Đề bài: Phân tích lý tưởng của thanh niên ngày nay thông qua bài thơ Từ ấy của Tố Hữu
Phân tích lý tưởng của thanh niên ngày nay thông qua bài thơ Từ ấy của Tố Hữu
I. Dàn ýPhântích lý tưởng của thanh niên ngày nay thông qua bài thơ Từ ấy của Tố Hữu
1. Mở bài
– Giới thiệu những nét khái quát nhất về tác giả Tố Hữu và bài thơ “Từ ấy”.
– Giới thiệu khái quát vấn đề cần nghị luận: Lý tưởng của thanh niên ngày nay thông qua bài thơ “Từ ấy”.
2. Thân bài
a. Lý tưởng là gì?
– Lý tưởng là những mục đích sống tốt đẹp, là lẽ sống, mục đích phấn đấu của mỗi người và từng ngày, từng giờ họ đang không ngừng cố gắng, nỗ lực để đạt được nó.
– Lí tưởng luôn có vai trò, ý nghĩa to lớn đối với tất cả mọi người, trong mọi thời đại.
b. Lý tưởng của thanh niên ngày nay qua bài thơ “Từ ấy”
– Lí tưởng của thanh niên thể hiện rõ nét ở sự giác ngộ lí tưởng của người thanh niên trẻ tuổi.
+ Từ ấy chính là mốc thời gian, là giây phút hạnh phúc khi tác giả đón nhận được ánh sáng lí tưởng của Đảng, được đứng vào hàng ngũ của Đảng.
+ Hình ảnh “mặt trời chân lí” là một hình ảnh ẩn dụ, Đảng chính là mặt trời, là ánh sáng tuyệt diệu soi sáng, dẫn đường, chỉ lối cho giai cấp vô sản, cho nhân dân đến những ngày tháng tươi đẹp.
+ Giây phút ấy, với người thanh niên hiện lên bao nỗi niềm rạo rực lên niềm sung sướng, hạnh phúc đến khôn nguôi.
– Lí tưởng ấy đầu tiên được thể hiện ở lẽ sống tốt đẹp, sống chan hòa, đoàn kết với mọi người, hòa cái tôi cá nhân vào trong cái ta chung của cả cộng đồng, dân tộc.
+ Động từ “buộc” đã thể hiện sự tự nguyện gắn bó, thắt chặt với những người xung quanh.
+ Các từ láy “trang trải”, “gần gũi” đã thể hiện sự mở lòng, mở rộng trái tim, vòng tay của mình để thấu hiểu, để cảm thông, để gắn bó với mọi người.
– Lí tưởng của người thanh niên qua bài thơ “Từ ấy” còn được thể hiện ở lối sống yêu thương đồng bào, không phân biệt giai cấp, dân tộc.
+ Sử dụng cấu trúc khẳng định “đã là” đã thể hiện ý thức tự giác và sự chắc chắn trong tác giả.
+ Sử dụng phép liệt kê “con của vạn nhà’, “em của vạn kiếp phôi pha”, “anh của vạn đầu em nhỏ” kết hợp với điệp từ là và các từ ngữ xưng hô “con”, “em”, “anh”, nhà thơ đã cụ thể hóa mối quan hệ của mình với các thành viên trong gia đình.
3. Kết bài
Khái quát lại vấn đề nghị luận và nêu cảm nhận của bản thân.
II. Bài văn mẫuPhântích lý tưởng của thanh niên ngày nay thông qua bài thơ Từ ấy của Tố Hữu
Tố Hữu là một trong số những cây bút tiêu biểu của nền văn học Việt Nam nói chung và thơ ca cách mạng nói riêng. Suốt cả cuộc đời gắn bó với cách mạng, những trang viết của Tố Hữu luôn ánh lên những tư tưởng lớn, tình cảm và lẽ sống lớn. Bài thơ “Từ ấy” ra đời năm 1938 là một trong số những sáng tác xuất sắc nhất của ông. Bài thơ đã thể hiện rõ lý tưởng của người thanh niên ngày nay.
Như chúng ta đã biết, lý tưởng là những mục đích sống tốt đẹp, là lẽ sống, mục đích phấn đấu của mỗi người và từng ngày, từng giờ họ đang không ngừng cố gắng, nỗ lực để đạt được nó. Lí tưởng luôn có vai trò, ý nghĩa to lớn đối với tất cả mọi người, trong mọi thời đại.
