Lớp 11

Chứng minh văn sĩ Hộ mang nhiều nét tiêu biểu hay cũng như dở của tính cách một trí thức nghệ sĩ có tâm huyết, tài năng

Đề bài: Chứng minh văn sĩ Hộ mang nhiều nét tiêu biểu hay cũng như dở của tính cách một trí thức nghệ sĩ có tâm huyết, tài năng

chung minh van si ho mang nhieu net tieu bieu hay cung nhu do cua tinh cach mot tri thuc nghe si co tam huyet tai nang

Phần 1: Dàn ý chứng minh văn sĩ Hộ mang nhiều nét tiêu biểu hay cũng như dở của tính cách một trí thức nghệ sĩ có tâm huyết, tài năng

Xem chi tiết Dàn ý chứng minh văn sĩ Hộ mang nhiều nét tiêu biểu hay cũng như dở của tính cách một trí thức nghệ sĩ có tâm huyết, tài năng tại đây

Phần 2: Bài văn mẫuChứng minh văn sĩ Hộ mang nhiều nét tiêu biểu hay cũng như dở của tính cách một trí thức nghệ sĩ có tâm huyết, tài năng

Nam Cao – một trong những nhà văn tiêu biểu nhất của nền văn học Việt Nam thế kỉ XX, trước cách mạng ông là nhà văn của hiện thực, sau cách mạng ông là nhà báo của kháng chiến. Truyện ngắn “Đời thừa” của Nam Cao là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho sáng tác sau cách mạng, nhân vật Hộ trong tác phẩm nổi lên là một người văn sĩ nghèo, mang trong mình những ước mơ, hoài bão và tâm huyết với nghề, thế nhưng lại bị rơi vào bi kịch “đời thừa”. Tác giả đã xây dựng một nhân vật Hộ – “mang nhiều nét tiêu biểu hay cũng như dở của tính cách một trí thức nghệ sĩ có tâm huyết, tài năng”.

Trước hết, nói về nét hay tiêu biểu của Hộ – một người trí thức nghệ sĩ có tâm huyết và tài năng phải kể đến lòng tự trọng, trách nhiệm của Hộ đối với nghề văn. Hộ là một người có tâm với nghề, nuôi hoài bão có cho mình những tác phẩm văn chương để đời, góp ích cho xã hội. Anh ý thức sâu sắc về nghề văn, sống hết mình vì nghệ thuật và coi nghệ thuật là tất cả, ngoài nghệ thuật ra thì chẳng còn gì nữa. Anh xây dựng lí tưởng hành văn của mình đó là phải cho ra đời những tác phẩm văn chương có giá trị sâu sắc, phải “làm mờ được các tác phẩm cùng thời”, phải là một tác phẩm “chung cho tất cả loài người”.

Hộ không chấp nhận được lối hành văn cẩu thả, viết hời hợt, nhạt nhẽo và vô giá trị, anh phê phán những thứ văn chương mĩ miều, hoa lệ không bắt nguồn từ cuộc sống, xa vời hiện thực và không hướng đến hiện thực. Hộ nhận thức rõ rằng, nghề viết văn không cho phép sự cẩu thả và nghệ thuật là không tồn tại sự cẩu thả, bởi dù là bất cứ nghề nào làm cẩu thả cũng là bất lương, cẩu thả trong nghề văn còn đê tiện gấp bội, không thể chấp nhận được. Anh đã rất xấu hổ và trách phạt mình khi viết ra thứ văn cẩu thả, hời hợt và nông cạn để kiếm tiền, đối với anh đó không phải là nghệ thuật. Văn sĩ Hộ cẩn thận và trau chuốt trong sáng tác của mình, chính vì vậy, anh mất rất nhiều công sức để đọc, để ngẫm nghĩ và suy xét, tìm tòi về mọi thứ, công trình nghiên cứu về nghệ thuật để hành văn của Hộ là không bao giờ biết chán. Một nét hay nữa trong tính cách của Hộ đó là ý thức sáng tạo trong văn chương, trong con người anh xác định rõ văn chương gắn liền với sáng tạo, có sáng tạo mới đích thực là nghệ thuật, người viết văn phải có tính sáng tạo, đặt sáng tạo lên hàng đầu. Bởi theo Hộ “văn chương không cần đến những người thợ khéo tay” mà cần đến những người “sáng tạo những gì chưa có”. Nghĩa là người viết văn phải biết tìm tòi, đào sâu, khai thác những con đường mà chưa ai khai thác, phải sáng tạo, phải lao động nghiêm túc và trách nhiệm. Niềm mơ ước của Hộ là một niềm mơ ước cao đẹp, là khao khát tự khẳng định mình trong cuộc đời “Cả một đời tôi, tôi sẽ chỉ viết một quyển thôi, nhưng quyển đó sẽ ăn giải Nobel…”, quả thực Hộ là người có ý thức về bản thân, nhận thức được giá trị cuộc sống và không muốn sống vô ích, không muốn trở thành “đời thừa”.

