Lớp 11

Phân tích tác hại của thái độ thiếu trung thực trong thi cử

Đề bài: Hãy phân tích tác hại của thái độ thiếu trung thực trong thi cử. Theo anh (chị), làm thế nào để khắc phục được thái độ đó?

phan tich tac hai cua thai do thieu trung thuc trong thi cu

I. Dàn ýHãy phân tích tác hại của thái độ thiếu trung thực trong thi cử

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề nghị luận: Tác hại của thái độ thiếu trung thực trong thi cử và biện pháp để khắc phục.

2. Thân bài

a. Biểu hiện của thái độ thiếu trung thực trong thi cử

– Thiếu trung thực là làm sai lệch, không đúng với thực tế, với những gì đã xảy ra.

– Biểu hiện:

+ Sử dụng phao, giở tài liệu, quay cóp, chép bài của bài trong các giờ kiểm tra hay giờ thi.
+ Sử dụng các thiết bị hiện đại để làm bài thi theo hướng dẫn từ bên ngoài.
+ Thuê người thi hộ, “đe dọa” giám thị để hỗ trợ thí sinh trong quá trình làm bài.

b. Nguyên nhân

– Nguyên nhân chủ quan:

+ Nhiều học sinh trong quá trình học tập lười biếng, không chăm chỉ học hành nên lúc kiểm tra hay làm bài thi cử họ không đủ kiến thức, kĩ năng.
+ Thiếu dũng khí để đối mặt với kết quả, năng lực của bản thân mình, muốn che lấp đi năng lực thật của bản thân.

– Nguyên nhân khách quan:

+ Sự giám sát lỏng lẻo, chưa có chế tài xử lí nghiêm minh và chưa có sự xử lí triệt để đối với các trường hợp vi phạm quy chế thi.
+ Nhà trường, thầy cô và phụ huynh luôn dùng điểm số để đánh giá học sinh, điều đó vô tình đã tạo nên áp lực cho các em

c. Tác hại

– Với bản thân các học sinh, thiếu trung thực trong thi cử sẽ khiến các em ảo tưởng về trình độ, kiến thức của bản thân và mất đi ý chí, sự nỗ lực, cố gắng trong quá trình học tập.
– Hình thành nên ở các em đức tính xấu, sự giả dối, ỷ lại, dựa dẫm, phụ thuộc vào người khác và về lâu dài sẽ có nhiều hậu quả kéo theo.
– Tạo ra sự bất công giữa người chăm chỉ và người lười biếng, người thật thà và người dối trá, làm đảo lộn mọi nền tảng giá trị đạo đức và tài năng của con người.
– Đánh giá sai lệch về trình độ, ảnh hưởng đến quá trình làm việc về sau, khiến cho chất lượng cuộc sống và sự phát triển của đời sống con người ngày càng đi xuống.

d. Biện pháp khắc phục

– Nhà trường, thầy cô cần đổi mới hình thức ra đề thi và hình thức kiểm tra đánh giá, hạn chế đến mức thấp nhất việc học sinh có thể chép bài, sử dụng phao.
– Công tác coi thi phải thực sự nghiêm ngặt và cần đặt ra các quy định xử lí nghiêm minh đối với những trường hợp vi phạm.
– Tuyên truyền ý thức cho học sinh để các em hiểu được hậu quả của thái độ thiếu trung thực trong thi cử và từ đó có ý thức tự giác trong quá trình học tập cũng như quá trình làm bài kiểm tra.

3. Kết bài

Khái quát về thái độ thiếu trung thực trong thi cử hiện nay và bày tỏ quan điểm, suy nghĩ của bản thân.

II. Bài văn mẫuHãy phân tích tác hại của thái độ thiếu trung thực trong thi cử

Từ xưa cho đến nay, giáo dục vẫn luôn được xem là một phần quan trọng của cuộc sống bởi nó đào tạo nên những người tài cho đất nước, góp phần không nhỏ vào sự phát triển văn minh, giàu mạnh của mỗi quốc gia. Trong quá trình đào tạo, thi cử là hình thức không thể thiếu để đánh giá kiến thức, năng lực của người học. Tuy nhiên, gần đây, vấn đề thiếu trung thực trong thi cử đang diễn ra ngày càng phổ biến và để lại nhiều tác hại.

Như chúng ta đã biết, thiếu trung thực là làm sai lệch, không đúng với thực tế, với những gì đã xảy ra. Thái độ thiếu trung thực trong thi cử có nhiều biểu hiện, diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Đơn giản và phổ biến nhất đó chính là sử dụng phao, giở tài liệu, quay cóp, chép bài của bài trong các giờ kiểm tra hay giờ thi. Nhưng không dừng lại ở đó, thái độ thiếu trung thực trong thi cử còn diễn ra ở mức độ cao hơn, tinh vi hơn đó chính là sử dụng các thiết bị hiện đại để làm bài thi theo hướng dẫn từ bên ngoài. Thêm vào đó, thái độ thiếu trung thực trong thi cử còn được thể hiện ở hành vi thuê người thi hộ, “đe dọa” giám thị để hỗ trợ thí sinh trong quá trình làm bài.

Có thể thấy, thái độ thiếu trung thực trong thi cử được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Vậy nguyên nhân của điều này xuất phát từ đâu? Trước hết, những điều đó bắt nguồn từ chính bản thân những người học. Nhiều học sinh trong quá trình học tập lười biếng, không chăm chỉ học hành nên lúc kiểm tra hay làm bài thi cử họ không đủ kiến thức, kĩ năng để hoàn thiện chúng. Ngoài ra,một số người thiếu dũng khí để đối mặt với kết quả, năng lực của bản thân mình, muốn che lấp đi năng lực thật của bản thân. Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan, xuất phát từ bản thân người học còn có cả những nguyên nhân khách quan, xuất phát từ gia đình, nhà trường và xã hội. Đầu tiên, do sự giám sát lỏng lẻo, chưa có chế tài xử lí nghiêm minh và chưa có sự xử lí triệt để đối với các trường hợp vi phạm quy chế thi. Hơn nữa, nhà trường, thầy cô và phụ huynh luôn dùng điểm số để đánh giá học sinh, điều đó vô tình đã tạo nên áp lực cho các em, làm cho các em sử dụng phao, quay cóp trong giờ thi, giờ kiểm tra để đạt được điểm số cao.

Thái độ thiếu trung thực trong thi cử bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Với bản thân các học sinh, thiếu trung thực trong thi cử sẽ khiến các em ảo tưởng về trình độ, kiến thức của bản thân và mất đi ý chí, sự nỗ lực, cố gắng trong quá trình học tập. Đồng thời, điều này cũng đã hình thành nên ở các em đức tính xấu, sự giả dối, ỷ lại, dựa dẫm, phụ thuộc vào người khác và về lâu dài sẽ có nhiều hậu quả kéo theo. Thêm vào đó, thái độ thiếu trung thực trong thi cử sẽ tạo ra sự bất công giữa người chăm chỉ và người lười biếng, người thật thà và người dối trá, làm đảo lộn mọi nền tảng giá trị đạo đức và tài năng của con người. Thiếu trung thực trong thi cử sẽ dẫn đến những đánh giá sai lệch về trình độ, ảnh hưởng đến quá trình làm việc về sau, khiến cho chất lượng cuộc sống và sự phát triển của đời sống con người ngày càng đi xuống.

Thiếu trung thực trong thi cử đang ngày càng tinh vi và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, điều đó đòi hỏi chúng ta phải có những biện pháp xử lí phù hợp. Trước hết, các nhà trường, thầy cô cần đổi mới hình thức ra đề thi và hình thức kiểm tra đánh giá, hạn chế đến mức thấp nhất việc học sinh có thể chép bài, sử dụng phao. Thêm vào đó, công tác coi thi phải thực sự nghiêm ngặt và cần đặt ra các chế tài xử lí nghiêm minh đối với những trường hợp vi phạm. Đồng thời, cần tuyên truyền ý thức cho học sinh để các em hiểu được hậu quả của thái độ thiếu trung thực trong thi cử và từ đó có ý thức tự giác trong quá trình học tập cũng như quá trình làm bài kiểm tra. Mỗi học sinh cần có kế hoạch học tập, ôn luyện phù hợp để có thể đạt được kết quả cao trong các kì thi bằng chính năng lực của bản thân.

Tóm lại, thiếu trung thực trong thi cử là một hành vi, thái độ xấu cần bị cả xã hội lên án, phê phán. Xóa bỏ thái độ thiếu trung thực trong thi cử sẽ góp phần to lớn vào sự phát triển của nền giáo dục, đào tạo ra những người đủ đức, đủ tài để xây dựng đất nước ngày càng phát triển.

Thiếu trung thực trong thi cử đang là một vấn nạn trong giáo dục hiện nay, bên cạnh thực trạng thiếu trung thực trong thi cử, các em học sinh có thể tham khảo thêm một số Bài văn hay lớp 11 khác như: Anh (chị) hãy trình bày suy nghĩ của mình về “bệnh vô cảm” trong xã hội hiện nay, Anh (chị) hãy trình bày suy nghĩ của mình về “bệnh thành tích” – một “căn bệnh” gây tác hại không nhỏ đối với sự phát triển của xã hội ta hiện nay, Hãy viết bài tham gia cuộc vận động tìm giải pháp đảm bảo an toàn giao thông, Theo anh (chị), làm thế nào để môi trường sống của chúng ta ngày càng xanh, sạch, đẹp?

Nguyễn Thị Hương Thủy

Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội và hiện đang tham gia giảng dạy môn Ngữ Văn tại trường THPT Chu Văn An. Cô có 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, dẫn dắt nhiều thế hệ học sinh đạt những thành tích cao và đặt chân vào các trường đại học danh tiếng. Cô gặt hái được rất nhiều thành công trong sự nghiệp: giải Nhì trong cuộc thi giáo viên giỏi do thành phố Hà Nội tổ chức, tham gia giảng dạy đội tuyển Học sinh giỏi Quốc gia.
Back to top button