Đề bài:Anh/chị hãy viết bài Cảm nhận về đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền (trích Những người khốn khổ của V.Huy-gô.
Cảm nhận của em sau khi đọc Người cầm quyền khôi phục uy quyền
I. Dàn ýCảm nhận của em sau khi đọc Người cầm quyền khôi phục uy quyền
1. Mở bài
– Giới thiệu sơ lược về tiểu thuyết Những người khốn khổ và đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền
2. Thân bài
a. Nhân vật Giăng Van- giăng
– Thương xót trước hoàn cảnh của Phăng-tin
– Cố theo giúp cô tìm lại con: Cô- dét đến cùng
– Bảo vệ Phăng-tin trước sự tàn nhẫn của Gia -ve
– Cầu xin Gia-ve cho thời hạn để giúp Phăng- tin tìm con.
– Khi Phăng-tin chết, ông đau xót cho số phận nghiệt ngã của cố, hành động thể hiện sự phản đối kịch liệt sự tác ác của Gia- ve
=> Giàu lòng yêu thương đồng loại, bản lĩnh trước cường quyền.
b. Nhân vật Gia- ve
– Ngoại hình ghê rợn
– Sống theo pháp luật một cách cứng nhắc
– Trực tiếp gây nên cái chết của Phăng- tin bằng những lời nói thiếu tình người.
=> Gian ác, tàn nhẫn
c. Nghệ thuật
– Bút pháp lãng mạn
– Nghệ thuật tương phản, đối lập
d. Ý nghĩa
Đề cao ý nghĩa và giá trị của tình yêu thương trong cuộc sống.
3. Kết bài
Khẳng định lại giá trị của trích đoạn.
II. Bài văn mẫuCảm nhận của em sau khi đọc Người cầm quyền khôi phục uy quyền
V. Huy-gô là một trong những thiên tài nổi tiếng của văn học thế giới đầu thế kỉ XIX. Những áng văn bất hủ của ông đều chứa đựng giá trị nhân đạo sâu sắc, một vài tác phẩm có thể kể đến như Chín mươi ba, Nhà thờ Đức bà Pari hay Những người khốn khổ,…..Trích đoạn Người cầm quyền khôi phục uy quyền nằm trong phần thứ nhất của tiểu thuyết Những người khốn khổ, đây là phần phản ánh rõ nhất sự đối lập giữa cái thiện và cái ác trong cuộc sống, qua đó bày tỏ niềm thương xót của tác giả đối với số phận bất hạnh của những người khốn khổ.
Trong đoạn trích, nhà văn đã xây dựng hai nhân vật ở hai chiến tuyến đối lập nhau là Giăng Văn Giăng và Gia-ve. Giăng Văn Giăng – một người tù khổ sai giàu lòng yêu thương, cảm thông trước nỗi đau của Phăng – tin một người đàn bà khốn khổ bị mất con, ông luôn động viên, trấn an chị: “Cứ yên tâm. Không phải nó đến bắt chị đâu”. Giăng Văn Giăng còn lo sợ rằng Phăng-tin sẽ chết mà đành nhún nhường xin Gia- ve thư thư vài ba ngày để giúp đỡ Phăng – tin tìm lại con gái: “Xin ông thư cho ba ngày! Ba ngày để tìm đứa con cho người đàn bà đáng thương kia! Phải trả giá thế nào tôi cũng chịu”. Ông hiểu được rằng người đàn bà tội nghiệp kia đang mong muốn được gặp lại con biết nhường nào, con gái bây giờ với Phăng tin là nguồn sống, là điều đẹp đẽ duy nhất mà thế giới này bạn tặng cho cô. Có lẽ bây giờ tìm được Cô – dét là cách duy nhất để níu giữ sự sống cho người đàn bà đáng thương kia mà thôi.
Nhưng trớ trêu thay, ngay cả cái điều mong muốn thiện lương ấy của Giăng Văn giăng, nguồn hy vọng cuối cùng của người đàn bà đứng trước cửa tử kia cũng bị tên cầm quyền dập tắt.
