Biểu mẫu giáo dục

Bài tham luận củng cố và phát triển phong trào Đoàn 2021 Bài phát biểu xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh

Bài tham luận củng cố và phát triển phong trào Đoàn 2021 gồm 3 mẫu, giúp các bạn tham khảo để chuẩn bị bài phát biểu trong buổi hội Nghị tổng kết hoạt động Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm cũ, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm mới.

Việc xây dựng tổ chức Đoàn ngày càng vững mạnh là nhiệm vụ vô cùng quan trọng của đội ngũ cán bộ Đoàn. Vậy mời các bạn cùng tham khảo 3 mẫu bài tham luận củng cố và phát triển phong trào Đoàn để viết cho riêng mình một bài tham luận hoàn chỉnh.

Bài tham luận củng cố và phát triển phong trào Đoàn – Mẫu 1

Kính thưa: Quý vị đại biểu cùng toàn thể Hội nghị

Được sự đồng ý của đoàn chủ tịch tôi xin tham luận với Đại hội về công tác xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh và mở rộng đoàn kết, tập hợp thanh niên. Lời đầu tiên cho phép tôi gửi lời chúc sức khỏe và thành công tới Quý vị đại biểu và tất cả các đồng chí. Chúc Hội nghị của chúng ta thành công rực rỡ.

Trước tiên tôi hoàn toàn nhất trí với nội dung bản báo cáo tổng kết công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi trong năm …… vừa qua và dự thảo phương hướng cho năm ,……tới mà đồng chí …………… – Phó bí thư huyện Đoàn đã trình bày trước hội nghị. Tôi xin đóng góp một số ý kiến mang tính chất bổ sung làm rõ hơn cho bản dự thảo phương hướng hoạt động công tác Đoàn về công tác xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh và mở rộng đoàn kết, tập hợp thanh niên, mà kinh nghiệm chủ yếu được đức rút trong quá trình làm công tác đoàn tại trường ……………….

Kính thưa Hội nghị!

Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là đội dự bị của Đảng cộng sản Việt Nam, có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống chính trị.

Trong trường ……………, Đoàn TN hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy nhà trường và Đoàn cấp trên. Do vậy, ngoài nhiệm vụ của một tổ chức chính trị – xã hội được quy định trong điều lệ, Đoàn TN còn có nhiệm vụ chính trị quan trọng là góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm của Nhà trường, là đội quân xung kích cách mạng; là lực lượng nòng cốt trong phong trào thanh thiếu niên, có sức trẻ, trí tuệ và lòng nhiệt huyết trong các hoạt động.

Đoàn Thanh niên nhà trường luôn xác định nhiệm vụ củng cố, xây dựng tổ chức là nhiệm vụ quan trọng nhằm xây dựng một môi trường lành mạnh, thân thiện cho Đoàn viên – học sinh sinh hoạt, góp phần bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, vun đắp những ước mơ, hoài bão cao đẹp, từ đó giúp các bạn học sinh xác định được động cơ, thái độ và phương pháp đúng đắn trong học tập, rèn luyện.

Với ý nghĩa quan trọng như trên nên việc xây dựng tổ chức Đoàn ngày càng vững mạnh là nhiệm vụ vô cùng quan trọng của đội ngũ cán bộ Đoàn trong các nhiệm kỳ. Để góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ này tôi xin đưa ra một số biện pháp như sau:

Một là: Cần phải xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn có đủ năng lực, nghiệp vụ chuyên môn, nhiệt tình và năng động trong công tác. Đội ngũ cán bộ Đoàn cần phải năng động nhạy bén, mạnh dạn đề xuất các ý tưởng sáng tạo nhằm tổ chức nhiều mô hình hoạt động phù hợp với các nhóm, đối tượng thanh niên để thu hút họ vào tổ chức; biết vận dụng linh hoạt trong việc đưa các nghị quyết của Đảng – Đoàn các cấp thành hành động cụ thể; đồng thời đẩy mạnh xã hội hoá công tác thanh niên.

