Lớp 9

Cảm nhận và suy ngẫm của em về bài thơ Mùa xuân nho nhỏ

cam nhan va suy ngam cua em ve bai tho mua xuan nho nho

6 Bài văn mẫu Cảm nhận và suy ngẫm của em về bài thơ Mùa xuân nho nhỏ

1. Cảm nhận và suy ngẫm của em về bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, mẫu số 1:

Thế là bất ngờ xuân tới, nồng nàn, ngất ngây mà dịu dàng, thướt tha quá đỗi. Mùa xuân khác cho mọi vật chiếc áo xanh tươi mơn mởn, điểm những màu hoa trắng hồng trên nền áo nguyên sơ. Xuân về xua tan bao giá băng lạnh lẽo, cho vạn vật hồi sinh tràn dầy sức sống. Xuân sưởi ấm lòng người, thắp cho nhân sinh niềm hi vọng ở ngày mai.

Có lẽ vì thế xuân luôn là đề tài cho thi nhân rung động được cảnh: cảnh thiên nhiên, cảnh đời mà cất bút đề thơ – xuân hà hơi, tiếp sức cho thi sĩ hóa thân vào cuộc đời. Ở nhà thơ Thanh Hải – xuân đáng trân trọng làm sao. Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của ông là một ví dụ. Thật ra, xuân đối với Thanh Hải không hề nho nhỏ mà xuân đang mang trong mình hơi ấm của sự sống Xuân lung linh, đầy sắc màu của tình yêu, yêu đời, yêu người tha thiết.

Mở đầu bài thơ, tác giả đã miêu tả đặc trưng của mùa xuân, chỉ có mùa xuân mới có cảnh vật ngạt ngào như thế:

Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc

Dòng sông xanh là một dòng sông thanh bình yên ả – đó là tín hiệu báo mùa xuân dần về sắc tím biếc của bông hoa nổi trội, đậm đà, nồng ấm cả dòng sông xanh – xuân là thế, dịu dàng mà nồng đượm sắc hương. Bông hoa là có thật, hay chỉ là dáng hình của niềm tin? Niềm hi vọng là sắc màu tím biếc thân quen của quê hương mà mãi in đậm trong tâm tưởng nhà thơ thấp thoáng trong câu thơ màu tím của chiếc áo dài nữ sinh xứ Huế từng là ấn tượng khó phai của người dân Cố đô. Mùa xuân ở đây thật hào phóng nên sẵn sàng trao tặng cho ai biết trải rộng lòng mình:

Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi,
Tôi đưa tay tôi hứng…

Tiếng gọi ơi nghe sôi nổi và tha thiết biết bao. Nhà thơ đã đón nhận mùa xuân với tất cả sự thăng hoa của tâm hồn, điêu luyện trong ngòi bút. Câu thơ cứ như câu nói tự nhiên không trau chuốt từ ngữ nhưng vẫn mang âm hưởng thi ca. Câu hỏi tu từ hót chỉ thể hiện tâm trạng đùa vui, nô nức của tác giả trước giai điệu của mùa xuân. Tiếng chim hót trong trẻo, vang lừng xa như gần lại rõ ràng, tròn trịa kết thành những giọt sương óng ánh sắc màu đọng lại thành giọt long lanh rơi, rơi mãi. Nhà thơ đã tưởng tượng bằng tất cả rung động của tâm hồn “tôi đưa tay tôi hứng” người đang hứng những tiếng chim hót cứ như là hứng những giọt mưa rơi. Từ tưởng tượng tác giả chuyển sang cảm giác thật tinh tế và tài hoa. Làm sao có thể hứng những âm thanh không hình dáng, kích thước ấy nhưng thật ra âm thạnh đó đã rót vào trái tim mẫn cảm với cuộc sống tinh tế với mọi âm thanh, sắc màu:

Ta làm con chim hót
Ta làm một nhành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến

Đến đây, nhà thơ không còn cầm bút nữa mà đang ôm đàn, gõ phách hát bài ca mùa xuân, bài ca cuộc sống. Nhà thơ muốn hóa thân vào muôn loài vạn vật làm tươi đẹp rộn ràng cho cuộc sống: một tiếng chim hót trong buổi sáng mai bắt đầu một ngày mới; một nhành hoa tô điểm cho vườn hoa cuộc đời; một nốt trầm làm xao xuyến vạn trái tim. Tất cả đã thể hiện niềm khát khao sống, khát khao hiến dâng đến khôn cùng của tác giả. Điều đáng nói ở đây là khi sáng tác bài thơ, nhà thơ đang nằm trên giường bệnh. Trong cái tuổi đương xuân của đời người ấy có mấy ai chấp nhận được sự thật là mình sắp lìa khỏi cõi đời với phong thái yêu đời an nhiên giữa mùa xuân như thế.

Với Thanh Hải, không ai đoán trước được bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của ông sẽ tồn tại bao lâu nhưng ít ra trước khi ra đi, ông đã để lại cho độc giả một bài thơ yêu đời, hồn nhiên đến lạ và giữ lại trong ông một phong cách thơ bình dị, chân thành.

Xin cảm ơn mùa xuân, cảm ơn thi nhân đã để lại cho đời những vần thơ vượt thời gian làm ấm lòng độc giả trong những nỗi mưu sinh nhọc nhằn của cuộc sống.

2. Cảm nhận và suy ngẫm của em về bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, mẫu số 2:

Mở đầu bài thơ là bức tranh mùa xuân của thiên nhiên được phác hoạ bằng vài nét chấm phá:

Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc,
Ơi! con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời.

Chỉ bằng vài nét đơn sơ mà đặc sắc, với những hình ảnh nho nhỏ, thân quen, bình dị, nhà thơ đã vẽ lên bức tranh xuân thơ mộng, đậm phong vị xứ Huế. Bức tranh có không gian thoáng đãng ,sắc màu tươi tắn, hài hoà và âm thanh rộn rã tươi vui của tiếng chim chiền chiện . Cách lựa chọn hình ảnh “dòng sông xanh” , “bông hoa tím”, cách sử dụng các từ ngữ “ơi” ,”chi” đi liền sau động từ “hót” khiến người đọc liên tưởng đến quê hương xứ Huế và cả tâm trạng say đắm hân hoan của tác giả .