Tồn tại song song với nét hay trong tính cách của Hộ là nét dở. Trong hoạt động nghệ thuật, Hộ say mê văn chương là không thể phủ nhận nhưng anh cũng rất dễ bốc đồng, mất kiểm soát vì văn chương. Bắt gặp một chuyện văn chương, nghe được những bình luận về tác phẩm là Hộ dễ “sa ngã”, cao hứng và “lao đầu” vào những câu chuyện đó bất kể hoàn cảnh nào. Hộ quá đắm say trong văn chương để rồi khi nhắc đến văn chương anh không còn quan tâm đến những thứ xung quanh, kể cả gia đình của mình. Trong một lần đi lãnh tiền ở tòa báo, trên đường về, Hộ định sẽ mua cho vợ con những thứ thức ăn ngon, cải thiện một bữa no đủ cho lũ con đói khát của mình. Thế nhưng khi đi qua chỗ người ta bàn về một tác phẩm văn chương, Hộ đã quên đi ý định của mình, bản tính bốc đồng nổi lên, anh ta lao vào quán rượu cùng đám bạn bè, cùng say sưa bên chén rượu và những lời bàn tán để rồi hối hận. Ngoài ra, bản tính của Hộ lại có cả sự kiêu ngạo, vừa chủ quan lại dễ bi quan, thiếu tự tin vào bản thân và niềm tin vào cuộc sống. Khi rơi vào bi kịch, hoàn cảnh đường cùng bế tắc, Hộ đã tự buồn chính bản thân mình, chán nản ra mặt chứ không còn chán ở trong lòng. Hộ không còn hướng đến tương lai như thế nào, ra sao nữa, Hộ chỉ đành ôm nỗi đau mà đay nghiến chính bản thân mình “Thôi thế là hết! Ta đã hỏng đứt rồi!”.

Quả thực con người ta, ai cũng có ưu nhược điểm, ai cũng có những khuyết điểm chứ chẳng có ai được hoàn hảo, dù có tốt đẹp đến đâu cũng có mặt còn thiếu sót. Nhân vật Hộ của Nam Cao không nằm ngoài và cũng không khác biệt với chúng ta, tuy là một người nghệ sĩ có tâm huyết và tài năng thực sự nhưng trong tính cách vẫn tồn tại tất yếu cái hay và cái dở.

Nguyễn Thị Hương Thủy

Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội và hiện đang tham gia giảng dạy môn Ngữ Văn tại trường THPT Chu Văn An. Cô có 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, dẫn dắt nhiều thế hệ học sinh đạt những thành tích cao và đặt chân vào các trường đại học danh tiếng. Cô gặt hái được rất nhiều thành công trong sự nghiệp: giải Nhì trong cuộc thi giáo viên giỏi do thành phố Hà Nội tổ chức, tham gia giảng dạy đội tuyển Học sinh giỏi Quốc gia.
Back to top button