Hai là: BCH Đoàn trường cần gương mẫu thực hiện các nhiệm vụ, công việc được giao. Làm tốt công tác chỉ đạo tổ chức sinh hoạt chi đoàn hàng tháng theo chủ đề gắn với các sự kiện trong các tháng.

Ba là: Duy trì các chương trình phát thanh, câu lạc bộ chiếu phim của Đoàn thanh niên, vừa phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền các chủ trương, đường lối, nhiệm vụ, công việc của Nhà trường và Đoàn thanh niên vừa tạo ra sân chơi giải trí lành mạnh cho đoàn viên – học sinh thông qua các chương trình ca nhạc theo yêu cầu, quà tặng âm nhạc, chiếu phim…

Bốn là: Tổ chức các chương trình giao lưu với các cơ sở Đoàn trên địa bàn Huyện Ý Yên, giao các công trình phần việc thanh niên cho các chi đoàn thực hiện.

Kính thưa Hội nghị!

Xây dựng tổ chức Đoàn, mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên là nhiệm vụ hàng đầu trong công tác Đoàn. Tuy nhiên, có thể nói công tác tập hợp thanh niên hiện nay là một trong những mảng chưa mạnh của Đoàn. Dường như Đoàn đang chào đón những người tự tìm đến với Đoàn, còn với những người chưa biết hoặc không muốn đến thì Đoàn còn thiếu những cách tập hợp, thuyết phục họ vào tổ chức. Trong những năm qua, BCH Đoàn trường ………… đã thực hiện nhiều giải pháp xây dựng, củng cố tổ chức Đoàn, đoàn kết, tập hợp thanh niên, qua đó, nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò xung kích, tình nguyện của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sau đây tôi xin đề xuất một số biện pháp thu hút, tập hợp thanh niên.

Thứ nhất, Đoàn cần tăng các hoạt động thiết thực, thực tế, sát sườn hơn với đời sống thanh niên. Nhận thấy thanh niên cần học nghề, việc làm, vốn làm ăn, kỹ thuật sản xuất… thì Đoàn phải nhanh chóng nhảy vào và có những biện pháp giúp đỡ cụ thể, hiệu quả. Ví dụ như Đoàn trường………… đã mở rộng hình thức hoạt động dưới dạng các nhóm, các CLB sinh hoạt thường xuyên để đáp ứng nhu cầu rèn luyện kỹ năng sống cho đoàn viên học sinh như: CLB kỹ năng sống; CLB sách và hành động; CLB Call of green vừa làm sạch môi trường sống vừa có thể giúp các đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện học tập tốt hơn…

Thứ hai, Đoàn phải khắc phục hiện tượng hành chính hóa. Tình trạng bàn giấy, cán bộ Đoàn là cán bộ nhà nước và nhất là việc gì cũng văn bản, báo cáo khiến tính hành chính của Đoàn có xu hướng đậm nét hơn. Vì vậy, cán bộ Đoàn phải sâu sát, “mềm hơn” trong ứng xử thì mới thuyết phục được thanh niên.

Thứ ba, quan tâm tính hấp dẫn, thuyết phục, hình mẫu của cán bộ Đoàn. Cán bộ Đoàn có óc tổ chức, nhiều ý tưởng, sáng kiến, khả năng ăn nói sẽ dễ hấp dẫn và ngược lại sẽ khó thuyết phục được thanh niên. Vì vậy việc lựa chọn, sàng lọc cán bộ Đoàn phải nghiêm túc, cần người có tố chất thủ lĩnh.

Thứ tư, hoạt động của Đoàn không nên quá ôm đồm, không thể việc gì cũng muốn làm. Trong điều kiện, hoàn cảnh thực tế của mình chỉ nên chọn những việc thiết thực và kiên trì thực hiện lâu dài, làm đến nơi đến chốn và có hiệu quả thật sự. Việc gì có ý nghĩa thực tế chắc chắn sẽ được thanh niên và người dân quan tâm, ủng hộ như Mùa hè xanh là một thí dụ.

