Đề bài: Phân tích bi kịch tinh thần của nhân vật Hộ
Bài văn mẫu Phân tích bi kịch tinh thần của nhân vật Hộ
Bài mẫu: Phân tích bi kịch tinh thần của nhân vật Hộ
Nam Cao là nhà văn nổi tiếng với rất nhiều quan điểm nghệ thuật đặc sắc được xem như tuyên ngôn của nền văn học Việt Nam. Tiêu biểu nhất phải kể đến câu: “Chao ôi, nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối; nghệ thuật chỉ có thể là tiếng kêu đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than và nhà văn không được trốn tránh nghệ thuật mà phải đứng trong lao khổ mở hồn ra đón lấy những vang động của đời”. Và trong tác phẩm Đời thừa, một tác phẩm rất nổi tiếng viết về người trí thức trong xã hội cũ, nhà văn đã tự mình bước vào bi kịch cuộc đời nhân vật Hộ để cảm nhận và cho ra một tác phẩm đậm tính nghệ thuật và nhân văn sâu sắc.
Câu chuyện là bi kịch của người trí thức nghèo trong xã hội cũ mà tiêu biểu đó là nhân vật Hộ. Vậy bi kịch là gì? Bi kịch là những mâu thuẫn xung đột trong cuộc đời của một con người, một nhân vật và thông thường giải quyết mâu thuẫn xung đột ấy là những kết thúc đầy đau thương hoặc một cái kết mở. Soi vào nhân vật Hộ, ta thấy ở nhân vật này có hai cái bi kịch lớn cũng là bi kịch chung của giới trí thức Thứ nhất, là bi kịch đớn đau của một nhà văn một nhà tri thức, ở con người Hộ hiện lên với hình ảnh một chàng trai trẻ trung, có hoài bão, có tài năng, muốn sống có ích, nhưng thực tế cuộc sống đã xô đẩy anh thành một người vô ích, đời thừa. Hộ vốn là một người say mê văn chương và trở thành một niềm say mê lý tưởng, nghèo trong xã hội cũ.
“Ðói rét không có nghĩa lý gì đối với gã trẻ tuổi say mê lý tưởng. Lòng hắn đẹp. Ðầu hắn mang một hoài bão lớn. Hắn khinh những lo lắng tủn mủn về vật chất”. Ở chàng trai này niềm say mê văn chương còn tới mức “Ðối với hắn lúc ấy, nghệ thuật là tất cả; ngoài nghệ thuật không còn gì đáng quan tâm nữa”. Nhưng nếu niềm say mê ấy chỉ đến thế thì vẫn chưa lấy gì làm cao đẹp lắm, vẫn chưa phải là một vẻ đẹp hoàn hảo duy mỹ của lý tưởng, điều khiến Hộ trở nên không tầm thường trong lớp trí thức thời bấy giờ ấy là Hộ muốn sống có ích bằng văn chương tâm huyết của mình. Nhân vật Hộ khác với các nhà văn đương thời viết văn chương chỉ vì văn chương hay nghệ thuật chỉ là nghệ thuật, thì anh lại có suy nghĩ và quan điểm hoàn toàn khác, anh mong rằng tác phẩm của mình phải có ích cho xã hội, góp phần làm tốt đời đẹp đạo chứ không chỉ đơn thuần là thứ giấy mực đẹp mà trống rỗng. Hộ luôn “băn khoăn nghĩ đến một tác phẩm nó sẽ làm mờ hết các tác phẩm khác cùng ra một thời…”, đó sẽ là tác phẩm chứa đựng những cái gì lớn lao mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi, ca tụng tình thương cao cả giữa con người với con người, khiến con người gần nhau hơn. Nhưng trong thực tế, tất cả những cái gì Hộ hằng suy nghĩ và mong ước trong bỗng chốc lại bị gạt đi bởi nỗi lo bình thường thậm chí là tầm thường đó là cơm áo gạo tiền cho vợ, con. Hộ không thể để vợ con đói nheo nhóc được, trước chỉ có mình Hộ thì sao cũng được, nhưng bây giờ anh còn đèo vòng cả mấy miệng ăn, cái lương tâm và trách nhiệm của người chồng, người cha không cho phép anh làm như vậy. Và cũng chính cái trách nhiệm ấy đã đẩy Hộ vào con đường viết những thứ văn chương nhạt nhẽo, nông cảm, chẳng có chút tình cảm gì, đi xa hẳn so với lý tưởng của anh để cốt kiếm được đồng tiền nuôi vợ con. Hộ đau đớn vì không được viết và không thể viết những tác phẩm mà anh mong muốn bởi điều kiện và hoàn cảnh không cho phép anh ngồi ngẫm nghĩ suy tư cả tháng trời cho một tác phẩm ý nghĩa, anh chỉ có thể viết nhanh viết gọn rồi nhận nhuận bút cho xong. Cuộc sống đã khiến anh phải vật lộn, dồn ép tinh thần người trí thức vào bước đường cùng cực, đôi lúc đọc lại những bài văn ký tên mình Hộ bỗng thấy xấu hổ đỏ cả mặt. Hộ dằn vặt tự trách bởi “chính hắn là một thằng khốn nạn! Hắn chính là một kẻ bất lương! Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện”. Cuối cùng xét lại, Hộ chính là đời thừa của xã hội, đời thừa của gia đình, bởi anh trở thành gánh nặng tình cảm trong gia đình, và xót xa hơn nữa Hộ chính là đời thừa của chính bản thân hắn bởi hắn đã gần như đánh mất tài năng thậm chí là đánh mất nhân cách nữa.
