Lớp 9

Nghị luận về tác hại của chơi game của các bạn nghiện game

Đề bài: Nghị luận về tác hại của chơi game của các bạn nghiện game

nghi luan ve tac hai cua choi game cua cac ban nghien game

Nghị luận về tác hại của chơi game của các bạn nghiện game

I. Dàn ýNghị luận về tác hại của chơi game của các bạn nghiện game (Chuẩn)

1. Mở bài

– Dẫn vào vấn đề tác hại của việc chơi game ở các bạn nghiện game.

2. Thân bài

a. Khái niệm game:

– Một loại phần mềm được tạo ra bởi các nhà lập trình và được cài đặt vào các thiết bị điện tử như máy tính, laptop, ipad, smartphone với mục đích chính là cung cấp cho con người một công cụ giải trí.
– Gồm 2 loại: Game online và game offline.

b. Game trong cuộc sống:

* Tích cực:
– Một công cụ giải trí có tính đột phá và sáng tạo cho con người, giúp giải phóng con người khỏi những áp lực trong cuộc sống.
– Chơi game còn giúp con người được vận động đầu óc một cách thoải mái, được giao tiếp, trò chuyện và kết nối với nhau qua môi trường mạng trực tuyến.
– Chơi game còn được công nhận là một môn thể thao điện từ viết tắt là E-Sports, với các giải đấu lớn nhỏ được tổ chức ở nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam.

* Tiêu cực:
– Việc nghiện game khiến các em học sinh trễ nải việc học hành, hình thành các thói quen xấu như trộm cắp, nói dối cha mẹ,…
– Chơi game quá nhiều còn đem đến những ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến sức khỏe.
+ Việc tiếp xúc nhiều với màn hình vi tính, điện thoại, ipad khiến thị lực của các em giảm dần rồi dẫn đến bị các tật về mắt như cận thị, loạn thị, quáng gà,… nghiêm trọng có thể dẫn tới mù.
+ Ảnh hưởng không tốt cho hệ thần kinh, gây ra các chứng đau đầu, mất ngủ, ánh sáng màn hình khiến da bị sạm đi, kém minh mẫn.
+ Khiến con người ta lười vận động, giao tiếp với thế giới bên ngoài dẫn đến nguy cơ trầm cảm, tự kỷ, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm hồn, khiến con người trở nên nóng nảy, hung hăng.

c. Nguyên nhân khiến các bạn trẻ nghiện game:
– Sự thiếu hiểu biết và không biết kiểm soát bản thân trong các hoạt động giải trí.
– Các bậc phụ huynh đó thiếu quan tâm, giáo dục đối với con cái, quá chiều chuộng luôn đáp ứng các nhu cầu tiền bạc vô lý, cho con em mình sử dụng điện thoại thông minh mà không có kiểm soát.
– Nhà trường là sự thiếu tuyên truyền, giáo dục cho học sinh về tác hại của việc chơi game quá mức.

3. Kết bài

– Nêu cảm nghĩ cá nhân.

II. Bài văn mẫuNghị luận về tác hại của chơi game của các bạn nghiện game (Chuẩn)

Giải trí vốn là nhu cầu bức thiết của tất cả mọi người không phân biệt già trẻ, lớn bé. Đặc biệt là trong thời buổi hiện tại, khi điều kiện sống đã được nâng cao và cải thiện rất nhiều so với những giai đoạn trước đây, con người ngoài các nhu cầu vật chất thì họ ngày càng quan tâm đến việc cải thiện đời sống tinh thần bằng cách loại hình giải trí đa dạng ví như âm nhạc, phim ảnh, sách báo, các câu lạc bộ hội nhóm, du lịch, ẩm thực,… Trong đó loại hình game giải trí là một trong những loại hình được giới trẻ ưa chuộng, bởi sự phát triển rầm rộ và mức độ tiện lợi, ít tốn kém của chúng. Tuy nhiên, việc quá đam mê game ở giới trẻ, đặc biệt là các bạn học sinh đã để lại nhiều hậu quả xấu và các hệ lụy không lường trước được.

Đầu tiên chúng ta cùng tìm hiểu game là gì. Game là một là một loại phần mềm được tạo ra bởi các nhà lập trình và được cài đặt vào các thiết bị điện tử như máy tính, laptop, ipad, smartphone với mục đích chính là cung cấp cho con người một công cụ giải trí sau những giờ làm việc, học tập mệt mỏi. Có hai loại game, một loại là phần mềm trò chơi trực tuyến yêu cầu có kết nối mạng và người dùng có thể chơi cùng với bạn bè của mình trong vai trò là đồng đội hoặc địch thủ. Những cái tên nổi tiếng trong thể loại game online này phải kể đến Liên quân, Liên Minh Huyền Thoại, PUBG, DOTA, Đột Kích, Gunny,… Đây đều là những trò được các bạn trẻ yêu thích đồng thời cũng là những cái tên dễ gây nghiện, khiến con người ta khó dứt bỏ. Hình thức game còn lại là game offline thường được lập trình sẵn người chơi chơi với tư cách cá nhân, trong game không có nhiều đột phá, nên cũng không mấy phổ biến trong giới trẻ.

Như vậy việc chơi game có xấu không? Tôi xin khẳng định là không, ngay từ đầu các nhà lập trình viết nên một phần mềm trò chơi họ đều có mục đích tốt đẹp đó là tạo ra một công cụ giải trí có tính đột phá và sáng tạo cho con người, giúp giải phóng con người khỏi những áp lực trong cuộc sống. Không chỉ vậy việc chơi game còn giúp con người được vận động đầu óc một cách thoải mái, được giao tiếp, trò chuyện và kết nối với nhau qua môi trường mạng trực tuyến. Thậm chí ngày nay chơi game còn được công nhận là một môn thể thao điện từ viết tắt là E-Sports, với các giải đấu lớn nhỏ được tổ chức ở nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, thu hút một lượng lớn các đội tham gia thi đấu với tư cách tuyển thủ chuyên nghiệp. Gần đây nhất một đội tuyển của Việt Nam đã vô địch giải Liên Quân thế giới đem vinh quang về cho nước nhà, đánh dấu sự phát triển của nền thể thao điện tử ở nước ta.

Tuy nhiên bên cạnh các mặt tích cực thì game online cũng đem lại những tác động tiêu cực đến giới trẻ, đặc biệt là ở lứa tuổi học sinh. Các em không tự ý thức được bản thân, lao đầu vào chơi game tối ngày, la cà ở các quán nét quên đi nghĩa vụ học tập, thậm chí quên ăn quên ngủ, bỏ nhà đi chỉ để thỏa mãn cái đam mê game của mình. Một số em học sinh không có đủ điều kiện chơi game bắt đầu hình thành các thói quen xấu, nói dối, trộm cắp tiền bạc, tài sản của của bố mẹ để lấy tiền chơi game. Sau một thời gian dài đắm chìm trong game thì kết quả học tập của đa số các em đều giảm sút rõ rệt, lúc này đây gia đình và nhà trường mới bắt đầu thấy lo lắng và nghi ngại, khi phát hiện ra thì các em đã lún quá sâu vào game còn gọi là tình trạng “nghiện game” rất khó kiểm soát và thay đổi. Không chỉ vậy việc chơi game quá nhiều còn đem đến những ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến sức khỏe, đặc biệt là ở các bạn học sinh đang tuổi ăn tuổi lớn. Việc tiếp xúc nhiều với màn hình vi tính, điện thoại, ipad khiến thị lực của các em giảm dần rồi dẫn đến bị các tật về mắt như cận thị, loạn thị, quáng gà,… nghiêm trọng có thể dẫn tới mù. Không chỉ vậy việc ở trong cự ly gần với các thiết bị điện tử cũng gây những ảnh hưởng không tốt cho hệ thần kinh, gây ra các chứng đau đầu, mất ngủ, ánh sáng màn hình khiến da bị sạm đi. Tinh thần của con người cũng trở nên kém minh mẫn, thậm chí việc chìm trong thế giới mạng quá lâu khiến con người ta lười vận động, giao tiếp với thế giới bên ngoài dẫn đến nguy cơ trầm cảm, tự kỷ,… Thêm nữa, một số các bạn trẻ chọn chơi các loại game có yếu tố bạo lực, máu me ít nhiều cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm hồn, khiến con người trở nên nóng nảy, hung hăng, thậm chí có khuynh hướng bạo lực ở ngoài đời thực.

Nguyên nhân chủ yếu của việc các bạn trẻ nghiện game đó là sự thiếu hiểu biết và không biết kiểm soát bản thân trong các hoạt động giải trí. Đối với các bậc phụ huynh đó là sự thiếu quan tâm, giáo dục của cha mẹ đối với con cái, quá chiều chuộng luôn đáp ứng các nhu cầu tiền bạc vô lý, cho con em mình sử dụng điện thoại thông minh mà không có kiểm soát. Về phía nhà trường là sự thiếu tuyên truyền, giáo dục cho học sinh về tác hại của việc chơi game quá mức, khiến các em thiếu hiểu biết một cách nghiêm trọng và đem đến những hậu quả đáng tiếc.

Như vậy, có thể thấy việc tìm chọn cho mình một phương thức giải trí như chơi game chưa bao giờ là việc gì xấu xa. Thế nhưng mỗi một cá nhân phải tự ý thức được mức độ giải trí, không nên quá đắm chìm vào việc chơi game mà bỏ bê việc học hành, đặc biệt là gây ảnh hưởng đến sức khỏe, khiến gia đình và nhà trường phải lo lắng, thất vọng.

————————HẾT—————————

Nghị luận xã hội là một nội dung quan trọng trong chương trình Ngữ văn lớp 9, bên cạnh bàiNghị luận về tác hại của chơi game của các bạn nghiện game, các em có thể củng cố và rèn luyện thêm kĩ năng viết bài nghị luận qua việc tham khảo một số Bài văn hay lớp 9 khác như:Nghị luận về tác hại của việc nói dối, Nghị luận xã hội về tác hại của ma túy trong xã hội, Nghị luận xã hội Tác hại của thuốc lá, Nghị luận xã hội về tác hại của tệ nạn với đời sống con người

Nguyễn Thị Hương Thủy

Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội và hiện đang tham gia giảng dạy môn Ngữ Văn tại trường THPT Chu Văn An. Cô có 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, dẫn dắt nhiều thế hệ học sinh đạt những thành tích cao và đặt chân vào các trường đại học danh tiếng. Cô gặt hái được rất nhiều thành công trong sự nghiệp: giải Nhì trong cuộc thi giáo viên giỏi do thành phố Hà Nội tổ chức, tham gia giảng dạy đội tuyển Học sinh giỏi Quốc gia.
Back to top button