Thứ năm, khi tập hợp nên chú ý đa dạng thành phần, các nhóm thanh niên, đặc biệt là những bạn chậm tiến. Họ thật sự cần được Đoàn quan tâm nhiều hơn, phải ghé mắt đến tất cả thanh niên, có như vậy mới không bỏ sót bất kỳ thanh niên nào.

Trên đây là một số ý kiến của tôi đối với vấn đề tác xây dựng tổ chức đoàn vững mạnh và mở rộng đoàn kết, tập hợp thanh niên. Bản tham luận của tôi chắc chắn còn nhiều thiếu sót, rất mong nhận được ý kiến đóng góp của quý vị đại biểu và các đồng chí để tôi hoàn thiện bản tham luận cũng như tích lũy thêm được nhiều kinh nghiệm trong vấn đề tác xây dựng tổ chức đoàn vững mạnh và mở rộng đoàn kết, tập hợp thanh niên.

Cuối cùng, một lần nữa, nhân dịp năm mới Đinh Dậu sắp tới, chúc Quý vị đại biểu và các đồng chí một năm mới nhiều sức khỏe, an khang, hạnh phúc và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn.

Bài tham luận củng cố và phát triển phong trào Đoàn – Mẫu 2

Kính thưa Đoàn chủ tịch!

Kính thưa các quý vị đại biểu!

Kính thưa các thầy giáo, cô giáo cùng toàn thể các bạn!

Lời đầu tiên tôi xin trân trọng kính chúc Đoàn chủ tịch, các qúy vị đại biểu, các thầy cô giáo mạnh khoẻ, hạnh phúc, chúc các bạn đoàn kết học tập tốt và hoàn thành xuất sắc các hoạt động do Đoàn trường tổ chức.

Hôm nay, trong buổi Đại hội Đoàn trường, tôi rất vinh dự thay mặt cho chi đoàn có vài nội dung ý kiến tham luận về vấn đề đổi mới nội dung và hình thức buổi sinh hoạt chi đoàn.

Kính thưa Đoàn chủ tịch!

Thưa toàn thể Đại hội!

Là một đoàn viên Đoàn thanh niên Cộng sản HCM, trong chúng ta chắc chắn ai cũng đã nghe đến và hơn nữa là đã tham gia vào những buổi sinh hoạt chi đoàn. Bởi đây là hoạt động của Đoàn TNCS HCM. Sinh hoạt chi Đoàn là một buổi sinh hoạt về chính trị, thời sự, văn hoá, khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn nhằm mục đích giáo dục của chi Đoàn.

Tuy nhiên, hiểu và biết là hai phạm trù hoàn toàn khác. Hiện nay, xét một cách khái quát, chúng ta nhận thấy phần lớn những buổi sinh hoạt chi đoàn của rất nhiều chi đoàn đã diễn ra chưa hiệu quả, chưa bám sát với nội dung cần có của một buổi sinh hoạt và chưa thu hút được đông đảo Đoàn viên chi đoàn tham gia. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, có thể do cán bộ Đoàn chưa hiểu rõ ý nghĩa của một buổi sinh hoạt, nhiệt tình nhưng chưa sáng tạo, cũng có thể do các đoàn viên trong chi đoàn ngại hoạt động, thảo luận… Trong bản tham luận của mình ngày hôm nay tôi xin phép được đưa ra một số ý kiến tham luận để góp phần nâng cao chất lượng của buổi sinh hoạt chi đoàn.

Kính thưa Đoàn chủ tịch!

Thưa toàn thể Đại hội!

Đội ngũ cán bộ Đoàn luôn luôn là một trong những yếu tố quan trọng làm nên sự thành công của mọi hoạt động Đoàn, đặc biệt đối với mỗi buổi sinh hoạt chi đoàn được tổ chức. Nghị lực, năng động, sáng tạo và đột phá là những yếu tố cần có ở mỗi cán bộ đoàn để xây dựng nên một chương trình sinh hoạt hấp dẫn, có nghị lực để vượt qua những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động, để quyết định điều đúng và sai trong hoạt động của chi đoàn, có năng động để biết cách thay đổi, thích ứng nhanh với những điều kiện mới. Năng động là không đòi hỏi cơ hội có sẵn mà tự tìm cho mình những cơ hội phù hợp. Trong yếu tố năng động là khả năng sáng tạo và đột phá. Yếu tố đột phá đòi hỏi người cán bộ đoàn phải luôn ở thế chủ động, tạo cho bản thân những bước tiến quan trọng không chỉ trong công tác mà còn cả trong học tập để làm gương cho các đoàn viên khác.

Kính thưa Đoàn chủ tịch!

Thưa toàn thể Đại hội!

Buổi sinh hoạt chi Đoàn được xây trên hai yếu tố cơ bản là nội dung và hình thức. Trước tiên, xét về mặt nội dung, yêu cầu đặt ra cho mỗi buổi sinh hoạt chi đoàn theo chủ đề giáo dục đó là: Sau mỗi lần sinh hoạt chi đoàn, đoàn viên và thanh niên phải nâng cao được nhận thức của mình hoặc để lại một ấn tượng tốt đẹp, một điều gì đó mới mẻ mang tính thuyết phục cao.

Từ yêu cầu trên chúng ta nhận thấy đề tài quyết định đến sự thu hút, hấp dẫn của một buổi sinh hoạt chi đoàn. Muốn vậy, đề tài đó trước hết phải đảm bảo gắn với thời sự nóng bỏng của cuộc sống, gắn với nhu cầu cần thiết của Đoàn viên, thanh niên. Bởi vì tuổi của chúng ta, không còn quá sớm để nói chuyện trưởng thành đã đến lúc, ngoài việc học tập chúng ta cần có hiểu biết về cuộc sống và những vấn đề, sự kiện đang diễn ra xung quanh chúng ta.

Để cụ thể hoá việc lựa chọn đề tài sinh hoạt chi đoàn, tôi xin đưa ra một vài ý kiến, ví dụ về đề tài thảo luận như sau:

“Người Việt Nam thông minh, cần cù, chịu khó. Thanh niên Việt Nam có kiến thức, ham học hỏi và giàu khát vọng vươn lên… Họ có nhiều thế mạnh, nhưng họ vẫn chưa tỏ ra tự tin”. Đây là lời nhận xét của một số giáo sư và chuyên gia nước ngoài về thanh niên Việt Nam. Trước ý kiến này, câu hỏi “Vì sao sức bật của mỗi cá nhân vẫn còn quá khiêm tốn?”, hoàn toàn có thể được đưa ra trở thành đề tài cho một cuộc thảo luận. Khi đoàn viên bước vào hội nhập, xã hội phát triển luôn đòi hỏi những cá nhân năng động, mà tự tin là yếu tố không thể thiếu ở họ. Khiêm tốn là yếu tố không thể thiếu ở họ. Khiêm tốn là tính tốt nhưng thiếu tự tin lại là thường dẫn đến thất bại. Bởi vậy, tổ chức một số buổi sinh hoạt chi đoàn, thảo luận và đưa ra biện pháp khắc phục tính nhút nhát, tự tin sẽ giúp ích rất nhiều cho mỗi đoàn viên không chỉ trong quá trình học tập mà ở cả sau này, khi mỗi cá nhân trưởng thành, sống, học tập và làm việc trong môi trường xã hội rộng lớn.

Một ví dụ khác về việc lựa chọn đề tài mang tính thời sự nhưng vẫn gần gũi, phù hợp với đoàn viên, thanh niên: Trong tháng 9 vừa qua, một số bài viết đăng trên báo Tuổi Trẻ đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của đông đảo bạn đọc cả nước. Tác giả của các bài báo đã nói đến một vấn đề tưởng chừng như đơn giản nhưng lại vô cùng ý nghĩa đối với mỗi người dân yêu nước. Đó là vấn đề “Chào cờ vào mỗi sáng thứ 2”. Tôi xin trích đọc một số đoạn trong bài viết “Chào lý quốc kỳ”:

“Nghiêm trang chào lá quốc kỳ
Tình yêu đất nước em ghi vào lòng”

Đó là bài học đầu tiên của mỗi chúng ta để trở thành công dân đất Việt. Mỗi khi chào lá quốc kỳ, mỗi chúng ta lại ghi vào lòng tình yêu đất nước. Chào cờ không chỉ quan trọng vì sự nghi lễ mà còn quan trọng vì sự tập hợp. Chúng ta là 80 triệu người Việt Nam với những đặc điểm tính chất và tinh thần khác nhau, nhưng chúng ta sẽ là một khối thống nhất triệu người như một dưới cờ.

Giáo dục tư tưởng chính trị là một trong những mục tiêu được đặt ra trong buổi sinh hoạt chi đoàn. Vậy thì đề tài “Chào lá quốc kỳ” như tựa đề của bài báo trên với nội dung giáo dục lòng yêu nước rất cần thiết để đưa ra thảo luận, qua đó định hướng cho đoàn viên, thanh niên về biểu hiện của lòng yêu nước trong cuộc sống đang diễn ra hàng ngày.

Tóm lại, việc lựa chọn đề tài cho mỗi buổi sinh hoạt chi đoàn theo chủ đề giáo dục chính là yếu tố quan trọng trong việc đổi mới nội dung buổi sinh hoạt chi đoàn. Mỗi đề tài đưa ra có chọn lọc và được thảo luận một cách sâu sắc chắc chắn sẽ thu hút sự tham gia của đông đảo ĐV,TN, đồng thời sẽ giúp ích rất nhiều cho mỗi người trong học tập và cả trong cuộc sống.

Ngày nay, trước sự phát triển của các phương tiện thông tin hiện đại, chúng tôi tin rằng việc lựa chọn một đề tài cho một buổi sinh hoạt chi đoàn là không quá khó khăn đối với đội ngũ cán bộ đoàn. Tuy nhiên, để đáp ứng những tâm tư nguyện vọng của đoàn viên, để biết họ đang cần gì ở tổ chức đoàn và điều họ muốn khi tham gia hoạt động, các cán bộ đoàn có thể chủ động lập những mẫu phiếu khảo sát ý kiến của các đoàn viên, qua đó thể hiện tính dân chủ, tập thể của tổ chức.

Kính thưa Đoàn chủ tịch!

Thưa toàn thể Đại hội!

Yếu tố thứ 2 cầu thành nên buổi sinh hoạt chi đoàn chính là yếu tố hình thức. Hình thức sinh hoạt chi đoàn phải được cải tiến và thường xuyên thay đổi phù hợp với tâm lý ĐV,TN. Đây là một vấn đề hết sức quan trọng, đòi hỏi mỗi chi đoàn phải tích cực, chủ động và sáng tạo để tìm ra hình thức sinh hoạt thích hợp nhất.

Nhìn chung, từ trước tới nay, phần lớn các buổi sinh hoạt chi đoàn đều được các chi đoàn tổ chức tại phòng họp. Tuy nhiên, hình thức sinh hoạt này chỉ thực sự thích hợp với nội dung sinh hoạt theo chuyên đề giáo dục vì cần yên tĩnh, có trang trí hài hoà để có ấn tượng. Trong khi, để tránh sự nhàm chán hay lý thuyết khô khan, thì cùng với những buổi sinh hoạt như vậy, đội ngũ cán bộ đoàn cũng cần kết hợp tổ chức những buổi sinh hoạt chi đoàn theo hình thức tham quan, du khảo, dã ngoại, chọn những di tích lịch sử hoặc danh lam thắng cảnh để làm nơi sinh hoạt chi đoàn. Đồng thời sau những buổi sinh hoạt kết hợp tham quan, giã ngoại đó, chúng ta có thể phát động ĐV, TN viết những bài tìm hiểu, cảm nhận về những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đó. Việc phát động những cuộc thi nhỏ như vậy sẽ giúp mỗi ĐV luyện tập cách học theo phương pháp tự nghiên cứu, tìm hiểu, tạo sự chủ động trong việc tiếp nhận kiến thức. Đặc biệt, tham gia cuộc thi mỗi ĐV, TN sẽ được làm giàu thêm kiến thức lịch sử, địa lý và đất nước mình, tạo hành trang cho con đường tương lai, như có ý kiến đã nhận định: Một người giỏi kinh doanh không những cần phải giỏi lịch sử để khi ra nước ngoài, họ làm việc với tinh thần, cốt cách Việt.

Kính thưa Đoàn chủ tịch!

Thưa toàn thể Đại hội!

Tinh thần đoàn kết và trách nhiệm đối với tập thể là điều vô cùng cần thiết, quan trọng số một đối với mỗi tập thể, tổ chức nói chung và đoàn thanh niên CS HCM nói riêng. Vấn đề cái “tôi” và cái “ta” đang được đặt ra trong xã hội là một vấn đề khá bức xúc. Người ta nhận thấy điểm chung giữa một thanh niên chạy xe bạt mạng bất kể người xung quanh, một thị dân xả rác bừa bãi và một ông cán bộ tham ô đó là họ chỉ biết đến bản thân mình và không có ý thức nào về trách nhiệm của họ đối với tập thể. Các chuyên gia quốc tế nhận xét rằng người Việt Nam không biết làm việc chung, thiếu tinh thần ê kíp. Đây là một điểm yếu rất đáng báo động đối với người Việt Nam nói chung và đặc biệt đối với thế hệ trẻ – thế hệ tương lai của đất nước. Do đó, với mục đích định hướng, giáo dục tư tưởng trong các hoạt động của Đoàn thanh niên CSHCM, các cán bộ Đoàn cần chủ động, sáng tạo tổ chức những buổi sinh hoạt chi đoàn dưới hình thức các hoạt động vui chơi, cắm trại, tổ chức sinh nhật tập thể, các buổi giao lưu giữa các chi đoàn từ đó giúp các đoàn viên tự tin hơn vào khả năng của bản thân, gắn bó với nhau, biết sống trách nhiệm đối với tập thể.

Có thể nói, tổ chức những buổi sinh hoạt chi đoàn đạt hiệu quả tốt nhất không phải là một điều dễ thực hiện bởi vì đến trường, việc quan trọng chúng ta cần thực hiện là việc học tập. Tuy nhiên, kiến thức từ sách vở có lẽ là chưa đủ đối với cuộc sống vô vàn biểu hiện như hiện nay. Chính vì vậy, tôi mong rằng, với lòng nhiệt tình, năng động sẵn có, đội ngũ cán bộ Đoàn sẽ tổ chức thành công thật nhiều những buổi sinh hoạt chi đoàn để củng cố và mở rộng cho tất cả các đoàn viên, thanh niên những kiến thức cần thiết cho cuộc sống, để mỗi ĐV, TN có thể đóng góp tốt nhất cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trên đây là một vài ý kiến tham luận của tôi về vấn đề đổi mới nội dung và hình thức trong buổi sinh hoạt chi Đoàn. Các ý kiến còn nhiều thiếu sót, vì vậy tôi rất mong sẽ nhận được sự góp ý của các bạn.

Cuối cùng, một lần nữa tôi xin kính chúc Đoàn chủ tịch, qúy vị đại biểu và các thầy cô giáo mạnh khoẻ, hạnh phúc, chúc các bạn Đoàn viên học tập tốt và nhiệt tình tham gia vào các hoạt động của Đoàn trường.

Chúc Đại hội thành công tốt đẹp!

Tôi xin chân thành cảm ơn!

Bài tham luận củng cố và phát triển phong trào Đoàn – Mẫu 3

Kính thưa: Các vị đại biểu cùng toàn thể Đại hội

Được sự đồng ý của đoàn chủ tịch tôi xin tham luận với Đại hội về công tác xây dựng tổ chức Đoàn, Hội và vận động đoàn viên phấn đấu trở thành Đảng viên ĐCSVN.

Trước tiên tôi hoàn toàn nhất trí với nội dung bản báo cáo tổng kết công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nhiệm kì vừa qua và dự thảo phương hướng cho nhiệm kì tới mà đồng chí Bí thư Đoàn trường khoá……đã trình bày trước đại hội. Tôi xin đóng góp một số ý kiến mang tính chất bổ sung làm rõ hơn cho bản dự thảo phương hướng hoạt động công tác Đoàn nhiệm kỳ tới về công tác xây dựng tổ chức Đoàn, Hội và vận động đoàn viên phấn đấu trở thành Đảng viên ĐCSVN.

Kính thưa đại hội

Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là đội dự bị của Đảng cộng sản Việt Nam, có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống chính trị.

Trong trường CĐSP Quảng Ninh, Đoàn TN hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy nhà trường và Đoàn cấp trên. Do vậy, ngoài nhiệm vụ của một tổ chức chính trị – xã hội được quy định trong điều lệ, Đoàn TN còn có nhiệm vụ chính trị quan trọng là góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm của Nhà trường, là đội quân xung kích cách mạng; là lực lượng nòng cốt trong phong trào thanh thiếu niên, có sức trẻ, trí tuệ và lòng nhiệt huyết trong các hoạt động.

Hội Sinh viên là người bạn tin cậy của sinh viên, là diễn đàn, môi trường và là ngôi nhà chung để sinh viên giao lưu, học hỏi, tự bồi dưỡng và giúp đỡ nhau trong học tập, rèn luyện. Vì vậy, cùng với Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên nhà trường luôn xác định nhiệm vụ củng cố, xây dựng tổ chức là nhiệm vụ quan trọng nhằm xây dựng một môi trường lành mạnh, thân thiện cho Đoàn viên – Sinh viên sinh hoạt, góp phần bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, vun đắp những ước mơ, hoài bão cao đẹp, từ đó giúp sinh viên xác định được động cơ, thái độ và phương pháp đúng đắn trong học tập, rèn luyện.

Với ý nghĩa quan trọng như trên nên việc xây dựng tổ chức Đoàn, Hội ngày càng vững mạnh là nhiệm vụ vô cùng quan trọng của đội ngũ cán bộ Đoàn trong các nhiệm kỳ. Để góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ này tôi xin đưa ra một số biện pháp như sau:

Một là: Cần phải xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội có đủ năng lực, nghiệp vụ chuyên môn, nhiệt tình và năng động trong công tác. Đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội cần phải năng động nhạy bén, mạnh dạn đề xuất các ý tưởng sáng tạo nhằm tổ chức nhiều mô hình hoạt động phù hợp với các nhóm, đối tượng thanh niên để thu hút họ vào tổ chức; biết vận dụng linh hoạt trong việc đưa các nghị quyết của Đảng – Đoàn – Hội các cấp thành hành động cụ thể; đồng thời đẩy mạnh xã hội hoá công tác thanh niên.

Hai là: BCH Đoàn trường, BCH Hội sinh viên nhà trường cần gương mẫu thực hiện các nhiệm vụ, công việc được giao. Làm tốt công tác chỉ đạo tổ chức sinh hoạt chi đoàn, chi hội hàng tháng theo chủ đề gắn với các sự kiện trong các tháng.

Ba là: Khôi phục chương trình phát thanh, câu lạc bộ chiếu phim của Đoàn thanh niên, Hội sinh viên vừa phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền các chủ trương, đường lối, nhiệm vụ, công việc của Nhà trường, Đoàn thanh niên và Hội sinh viên vừa tạo ra sân chơi giải trí lành mạnh cho đoàn viên – sinh viên thông qua các chương trình ca nhạc theo yêu cầu, quà tặng âm nhạc, chiếu phim…

Bốn là: Tổ chức các chương trình giao lưu với các cơ sở Đoàn trên địa bàn Thành phố, giao các công trình phần việc thanh niên cho các chi đoàn thực hiện.

Kính thưa đại hội

Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị – xã hội của thanh niên Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện. Trong Nghị Quyết TW 7 khoá X có nói “Xây dựng Đoàn vững mạnh là nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng”. Đoàn thanh niên được coi là đội dự bị tin cậy của Đảng CSVN, là lực lượng nòng cốt kế cận sự nghiệp cách mạng của thế hệ cha anh đi trước. Xác định rõ vai trò to lớn của tổ chức Đoàn trong công tác phát triển Đảng, đoàn trường CĐSP đã tích cực bồi dưỡng, giới thiệu những đoàn viên ưu tú đủ phẩm chất cho Đảng ủy xem xét kết nạp.

Trong nhiệm kỳ vừa qua Đoàn trường đã giới thiệu hơn 200 ĐVTN ưu tú học lớp cảm tình Đảng, có hơn 50 ĐVTN được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng trong đó 100% là đoàn viên và đa phần Đảng viên là sinh viên.

Công tác phát triển Đảng viên trẻ từ ĐVTN của Đảng bộ nhà trường có bước phát triển mạnh mẽ, đó là nhờ sự chỉ đạo sát sao của Đảng uỷ, sự quan tâm giúp đỡ của các chi bộ đối với các đoàn viên ưu tú do Đoàn trường giới thiệu và phấn đấu tích cực không ngừng của ĐVTN.

Để tiếp tục phát huy làm tốt hơn nữa công tác phát triển Đảng trong nghiệm kỳ tới Đoàn trường cần có những biện pháp hiệu quả và thiết thực như:

– Phải làm tốt công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng cho đoàn viên thanh niên hiểu, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng: Từ đó xây dựng lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng. Có động cơ phấn đấu rõ ràng, rèn luyện pẩm chất người Đoàn viên ưu tú, xứng đáng là đội dự bị tin cậy của Đảng.

– Đoàn thanh niên cần làm tốt công tác tham mưu với Đảng uỷ, các chi bộ có biện pháp động viên giúp đỡ kịp thời đối với các Đoàn viên có triển vọng:

Ví dụ nêu gương các ĐVTN ưu tú, thống kê, tổ chức giao lưu với những Đảng viên là sinh viên được kết nạp trong nhà trường trưởng thành, tặng học bổng khuyến khích học tập và rèn luyện, trao phần thưởng đầu và cuối mỗi khoá học. Trong quá trình trình tu dưỡng rèn luyện ĐVTN rất cần được sự chỉ bảo tận tình của các đảng viên thế hệ trước. Vì vậy Đoàn trường cần có định hướng và đề xuất sớm với các chi bộ chỉ đạo các liên chi có kế hoạch giúp đỡ các đối tượng sớm ngay từ đầu mỗi năm học.

Trên đây là một số ý kiến tham luận của cá nhân tôi với Đại hội, rất mong nhận được sự quan tâm góp ý của các vị đại biểu và các đồng chí ĐVTN trong Đại hội. Cuối cùng xin kính chúc sức khỏe các vị đại biểu, các ĐVTN, chúc Đại hội thành công tốt đẹp.

Xin chân trọng cảm ơn!

Nguyễn Thị Hương Thủy

Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội và hiện đang tham gia giảng dạy môn Ngữ Văn tại trường THPT Chu Văn An. Cô có 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, dẫn dắt nhiều thế hệ học sinh đạt những thành tích cao và đặt chân vào các trường đại học danh tiếng. Cô gặt hái được rất nhiều thành công trong sự nghiệp: giải Nhì trong cuộc thi giáo viên giỏi do thành phố Hà Nội tổ chức, tham gia giảng dạy đội tuyển Học sinh giỏi Quốc gia.
Back to top button