Lớp 9

Cảm nghĩ về nhân vật Mã Giám Sinh trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều

Đề bài: Cảm nghĩ về nhân vật Mã Giám Sinh trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều

cam nghi ve nhan vat ma giam sinh trong doan trich ma giam sinh mua kieu

Cảm nghĩ về nhân vật Mã Giám Sinh trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều

I. Dàn ýCảm nghĩ về nhân vật Mã Giám Sinh trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều (Chuẩn)

1. Mở bài

– Giới thiệu đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều.

2. Thân bài

a. Hoàn cảnh:

– Gia đình Thúy Kiều gặp nạn, Thúy Kiều chấp nhận bán mình làm vợ lẽ cho Mã Giám Sinh để chuộc cha.

b. Nhân vật Mã Giám Sinh:
– “Gần miền…cũng gần”: Thông tin về lai lịch, tên tuổi của Mã Giám Sinh, thông tin có nhiều nghi vấn, cách trả lời cộc lốc, ngắn gọn thể hiện bản chất thô lỗ, cộc cằn. Cố tình vẽ ra một thân thế tốt đẹp để lừa mua Thúy Kiều.
– “Quá niên…bảnh bao”: Miêu tả ngoại hình Mã Giám Sinh, tuy lớn tuổi nhưng vẫn ăn vận chải chuốt, đậm chất trai lơ, không đứng đắn.
– “Trước thầy…kíp ra”: Hành động thô lỗ, thiếu lễ nghi, bộc lộ bản chất con buôn, ít học và thói háo sắc khi giục Kiều ra cho xem mặt.
– “Đắn đo…quạt thơ”: Chính tỏ rằng tên họ Mã này đến đây đây phải vấn danh, xem mặt chọn vợ tương lai, mà rõ ràng là đang đi ướm thử, cân đo đong đếm một món hàng nào đó, chứ không hề có ý tôn trọng Thúy Kiều hay để tâm đến cảm nhận của nàng.
– “Cò kè bớt một thêm hai/Giờ lâu ngã giá vâng ngoài bốn trăm”: Sẵn sàng coi Thúy Kiều là một món đồ tốt không hơn không kém, tìm mọi cách mặc cả cho được giá.
→ Mã Giám Sinh là một kẻ keo kiệt bủn xỉn chứ cũng chẳng giàu có, bóng bẩy như bề ngoài hắn thể hiện ra.

3. Kết bài

Nêu cảm nhận.

II. Bài văn mẫuCảm nghĩ về nhân vật Mã Giám Sinh trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều (Chuẩn)

Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, nhân vật Thúy Kiều là người con gái tài sắc vẹn toàn, thế nhưng cuộc đời nàng lại là một chuỗi những bi kịch chất chồng trong suốt 15 năm lưu lạc. Người con gái tội nghiệp ấy đã biết bao lần gặp phải kẻ dối gian, ác độc chèn ép khiến nàng phải rơi vào khốn cảnh của kiếp kỹ nữ buôn phấn bán hương đến hai lần. Và một trong những kẻ đầu sỏ, đóng vai trò quan trọng nhất trong việc gây nên bi kịch của Thúy Kiều chính là Mã Giám Sinh. Mà qua đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều, bằng cách miêu tả ngoại hình, cử chỉ, và ngôn ngữ đối thoại Nguyễn Du đã khéo léo khắc họa lên một nhân vật với bản chất xấu xa, đê tiện.

Sau khi cha và em bị bắt, gia đình bị tịch biên tài sản cả nhà chỉ còn lại ba mẹ con Thúy Kiều, bọn quan sai thấy phụ nữ yếu đuối bèn ra sức đòi tiền bạc của cải để chuộc thì mới chịu tha cho Vương ông và Vương Quan. Không còn cách nào khác Thúy Kiều đành phải chấp nhận tìm mối lái bán mình làm vợ lẽ cho người ta để có tiền chuộc cha, em, đồng thời từ bỏ mối lương duyên với Kim Trọng và trao duyên lại cho Thúy Vân trong đau đớn, xót xa. Bà mối đã dẫn đến một kẻ tự xưng là Mã Giám Sinh, vốn là người đã nghe ngóng được nhan sắc cũng như tài năng của Thúy Kiều từ lâu, ngỏ ý muốn mua Kiều về làm vợ lẽ. Khi họ Mã đến xem mắt và ngã giá chính là bối cảnh trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều.

Trước hết Nguyễn Du đã khắc họa nhân vật này thông qua những thông tin về thân thế và lai lịch của hắn:

“Gần miền có một mụ nào
Đưa người viễn khách tìm vào vấn danh”

Hai câu thơ đầu tỏ ý trang trọng, “viễn khách” tức chỉ khách ở xa tới đến làm lễ “vấn danh”, xin hỏi cưới Thúy Kiều về làm vợ lẽ. Đến hai câu thơ sau lại là lời Mã Giám Sinh tự giới thiệu về bản thân mình trước nhà gái:

“Hỏi tên, rằng: Mã Giám Sinh”
Hỏi quê, rằng: “Huyện Lâm Thanh cũng gần”

Như vậy bản thân Mã Giám Sinh đã tự giới thiệu mình họ Mã, là học trò trường Quốc Tử Giám, thêm việc quê nhà ở huyện Lâm Thanh, đồng thời nhấn mạnh hai chữ “cũng gần”. Dường như y đang cố gắng bày ra một gia thế và viễn cảnh tốt đẹp nhất để có thể dễ dàng được Thúy Kiều đồng ý gả cho. Tuy nhiên nếu để ý thì ở hai câu thơ đầu vốn giới thiệu là “viễn khách”, thế nhưng hai câu sau lại nói “Lâm Thanh cũng gần”, dường như để ra một chút gì đó không hợp lý, có vẻ như thân phận cũng như lai lịch của Mã Giám Sinh còn nhiều mờ ám. Bên cạnh đó, việc trả lời cộc lốc, ngắn gọn, không hề nói rõ về bản thân mình cũng đã phần nào thể hiện nhân cách của Mã Giám Sinh, y trông bộ không hề giống một người có học, mà giống với bộ dáng của con buôn nhiều hơn.

Tác giả tiếp tục khắc họa nhân vật này thông qua ngoại hình và điệu bộ cử chỉ từ đó bộc lộ bản chất của hắn bằng những câu thơ:

“Quá niên trạc ngoại tứ tuần
Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao
Trước thầy sau tớ lao xao
Nhà băng đưa mối rước vào lầu trang
Ghế trên ngồi tót sỗ sàng
Buồng trong mối đã giục nàng kíp ra”

Từ những câu thơ trên có thể thấy rằng Mã Giám Sinh là kẻ đã có tuổi trạc ngoài bốn mươi, thế nhưng lại rất mực chỉnh trang chải chuốt “Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao”, thể hiện sự lố lăng, không phải là dáng vẻ của một đại nam nhân tuổi trung niên nên có. Không chỉ vậy, bình thường những người khác ở tầm tuổi ấy vốn dĩ đã sớm yên bề gia thất, chăm lo sự nghiệp, đằng này tên họ Mã lại mắt gần mày xa để ý đến nhan sắc xinh đẹp của Thúy Kiều, kiếm cách dùng tiền mua nàng về làm vợ lẽ. Từ đó bộc lộ bản tính háo sắc, thiếu đứng đắn của nhân vật này. Không chỉ ở bộ dáng mà cách hắn phô trương thanh thế cũng khiến người khác cảm thấy tầm thường, dung tục. “Trước thầy sau tớ lao xao” làm nổi bật lên vẻ mất kiên nhẫn, không nghiêm chỉnh trong việc “vấn danh” Thúy Kiều, đồng thời cũng bộc lộ bản chất ưa những lời ồn ào, xu nịnh của kẻ dưới ở tên Mã Giám Sinh này. Hành động “ngồi tót sỗ sàng”, ngay khi bước vào sảnh tiếp khách của nhà Thúy Kiều nhà không đợi người ra chào hỏi, mời mọc thể hiện sự vô lễ, thiếu phép tắc và sự lỗ mãng của Mã Giám Sinh, lúc này đây nhìn vào rõ ràng nếu tỉnh táo ai cũng có thể nhận ra đây là một kẻ chẳng mấy tốt đẹp, không hề xứng đáng với Thúy Kiều, hơn thế nữa giữa hành động và lai lịch của hắn lại có quá nhiều điều đáng ngờ, dối gian cần xem xét. Sự lỗ mãng, vô phép của hắn còn thể hiện ở việc liên tục thúc giục bà mối dẫn Thúy Kiều ra cho mình xem mặt, phá hỏng đi quy tắc lễ nghi nam nữ hữu biệt của thời phong kiến, mà hoàn toàn làm lộ ra bản chất con buôn muốn xem hàng ngã giá và thói háo sắc trên người tên họ Mã này.