“Hắn nhìn Phăng-tin trừng trừng, lại túm một túm lấy cổ áo và ca-vát của Giăng Van-giăng, nói thêm: Tao đã bảo không có ông Ma-đơ-len, không có ông thị trưởng nào cả. Chỉ có một kẻ cắp, một tên kẻ cướp, một tên tù khổ sai là Giăng Van-giăng!”. Chính lời nói tàn nhẫn kia đã cướp đi sinh mạng của Phăng tin, lời hắn nói khiến cô tuyệt vọng trong đau khổ. Khi Phăng – tin chết, Giăng Van- giăng chẳng còn lí do gì để hạ mình với hắn, trước hắn, trái lại càng căm tức hắn bội lần. Ông tiến tới chiếc giường, “giật gẫy trong chớp mắt chiếc giường cũ nát[…], ông cầm lăm lăm cái thanh giường trong tay và nhìn Gia-ve trừng trừng”. Đó là hành động thể hiện sự phản đối kịch liệt, sự căm thù của Giăng Van- giăng trước Gia- ve ác độc. Lúc này đây, Gia-ve uy lực mấy phút trước bỗng tiêu tan, người ta chỉ thấy một bộ mặt tái nhợt, bước lùi về phía cửa trong vẻ run sợ của hắn.
Về phần Phăng- tin, Giăng Van-giăng ngồi xuống cạnh bên, dành cho cô những hành động nâng niu nhất: “Giăng Van-giăng tì khuỷu tay lên thành giường, bàn tay đỡ lấy trán, ngắm Phăng-tin nằm dài không nhúc nhích. Ông ngồi như thế mải miết, yên lặng[…]”. Ông xót xa cho số phận nghiệt ngã của Phăng tin, xót xa cho một kiếp người mong manh, đến chết vẫn chẳng thể gặp lại con yêu. Qua ngòi bút của V. Huy- gô, Giăng Van-giăng hiện lên hình ảnh của một còn người giàu lòng yêu thương, đáng khâm phục và trân trọng biết bao.
Nếu Giăng Van-giăng lương thiện bao nhiêu thì Gia – ve càng độc ác bấy nhiêu. Ngoại hình, hành động hay lời nói của hắn thốt ra đều tố cáo bản chất gian mãnh, vô lương tâm của hắn. Hắn mang danh ngài thanh tra làm việc vì sự an bình của nhân dân mà chính hắn lại đạp đổ lên mục đích cao đẹp ấy. Ngay cả người đàn bà đang hấp hối giữa cái chết hắn vẫn không tha, buông lời quát mắng: “Giờ lại đến lượt con này! Đồ khỉ có câm họng đi không? Cái xứ chó đểu gì mà bọn tù khổ sai làm ông nọ ông kia, còn lũ gái điếm được chạy chữa như những bà hoàng! Nhưng này, sẽ thay đổi hết, đã đến lúc rồi đấy!”. Phải chẳng Gia – ve chính là một con ác thú giữa cuộc đời trần trụi, con ác thú gian mãnh sống trong mớ nguyên tắc khuôn mẫu, thiếu tình người.
Bằng bút pháp lãng mạn cùng nghệ thuật tương phản đặc sắc, Huy- gô không chỉ xây dựng thành công hai hình ảnh đại diện cho thiện -ác trong đời mà qua đó còn gửi gắm một thông điệp nhân sinh đầy sâu sắc: Trong bóng tối của cường quyền và tuyệt vọng, tình yêu thương như những vì sao lấp lánh, nâng đỡ con người, nhen nhóm niềm tin ấm áp nơi họ.
———————HẾT———————–
Các em vừa tham khảo bài cảm nhận về đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền. Hy vọng rằng bài viết trên đây sẽ mang đến cho các em nhiều trí thức hữu ích để các em ôn luyện và học tập hiệu quả. Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm tài liệu văn mẫu Phân tích hình tượng nhân vật Giăng Van-giăng trong đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền,Phân tích hai tính cách trái ngược của Gia-ve và Giăng Van Giăng trong Người cầm quyền khôi phục uy quyền, Phân tích nhân vật Phăng-tin trong đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền.