Đề bài: Bình giảng bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh
Bình giảng bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh
I. Dàn ý Bình giảng bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh (Chuẩn)
1. Mở bài
– Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà chính trị tài ba, một nhà cách mạng với hệ tư tưởng tiến bộ, người mở đường và dìu dắt cách mạng Việt Nam đi đến đến thắng lợi mà chúng ta còn nhắc đến Bác như một nhà văn, nhà thơ xuất sắc với nhiều đóng góp to lớn cho nền văn học Việt Nam.
– Chiều tối là một trong những tác phẩm in đậm dấu ấn sáng tác của Hồ Chí Minh.
2. Thân bài
* Hoàn cảnh sáng tác:
– Chiều tối (Mộ) là bài thơ số 31 trong tổng số 134 bài thơ của tập Nhật ký trong tù, sáng tác vào buổi chiều cuối thu năm 1942 khi Hồ Chí Minh bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam và áp giải từ nhà lao Tĩnh Tây đến nhà lao Thiên Bảo…(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ýBình giảng bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh tại đây.
II. Bài văn mẫuBình giảng bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh (Chuẩn)
Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà chính trị tài ba, một nhà cách mạng với hệ tư tưởng tiến bộ, người mở đường và dìu dắt cách mạng Việt Nam đi đến đến thắng lợi. Mà chúng ta còn nhắc đến Bác như một nhà văn, nhà thơ xuất sắc với nhiều đóng góp to lớn cho nền văn học Việt Nam, nét riêng trong thơ của Bác đã từng được Bác tâm sự rằng “Thơ xưa thường chuộng thiên nhiên đẹp/Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông/Nay ở trong thơ nên có thép/Nhà thơ cũng phải biết xung phong”. Trong số 134 bài thơ của tập Nhật ký trong tù chúng ta đều nhận thấy hai yếu tố kết hợp hài hòa với nhau là chất thép và chất trữ tình ẩn hiện trong mỗi vần thơ, đại diện cho tâm hồn của người chiến sĩ và tâm hồn của người thi sĩ cùng hòa quyện, song hành với nhau. Điều này được thể hiện rõ và đặc sắc nhất trong bài thơ Chiều tối, mà ở đó ta thấy hiện lên một tâm hồn chiến sĩ hội tụ nhiều vẻ đẹp. Tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống và đặc biệt là tinh thần lạc quan, ý chí vượt lên trên tất cả những khó khăn khắc nghiệt của cuộc sống tù đày, khổ ải được thể hiện một cách sâu sắc và tinh tế.
Chiều tối (Mộ) là bài thơ số 31 trong tổng số 134 bài thơ của tập Nhật ký trong tù, sáng tác vào buổi chiều cuối thu năm 1942 khi Hồ Chí Minh bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam và áp giải từ nhà lao Tĩnh Tây đến nhà lao Thiên Bảo. Bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, nội dung diễn tả nỗi niềm của thi sĩ trước hoàn cảnh khắc nghiệt tù đày, tiêu biểu cho lối thơ trữ tình của Hồ Chí Minh, sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình, thông qua cảnh vật xung quanh để bộc lộ những nỗi niềm sâu kín trong tâm hồn.
Bài thơ ra đời trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt, đó là cảnh chiều tối của một người tù bị áp giải đường dài, là khoảng thời gian mà những nỗi khổ đày ải của ban ngày chưa qua và những nỗi khổ cực của đêm tối sắp tới. Thế nhưng đọc cả bài thơ, sâu sắc cảm nhận tuyệt nhiên chẳng thấy lấy một từ than thở, người ta chỉ thấy, một buổi chiều tối yên bình, tĩnh lặng, thấy cảnh con người lao động tràn đầy sức sống và một hồn thơ ung dung, tự tại lạc quan, yêu đời luôn hướng về sự sống.
“Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không”
Có thể nói rằng thời điểm “chiều tối” đã trở thành một thi đề hết sức kinh điển và quen thuộc trong thơ ca xưa và nay, trong bài thơ đó là thời điểm xế chiều, khi bóng hoàng hôn đã vụt tắt, chỉ còn lại cảnh nhá nhem tối, yên tĩnh và lặng lẽ. Thế nhưng có một điểm rất đặc biệt rằng dường như Hồ Chí Minh chẳng dùng lấy một từ ngữ nào để tả cảnh chiều tối, thế nhưng ngày tàn cứ lần lượt hiện lên trước mắt độc giả một cách rõ nét và đặc sắc. Điều ấy đã thể hiện rất rõ ràng phong cách cổ điển trong thơ xưa “mạch kị nông, ý kị lộ”, ý thơ hầu như chỉ được gợi ra chứ hiếm có nhà thơ nào thể hiện một cách trực tiếp, để tránh làm mất đi vẻ kín đáo và xúc tích của tác phẩm. Trong Chiều tối khung cảnh chiều tà đã được tác giả gợi ra bằng hai nét phác họa chính, thứ nhất đó là hình ảnh cánh chim trong câu thơ “Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ”, trong nét vẽ này có sự hòa trộn của hai gam màu cổ điển và hiện đại. Cổ điển ở chỗ cánh chim vốn là thi liệu quen thuộc vẫn xuất hiện trong nhiều tác phẩm thi ca, ý thơ của Bác phảng phất chút hương vị Đường thi, cánh chim với ánh hoàng hôn kết hợp với nhau tạo ra bóng chiều, thiếu đi cánh chim thì dường như bóng chiều không được rõ. Một số ví dụ về cánh chim và bóng chiều có thể kể đến trong thơ của Bà Huyện Thanh Quan “Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi/Dặm liễu sương sa khách bước dồn”, hay trong thơ Nguyễn Du “Chim hôm thoi thóp về rừng/Đóa trà my đã ngậm gương nửa vành”, hay trong thơ mới của Xuân Diệu có câu “Chim nghe trời rộng dang thêm cánh/Hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần”, hoặc trong thơ Huy Cận có câu rất hay “Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa”. Từ cánh chim gợi ra cảnh chiều tối, như đã đề cập đây cũng là một thi liệu vô cùng cổ điển, là khoảng thời gian dễ gợi ra những cảm xúc từ sâu tận trong tâm hồn, con người dường như ngừng lại hết những biến chuyển của ngoại cảnh để hướng về cái nội tại của tâm hồn, là buồn, là vui, là suy tư là tâm sự hầu như cứ gặp cảnh chiều tối thì lại càng dễ biểu đạt hơn cả. Đặc biệt với lữ khách biệt xứ thì nỗi buồn nhớ quê hương, nhớ nhà tha thiết lại càng hiện lên rõ nét hơn cả, điều ấy vô cùng phù hợp với hoàn cảnh của Hồ Chủ tịch lúc bấy giờ. Nhưng điều đặc sắc trong thơ Bác là nét hiện đại xen lẫn cổ điển trong thơ, đó là một sáng tạo vô cùng mới mẻ, khác với thơ xưa hình ảnh cánh chim thường gợi sự xa xăm, chia lìa, phiêu bạt như thơ Lý Bạch có câu “Chúng điểu cao phi tận”, hay Liễu Phi Nguyên có câu “Thiên sơn điểu cao phi tuyệt”. Thì ở thơ của Bác hình ảnh cánh chim không phải bất định mà có phương hướng có điểm dừng rõ ràng “về rừng tìm chốn ngủ” , Bác đã đưa cánh chim từ thế giới siêu hình về thế giới thực tại. Thêm nữa, cánh chim trong thơ xưa thường chỉ được miêu tả ở trạng thái vận động bên ngoài thì trong thơ Bác cánh chim còn được cảm nhận ở trạng thái vận động bên trong, cánh chim mỏi mệt. Điều đó xuất phát từ sự tương đồng với cảnh ngộ của Bác và tình yêu thương vô bờ bến của Bác với cảnh vật trên thế gian. Cánh chim còn gợi những liên tưởng tương phản với cảnh ngộ của Bác, cánh chim tuy mỏi mệt nhưng nó vẫn còn có tự do tung cánh, có tổ ấm tìm về, còn Bác bị gông cùm xiềng xích, cũng chẳng có nơi chốn chờ đợi, chờ đợ Bác chỉ là những nhà tù ẩm ướt, bẩn thỉu, gợi những cảm xúc xót xa cho cảnh ngộ của tác giả.
Nét vẽ thứ hai ấy là hình ảnh chòm mây cô đơn lững lờ trôi trên tầng không, màu sắc cổ điển thể hiện ở chỗ nó cũng là một hình ảnh ước lệ tượng trưng thường xuất hiện trong thơ xưa, ví như Lý Bạch có câu “Cô vân độc khứ nhàn”, hay trong Câu cá mùa thu của Nguyễn Khuyến “Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt” . Hình ảnh chòm mây xuất hiện thường là một chòm mây cô độc trôi giữa bầu trời, gợi nên sự tự do, thanh cao phiêu diêu không vướng bụi trần, gợi nên sự khắc khoải của con người trước cõi hư vô. Ngoài ra màu sắc cổ điển còn thể hiện ở hai từ “mạn mạn”, vừa gợi ra thần thái của cảnh vừa gợi ra phong thái ung dung, nhàn hạ của thi sĩ trước cảnh thiên nhiên. Nét hiện đại trong hình ảnh này thể hiện bằng sự cô đơn lẻ loi của chòm mây được nhấn mạnh ở việc chòm mây trôi lững lờ giữa tầng không, gợi sự liên tưởng tương đồng với cảnh ngộ của tác giả, vô định và mất phương hướng. Như vậy qua hai câu thơ đâu ta có thể thấy rằng đây không chỉ đơn thuần là bức tranh thiên nhiên ngoại cảnh mà đó còn là bức tranh tâm hồn của thi sĩ được gợi ra một cách tinh tế khéo léo bằng bút pháp tả cảnh ngụ tình, kết hợp yếu tố cổ điển và hiện đại trong thơ một cách đặc sắc, thấm thía. Từ đó thấy được sự cô đơn mỏi mệt của người tù nhân, đồng thời thấy được tình yêu thiên nhiên tha thiết của một thi nhân, thấy được bản lĩnh kiên cường của một người chiến sĩ cách mạng.
“Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết lò than đã rực hồng”
Nếu hai câu thơ đầu là bức tranh thiên nhiên cảnh chiều tối thì hai câu cuối lại là bức tranh cuộc sống sinh hoạt của con người. Có thể thấy rằng ở bài thơ có sự chuyển đổi cảm xúc, hoạt cảnh rất rõ rệt, từ bức tranh thiên nhiên ước lệ, tượng trưng, sang bức tranh sinh hoạt có sự xuất hiện sự sống con người rất gần gũi và chân thực, từ không gian rừng núi hoang vu, lạnh lẽo sang không gian thôn xóm ấm áp, cuối cùng ấy là sự chuyển đổi thời gian từ chiều sang tối hẳn. Hình ảnh con người hiện lên là trung tâm của cả bài thơ và của cả bức tranh ấy là hình ảnh thiếu nữ xóm núi xay ngô, nếu nhận xét khách quan thì hình ảnh này vốn không có gì đặc sắc, mà vô cùng giản dị, đời thường. Tuy nhiên đặt trong bối cảnh văn học, nghệ thuật thì hình ảnh thiếu nữ xay ngô đơn giản thế thôi nhưng lại tỏa ra thứ ánh sáng rực rỡ lạ kỳ. Đó là tổng hòa của vẻ đẹp tuổi trẻ, căng tràn sức sống, vẻ đẹp của công việc lao động đời thường, bình dị, với nét hiện đại, khi người phụ nữ không giống trong thơ xưa “êm đềm trướng rủ màn che” mà thay vào đó họ được hòa mình vào công việc lao động, được sử dụng sức lực của mình để tạo ra của cải, không phải dựa dẫm phụ thuộc vào người khác. Cuối cùng nổi bật và mới mẻ nhất ấy là vẻ đẹp của quan điểm mỹ học tiến bộ và đặc sắc của Hồ Chí Minh, là mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, nếu như trong thơ xưa con người xuất hiện trong thiên nhiên luôn mang một tầm vóc nhỏ bé, lẻ loi, mất hút, mang trong mình nỗi niềm sầu muộn, hoài cổ cùng thiên nhiên. Thế nhưng trong thơ của Bác, dẫu rừng núi có hoang vắng, rộng lớn bao la thì hình ảnh con người trong lao động vẫn hiện lên một cách sắc nét và trở thành trung tâm của cả bài thơ, thiên nhiên trở thành nền làm nổi bật lên hình ảnh sinh hoạt, lao động và vẻ đẹp của con người, có thể nói rằng vị trí của con người và thiên nhiên trong thơ Bác là cân bằng và giao hòa lẫn nhau.
Hình ảnh sự sống hiện lên thông qua những nét vẽ sinh động phối hợp nhịp nhàng giữa chất liệu cổ điển và màu sắc hiện đại. Nét vẽ cổ điển ở đây chính là bút pháp dùng cái sáng để làm nổi bật lên cái tối đó là hình ảnh “lò than đã rực hồng”, có thể thấy rằng chính màn đêm đen kịt ngoài kia đã làm nổi bật lên màu hồng của những hòn than trong bếp lửa, và chính sự sáng rực lên của những hòn than đã gợi ra cảnh màn đêm sập xuống, không còn cái màu xam xám lúc chiều tàn mà ở đây là khi trời đã tối hẳn. Như vậy tác giả không hề dùng những từ ngữ trực tiếp để tả bóng tối mà chỉ chấm phá bằng hai từ “rực hồng” đã đủ tô vẽ cả một đêm đen, đó là cái đặc sắc trong thơ cổ điển. Nét vẽ hiện đại cũng được phát hiện từ ảnh lò than rực hồng, chữ “hồng” nằm ở cuối bài được xem là nhãn tự của cả bài thơ, chỉ với một chữ duy nhất thế nhưng bản thân nó đã đạt được sức nặng cân bằng với 27 chữ đầu tiên. Có thể thấy rằng trong cả thảy 27 chữ đầu, chúng ta luôn liên tưởng đến một không gian hoang vắng lạnh lẽo, sự sống của con người xuất hiện thì vẫn chưa đủ để xua đi cái cô quạnh của màn đêm, chỉ khi cái “hồng” của lò than rực sáng lên người ta mới thấy ấm áp hơn hẳn, cả bài thơ dường như được dội một tầng sinh khí, một luồng tình cảm mới đó là sự ấm áp của lò than và sự ấm áp của tình người. Cũng chỉ một chữ “hồng” ấy mà con người chuyển từ trạng thái cô đơn, lạc lõng sang cảm giác được sum vầy, đoàn tụ của gia đình bên bếp lửa, yên vui, ấm áp vô cùng, đồng thời dịch chuyển từ nỗi buồn phảng phất trong tâm hồn thi sĩ sang niềm vui rực sáng cả tâm hồn. Đó là nhân sinh quan, thế giới quan đầy tích cực của người chiến sĩ cách mạng, luôn hướng tâm hồn mình về ánh sáng, niềm tin và hy vọng, luôn bắt gặp được ánh sáng trong những vùng trời đen tối đến cực điểm. Chính điều ấy đã thể hiện một phẩm chất vô cùng đáng quý của Bác, cái mà đã từng được thể hiện trong nhiều các tác phẩm khác ấy là tinh thần lạc quan, yêu cuộc sống, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn gian khổ, biến gian khó thành niềm vui, biến những cái bình thường, dung dị thành điểm tựa tinh thần vững chắc.
——————HẾT———————
Chiều tối là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất trong tập thơ “Nhật kí trong tù” của Hồ Chí Minh, tìm hiểu về bài thơ các em sau khi học xongBình giảng bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh, các em có thể tham khảo thêm một vài bài văn mẫu khác trong những bài văn hay lớp 11 như:Vẻ đẹp tâm hồn lớn của người nghệ sĩ Hồ Chí Minh qua bài thơ Chiều tối, Phân tích bức tranh đời sống con người trong tác phẩm Chiều tối, Cảm nhận về bài thơ Chiều tối, Phân tích bài thơ Chiều tối.