Bản chất phường mua bán quen mui của Mã Giám Sinh lại càng được bộc lộ rõ nét qua hai câu thơ:

“Đắn đo cân sắc, cân tài
Ép cung cầm nguyệt, thử bài quạt thơ”

Ai cũng thừa hiểu rằng chuyện làm thơ, đánh đàn vốn là chuyện cần có nhã hứng và cảm xúc, thế nhưng một tên thô lỗ như Mã Giám Sinh thì làm sao hiểu được những chuyện phong nhã ấy, thế nên mới có cảnh hắn ra “ép” Thúy Kiều đánh đàn, lại “thử” tài làm thơ của nàng bằng cách bắt nàng đề thơ lên quạt. Chính tỏ rằng tên họ Mã này đến đây đây phải vấn danh, xem mặt chọn vợ tương lai, mà rõ ràng là đang đi ướm thử, cân đo đong đếm một món hàng nào đó, chứ không hề có ý tôn trọng Thúy Kiều hay để tâm đến cảm nhận của nàng.

Hành động của Mã Giám Sinh dù dung tục tầm thường và lỗ mãng thế nhưng lời hắn nói ra lại rất mực văn hoa, tốt đẹp rằng:

“Rằng: “Mua ngọc đến Lam Kiều
Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường”

Thế nhưng cũng chẳng thể che đậy được cái dã tâm và bản chất bẩn thỉu trong con người hắn bởi ngay lập tức ở câu thơ sau hắn đã lộ ngay cái tâm tính con buôn trong người, vừa mới hỏi sính lễ cần bao nhiêu cho đủ, ra chiều sẽ đáp ứng bằng bất cứ giá nào. Thì ở câu thơ sau ta lại thấy hình ảnh hắn “Cò kè bớt một thêm hai/Giờ lâu ngã giá vâng ngoài bốn trăm”, sẵn sàng coi Thúy Kiều là một món đồ tốt không hơn không kém, tìm mọi cách mặc cả cho được giá, để thu lợi về mình chứ chẳng có chút nào là thực sự trân quý Thúy Kiều như lời hắn thốt ra. Từ việc ấy cũng thể hiện Mã Giám Sinh là một kẻ keo kiệt bủn xỉn chứ cũng chẳng giàu có, bóng bẩy như bề ngoài hắn thể hiện ra.

Chung quy lại, đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều là một đoạn trích khá đặc sắc, thể hiện được tài năng của Nguyễn Du trong việc khắc họa chân dung nhân vật thông qua lời nói, ngôn ngữ, cử chỉ, hành động, bộc lộ rõ bản chất xấu xa, đê tiện của Mã Giám Sinh. Đồng thời cũng lên tiếng phản ánh một cách sâu sắc cái xã hội thối nát, con người vì đồng tiền mà bán rẻ nhân cách, sẵn sàng chà đạp lên những số phận bất hạnh, thực hiện công việc tồi tệ ác độc buôn thịt bán người như những món hàng hóa vô tri.

—————-HẾT—————–

Tìm hiểu về những đặc sắc nội dung, nghệ thuật của đoạn trích cũng như tâm trạng của Thúy Kiều khi bán mình cho Mã Giám Sinh, bên cạnh bàiCảm nghĩ về nhân vật Mã Giám Sinh trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều, các em có thể tham khảo thêm:Phân tích Mã Giám Sinh mua Kiều, Suy nghĩ về thân phận Thúy Kiều trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều của Nguyễn Du, Bình giảng về đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều, Kể lại bằng lời văn của mình nội dung đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều.

Nguyễn Thị Hương Thủy

Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội và hiện đang tham gia giảng dạy môn Ngữ Văn tại trường THPT Chu Văn An. Cô có 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, dẫn dắt nhiều thế hệ học sinh đạt những thành tích cao và đặt chân vào các trường đại học danh tiếng. Cô gặt hái được rất nhiều thành công trong sự nghiệp: giải Nhì trong cuộc thi giáo viên giỏi do thành phố Hà Nội tổ chức, tham gia giảng dạy đội tuyển Học sinh giỏi Quốc gia.
Back to top button