Đề bài: Em hãy phân tíchBức tranh thiên nhiên trong đoạn trích Cảnh ngày xuân
Bức tranh thiên nhiên trong đoạn trích Cảnh ngày xuân
I. Dàn ýBức tranh thiên nhiên trong đoạn trích Cảnh ngày xuân (Chuẩn)
1. Mở bài
– Giới thiệu về Truyện Kiều và bút pháp của Nguyễn Du.
– Giới thiệu đoạn trích “Cảnh ngày xuân” cùng với bức tranh thiên nhiên.
2. Thân bài
– Giới thiệu vị trí của đoạn trích: Nằm ở phần đầu, sau khi giới thiệu vẻ đẹp của chị em Kiều.
– Bốn câu đầu: Bức tranh thiên nhiên buổi sáng sớm:
+ Mở ra bằng cánh chim én: loài chim báo hiệu mùa xuân
+ “đưa thoi”: gợi tả sự đông đúc, hình ảnh những cánh chim chao lượn…(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ýBức tranh thiên nhiên trong đoạn trích Cảnh ngày xuân tại đây.
II. Bài văn mẫuBức tranh thiên nhiên trong đoạn trích Cảnh ngày xuân (Chuẩn)
Khi nhắc tới bút pháp sử dụng trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, người ta thường nhắc nhiều về bút pháp miêu tả nội tâm cực kì xuất sắc mà ông đã thể hiện trong mỗi nhân vật của mình. Thế nhưng, người đọc chúng ta mỗi khi đọc đến đoạn trích “Cảnh ngày xuân” thì cũng không khỏi thán phục trước nghệ thuật miêu tả cảnh thiên nhiên vô cùng sống động, tươi đẹp, trong sáng mà ông đã dùng để vẽ lên bức tranh xuân trong đoạn trích này. Bức tranh thiên nhiên mùa xuân ấy quả thực đẹp đẽ đến vô cùng dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Du.
Đoạn trích “Cảnh ngày xuân” được trích trong phần đầu của Truyện Kiều. Đây là đoạn trích kế tiếp sau đoạn miêu tả lại vẻ đẹp của chị em Thúy Kiều, tập trung miêu tả bức tranh thiên nhiên ngày xuân trong tiết Thanh minh khi chị em Kiều đi du xuân.
Ngay từ những dòng thơ đầu tiên, chúng ta đã cảm nhận được ở đó có một sự tươi đẹp, thanh bình, yên ả đến lạ trong từng câu chữ:
“Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
Cỏ non xanh tận chân trờiCành lê trắng điểm một vài bông hoa”
Nguyễn Du đã vẽ lên một bức tranh thiên nhiên thật sống động bằng chất liệu ngôn từ thật đẹp. Với vài nét bút thôi, ông đã mở cho chúng ta thấy cả một bầu trời xuân với hoa với cỏ với chim chóc ngập tràn khắp muôn nơi.
Ở câu thơ mở đầu, người ta thấy một không gian, thời gian đang chảy trôi cùng với sự chuyển động của sự vật. Những cánh én chao lượn trên bầu trời xuân, trong cái khoảnh khắc tươi đẹp ấy, từng đàn én ấy thật nhộn nhịp, thật rộn rã, như là một đàn thoi đang dệt lên khung cảnh ngày xuân vậy.
“Ngày xuân con én đưa thoi”
Chỉ bằng một nét vẽ thôi, Nguyễn Du đã gợi ra bức tranh thiên nhiên ngày xuân thật rạo rực, thật đông đúc với hàng đàn én lượn khắp trời. Bởi én là loài chim của mùa xuân, báo hiệu mùa xuân về, biểu tượng cho sự ấm áp, cho sự vui tươi.
Hình ảnh cánh én còn mang ý nghĩa ẩn dụ cho những cảm nhận về sự chảy trôi của thời gian. Ngày xuân đẹp đẽ, tươi sáng vô ngần nhưng cũng vội đến vội đi như cánh én chao liệng trên bầu trời. Chẳng vậy mà ngay câu thơ thứ hai, Nguyễn Du đã nói rằng:
“Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi”
Cả mùa xuân của “chín chục” ngày, vậy mà bây giờ đã là “ngoài sáu mươi”. Quả thật, mùa xuân đang trôi đi thật nhanh, ánh sáng của mùa xuân đang trôi đi nhanh quá! Ở câu thơ này, Nguyễn Du đã khéo léo đẩy chữ “thiều quang” – “ánh sáng đẹp” cũng có nghĩa là ánh sáng của mùa xuân lên đầu câu thơ để nhấn mạnh sự chảy trôi qua nhanh của thời gian. Một mùa xuân tươi vui, ấm áp đang dần qua đi, tuy những cánh én vẫn đang còn chao lượn khắp trời nhưng chẳng mấy chốc, mùa xuân sẽ qua đi. Sau này, Xuân Diệu cũng đã nói về mùa xuân với sự tiếc nuối xuân đi qua nhanh y như thế, xuân qua nhanh, tuổi trẻ cũng qua nhanh, thời gian cũng dần ngắn lại. Phải chăng đây là sự đồng cảm của những trái tim đa cảm đang đồng điệu cùng nhau?
“Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già
Và xuân hết nghĩa là tôi cũng mất”
Bằng những câu chữ mượt mà mang đầy hình ảnh của mình, Nguyễn Du đang vẽ lên bức tranh thiên nhiên ngày xuân buổi sáng sớm thật tươi tắn. Không gian mùa xuân cứ dần được gợi mở dưới nét vẽ tài hoa của ông. Vậy nên trong câu thơ tiếp theo, Nguyễn Du đã trải nét bút của mình để tạo nên một triền cỏ non xanh mát của mùa xuân:
“Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”
Nếu ở trên cao, từng đàn én đang chao lượn thì ở dưới mặt đất, từng ngọn cỏ xanh non đang trải ra, lan ra rộng khắp nơi. Màu xanh tươi mát của đám cỏ mới nhú, màu xanh ấy trải ra mênh mông, bát ngát đến tận chân trời. Một đồng cỏ thật mênh mang quá đỗi bởi ở đây Nguyễn Du đã khéo léo đặt vào giữa câu thơ một từ “tận”. “Tận” tức là mãi đằng xa, hút tầm mắt, “cỏ non xanh tận chân trời” tức là thảm cỏ non mùa xuân ấy kéo dài tới tận đường chân trời, tạo nên một không gian mênh mông toàn màu xanh tươi mát, kéo dài vô tận. Cái “tận” ấy cũng gợi lên khung cảnh rộng lớn, bao la của mùa xuân, của những cảnh vật mùa xuân.
Không chỉ vậy, trên nền cỏ xanh tươi mơn mởn ấy, điểm xuyết là những bông hoa lê trắng muốt. Hai màu xanh – trắng hòa quyện vào nhau cành gợi lên một sự sống động đến khó tả. Không phải một vài bông hoa điểm trắng trên cành lê mà lại là “Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”. Nguyễn Du đã tinh tế đảo ngược “điểm trắng” thành “trắng điểm” để nhấn mạnh màu sắc nổi bật của những bông hoa lê trên nền cỏ màu xanh. Hơn thế, ông còn đặt chủ thể “cành lê” lên đầu câu để gợi tả sắc trắng của những đóa hoa đang tô điểm trên nền cỏ xanh của bức tranh màu xuân. Chỉ “một vài bông hoa” trắng nhỏ xinh thôi nhưng lại mang đến cho không gian xuân sắc của chúng ta thêm thanh khiết, trẻ trung, lại nhẹ nhàng, thanh đạm.
Bằng bút pháp ước lệ cổ điển và bút pháp chấm phá, Nguyễn Du đã khéo léo vẽ lên cho người đọc chúng ta một bức tranh thiên nhiên ngày xuân buổi sáng sớm thật tươi đẹp, thật nhã nhặn, nhưng không kém phần trẻ trung tràn ngập sắc màu.
Trong đoạn trích “Cảnh ngày xuân”, tác giả Nguyễn Du còn khắc hoạ bức tranh lễ hội nhộn nhịp với người xe đan xen cùng cảnh vật. Nguyễn Du đã mở lời bằng một câu thơ như một lời thông báo tới người đọc chúng ta:
“Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh”
Thanh minh vốn là một dịp lễ tết cổ truyền của dân tộc ta. Đó là khi con cháu trong nhà cùng nhau viếng mộ, sửa sang mộ phần, cúng bái tổ tiên để bày tỏ lòng thành kính của mình. Cùng với lễ tảo mộ đó cũng là dịp để mọi người cùng đi ngắm cảnh ngày xuân, cùng nhau thưởng thức cảnh đẹp ngày xuân với “yến anh” sum vầy. Nguyễn Du đã dùng tám câu thơ liên tiếp để gợi tả lên không gian ngày xuân trong tiết Thanh minh khi mà mọi người đều sắm sửa cùng nhau tảo mộ người thân.
Từng đoàn người nô nức kéo nhau đi. Người đi tảo mộ, người lại chọn được vui chơi. Các tài tử, giai nhân cũng đua nhau sắm sửa áo quần ngựa xe để cùng được tham gia vào lễ hội ngày xuân. Không khí ấy thật nhộn nhịp, vui tươi, đầy phấn khởi. Trong không khi của sự tấp nập ấy, phảng phất trong gió là những tro tiền giấy vàng bay.
Một bức tranh tảo mộ quê hương được Nguyễn Du gợi tả lên thật chân thực, sống động biết bao. Bức tranh tảo mộ ấy vừa có nét vui tươi, rộn rã của lớp con cháu, vừa mang nét man mác buồn phảng phất của lớp người đã khuất.
Bức tranh thứ ba, Nguyễn Du miêu tả trong đoạn trích là bức tranh thiên nhiên cảnh chiều tà lúc chị em Thúy Kiều ra về sau lễ hội:
“Tà tà bóng ngả về tây
Chị em thơ thẩn dang tay ra về
Bước dần theo ngọn tiểu khê
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh
Nao nao dòng nước uốn quanh
Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang”.
Tiệc nào mà lại chẳng có lúc tan, sau những phút giây náo nức hội hè, chị em Thúy Kiều cũng phải quay về nhà. Hai chị em thơ thẩn bước từng bước chân theo con suối nhỏ, vừa nhìn ngắm cảnh vật bên đường vừa dồn bước trở về nhà.
Trong sáu câu thơ liên tiếp, ở câu thơ nào, Nguyễn Du cũng đặc biệt sử dụng từ láy. Các từ láy “thơ thẩn, thanh thanh, nao nao, nho nhỏ” vừa gợi cho chúng ta về cảnh vật xung quanh hai người cũng vừa gợi ra tâm trạng của con người. Trong cảnh vật ấy, người ta thấy một cái gì đó mơ hồ, mờ nhạt, vương chút buồn trên cảnh sắc xung quanh. Nguyễn Du ở đây đã sử dụng thủ pháp tả cảnh ngụ tình, tả phong cảnh nhưng ẩn chứa bên trong lại là tâm trạng của con người với một chút bâng khuâng, mơ hồ và trầm mặc. “Thanh thanh”: sự nhẹ nhàng, thanh thoát lại mang chút màu xanh trầm trầm, “nao nao” diễn tả con nước với dòng chảy quanh co, cùng gợi lên tâm trạng con người. Cảnh vật và lòng người dường như đang giao hòa trong không khí bâng khuâng, lưu luyến, thoáng một chút mơ hồ về một dự cảm chẳng lành.
Bằng bút pháp tài hoa của mình, Nguyễn Du đã vẽ nên cho người đọc thấy được bức tranh thiên nhiên đẹp tuyệt vời của mùa xuân trong tiết Thanh minh. Đoạn trích được kết cấu vô cùng hợp lý với phần mở đầu, diễn biến và kết thúc cùng với các bút pháp nghệ thuật được sử dụng linh hoạt, nhuần nhuyễn như tả cảnh ngụ tình, chấm phá, lấy điểm tả diện, … Là một bức tranh thiên nhiên mùa xuân, nhưng nó vẫn được Nguyễn Du lồng vào đó những biểu cảm, những tự sự và những dự cảm của mình về số phận của con người. Phải nói, đoạn trích “Cảnh ngày xuân” là một trong những đoạn trích miêu tả thiên nhiên đặc sắc và điêu luyện nhất của Nguyễn Du.
Kết thúc đoạn trích, người đọc không khỏi trầm trồ trước bức tranh thiên nhiên ngày xuân được vẽ lên bằng thơ của đại thi hào Nguyễn Du. Chỉ với đoạn trích này, Nguyễn Du đã khẳng định được tài năng cũng như bút pháp của một nhà thơ đại tài của dân tộc. Và đoạn trích “Cảnh ngày xuân” cũng như Truyện Kiều sẽ luôn là những tác phẩm đặc sắc nhất trong nền thi ca Việt Nam.
————HẾT————–
Bên cạnh bàiBức tranh thiên nhiên trong đoạn trích Cảnh ngày xuân, khi học đến bài Cảnh ngày xuân, các em có thể tham khảo thêm:Bức họa mùa xuân qua 4 câu thơ đầu bài Cảnh ngày xuân, Phân tích cảnh chị em Thuý Kiều du xuân trở về trong Cảnh ngày xuân, Phân tích sáu câu thơ cuối trong đoạn trích Cảnh ngày xuân, Cảm nhận của em về đoạn trích Cảnh ngày xuân