Đề bài: Phân tích đoạn trích Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang
Phân tích đoạn trích Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang
I. Dàn ý Phân tích đoạn trích Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang (Chuẩn)
1. Mở bài
– Rô-bin-xơn Cru-xô là tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn người Anh Daniel Difoe kể về cuộc đời lưu lạc, đơn độc suốt 28 năm trời của chàng thủy thủ có tên là Rô-bin-xơn trên một hòn đảo hoang.
– Đoạn Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang là lời tự thuật của nhân vật về ngoại hình của bản thân sau 15 năm lưu lạc, qua đó thấy được tinh thần lạc quan, yêu đời nghị lực sống phi thường của Rô-bin-xơn.
2. Thân bài
* Hoàn cảnh sống của Rô-bin-xơn trên đảo hoang:
– Thiếu thốn tình cảm con người, cô độc, lạnh lẽo dường như có thể phá hủy tinh thần nhân vật.
– Thiếu thốn vật chất, không có nhà ở, lương thực, quần áo và các nhu yếu phẩm khác.
– Thời tiết khắc nghiệt, thú dữ rình rập…(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý Phân tích đoạn trích Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang tại đây.
II. Bài văn mẫuPhân tích đoạn trích Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang (Chuẩn)
Rô-bin-xơn Cru-xô là tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn người Anh Daniel Defoe kể về cuộc đời lưu lạc, đơn độc suốt 28 năm trời của chàng thủy thủ có tên là Rô-bin-xơn trên một hòn đảo hoang, sau sự cố đắm tàu mà anh là người sống sót duy nhất. Trước cuộc sống khắc nghiệt, khó khăn và cô đơn anh đã phải tự nỗ lực lao động, vượt qua mọi sóng gió để có thể tồn tại và trở về với đất liền khi đã gần như trở thành một dã nhân. Câu chuyện là bài ca nghị lực, lòng dũng cảm và sức mạnh chinh phục thiên nhiên của con người với lối viết lãng mạn ở những trang đầu, kết truyện lại quay về với chủ nghĩa hiện thực phù hợp với xã hội Anh lúc bấy giờ đã được rất nhiều độc giả trên thế giới yêu thích. Đoạn trích Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang trích trong chương thứ 15 của tiểu thuyết cũng tứ là khi Rô-bin-xơn đã một mình sinh sống ngoài đảo hoang được 15 năm trời. Giọng văn hóm hỉnh pha lẫn tinh thần lạc quan, yêu đời của được thể hiện rất rõ ràng dưới lời tự thuật của nhân vật. Đoạn trích chủ yếu là cách Rô-bin-xơn tự thuật về ngoại hình của bản thân sau nhiều năm trời làm “vua” trên đảo hoang.
Sau nhiều năm trời sinh sống trên đảo hoang, cuộc sống khắc nghiệt đã khiến Rô-bin-xơn có nhiều thay đổi cả về thể xác lẫn tinh thần. Cuộc sống hoang dã vô cùng gian khổ và nỗi cô đơn cùng cực dường như có thể hủy hoại mạnh mẽ tinh thần của nhân vật chính. Cuộc sống quanh quẩn hoang sơ, chỉ có vài con vật làm bạn, không có sự sống của một con người khác, thiếu đi sự đồng cảm chia sẻ của đồng loại khiến Rô-bin-xơn thiếu hụt tình cảm con người, sự thiếu hụt ấy thậm chí còn nghiêm trọng hơn so với việc thiếu thốn vật chất. Thêm vào đó qua bức chân dung của Rô-bin-xơn ta còn nhận ra một cách sâu sắc sự thiếu thốn về vật chất, không có lương thực thực phẩm, không có trang phục, cũng không có ngôi nhà để che mưa che nắng. Đặc biệt cuộc sống trên hòn đảo hoang dã chưa từng có dấu chân người còn chứa đựng đầy khắc nghiệt và những nỗi nguy hiểm đang rình rập. Đó là cái nắng cháy da, cháy thịt ở “9-10 độ vĩ tuyến vùng xích đạo”, đó là những loài thú dữ đói khát mà Rô-bin-xơn luôn phải mang bên mình đủ loại vũ khí từ dao rựa, thuốc súng để phòng thân bất cứ lúc nào.
Tuy cuộc sống có thiếu thốn và khắc nghiệt đủ đường nhưng ở người thủy thủ ham mê phiêu lưu khám phá ta lại dễ dàng nhận ra những vẻ đẹp thú vị trong tâm hồn của anh chàng. Đầu tiên ấy là vẻ đẹp của tinh thần nghị lực và lòng lạc quan phi thường, dẫu đã lưu lạc tới 15 năm trời trên đảo hoang không bóng người, nhưng Rô-bin-xơn vẫn giữ cho mình giọng điệu rất hóm hỉnh, hài hước và sinh động khi tự thuật về ngoại hình của bản thân. Câu mở đầu “Nếu có ai đó ở Anh…áo quần như vậy” đã chứng minh tinh thần của Rô-bin-xơn hoàn toàn bình thường, cái cô đơn và cuộc sống khắc nghiệt đã không thể nào quật ngã được tâm hồn ham sống, cái nghị lực phi thường của anh và đặc biệt rằng Rô-bin-xơn vẫn luôn một lòng hướng về quê hương, vẫn luôn tin tưởng rằng có một ngày nào đó anh sẽ trở về quê hương trong bộ dáng kỳ quặc hiện tại. Có thể nói sức mạnh của niềm tin và ý chí kiên cường đã giúp Rô-bin-xơn sống sót và tồn tại trên hòn đảo hoang cô độc, lạnh lẽo suốt 28 năm trời.
Vẻ đẹp thứ hai toát ra từ bức chân dung của Rô-bin-xơn ấy là óc sáng tạo trong công cuộc lao động để tồn tại trên đảo. Sau 15 năm trời sinh sống trên hòn đảo hoang, tuy gặp rất nhiều khó khăn chất chồng nhưng anh luôn cố gắng tìm mọi cách để thích nghi với hoàn cảnh sống. Thiếu thốn lương thực thì anh tìm cách trồng được cả lúa mạch và ngô, tự mình săn bắn thậm chí là chăn nuôi cả dê để lấy thịt và da, tự làm được cả nồi đất, tự đốn hạ cây để làm cho mình chiếc thuyền độc mộc phục vụ công cuộc săn bắt hải sản. Rô-bin-xơn cũng tự tay chế cho mình những bộ trang phục tuy kỳ dị và chẳng giống ai nhưng lại có nhiều công dụng, ví như “chiếc mũ to tướng cao lêu đêu” đằng sau gáy có một mảnh rủ xuống để vừa che nắng lại che mưa, rồi tất cả áo, quần, giày đến cả thắt lưng cũng đều tự tay Rô-bin-xơn làm ra từ da dê. Và dĩ nhiên anh chẳng phải là một tay thợ may chuyên nghiệp hay một nhà thiết kế thời trang nên trông chúng không được đẹp mắt lắm, nhưng vẫn đầy đủ công dụng, phục vụ tốt cho cuộc sống của anh trên đảo hoang. Ngoài ăn, mặc Rô-bin-xơn cũng trở thành một kiến trúc sư bất đắc dĩ khi tự tay dựng cho mình chiếc lều để có chỗ che nắng, che mưa, sau đó khá khẩm hơn anh còn dựng hẳn cho mình một ngôi nhà. Cuộc sống dẫu còn nhiều vất vả thế nhưng Rô-bin-xơn vẫn giữ cho mình thái độ, ung dung lạc quan, tự tin sinh sống trên hòn đảo như một vị chúa với những thần dân là một con vẹt, một con chó già và hai con mèo. Có thể nhận thấy Rô-bin-xơn là con người yêu thiên nhiên, có khả năng thích nghi mạnh mẽ và rất lạc quan, yêu đời.
Dẫu rằng bản thân Rô-bin-xơn bị mắc kẹt trên đảo hoang không có bóng người, nhưng anh vẫn luôn có ý thức giữ gìn những giá trị của con người. Thiết kế các loại trang phục có khả năng che chắn tốt như chiếc mũ có mảnh da rủ xuống gáy, đôi giày bọc kín chân, quần áo đầy đủ để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, bảo vệ sức khỏe của bản thân. Anh cũng chú ý chăm chút cho diện mạo của mình, tự nhận rằng mình “không đến nỗi đen cháy” bởi trên đầu đã đội mũ lại thêm chiếc dù lớn giương trên đầu, Rô-bin-xơn cũng thường xuyên cắt tỉa râu ria, mặc dù có những lúc anh hơi lười, bản tính hài hước và óc sáng tạo đã khiến anh để những bộ ria mà có thể dùng treo cả mũ. Rô-bin-xơn hóm hỉnh thừa nhận nếu ở Anh thì “chiều dài và hình dáng kỳ quái của của chúng cũng khiến cho mọi người phải khiếp sợ”. Ở đây một lần nữa, Rô-bin-xơn nhắc về quê hương như một niềm mong nhớ mỏi mòn, điều đó chính tỏ anh luôn hướng về quê hương, vẫn vững một niềm tin có ngày được trở về đất liền, quay lại với cuộc sống vui vẻ, náo nhiệt, thoát khỏi cảnh cô đơn, lạnh lẽo trên đảo hoang.
Đoạn trích Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang với ngôi kể thứ nhất, giọng điệu tự nhiên, hóm hỉnh, hài hước kết hợp giữa các yếu tố biểu cảm tự sự một cách hài hòa nhằm nhấn mạnh tinh thần lạc quan và cuộc sống, ý chí và nghị lực phi thường của Rô-bin-xơn giữa hoàn cảnh khắc nghiệt, chống chọi với nỗi cô đơn tột cùng nhằm nuôi dưỡng hy vọng trở về đất nước. Qua đó, đoạn trích hay toàn bộ nội dung cuốn tiểu thuyết đã khích lệ, động viên con người luôn luôn có tinh thần lạc quan, yêu đời, mạnh mẽ, sử dụng sự sáng tạo và nỗ lực trong lao động để vượt qua những khó khăn và trắc trở trong cuộc sống, phía trước chính là tương lai tốt đẹp đang đón chờ.
———————–HẾT————————
Tìm hiểu chi tiết về đoạn trích Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang, bên cạnh bài Phân tích đoạn trích Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang, các em có thể tìm hiểu thêm:Soạn bài Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang, Sơ đồ tư duy Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang, Cảm nhận của em về bức chân dung tự họa của Rô bin xơn ngoài đảo hoang, Phân tích và cảm nghĩ về nhân vật Rô-bin-xơn trong đoạn Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang.