Lớp 9

Nghị luận về tinh thần tương thân tương ái

Đề bài: Nghị luận về tinh thần tương thân tương ái

nghi luan ve tinh than tuong than tuong ai

Nghị luận về tinh thần tương thân tương ái

I. Dàn ýNghị luận về tinh thần tương thân tương ái (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu về vấn đề cần nghị luận: tinh thần tương thân tương ái

2. Thân bài

* Giải thích:
– “Tương thân, tương ái” được hiểu là tình yêu thương, gắn kết, đùm bọc mà con người dành cho nhau.
– Tinh thần tương thân, tương ái được bộc lộ ra trong chính thái độ đồng cảm, hành động sẻ chia, giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn, bất hạnh.

* Bàn luận về tinh thần tương thân tương ái:
– Tinh thần tương thân tương ái là sợi dây gắn kết, tạo nên mối quan hệ bền chặt giữa con người với con người, đây cũng chính là cơ sở sức mạnh của một cộng đồng, xã hội, xa hơn là một quốc gia, dân tộc.
– Khi có tình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, chúng ta có thể chiến thắng mọi nghịch cảnh để hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn.
– Tương thân tương ái còn là cơ sở tạo nên khối đại đoàn kết dân tộc.
– Là tiền đề, cơ sở cho sự phát triển của các giá trị sống và những phẩm chất đạo đức tốt đẹp.
– Người có tinh thần tương thân tương ái sẽ được mọi người xung quanh yêu quý, kính trọng và hơn hết, khi trao đi yêu thương, chúng ta cũng sẽ nhận lại được yêu thương.

* Phản đề:
– Nếu sống không biết yêu thương, chỉ biết đến bản thân mà vô cảm trước nỗi đau của đồng loại thì con người sẽ trở nên ích kỉ, vô cảm và dần trở thành “người thừa” trong một cộng đồng, xã hội.
– Lòng tốt nếu không đặt đúng chỗ sẽ tiếp tay cho cái xấu phát triển

* Bài học:
– Cần có ý thức kế thừa và phát huy truyền thống tương thân tương ái của dân tộc.
– Hãy học cách trao đi yêu thương một cách tự nguyện, chân thành, cần biết tương thân, tương ái, sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ người khác khi họ gặp khó khăn.

3. Kết bài

Rút ra kết luận chung

II. Bài văn mẫuNghị luận về tinh thần tương thân tương ái (Chuẩn)

Có ai đó từng nói rằng “Mọi thứ rồi sẽ qua đi, chỉ có tình người là ở lại”. Theo guồng quay của xã hội, mọi giá trị vật chất dù hào nhoáng, bóng bẩy đến đâu rồi cũng sẽ bị quên lãng, đổi thay, duy chỉ có tình người là mãi mãi chẳng thể đổi thay, bởi nó được lưu lại trong trái tim mỗi người. Bởi vậy có thể nói, tình yêu thương, tinh thần tương thân tương ái giữa con người với con người là thứ tình cảm thiêng liêng, cao quý nhất, nó như bông hoa tỏa rạng giữa cuộc đời.

Tương thân, tương ái là một trong những truyền thống tốt đẹp và đáng quý nhất của dân tộc Việt Nam ta, truyền thống ấy được gây dựng từ ngàn đời xưa và được lưu giữ và phát huy đến tận ngày nay. “Tương thân, tương ái” được hiểu là tình yêu thương, gắn kết, đùm bọc mà con người dành cho nhau. Tinh thần tương thân, tương ái được bộc lộ ra trong chính thái độ đồng cảm, hành động sẻ chia, giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn, bất hạnh. Trong cuộc sống hiện đại, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp tinh thần ấy ở bất kì đâu, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng như hiện nay. Để giúp đồng bào vượt qua trận “càn quét” khủng khiếp của dịch bệnh, đã có rất nhiều những chương trình hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc men của các nhà hảo tâm dành cho người dân nghèo bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Đó còn là hành động chung tay đóng góp của toàn thể dân tộc, con người Việt Nam để hình thành nên Quỹ vắc xin quốc gia nhằm mục đích tạo miễn dịch cộng đồng. Cũng nhờ phát huy tinh thần tương thân tương ái “thương người như thể thương thân” ấy mà trong đại dịch, không có ai bị bỏ lại phía sau.

Tinh thần tương thân tương ái là sợi dây gắn kết, tạo nên mối quan hệ bền chặt giữa con người với con người, đây cũng chính là cơ sở sức mạnh của một cộng đồng, xã hội, xa hơn là một quốc gia, dân tộc. Khi có tình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, chúng ta có thể chiến thắng mọi nghịch cảnh để hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn. Tương thân tương ái còn là cơ sở tạo nên khối đại đoàn kết dân tộc. Trở về với lịch sử, chúng ta không khỏi tự hào về tinh thần đấu tranh anh dũng cùng những chiến thắng vẻ vang của ông cha ta. Làm nên những chiến thắng “lẫy lừng năm châu, trấn động địa cầu” ấy không gì khác ngoài tình yêu nước và tinh thần đoàn kết toàn dân. Khi biết yêu thương người khác như chính bản thân mình, chúng ta có thể tạo nên một sức mạnh vô cùng to lớn, nó có thể chiến thắng mọi hoàn cảnh, nó cũng đủ mạnh mẽ để “quét sạch” dấu chân xâm lược ra khỏi bờ cõi.

Tình yêu thương, tinh thần tương thân tương ái là tiền đề, cơ sở cho sự phát triển của các giá trị sống và những phẩm chất đạo đức tốt đẹp. Tinh thần tương thân tương ái giúp con người sống nhân ái, giàu yêu thương hơn. Người có tinh thần tương thân tương ái sẽ được mọi người xung quanh yêu quý, kính trọng và hơn hết, khi trao đi yêu thương, chúng ta cũng sẽ nhận lại được yêu thương.

Ngược lại, nếu sống không biết yêu thương, chỉ biết đến bản thân mà vô cảm trước nỗi đau của đồng loại thì con người sẽ trở nên ích kỉ, vô cảm và dần trở thành “người thừa” trong một cộng đồng, xã hội.

Chúng ta, mỗi học sinh chúng ta cần có ý thức kế thừa và phát huy truyền thống tương thân tương ái của dân tộc. Hãy học cách trao đi yêu thương một cách tự nguyện, chân thành, cần biết tương thân, tương ái, sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ người khác khi họ gặp khó khăn. Tuy nhiên, lòng tốt của chúng ta cũng cần đặt đúng chỗ, trao đúng người để tránh lòng tốt ấy “tiếp tay” cho cái xấu phát triển.

Tương thân tương ái là truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nó là biểu hiện của lối sống trọng tình, trọng nghĩa. Chúng ta được sinh ra trong một dân tộc giàu tình tương, bởi vậy mỗi chúng ta cần có ý thức gìn giữ và phát huy tinh thần tốt đẹp ấy để bông hoa tình thương mãi tỏa rạng, ngát hương.

——————–HẾT————————–

Để có những cảm nhận sâu sắc và trọn vẹn về tinh thần tương thân tương ái, thương người như thể thương thân của con người, dân tộc Việt Nam, bên cạnh bài Nghị luận về tinh thần Tương thân tương ái trên đây, các em không nên bỏ qua những bài văn mẫu đặc sắc khác như: Nghị luận xã hội 200 chữ về tình yêu thương, Nghị luận 200 chữ về lòng tốt trong cuộc sống, Nghị luận về câu nói Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình, Nghị luận xã hội Sống trong đời sống cần có một tấm lòng.

Nguyễn Thị Hương Thủy

Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội và hiện đang tham gia giảng dạy môn Ngữ Văn tại trường THPT Chu Văn An. Cô có 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, dẫn dắt nhiều thế hệ học sinh đạt những thành tích cao và đặt chân vào các trường đại học danh tiếng. Cô gặt hái được rất nhiều thành công trong sự nghiệp: giải Nhì trong cuộc thi giáo viên giỏi do thành phố Hà Nội tổ chức, tham gia giảng dạy đội tuyển Học sinh giỏi Quốc gia.
Back to top button