Từ cách hiểu, cách lí giải đó có thể dễ dàng nhận thấy bài thơ “Từ ấy” của Tố Hữu đã thể hiện một cách rõ nét, chân thực và sâu sắc lí tưởng sống tốt đẹp của thanh niên ngày nay.
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Từ ấy chính là mốc thời gian, là giây phút hạnh phúc khi tác giả đón nhận được ánh sáng lí tưởng của Đảng, được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Hình ảnh “mặt trời chân lí” là một hình ảnh ẩn dụ độc đáo và giàu ý nghĩa. Nếu mặt trời của thiên nhiên chiếu ánh sáng tới muôn loài, muôn vật thì Đảng chính là mặt trời, là ánh sáng tuyệt diệu soi sáng, dẫn đường, chỉ lối cho giai cấp vô sản, cho nhân dân đến những ngày tháng tươi đẹp. Giây phút ấy, với người thanh niên, Đảng chính là lí tưởng, là ánh sáng và trong nỗi niềm rạo rực lên niềm sung sướng, hạnh phúc đến khôn nguôi.
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim.
Với hình ảnh so sánh độc đáo, dường như hai câu thơ đã làm bật nỗi niềm sung sướng, niềm vui như đã hóa thành âm thanh, màu sắc của tác giả khi bắt gặp lí tưởng của đời mình.
Không chỉ xác định được lí tưởng của mình, người thanh niên trong “Từ ấy” của Tố Hữu còn nỗ lực biến lí tưởng ấy thành hiện thực, thành nhận thức của bản thân. Lí tưởng ấy đầu tiên được thể hiện ở lẽ sống tốt đẹp, sống chan hòa, đoàn kết với mọi người, hòa cái tôi cá nhân vào trong cái ta chung của cả cộng đồng, dân tộc.
Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với muôn nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời.
Tố Hữu đã thể hiện lẽ sống gắn với cộng đồng, với mọi người bằng hàng loạt các từ ngữ, hình ảnh giàu giá trị và sức gợi. Động từ “buộc” đã thể hiện sự tự nguyện gắn bó, thắt chặt với những người xung quanh. Cùng với đó, tác giả còn sử dụng các từ láy “trang trải”, “gần gũi” đã thể hiện sự mở lòng, mở rộng trái tim, vòng tay của mình để thấu hiểu, để cảm thông, để gắn bó với mọi người. Như vậy, trong lí tưởng sống của mình, người thanh niên đã hòa vào cái chung của cộng đồng, để đoàn kết, để yêu thương.
Thêm vào đó, lí tưởng của người thanh niên qua bài thơ “Từ ấy” còn được thể hiện ở lối sống yêu thương đồng bào, không phân biệt giai cấp, dân tộc.
Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ
Từ tình yêu thương, muốn gắn bó với nhân dân lao động, tác giả đã biến mình thành một người con trong đại gia đình lao động ấy. Với việc sử dụng cấu trúc khẳng định “đã là” đã thể hiện ý thức tự giác và sự chắc chắn trong tác giả. Không dừng lại ở đó, nhà thơ còn cụ thể hóa mối quan hệ của mình với các thành viên trong gia đình thông qua việc sử dụng phép liệt kê “con của vạn nhà’, “em của vạn kiếp phôi pha”, “anh của vạn đầu em nhỏ” kết hợp với điệp từ là và các từ ngữ xưng hô “con”, “em”, “anh”.
Như vậy, có thể thấy, bài thơ “Từ ấy” của Tố Hữu đã thể hiện một cách chân thực và rõ nét những lí tưởng của thanh niên trong mọi thời đại. Đồng thời, qua đó cũng gợi lên trong chúng ta nhiều bài học đáng suy ngẫm về lí tưởng sống, về mục đích sống và sự nỗ lực, cố gắng của bản thân.
———————HẾT———————–
Trên đây là bài viết Phân tích lí tưởng của thanh niên ngày nay thông qua bài thơ “Từ ấy” của Tố Hữu. Để hiểu thêm về bài thơ và mở rộng vốn hiểu biết của bản thân, các em có thể tìm đọc thêm các bài viết Cảm nhận bài thơ Từ ấy, Phân tích bài thơ Từ ấy, Phân tích khổ thơ đầu trong bài thơ Từ ấy, Niềm vui sướng, hân hoan của người chiến sĩ khi được giác ngộ cách mạng trong Từ ấy.