Dường như thấp thoáng đâu đó trong câu thơ là màu xanh của dòng Hương Giang mềm mại và những tà áo dài tím biếc của những cô gái Huế mộng mơ, cùng với âm thanh rộn rã, tươi vui của tiếng chim chiền chiện, khiến mùa xuân của cố đô trầm mặc, chợt trở nên rực rỡ, rộn ràng .Cảm xúc của tác giả trước mùa xuân còn được miêu tả ở chi tiết rất tạo hình :

Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.

Giọt âm thanh của tiếng chim thật trong ,thật tròn,vang ngân giữa không gian, đọng lại thành từng giọt hữu hình long lanh như hạt ngọc ,nhà thơ đưa tay hứng với tất cả sự trân trọng , đắm say . Sự chuyển đổi cảm giác khiến hình ảnh thơ trở nên lung linh, đa nghĩa góp phần diễn tả trọn vẹn hơn niềm say sưa, ngây ngất của tác giả trước vẻ đẹp của thiên nhiên, trời đất vào xuân .

Từ mùa xuân của thiên nhiên, trời đất nhà thơ chuyển sang cảm nhận về mùa xuân của đất nước . Tác giả hướng tình cảm của mình tới những con người đang làm đẹp mùa xuân:

Mùa xuân người cầm súng
Lộc dắt đầy trên lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ.

Những câu thơ tạo ra hình ảnh sóng đôi đẹp như hai vế của câu đối mừng xuân nói về những người chiến sỹ bảo vệ và những người lao động dựng xây đất nước. “Lộc” theo bước chân người cầm súng ra trận,theo bàn tay người lao động ra đồng và gieo mùa xuân đến khắp mọi miền đất nước. Có lẽ bởi vậy mà không khí khẩn trương ,rộn ràng , náo nức lan toả khắp tứ thơ :

Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao.

Điệp từ “tất cả” , từ láy “hối hả”, “xôn xao ” tạo nên nhịp điệu mùa xuân hối hả ,hào hùng ,mở ra những cảm nhận chan chứa tự hào về đất nước :

Đất nước bốn ngàn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước.

Hình ảnh so sánh đẹp : “đất nước như vì sao” toả sáng, luôn vận động và phát triển không ngừng, có ý nghĩa định hướng ,giục giã mọi người hăng say cống hiến xây dựng quê hương .

Trước mùa xuân của đất nước, nhà thơ tâm niệm về mùa xuân riêng của mỗi cuộc đời và dạt dào một khát vọng hiến dâng:

Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến.

Nếu ở đầu bài thơ tác giả miêu tả những hình ảnh làm đẹp thêm ,tô điểm thêm cho mùa xuân là âm thanh náo nức vang trời của tiếng chim chiền chiện và sắc màu tím biếc dịu dàng của cánh lục bình nhỏ trên sông thì ở đây tứ thơ được lặp lại, tạo ra sự đối ứng chặt chẽ . Tác giả mong muốn được làm bông hoa toả ngát hương ,con chim mang tiếng hót và nốt trầm xao xuyến để hiến dâng nhưng không làm mất đi nét riêng của mỗi người . Đó thực sự là lời tâm niệm chân thành, tha thiết, khiêm nhường và khát khao được cống hiến phần tinh tuý nhất của mình làm đẹp thêm mùa xuân của quê hương, xứ sở mà không bị giới hạn bởi thời gian, tuổi tác:

Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.

“Mùa xuân nho nhỏ” là một sáng tạo bất ngờ ,độc đáo mà tự nhiên, hợp lý của nhà thơ , bởi mùa xuân vốn là một khái niệm chỉ thời gian thế mà ở đây ” mùa xuân” lại có khối ,có hình ,một hình hài nho nhỏ thật xinh xắn . Mùa xuân đã trở thành một ẩn dụ nói về khát vọng , một lẽ sống cao đẹp, một ý thức khiêm nhường góp sức mình làm đẹp thêm mùa xuân của thiên nhiên,đất nước.Điệp từ “dù là” đặt ở đầu hai câu thơ liên tiếp có ý nghĩa khẳng định cho khát vọng dâng hiến miệt mài, không mệt mỏi của tác giả .

Thể thơ năm chữ có nhạc điệu trong sáng, tha thiết ,gần gũi với dân ca nhiều hình ảnh đẹp ,giản dị ,gợi cảm ,những so sánh và ẩn dụ sáng tạo đã góp phần tạo nên thành công không nhỏ cho bài thơ .

Bài thơ kết thúc khi đã làm lay động trái tim mỗi người bởi chất hoạ gợi cảm, chất nhạc vấn vương và ước nguyện thiết tha chân thành của tác giả .Dường như ước nguyện nhỏ bé khiêm nhường ấy không còn là của riêng Thanh Hải mà đã trở thành tiếng lòng chung của nhiều người .Bởi vậy mà đọc xong bài thơ em muốn tự hỏi mình một điều giản dị :

“Ôi sống đẹp là thế nào hỡi bạn ?
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình !”

3. Cảm nhận và suy ngẫm của em về bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, mẫu số 3:

Cứ mỗi dịp tết đến xuân về chúng ta không thể nào quên Thanh Hải với “Mùa xuân nho nhỏ” đã góp vào thơ ca truyền thống dân tộc một bài thơ xuân đẹp, đậm đà tình nghĩa. Bài thơ được viết năm 1980 khi tác giả đang trên giường bệnh, được xem là lời tâm niệm đáng trân trọng trước lúc ra đi. ” Mùa xuân nho nhỏ” của ông đã nói lên lẽ sống, ý nghĩa của đời sống con người bằng cảm xúc thật, là điều tâm niệm chân thành, thiết tha với giọng thơ nhỏ nhẹ tâm tình.

