Lớp 9

Nét đẹp chuyển thu trong bài thơ Sang thu

Đề bài: Em hãy phân tích Nét đẹp chuyển thu trong bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh.

net dep chuyen thu trong bai tho sang thu

Bài văn mẫu Nét đẹp chuyển thu trong bài thơ Sang thu

Bài làm:

Từ bao lâu, mùa thu trở thành đề tài phong phú của thi ca: từ đại thi hào Nguyễn Du với “Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san”, hay cụ “Tam Nguyên Yên Đổ” Nguyễn Khuyến với “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo”… đều xao xuyến rung động với mùa thu. Và Hữu Thỉnh, nhà thơ quân đội, quê ở Vĩnh Phúc, cũng đã để tâm hồn mình lay động với khoảnh khắc đầu thu, với tác phẩm thơ Sang thu được sáng tác vào năm 1977, in trong tập thơ “Từ chiến hào đến thành phố”. Có thể nói, bài thơ này đã bộc lộ những nét đẹp chuyển thu của đất trời một cách chân thực và thi vị:

“Bỗng nhận ra hương ổi

Trên hàng cây đứng tuổi”

Có thể nói, như một quy luật của tâm lý, những khi chuyển mùa, lòng người thường không tránh khỏi bâng khuâng. Nhất là khi mùa hạ sôi động, nóng bức đang dừng chân để cho đất trời khoác lên chiếc áo vàng thu. Từ hạ chuyển sang thu không phải là một giờ, một khắc, mà là những bước chuyển mình từ tốn, đôi khi khó nhận ra. Nhưng thi nhân thì cảm nhận đượcnét đẹp chuyển thu rất tinh tế ấy.

Đầu tiên là nét đẹp chuyển thu bắt đầu từ đất trời một cách mơ hồ, xa vắng:

“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về…”

Từ “bỗng” là từ đầu tiên báo hiệu sự chuyển biến ấy: Nó diễn tả cái đột ngột, cái bất ngờ khiến cho thi nhân phải ngỡ ngàng. Mùa hạ đang độ chín đấy, thế rồi một sớm nào, ta “bỗng” nhận ra trong không gian tràn đầy một mùi hương vừa quen, vừa lạ:”hương ổi”. Những khu vườn ổi tươi xanh đã đơm hoa, kết trái từ mùa hè, nhưng đến hôm nay, thì trái mới chín vàng ươm thơm ngát, nói cho người biết đã chớm đầu thu rồi, mùa quả chín ngọt ngào thay. Ta có thể tự hỏi: trong nét đẹp chuyển thu, sao tác giả Hữu Thỉnh không chọn tả một mùi hương nào khác, như mùi thơm cúc vàng, mùi thơm cốm mới… mà chọn hương ổi, vốn dân dã, bình dị khôn cùng. Phải chăng vì hương ổi chín đã trở thành ký ức tuổi thơ của thi nhân, hương ổi đã trở thành dấu hiệu đầu tiên khi đất trời chuyển thu trên vùng quê hương Vĩnh Phúc. Cũng giống như nhà thơ Nguyễn Khuyến đem vào thơ thu những chi tiết vùng nông thôn Bắc Bộ, Hữu Thỉnh đã đem vào thơ mình một nét đẹp chuyển thu rất thân thương của quê hương ông. Và sự cảm nhận độc đáo bằng khứu giác ấy được đậm tô hơn bởi động từ “phả” và hình ảnh mơ hồ của “gió se”.Hữu Thỉnh như tách biệt riêng hương ổi với ngọn gió, mà cũng như hòa nhập chúng làm một với nhau. Vì có hương ổi nên gió thu thêm ngọt ngào, và vì có gió thu, nên hương ổi bay thêm xa man mác. Cái thơm của khứu giác thật hài hòa với cái se của xúc giác, tô đậm thêm cho nhau, khiến cho nét đẹp đầu tiên của bức tranh thu trở nên biểu cảm.

Mùa thu Bắc Bộ không thể tách rời những làn sương mờ man mác: “Sương chùng chình qua ngõ”. Nếu cảm nhận theo bút pháp tả thực thì đây là một đặc trưng của mùa thu được tác giả thể hiện: khi chớm thu, sương mù giăng mắc khắp nơi trên hàng rào, mái nhà, khiến cảnh vật chìm trong huyền ảo. Đó cũng chính là một vẻ đẹp chuyển mùa kỳ diệu, mà phải rất tinh tế, nhà thơ mới nắm bắt lấy và đưa vào thơ của mình, để đoán định khẽ khàng rằng : “Hình như thu đã về…”.