Bi kịch thứ hai của nhân vật này cũng không kém phần đau đớn xót xa, đó là bi kịch của một con người có nhân cách có tình thường, coi tình thương là một nguyên tắc sống hết sức thiêng liêng, nhưng cuối cùng lại tự chà đạp lên tình thương đó một cách thô bảo, đánh dấu sự nhuốm đen trong nhân cách của nhân vật Hộ. Hộ đã đến với Từ trong một tình cảnh rất éo le, Từ bị nhân tình bỏ rơi cùng đứa con đỏ hỏn, anh đã đứng ra nhận là chồng của Từ, là cha của đứa trẻ. Anh đã cứu vớt không chỉ cuộc đời Từ mà còn là danh dự của cô, tình cảm giữa Hộ và Từ không đơn thuần chỉ là tình cảm trai gái mà còn là tình thương yêu giữa con người với nhau. Đối với Từ, Hộ là ân nhân mà cả đời Từ có làm trâu ngựa cũng chẳng thể đền đáp hết, Hộ đẫ mang đến cho Từ một mái ấm gia đình, một mái ấm tình thương giữa lúc Từ cảm thấy cô đơn và tuyệt vọng nhất. Hộ với một tình thương và tấm lòng cao cả đã lo toan công việc trong ngoài, đồng thời còn giúp Từ lo cả đám ma cho người mẹ già mà không hề than vãn. Đối với các con Hộ cũng có những tình cảm rất tha thiết và ấm áp “Ðối với các con cũng vậy. Chỉ xa chúng mấy ngày, Hộ đã nhớ và lúc về thấy các con chạy ra reo mừng và nắm lấy áo mình, thường thường Hộ cảm động đến ứa nước mắt. Hắn hôn hít chúng vồ vập lắm…”. Chúng ta có thể thấy rõ ràng rằng Hộ đã hy sinh hoài bão nghệ thuật vì tình thương, đấy là một sự hy sinh to lớn biết chừng nào, Hộ là người có tấm lòng rộng lớn biết bao nhiêu. Mặc dù cũng có đôi lúc Hộ nghĩ “Phải biết ác, biết tàn nhẫn để sống cho mạnh mẽ”, nhưng nghĩ tới vợ và mấy đứa con thơ Hộ không làm được, Hộ không thể ích kỷ được.
Hộ không thể thực hiện được lý tưởng văn chương của mình nên vẫn âm thầm nuôi nỗi hận, sự trăn trở khôn nguôi, có thể nói cái niềm say mê văn chương chưa bao giờ chết hẳn trong Hộ mà nó vẫn luôn tồn tại, cháy âm ỉ trong tim người trí thức và khi có điều kiện nó sẽ bùng lên làm bỏng lòng tự trọng của Hộ, Và để giải thoát khỏi nỗi đau đớn luôn giày vò, Hộ đã tìm đến rượu những tưởng sẽ quên đi những sầu đau ấy, nhưng không rượu đã biến Hộ trở thành những con người tầm thường cả về trí tuệ và nhân cách. Hộ đánh mắng và xua đuổi Từ và con cái, những người mà Hộ đã dùng tất cả những tình thương yêu để cưu mang chăm sóc, thậm chí là từ bỏ cái lý tưởng văn chương vĩ đại của mình. Hộ từ một người với nguyên tắc sống vì tình thương giờ đây lại đang đi vào bước đường xa rời nguyên tắc ấy, thậm chí sắp đánh rơi nhân cách của mình.
Có thể thấy bi kịch của Hộ chính là tiêu biểu cho bi kịch của lớp tri thức tiểu tư sản trong xã hội cũ, khi cách mạng tháng tám chưa thành công. Tác phẩm Đời thừa đã đem đến một cái nhìn tổng quan không chỉ là về bi kịch của nhân vật mà còn thông qua đó bày tỏ những quan điểm nghệ thuật đắt giá trong văn chương, đồng thời cũng đem đến những giá trị nhân đạo hết sức sâu sắc và hiện thực.
Xem thêm các bài văn mẫu phân tích, soạn bài tác phẩm Đời thừa trên TH Văn Thủy
Truyện ngắn Đời thừa là tác phẩm nổi tiếng của Nam Cao, bên cạnh bài làm văn Phân tích bi kịch tinh thần của nhân vật Hộ, các bạn học sinh và giáo viên tham khảo thêm các bài làm văn mẫu như Phân tích nghệ thuật của Đời thừa, Phân tích tác phẩm Đời thừa, Phân tích nhân vật Từ trong truyện ngắn Đời thừa, Phân tích giá trị nhân đạo của tác phẩm Đời thừa hay các phần Soạn bài Đọc thêm: Đời thừa.