Bài thơ bắt đầu bằng cảm xúc trực tiếp, hồn nhiên trong trẻo trước vẻ đẹp và sức sống của mùa xuân thiên nhiên. Từ đó mở ra thành hình ảnh mùa xuân của đất nước. Từ mạch cảm xúc ấy nhà thơ bộc lộ suy nghĩ và ước nguyện làm một mùa xuân nho nhỏ góp vào mùa xuân lớn và kết thúc bài thơ là niềm tự hào về quê hương đất nước qua điệu dân ca xứ Huế.

Bằng những hình ảnh chọn lọc đặc sắc nhà thơ đã vẽ nên một bức tranh thiên nhiên mùa xuân với dòng sông xanh, một bông hoa tím biếc và tiếng chim chiền chiện:

Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi! Con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời.

Bức tranh xuân còn tràn trề sức sống được thể hiện qua nghệ thuật đảo ngữ. Động từ “mọc” làm vị ngữ đặt trước bộ phận chủ ngữ, đặt ở đầu khổ thơ và bài thơ là một dụng ý nghệ thuật. Nó không những tạo cho người đọc ấn tượng đột ngột bất ngờ, mới lạ mà còn làm cho hình ảnh sự vật trở nên sống động như đang diễn ra trước mắt. Tưởng như bông hoa tím kia đang từ từ mọc lên trên dòng sông xanh. Qua vài nét phác họa nhưng tác giả đã vẽ ra được cả không gian mênh mông với những gam màu xanh – tím mang đậm đặc trưng xứ Huế.

Trong không gian ấy tiếng chim chiền chiện hót trên bầu trời xuân làm cho cảnh trở nên tươi vui rộn ràng, ấm áp và náo nức, nhà thơ trực tiếp bộc lộ cảm xúc một cách cao độ:

Ơi! Con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời.

Với nghệ thuật chuyển đổi cảm giác: từ thính giác ( nghe tiếng chim hót), thành thị giác ( thấy tiếng chim đọng thành giọt long lanh như có ánh sáng) và xúc giác ( đưa tay hứng tiếng chim). Hình ảnh có cái phi lí nhưng có thể chấp nhận trong thơ, một sự sáng tạo hợp lí để biểu hiện cái cảm xúc ngây ngất say sưa của nhà thơ trước vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời lúc vào xuân.

Từ mùa xuân thiên nhiên, đất trời, nhà thơ chuyển sang cảm nhận về mùa xuân của đất nước với hình ảnh “người cầm súng”, “người ra đồng”:

Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ”

Bằng cấu trúc song hành chỉ hai nhiệm vụ chiến lược sản xuất và chiến đấu của nhân dân ta. “Lộc” là chồi non lộc biếc mơn mởn. Khi xuân về cây cối đâm chồi nảy lộc. “Lộc” trong văn cảnh này tượng trưng cho vẻ đẹp mùa xuân và sức sống mãnh liệt của đất nước. Người lính khoác trên lưng vòng lá ngụy trang xanh biếc, mang theo sức sống mùa xuân, sức mạnh của dân tộc để bảo vệ Tổ Quốc. Người nông dân đem mồ hôi và sức lao động cần cù làm nên màu xanh ruộng đồng” trải dài nương mạ” bát ngát quê hương. Ý thơ vô cùng sâu sắc: máu và mồ hôi của nhân dân đã góp phần tô điểm mùa xuân và để giữ lấy mùa xuân mãi mãi.

Cả dân tộc bước vào mùa xuân với khí thế khẩn trương náo nhiệt:

” Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao”

” Hối hả” nghĩa là vội vã. gấp gáp, khẩn trương.” xôn xao” là có nhiều âm thanh xen lẫn vào nhau làm náo động; Trong câu thơ”xôn xao” chỉ niềm vui đang dâng lên, cặp từ láy “hối hả”, “xôn xao” với điệp ngữ ” Mùa xuân”, “Lộc”, “Tất cả như…” làm cho câu thơ vang lên với nhịp điệu vui tươi mạnh mẽ khác thường. Đó là hành khúc vào xuân của thời đại mới.

Tiếp theo là những câu thơ nói lên những suy tư về đất nước và nhân dân:

Đất nước bốn ngàn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước

Chặng đường lịch sử của đất nước bốn nghìn năm trường tồn với bao thử thách ” vất vả và gian lao”. Nhân dân, với bao thế hệ này sang thế hệ khác đã đem xương máu và mồ hôi bảo vệ và xây dựng đất nước “Đất nước như vì sao” là hình ảnh so sánh đẹp đầy ý nghĩa. So sánh đất nước với vì sao là biểu lộ niềm tự hào đối với đất nước, khẳng định lòng tin vào sự phát triển không gì ngăn cản nổi ” cứ đi lên phía trước”. Ba tiếng “cứ đi lên” thể hiện chí khí, quyết tâm và niềm tin sắt đá của dân tộc để xây dựng một Việt nam giàu mạnh.

Sau những suy tư về đất nước là tâm niệm của nhà thơ. Tác giả nguyện cầu được hóa thân:

Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến

Nếu khổ thơ đầu nhà thơ xưng “tôi” (Tôi đưa tay tôi hứng) thì ở đây nhà thơ chuyển sang xưng “ta” không phải là sự ngẫu nhiên. Với “Ta” vừa là số ít vừa là số nhiều, tác giả có thể nói được cái riêng biệt cụ thể, đồng thời lại nói được cái khái quát, cái chung. Đây là quan niệm, phương châm sống và cống hiến của tác giả mà cũng là của chúng ta.