Có lẽ chính từ giây phút đó, Hữu Thỉnh quan sát vạn vật để thấy được thời điểm chuyển từ hạ sang thu thì:

“Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”

Vẫn là thủ pháp nhân hóa được vận dụng tài tình: Dòng sông trở nên “dềnh dàng”, chậm rãi, phải chăng đang suy tư, trầm mặc vì thu về mang bao cảm xúc… Thực ra, đây cũng là một quy luật của tự nhiên: mùa hạ mưa nhiều, dòng chảy mạnh thì sông trôi cuồn cuộn, đỏ nặng phù sa, tốc độ chảy ấy cũng chứa đựng sức sống mùa hạ sôi nổi. Đến mùa thu, thường thì dòng chảy thu hẹp hơn, sông lăn tăn sóng gợn, nên cảm nhận của nhà thơ như thấy nó có tâm trạng, dáng chảy khoan thai, hiền hòa chất chứa nỗi niềm gì… Nhà thơ Huy Cận, vào mùa thu năm 1939 cũng cảm nhận dòng chảy mùa thu qua câu:

“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp…”

Dòng sông trong Sang thu của Hữu Thỉnh thì không buồn như thế, nhưng cũng dạt dào xúc cảm trong thời điểm giao mùa.Và cũng rất đẹp, rất thi vị.

Và phía trên bầu trời bao la, những cánh chim bắt đầu di chuyển về phương nam tránh rét. Bức tranh quen thuộc ấy lại có nét riêng, rất tinh tế với cụm từ “bắt đầu” , đó là sự bắt đầu của hơi thu heo hắt, nên cái vội vã của bầy chim trở thành một dấu hiệu của thu đến. Nhà thơ tạo nên tứ thơ hay, khi đặt vào câu thơ một sự đối lập: sông thì dềnh dàng, mà chim thì vội vã. Dù nhanh, dù chậm, vạn vật biến chuyển để báo cho thi nhân biết rằng hạ đang qua đi và mùa thu vàng êm ả lại về, gợi niềm cảm hứng thi ca trong lòng người.

Nhưng độc đáo nhất trong khổ thơ giữa, có lẽ vẫn là hình ảnh “đám mây mùa hạ, vắt nửa mình sang thu”. Tả mây thu vốn không phải là mới lạ trong đề tài viết về mùa thu của văn học Việt Nam. Nguyễn Khuyến cũng từng miêu tả mây mùa thu của quê ông, nông thôn Bắc bộ rằng:

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
(Câu cá mùa thu)

Đám mây trong thơ của cụ Tam Nguyên Yên Đổ là mây thu, nó bông xốp, nhẹ nhàng hài hòa với nền trời xanh biếc trong vắt. Còn đám mây của nhà thơ Hữu Thỉnh trong bài Sang thulại khác hẳn. Đây là thời khắc chuyển mùa từ hạ sang thu, nên mây vẫn là mây hạ, vẫn xam xám như chở nặng cơn mưa rào, nhưng nhà thơ để cho mây ấy “vắt nửa mình sang thu”, đã bắt đầu nhuốm màu thu, chở niềm thu trên thân mình. Tả tỉ nỉ đến thế là cùng, tinh tế đến thế thì thôi. Bởi lúc này đây, thu cũng chưa đến đâu, mà hạ thì mới chỉ sắp qua, lòng người vừa bâng khuâng nuối tiếc hạ, vừa xao xuyến đón chào thu. Nét đẹp chuyển thu vì thế càng lôi cuốn và chan chứa xúc cảm nói không nên lời của con người yêu thiên nhiên.

Khác với hai khổ thơ đầu chủ yếu tả cảnh, khổ thơ cuối của bài bỗng đưa người đọc đến với những liên tưởng sâu sắc:

“Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”

