Một số cách kết bài đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích (Trích Truyện Kiều) của Nguyễn Du
Kết bài đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích
1. Kết bài số 1:
Với bút pháp tả cảnh ngụ tình điêu luyện cùng với tinh thần nhân đạo sâu sắc, nhà thơ Nguyễn Du qua đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích đã có những miêu tả đầy tinh tế bức tranh thiên nhiên cũng như bức tranh tâm trạng của nàng Kiều khi bị giam lỏng nơi lầu Ngưng Bích. Qua cơn gia biến, Kiều bị sóng gió khắc nghiệt của cuộc đời thổi dạt đến nơi lầu hoa ong bướm, theo dõi diễn biến tâm trạng nàng Kiều: từ nhớ thương Kim Trọng, người thân đến sự bẽ bàng, e ngại đến sợ hãi trước những dự cảm khủng khiếp về tương lai khiến người đọc không khỏi xót xa, đồng cảm. Đây cũng chính là thành công của Nguyễn Du khi xây dựng thế giới nội tâm của nhân vật Kiều quá đỗi chân thực, tự nhiên khiến cho độc giả như chứng kiến, cảm nhận được từng thay đổi trong tâm trạng, cảm xúc của nàng Kiều.
2. Kết bài số 2:
Có thể nói, “Kiều ở lầu Ngưng Bích” là một trong những đoạn trích miêu tả tinh tế, xúc động nhất về tâm trạng đau khổ, xót xa của nàng Kiều khi bị cuốn vào cơn giông tố khủng khiếp của cuộc đời. Bằng bút pháp tả cảnh ngụ tình, lấy khung cảnh tự nhiên để làm nổi bật lên tâm cảnh trĩu nặng, thấm đượm cảm xúc của con người cùng với những hình ảnh ẩn dụ đặc sắc, đại thi hào Nguyễn Du đã đưa người đọc về thế giới nội tâm đầy giằng xé, đau khổ của Thúy Kiều. Qua đoạn trích ta cũng thấy được tấm lòng nhân đạo sâu sắc của nhà thơ khi hướng sự đồng cảm, nỗi lòng xót xa đến những số phận bất hạnh trong cuộc đời.
3. Kết bài số 3:
Đại thi hào Nguyễn Du trong Truyện Kiều đã từng viết “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Câu thơ này rất đúng với nghệ thuật tả cảnh ngụ tình của ông được thể hiện qua đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”. Từ bức tranh thiên nhiên rộng lớn, hoang vắng của núi non, mây trời nơi lầu Ngưng Bích, nhà thơ Nguyễn Du đã rất tinh tế khi dùng chính bức tranh thiên ấy làm nổi bật lên bức tranh tâm trạng bên trong con người, mà ở đây chính là nỗi đau, sự bẽ bàng, xót xa của nàng Kiều trước số phận trớ trêu của mình.
4. Kết bài số 4:
Trong đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”, nhà thơ Nguyễn Du đã rất khéo léo trong việc tả cảnh ngụ tình. Mỗi nét vẽ thiên nhiên trong đoạn trích không chỉ đơn thuần gợi ra khung cảnh hoang vắng, tịch mịch nơi lầu Ngưng Bích mà còn diễn tả đầy gợi cảm, xót xa cho một nét sắc thái tâm trạng của nàng Kiều. Cũng qua đoạn trích này, người đọc cảm nhận được thấm thía hoàn cảnh cô độc, đáng thương cùng tâm trạng đau đớn, bẽ bàng, lo sợ của nàng Kiều khi một thân gái mỏng manh phải đối mặt với những ngã rẽ, những biến cố khủng khiếp của cuộc đời. Ẩn sau thành công của nghệ thuật tả cảnh ngụ tình là một trái tim nhân hậu, giàu yêu thương của Nguyễn Du khi hướng về con người, bênh vực và đồng cảm với những con người bất hạnh.
————–HẾT—————-
Như vậy, chúng tôi đã giới thiệu đến các em học sinh cách xây dựng Kết bài đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích ngắn gọn, dễ hiểu. Em cũng có thể đón đọc thêm một số bài văn hay lớp 9 khác đã được tổng hợp: Kết bài bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ; Kết bài Chị em Thúy Kiều;Kết bài truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa; Kết bài Chuyện người con gái Nam Xương;…