ủng hộ cả lương thực, quần áo và thuốc men cho người dân vùng lũ. Trong các cuộc chiến tranh, mục đích cao cả nhất chính là chiến đấu vì chính nghĩa, vì nhân nghĩa, vì cuộc sống ấm no, yên ổn của nhân dân, đó chính là tình thương lớn nhất. Hơn thế, tinh thần nhân nghĩa còn được dân tộc ta đối xử với chính kẻ thù của mình, bởi kẻ thù cũng là con người, là đồng loại. Trong tác phẩm “Đại cáo Bình Ngô” của Nguyễn Trãi có nhắc đến việc quân và dân ta cung cấp thuyền và ngựa cho kẻ thù trở về nước, ta không đuổi cùng giết tận mà để cho họ có đường lui, đó chính là tư tưởng nhân nghĩa cao đẹp của dân tộc ta. Tình thương có sức mạnh to lớn đối với dân tộc ta, giúp dân tộc ta chiến đấu với mọi kẻ thù xâm lược, chống chọi với thiên tai và bảo vệ được nền độc lập, hòa bình, ngoài ra tình thương chính là tiền đề căn bản để dân tộc ta hiên ngang tiến bước, sánh vai với cường quốc năm châu. Tuy nhiên vẫn tồn tại những cá nhân sống không có tình thương, họ là những người vô cảm, không biết đến sự yêu thương hay giúp đỡ người khác. Những thành phần đó gây nên sự chia rẽ nội bộ và mất đoàn kết, làm xấu đi nét đẹp truyền thống quý báu của dân tộc, cần lên án và phê phán đồng thời cải tạo, giáo dục để họ gây dựng lại tình thương của mình.

Mỗi con người Việt Nam cần phải nhận thức được ý nghĩa và giá trị của tình thương, truyền thống yêu thương tốt đẹp của dân tộc để gìn giữ và phát huy tới mọi thế hệ, trong mọi hoàn cảnh đất nước. Thế hệ học sinh chúng ta cần rèn luyện và củng cố tình yêu thương của mình bằng cách mở rộng tấm lòng nhân ái, trao đi yêu thương tới mọi người.

———————-HẾT————————

Thương người là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Để có thêm những lí lẽ, dẫn chứng hay cho bài nghị luận viết về vai trò, sức mạnh của tình thương, bên cạnh bài Nghị luận về câu nói Dân tộc ta chủ yếu sống bằng tình thương, các em có thể tham khảo thêm: Giải thích câu tục ngữ Thương người như thể thương thân,Nghị luận xã hội Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình thương, Nghị luận về Văn học và Tình thương, Nghị luận xã hội Tình thương là hạnh phúc của con người

Nguyễn Thị Hương Thủy

Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội và hiện đang tham gia giảng dạy môn Ngữ Văn tại trường THPT Chu Văn An. Cô có 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, dẫn dắt nhiều thế hệ học sinh đạt những thành tích cao và đặt chân vào các trường đại học danh tiếng. Cô gặt hái được rất nhiều thành công trong sự nghiệp: giải Nhì trong cuộc thi giáo viên giỏi do thành phố Hà Nội tổ chức, tham gia giảng dạy đội tuyển Học sinh giỏi Quốc gia.
Back to top button