Nhắc đến thiên nhiên và thời tiết, nhà thơ sử dụng hai yếu tố quen thuộc là nắng và mưa. Có thể nói đây là hai yếu tố đặc trưng cho mùa hạ: nắng thì chói chang, mưa thì rào rạt, mùa hạ luôn tràn đầy sức sống và mang một sắc thái khác hẳn mùa thu. Đến cái thời điểm chuyển giao này, nắng hạ vẫn còn tỏa ấm trên khắp những con đường quê hương. Nhưng cơn mưa thì đã vơi đi cái rộn ràng, dữ dội… Hai từ “vẫn” và “đã” được tác giả sử dụng để diễn đạt cái chất hạ và chất thu vẫn giao hòa, chưa thể tách rời. Thu đã đến rồi mà hạ vẫn quyến luyến chưa nỡ rời xa. Tả nét đẹp chuyển thu như thế thì thật tài hoa và khéo léo lắm thay. Nhà thơ đã vận dụng các giác quan một cách thật sắc sảo và nhạy bén. Thế nhưng cái đẹp chuyển thu không phải chỉ ở mùi hương, màu sắc, hình ảnh… mà nhà thơ quan sát. Nó còn hội tụ lại trong hai câu thơ cuối cùng giàu chất triết lý:

“Sấm cũng bớt bất ngờ.
Trên hàng cây đứng tuổi”.

Ta có thể coi như đây là hai câu thơ tả thực cảnh đầu thu: Khi những tiếng sấm động bớt đi sự ồn ào và sức mạnh của nó trên hàng cây cổ thụ, thì ai kia đều đoán định ra rằng thu đã đến. Tuy nhiên, hình ảnh thơ còn mang ý nghĩa ẩn dụ: sấm vốn tượng trưng cho những biến động của cuộc đời và của lịch sử. “Hàng cây đứng tuổi” giúp người đọc liên tưởng tới những hình tượng con người từng trải qua bão tố và thử thách thì trở nên vững vàng trước mọi biến cố cuộc đời.Họ như mùa thu lặng lẽ mà trầm tư và sâu lắng. Và ở đây, ta cũng dễ dàng liên tưởng tới một tầng nghĩa sâu hơn của hai câu thơ: Có lẽ đây là hình ảnh của dân tộc Việt Nam, khi đã trải qua bão táp chiến tranh và biết bao thử thách thì giờ đây, dân tộc anh hùng đã lớn mạnh và vững vàng, sẵn sàng để tiếp tục vươn đến những chân trời mới, vượt qua mọi khó khăn trắc trở. Niềm tin vào ngày mai bỗng nhiên tràn ngập ý thơ.Và Hữu Thỉnh, nhà thơ đồng thời cũng là người lính, hơn ai hết, sẽ cảm nhận rõ điều đó.

Nhìn chung, nét đẹp chuyển thu đã được thể hiện rất thành công trong ba khổ thơ của bài thơ Sang thu. Hữu Thỉnh đã vẽ lên bức tranh giao mùa rất đặc trưng cho quê hương. Ông miêu tả bao quát cảnh đất trời chuyển thu nhẹ nhàng mà rõ rệt. Để từ đó, ta cảm nhận được tâm hồn giàu tình yêu thiên nhiên và yêu quê hương đất nước của ông. Tình cảm đó cũng lan tỏa trong trái tim mỗi con người Việt Nam trong mỗi khoảnh khắc giao mùa kỳ diệu. Mà sự cảm nhận dù có khác nhau, nhưng vẻ đẹp quê hương thì luôn lôi cuốn và tuyệt vời qua ngòi bút của các thi sĩ.

——————-HẾT——————

Bài thơ Sang thu là tác phẩm nổi tiếng của nhà thơ Hữu thỉnh, bên cạnh bài làm văn Nét đẹp chuyển thu trong bài thơ Sang thu, học sinh cùng thầy cô cùng tham khảo thêm các bài văn mẫu khác như Phân tích bài thơ Sang thu, Phân tích đoạn thơ trong bài Sang thu Bỗng nhận ra hương ổi… Vắt nửa mình sang thu, Cảm nghĩ về bài thơ Sang thu, Cảm nhận của em về bức tranh thu trong bài thơ Sang thu hay cả những bài Bình giảng hai khổ thơ đầu bài Sang thu, Soạn bài Sang thu, soạn Văn lớp 9.

Nguyễn Thị Hương Thủy

Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội và hiện đang tham gia giảng dạy môn Ngữ Văn tại trường THPT Chu Văn An. Cô có 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, dẫn dắt nhiều thế hệ học sinh đạt những thành tích cao và đặt chân vào các trường đại học danh tiếng. Cô gặt hái được rất nhiều thành công trong sự nghiệp: giải Nhì trong cuộc thi giáo viên giỏi do thành phố Hà Nội tổ chức, tham gia giảng dạy đội tuyển Học sinh giỏi Quốc gia.
Back to top button