Khát vọng của nhà thơ được làm một “con chim hót” làm “một cành hoa” và thêm hình ảnh “một nốt trầm”. Từ hình ảnh đẹp của mùa xuân thiên nhiên được miêu tả phần đầu bài thơ, nhà thơ đã chọn nhiều hình ảnh để thể hiện lẽ sống tâm niệm đời mình là phục vụ đất nước, cống hiến cho đất nước. Cách chọn hình ảnh như thế hay ở chỗ tự nhiên, hợp lí theo sự chuyển nghĩa của hình ảnh mùa xuân từ thiên nhiên đến xuân tư tưởng làm cho các tầng lớp trước sau của bài thơ gắn bó với nhau trong một chỉnh thể thống nhất. Lấy cái đẹp của thiên nhiên để thể hiện cái đẹp của lòng người. Con chim, cành hoa vốn nhỏ bé trong đời nhưng chim vô tư cống hiến tiếng hót vui, hoa vô tư cống hiến hương thơm sắc đẹp, làm nên mùa xuân đất trời. Mượn hình ảnh chim trời, bông hoa, nhà thơ muốn nói lên tha thiết, khiêm tốn ước vọng sống có ích, góp phần nhỏ bé phục vụ đất nước, làm nên mùa xuân đất nước. Một nốt nhạc nhỏ chưa đủ làm nên bản nhạc nhưng góp phần làm nên bản nhạc. Nhà thơ ước vọng làm một “nốt nhạc trầm” không véo von, ồn ào, ầm ĩ, nghĩa là mong sống có ích, khiêm tốn và âm thầm góp phần mình vào sự phát triển chung của đất nước.

Điệp ngữ “ta làm” thật thiết tha, lời thơ như đang ngân lên thành lời ca. Sống phải làm cái gì đó cho đời dù rất nhỏ.

Khổ thơ tiếp theo càng rõ hơn ý nghĩa nhan đề bài thơ ” Mùa xuân nho nhỏ”

Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc

Nhà thơ còn tâm niệm làm ” Một mùa xuân nho nhỏ” lặng lẽ dâng cho mùa xuân rộng lớn của đất nước. làm một mùa xuân nghĩa là gì? Nghĩa là sống một cuộc đời đẹp như mùa xuân. Nhưng tại sao lại là mùa xuân nho nhỏ? Một ý thơ hay, một khát vọng khiêm tốn, một ý thức đúng về mối quan hệ cá nhân và xã hội. Hình ảnh mùa xuân thường gợi cảnh đất trời rộng lớn, trăm hoa đua nở. Nhà thơ chỉ nguyện làm một mùa xuân nho nhỏ góp vào mùa xuân rộng lớn thuộc về đất trời, đất nước, xã hội, không một cá nhân nào làm nổi. Nhưng mỗi cá nhân có thể đóng góp mùa xuân của cuộc đời riêng vào mùa xuân của cuộc đời chung làm cho nó phong phú, rực rỡ thêm. Và lặng lẽ dâng cho đời với tất cả sự khiêm tốn đáng yêu của một con người tha thiết được cống hiến suốt đời cho đất nước dù tuổi hai mươi hay khi tóc bạc.

Ai cũng phải sống có ích cho đời ” Mùa xuân nho nhỏ” là một ẩn dụ đầy sáng tạo khắc sâu ý tưởng ” Mỗi cuộc đời đã hóa núi sông ta” (Nguyễn Khoa Điềm). Bỡi lẽ “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình” (Tố Hữu). Sống hết mình thủy chung cho đất nước, đem cả cuộc đời mình phục vụ đất nước cả từ lúc “tuổi hai mươi” đến khi”tóc bạc”. Thơ hay là ở cảm xúc chân thành. Thanh Hải đã nói lên những lời “gan ruột” của mình, ông đã sống như lời ông tâm tình. Khi đất nước bị Mĩ- Diệm và tay sai âm mưu chia cắt làm hai miền, ông hoạt động bí mật trong vùng giặc, gây dựng phong trào cách mạng, coi thường cảnh máu chảy đầu rơi. Cảm động hơn nữa là bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” được ông viết ra trên giường bệnh, một tháng trước lúc ông qua đời.

Thanh Hải sử dụng biện pháp nghệ thuật điệp ngữ tài tình: “Ta làm…ta làm…ta nhập…” “Dù là…dù là…”đã làm cho âm điệu thơ, giọng thơ tha thiết sâu lắng, ý thơ được khắc sâu và nhấn mạnh. Người đọc xúc động biết bao trước một giọng thơ trữ tình, ấm áp như vậy. Có thể xem đoạn thơ này là những lời trăng trối của ông.

Khổ thơ cuối là tiếng hát yêu thương: Phải chăng nhà thơ vừa làm thơ vừa hát những câu thơ của mình, hát theo làn điệu dân ca trầm trầm, buồn buồn nhưng lạc quan của quê hương xứ Huế. Nhịp thơ năm chữ gieo vần hai câu một nhưng ở khổ thơ này dôi ra một câu vần bằng. Bài thơ như ngừng chậm lại, ngẫm nghĩ, lắng nghe:

Mùa xuân ta xin hát
Câu Nam ai, Nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế.

” Nước non ngàn dặm” mấy câu mở đầu bài ca Nam ai xứ Huế đi vào bài thơ một cách tự nhiên. Nhưng “nước non ngàn dặm mình” rồi lại “nước non ngàn dặm tình”, thật là yêu đất nước mình, yêu quê hương mình lắm. Nước non ngàn dặm của mình, cũng là nước non ngàn dặm trong tình yêu tha thiết của mình.

“Mùa xuân nho nhỏ” là một sáng tạo độc đáo của Thanh Hải, góp vào các hình ảnh mùa xuân trong thơ ca. Các nhà thơ từ xưa tới nay đã viết nhiều về mùa xuân với nhiều cảm hứng và những phát hiện riêng khác nhau nhưng tựu trung thường khai thác hai phương diện: mùa xuân của thiên nhiên và mùa xuân con người, Thanh Hải cũng không đi ngoại lệ ngoài hai phương diện ấy của chủ đề mùa xuân. Cái đặc sắc ở đây chính là hình ảnh “Mùa xuân nho nhỏ”, Đó là những biểu tượng cho những gì tinh túy, đẹp đẽ nhất của sự sống và của cuộc đời mỗi người. “Mùa xuân nho nhỏ” ấy góp vào làm nên mùa xuân lớn của cuộc đời, của đất nước. Hình ảnh này thể hiện quan niệm về sự thống nhất giữa cái riêng và cái chung giữa cá nhân và cộng đồng. Mùa xuân nữa lại về trên đất nước ta, thắp nén nhang tưởng nhớ thi nhân đã để lại cho đời một lời tâm tình nhỏ nhẹ khiêm nhường. Mỗi chúng ta hãy sống đẹp – hãy làm một mùa xuân nho nhỏ trong mùa xuân lớn của dân tộc.

4. Cảm nhận và suy ngẫm của em về bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, mẫu số 4:

Thanh Hải là một nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Là con người tài hoa, giàu sức sống nghệ thuật và lắng nghe được nhiều âm thanh của cuộc sống, Thanh Hải đã dâng cho đời nhiều áng thơ có giá trị. Ngòi bút của ông đã góp phần xây dựng nền văn học cách mạng ở miền Nam từ những ngày đầu.

Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ là tâm sự của ông trong những ngày cuối của cuộc đời. Tình cảm dạt dào và suy nghĩ sâu lắng trong tâm tư của ông đã gởi gắm vào bài thơ. Đó là tình yêu đất nước bao la, niềm yêu mến thiết tha đối với cuộc sống đang bước vào thời kì xây dựng.

Mở đầu bài thơ, Thanh Hải đưa ta về với thiên nhiên tươi đẹp, về với đất trời đang bước vào mùa xuân mới:

Mọc giữa dòng sông xanh,
Một bông hoa tím biếc,
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời.

Mùa xuân được miêu tả bằng những hình ảnh dòng sông xanh, bông hoa tím biếc cùng với tiếng hót trong trẻo của chim chiền chiện. Cảnh mùa xuân ấy gợi ra một không gian tươi mát, dịu dàng và đằm thắm. Cảnh vật mùa xuân đã làm tác giả dâng lên một niềm cảm xúc. Tiếng ơi trong câu thơ là hô ngữ, là từ gợi cảm biểu lộ sự thân thiết, yêu thương. Hai tiếng hót chi là cách, nói dịu ngọt của người dân xứ Huế đã làm tăng tính biểu cảm của vần thơ. Tác giả đã mượn tiếng chim hót để biểu lộ cảm xúc của mình về bức tranh mùa xuân. Tác giả không chỉ biểu lộ sự trân trọng, nâng niu những cái đẹp trong mùa xuân ấy:

Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.

Động từ hứng đã diễn tả được tâm trạng của tác giả trước cảnh sắc mùa xuân. Có ai ngờ tiếng chim hót vang trời lại đọng thành giọt long lanh rơi xuống? Phải chăng đây không chỉ là âm thanh của tiếng chim mà là âm thanh của mùa xuân, âm thanh của cuộc sống đang khơi dậy trong lòng tác giả? Tâm hồn nhà thơ đang chan hòa cùng cuộc sống, cùng mùa xuân tươi đẹp một cách bất ngờ.

Từ mùa xuân của đất trời, cảm xúc thơ chuyển sang mùa xuân của đất nước một cách tự nhiên:

Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy quanh lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trài dài nương mạ.

Đây là hình ảnh của đất nước với hai nhiệm vụ chiến lược: chiến đấu và sản xuất. Mùa xuân của đất nước hòa cung niềm vui trong chiến đấu và niềm vui trong lao động sản xuất. Lộc là hình ảnh của mùa xuân. Đó là chồi non, cành biếc mơn mởn. Lộc là sự sinh sôi, nảy nở, là sức sống mãnh liệt đang vươn lên. Trong chiến đấu, lộc giắt đầy quanh lưng là hình ảnh người lính khoác trên lưng vành lá ngụy trang xanh biếc để che mắt quân thù và còn là biểu tượng của sức sống mùa xuân, là sức mạnh của dân tộc. Trong sản xuất, lộc trải dài nương mạ là hình ảnh của sự lao động cần cù đã làm nên một màu xanh bát ngát ruộng đồng. Người nông dân đã góp phần tô điểm cho mùa xuân đất nước. Hậu phương và tiền tuyến luôn song hành. Người cầm súng và người nông dân lao động, đều đem đến mùa xuân cho đất nước giữa mùa xuân của đất trời. Cả dân tộc đang bước vào mùa xuân với tâm thế khẩn trương và hào hứng:

Tất cả như hổi hả
Tất cả như xôn xao.

Hối hả, xôn xao là những từ láy diễn tả sự gấp gáp, khẩn trương, náo nhiệt. Cặp từ láy ấy cùng với điệp ngữ tất cả như… làm cho câu thơ vang lên nhịp diệu vui tươi, mạnh mẽ. Đó là hình ảnh đất nước và dân tộc đang bước vào mùa xuân của thời đại mới, thời đại Hồ Chí Minh. Trong mùa xuân tươi đẹp ấy tác giả không quên suy ngẫm về quá khứ của đất nước và cội nguồi dân tộc:

Đất nước bốn ngàn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước.

Tác giả đã bộc lộ niềm cảm thụ và tự hào về đất nước. Chặng đường lịch sử đã qua với bao gian lao, vất vả. Bốn nghìn năm lập quốc tỏa sáng nền văn hiến Đại Việt, sức mạnh dân tộc được khẳng định, đất nước vẫn trường tồn và đi lên. Đất nước như vì sao là sự so sánh đầy ý nghĩa. Sao là nguồn sáng vô tận, là vẻ đẹp của vũ trụ, vẻ đẹp vĩnh hằng trong không gian và thời gian. Đây là niềm tự hào về đất nước Việt Nam anh hùng, bất diệt.

Đất nước ấy luôn lớn mạnh, đi lên từng ngày. Hành trình đi tới tương lai của đất nước vẫn không ngừng, cứ đi lên là sự thể hiện chí khí, quyết tâm của dân tộc Việt Nam.

Trước mùa xuân của thiên nhiên, mùa xuân của đất nước, sự đi lên của cuộc sống, tác giả khát khao được hòa nhập vào cuộc sống của đất nước:

Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa .
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến.

Điều tâm niệm của tác giả thật chân thành sâu sắc. Con chim hót, một cành hoa là những hình ảnh đẹp của thiên nhiên. Một nốt trầm trong giàn hợp xưởng là âm thanh mà mọi người đều thích nghe. Tác giả muốn làm việc, muốn cống hiến cho cuộc đời, cống hiến cho đất nước. Điệp từ một trong đoạn thơ diễn tả sự ít ỏi, khiêm tốn nhưng hình ảnh con chim, cành hoa, nốt trầm cuối cùng dã dồn vào hình ảnh thật đặc sắc:

Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.

Khát vọng của tác giả tuy ẩn chứa sự khiêm nhường qua hình ảnh nho nhỏ, lặng lẽ nhưng thể hiện một tiếng lòng cao cả, thể hiện một nhân sinh quan cao đẹp: phải cống hiến cho đất nước, dù là nhỏ bé, và phải không ngừng cống hiến cho cuộc đời. Mỗi con người hãy là một mùa xuân nho nhỏ để làm nên mùa xuân bất diệt của đất nước. Một xã hội tốt đẹp thì mỗi con người phải tốt đẹp. Đây là điều tâm niệm và khát vọng của nhà thơ trước lúc đi xa vĩnh biệt cuộc đời.

Cảm xúc chân thành của nhà thơ không chỉ dừng lại ở khát vọng về cuộc sống, tâm niệm về cuộc đời, tình cảm đối với quê hương, đất nước mà còn thể hệ qua khúc hát yêu thương:

Mùa xuân ta xin hát
Câu Nam ai, Nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế.

Nam ai và Nam bình là hai điệu dân ca Huế, phách tiền là một nhạc cụ dân tộc điểm nhịp cho lời ca. Hình ảnh xin hát diễn tả tình yêu thương, gắn bó với quê hương, sự khao khát về cuộc sống mùa xuân. Tiếng hát ở đây cũng là tiếng lòng của tác giả, nó ngọt ngào sâu lắng và gây được sự đồng cảm với tất cả mọi người.

Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải là một bài thơ đặc sắc. Với thể thơ năm chữ, giọng thơ lúc mạnh mẽ, lúc tha thiết ngân vang, âm hưởng nhẹ nhàng xuyên khổ thơ, tác giả đã bộc lộ cảm xúc trước mùa xuân của thiên nhiên, đất nước và khát vọng đẹp đẽ muôn được dâng hiến cho cuộc đời trước lúc đi xa.

5. Cảm nhận và suy ngẫm của em về bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, mẫu số 5:

Nếu biết được rằng Mùa xuân nho nhỏ ra đời lúc nhà thơ Thanh Hải đang giành giật với tử thần từng phút sống: ….Em nâng cho anh nằm/ Giữa những cơn khóc thầm/ Em quạt cho anh ngủ) ta sẽ càng xúc động, cảm phục trước tình yêu cuộc sống, khát vọng hoà nhập và dâng hiến hồn nhiên, trong sáng đến lạ lùng của tác giả.

Được viết vào thàng 11- 1980, một tháng trước lúc nhà thơ trút hơi thở cuối cùng, bài thơ được nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc và từ đó đã đồng hành cùng bao nhiêu mùa xuân.

Bài thơ mở đầu bằng bức tranh thiên nhiên mùa xuân mang sắc màu và âm thanh quen thộc của đồng quê. Bình dị, tươi trong, chứa đựng sự sống và niềm vui. Cảnh và tình hoà quyện. Đó là màu tím biếc của bông hoa dân dã soi bóng, hài hoà trên mặt nước song xanh thấm đẫm bóng trời xanh, là tiếng hót cao vang của con chim chiền chiện vút lên từ bãi sông, ruộng lúa làm sao động khoảng trời. Còn thi nhân yêu đời thì lắng nghe, phát hiện và thụ cảm cùng với bao trìu mến, nâng niu:

Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa biêng biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời.

Trong khát vọng nắm bắt trọn vẹn hương vị cuộc đời của một người ý thức được kiếp người hữu hạn, cảm nhận thính giác đã chuyển hoá thành thị giác, cái vô hình trở thành cái hữu hình:

Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.

Tiếng chim chiền chiện thả vào không gian trong suốt của mùa xuân được cảm nhận thành từng giọt mang màu sắc long lanh. Câu thơ gợi nhớ đến lời thơ Tồ Hữu:

Tôi lắng nghe tiếng đời lăn náo nức
Ở ngoài kia vui sướng biết bao nhiêu.

Cùng một niềm tha thiết yêu đời, chỉ khác nhau cảnh ngộ.Sáu dòng thơ đầu không có một chữ xuân nào mà ta vẫn thấy chàn ngập không khí mùa xuân qua những hình ảnh và âm thanh đặc trưng, tiêu biểu. Giữa các dòng thơ hầu như không có hiệp vần ( trừ hai tiếng rơi và trời) mà nhạc tình vẫn trần đầy do hiệu quả hài thanh trong các tiếng- một trong những đặc điểm của thơ ca đương đại.

Để ý thêm, ta sẽ thấy sự đăng đối ngầm giữa từng đôi câu thơ một trong sáu dòng thơ: hài hoà giữa diện và điểm, phông nền và nét nhấn của từng bức tranh xuân. Tất cả tạo cho bài thơ lực hấp dẫn ngay từ những khúc dạo đầu.Cảm hứng trữ tình công dân thấm sâu trong tâm hồn lớp nhà thơ xuất hiện sau cách mạng tháng tám, trưởng thành qua hai cuộc kháng chiến đã dẫn dắt thi tứ mở hướng về phía mùa xuân cho đất nước. Hình ảnh đất nước vào xuân với nhịp điệu rộn ràng, xôn xao, hối hả không tìm ở đâu xa mà tìm ngay trong hình ảnh người lính hành quân bảo vệ bờ cõi và người nông dân lao động trên đồng, tiêu biểu cho một dân tộc ngàn năm tay cày, tay súng. Sự đối xứng của hai hính ảnh đi liền với hai chữ mùa xuân trùng điệp tự nó tạo nên giai điệu rộn ràng, một không khí khẩn trương sôi nổi, chẳng cần tác giả phải chua thêm:

Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao.

Nhạc sĩ Trần Hoàn rất tinh khi cắt bỏ hai dòng thơ này không đưa vào bản nhạc.

Đất nước như vì sao
Cứ vượt lên phía trước

Là một so sánh độc đáo, mới lạ, nảy sinh trong hoàn cảnh cụ thể nhưng mang giá trị khái quát cao. Toả sáng vĩnh hằng, đất nước trong quá khứ và hiện tại cứ bền bỉ và vượt lên qua bao giânnn vất vả, bất chấp mọi kẻ thù, như một thiên thể giữa bầu trời nhân loại. Đặt vào bối cảnh đất nước những năm 1975 – 1980 với những ngặt nghèo của hai cuộc kháng chiến chống đói nghèo lạc hậu và bảo vệ chủ quyền dân tộc, hình ảnh so sánh trên thật có ý nghĩa. Có nét gần gũi với Nguyễn Đình Thi trong cảm hứng về đất nước:

Anh yêu em như anh yêu đất nước
Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần

nhưng một bên thì da diết xót xa, một bên lại vững vàng rắn rỏi. Rung cảm thiết tha trước mùa xuân đất nước, nhà thơ bộc bạch một ước nguyện chân thành:

Ta là con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoa cà
Một nốt trầm xao xuyến

Cái tôi đã chuyển hoá thành cái ta, điệp lại nhiều lần như liệt kê, nhấn mạnh thể hiện sự hoà điệu với mọi người trong ước vọng chung là góp sức xuân của từng cá nhân cho mùa xuân đất nước. Nhà thơ muốn hoá thân vào tiếng chim hót báo hiệu và thức tỉnh, một cành hoa tô điểm cho núi sông, một nốt trầm xao xuyến trong khúc ca phấn chấn tự hào động viên khích lệ.

Bài thơ có sự ứng chiếu trong kết cấu: Bông hoa tím soi bóng dòng sông, con chim chiền chiện với tiếng hót long lanh ở đầu bài thơ, những hình ảnh dung dị của mùa xuân, đến đây được láy lại trở thành ẩn dụ cho mùa xuân nho nhỏ. Ta bống thấm thía nhan đề của bài thơ. Vì mỗi cuộc đời như một mùa xuân thể hiện niềm tự tin, tự hào của con người trong tư thế tự do và làm chủ.

Trước Thanh Hải đã có Mùa xuân xanh, mùa xuân chín, một nhà xuân(2)…còn mùa xuân nho nhỏ thân thương đến lúc này ta mới gặp lần đầu.Từ cảm hứng trữ tình công dân dạt dào sôi nổi, nhà thơ trở về với chức phận nghệ sĩ của mình qua đoạn thơ kết:

Mùa xuân – ta xin hát
Câu nam ai, Nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế

Cái chung lại trở về với cái riêng trong tiếng hát ca của người nghệ sĩ nhiệt thành ca ngợi vẻ đẹp của nước non ngàn dặm nối liền một dải bằng dọng ca lặng thầm da diết của điệu hò, điệu lí đất chôn rau.

Bài thơ khép lại bằng một triện đỏ in dấu hồn thơ của người con xứ Huế.Bài thơ lay động tâm hồn chúng ta bởi chất nhạc xao xuyến và ước nguyện chân thành cảm động. Cái ước nguyện lặng lẽ dâng cho đời một mùa xuân nho nhỏ đã tìm được những tiếng lòng đồng vọng. Bài thơ chính là một ” Mùa xuân nho nhỏ” Thanh Hải để lại cho đời trước lúc đi xa.

6. Cảm nhận và suy ngẫm của em về bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, mẫu số 6:

Mùa xuân là để tài bất tận của thơ ca. Song, cái cảm nhận về mùa xuân của các nhà thơ theo thời gian có nhiều thay đổi. Đối với Mãn Giác Thiền sư, một cao tăng nổi tiếng thời Lý, mùa xuân mang một tính triết lý sâu sắc:

“Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai”

Còn đối với những nhà thơ trước cách mạng, mùa xuân gợi lên một nét sầu cảm:

“Tôi có chờ đâu, có đợi đâu,
Mang chi xuân đến gợi thêm sầu.”

(Chế Lan Viên)

Nhưng đối với nhà thơ Thanh Hải, mùa xuân mang một nét đẹp đáng yêu tươi thắm; gợi lên trong lòng người đọc nhiều hình ảnh rạo rực tươi trẻ. Vì thế, mùa xuân trong thơ của TH là biểu tượng cho sức sống mạnh mẽ của quê hương, dân tộc. Tất cả đã được thể hiện rõ nét trong bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”, một bài thơ đặc sắc được nhà thơ viết không lâu trước khi qua đời.

Người xưa có câu: “Thi trung hữu họa”. Thơ ca vẽ nên những bức tranh tuyệt đẹp của cuộc sống. Mở đầu bài thơ, Thanh Hải đã phác họa nên một bức tranh xuân giản dị mà tươi đẹp:

“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chim mà vang trời”

“Dòng sông xanh” gợi nhắc hình ảnh những khúc sông uốn lượn của dải đất miền Trung quanh co, đó có thể là dòng sông Hương thơ mộng, một vẻ đẹp lắng đọng của xứ Huế mộng mơ.Trên gam màu xanh lơ của dòng sông thơ mộng, nổi bật lên hình ảnh “một bông hoa tím biếc”. Không có màu vàng rực rỡ của hoa mai, cũng không có màu đỏ thắm của hoa đào, mùa xuân của Thanh Hải mang một sắc thái bình dị với màu tím biếc của bông hoa lục bình. Đây là một hình ảnh mang đậm bản sắc của cố đô Huế. Không biết tự bao giờ màu tím đã trở thành màu sắc đặc trưng của con người và đất trời xứ Huế. Màu tím biếc gợi nhớ hình ảnh những nữ sinh xứ Huế trong những bộ áo dài màu tím dịu dàng thước tha. Nhà thơ đã sử dụng biện pháp nghệ thuật đảo ngữ, đưa động từ ” mọc” lên đầu câu như một cách để nhấn mạnh vẻ đẹp tươi trẻ, đầy sức sống của mùa xuân thiên nhiên. Trong bức tranh mùa xuân của Thanh Hải, không chỉ có hình ảnh , mà còn có âm thanh xao xuyến, ngân nha của con chim chiền chiện. Tiếng chim lảnh lót vang lên làm xao động cả đất trời, làm xao xuyến cả tâm hồn thi sĩ nhạy cảm của nhà thơ. Những từ ngữ cảm thán “ơi, hót chi” đã thể hiện rõ nét cảm xúc của nhà thơ. Mùa xuân của thiên nhiên đã đem đến cho nhà thơ một cảm giác ngây ngất. Mùa xuân ấy không có gì khác lạ, vẫn là một mùa xuân rất giản dị trên quê hương xứ Huế của nhà thơ. Nhưng nhà thơ bỗng nhận ra vẻ đẹp lạ kì của mùa xuân, một vẻ đẹp mà bấy lâu nhà thơ không để ý. Phải chăng vì đây là lần cuối cùng được ngắm nhìn mùa xuân quê hương nên nhà thơ cảm thấy mùa xuân ấy đẹp hơn, tươi sáng hơn ?

Say sưa, ngây ngất trước vẻ đẹp giản dị và nên thơ của mùa xuân, nhà thơ bồi hồi xúc động:

“Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng:

“Giọt long lanh” là giọt mưa xuân, giọt nắng vàng hay giọt sương sớm ? Theo mạch cảm xúc của nhà thơ thì có lẽ đây là giọt âm thanh của tiếng chim ngân vang. Bằng một cảm nhận tinh tế, nhà thơ đã hình tượng hóa tiếng chim thành một sự vật có hình dáng, đây là một sự sáng tạo rất mới mẻ chỉ có thể có được nhờ tâm hồn nhạy cảm của một thi sĩ. Như vậy, chỉ bằng ba nét vẽ: dòng sông xanh, bông hoa tím và tiếng chim ngân vang khắp đất trời, nhà thơ đã phác họa nên một bức tranh xuân tuyệt đẹp trên cố đô Huế.

Từ vẻ đẹp thanh khiết của mùa xuân thiên nhiên, nhà thơ liên hệ đến mùa xuân của đất nước, mùa xuân của cách mạng:

“Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ”

Bốn câu thơ mang cấu trúc song hành thể hiện rõ hai nhiệm vụ của nhân dân: chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và sản xuất làm giàu nước nhà. Hai nhiệm vụ ấy đặt nặng lên vai của người chiến sĩ – “người cầm súng” và người nông dân – “người ra đồng”. Nét đặc sắc của đoạn thơ là việc sáng tạo hình ảnh “lộc”. “Lộc” là chồi non, cành biếc; “lộc” còn tượng trưng cho sự may mắn, niềm an lành trong năm mới. Đối với người chiến sĩ, “lộc” là cành lá ngụy trang che mắt quân thù. Đối với người nông dân, “lộc” là những mầm mạ non trải dài trên đồng ruộng bát ngát, báo hiệu một mùa bội thu. Người chiến sĩ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc sẽ đem về “lộc” là sự an lành niềm vui, niềm tự hào chiến thắng cho dân tộc. Người nông dân gieo trồng lúa trên đồng ruộng sẽ đem về “lộc” là những hạt gạo trắng ngần, những bát cơm ngon ngọt cho đồng bào cả nước. Cả dân tộc bước vào xuân với khí thế khẩn trương và náo nhiệt:

“Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao…”

Bằng cách sử dụng từ láy “hối hả-xôn xao” cùng với điệp từ, tác giả đã mang đến cho câu thơ một nét rộn ràng, nhộn nhịp. “Hối hả” nghĩa là vội vả, khẩn trương. “Xôn xao” là có nhiều âm thanh trộn lẫn vào nhau, làm cho náo động. Từ những âm thanh xôn xao và sự hối hả của con người, nhà thơ lại suy tư về sự phát triển của đất nước qua bốn ngàn năm lịch sử.

——————–HẾT———————–

Nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các em học sinh khi học và ôn tập bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, bên cạnh bàiCảm nhận và suy ngẫm của em về bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, chúng tôi còn giới thiệu đến các em rất nhiều bài tham khảo đặc sắc khác như:Phân tích 3 khổ cuối bài Mùa xuân nho nhỏ, Sơ đồ tư duy Mùa xuân nho nhỏ, Cảm nhận tình yêu thiên nhiên của người thi nhân qua bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, Cảm nghĩ về bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải.

Nguyễn Thị Hương Thủy

Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội và hiện đang tham gia giảng dạy môn Ngữ Văn tại trường THPT Chu Văn An. Cô có 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, dẫn dắt nhiều thế hệ học sinh đạt những thành tích cao và đặt chân vào các trường đại học danh tiếng. Cô gặt hái được rất nhiều thành công trong sự nghiệp: giải Nhì trong cuộc thi giáo viên giỏi do thành phố Hà Nội tổ chức, tham gia giảng dạy đội tuyển Học sinh giỏi Quốc gia.
Back to top button