Lớp 11

Cảm nhận 9 câu thơ cuối trong bài thơ Vội Vàng của Xuân Diệu

Đề bài: Cảm nhận 9 câu thơ cuối trong bài thơ Vội Vàng của Xuân Diệu

cam nhan 9 cau tho cuoi trong bai tho voi vang cua xuan dieu

Cảm nhận 9 câu thơ cuối trong bài thơ Vội Vàng của Xuân Diệu

I. Dàn ýCảm nhận 9 câu thơ cuối trong bài thơ Vội Vàng của Xuân Diệu

1. Mở bài

– Sơ lược về tác giả Xuân Diệu cùng tác phẩm Vội vàng.
– Giới thiệu chủ đề của 9 câu thơ cuối bài.

2. Thân bài

– Sau khi phát hiện ra những quy luật lạnh lùng và tàn nhẫn của thời gian, của tạo hóa “Không cho dài thời trẻ của nhân gian”, Xuân Diệu đã lập tức đưa ra cho bản thân cũng như độc giả những giải pháp để tận hưởng cuộc đời.
– Tinh tế trong việc thay đổi đại từ xưng hô từ “tôi” sang “ta”, thể hiện sự nhận thức của tác giả về việc chuyển từ cái “tôi” cá nhân ích kỷ sang hòa hợp được với cái “ta” chung, cái mong muốn của nhiều người, của cộng đồng xung quanh mình. Mong muốn của Xuân Diệu đã trở thành mong muốn của tất cả mọi người, và đó là một mong muốn có tính khả thi.
– Sử dụng một loạt các động từ mạnh như “ôm”, “riết”, “say”, “thâu”, “cắn” theo cấp độ tăng tiến dần nhằm diễn tả khát khao được tận hưởng vẻ đẹp của cuộc đời bằng tất cả những giác quan mà mình có, đây là một giải pháp rất tích cực và những động từ mạnh được nêu trên chính là sự cụ thể hóa của giải pháp tích cực ấy.
=> Nhắn nhủ với độc giả rằng thay vì chỉ sống một cuộc đời duy nhất thì ta hãy hành động, hãy sống thật nhiệt tình gấp hai ba lần như thế, hãy căng mở tất cả các giác quan để tận hưởng.
– Những bổ ngữ vô cùng đặc sắc, tựa như một bàn tiệc đầy đủ cao lương, mỹ vị tuyệt vời của cuộc sống: “cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn”, “mây đưa và gió lượn”, “cánh bướm với tình yêu”, “cái hôn nhiều”, …
– Sử dụng nhiều các liên từ “và”, “cho” chỉ trong ba ý thơ “Và non nước và cây và cỏ rạng/Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng/Cho no nê thanh sắc của thời tươi”
→ Mang đến cho độc giả một cảm nhận về sự đa dạng, phong phú, dồi dào của bàn tiệc mùa xuân, của cuộc đời, mang đến cảm giác đầy ăm ắp, nhiều không sao tả xiết, khiến bản thân Xuân Diệu phải liên tục gọi tên mà vẫn không thể kể hết.
– Một loạt các tính từ láy “chếnh choáng”, “đã đầy”, “no nê” lại diễn tả sự thỏa mãn tột cùng khi tác giả căng mở hết tất cả các giác quan để đón nhận vẻ đẹp của cuộc đời.
– “Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi!”=> Sự chuyển đổi cảm giác => Tất cả những vẻ đẹp của mùa xuân đã được tác giả gói lại bằng một lời gọi thật nồng nàn, cháy bỏng “hỡi xuân hồng”, ở đâu mùa xuân đã không còn là một cái gì đó trừu tượng nữa mà nó trở thành một thực thể có màu sắc, có hình dạng, tựa như một người bạn mà tác giả cất tiếng gọi.

3. Kết bài

Nêu cảm nhận.

II. Bài văn mẫuCảm nhận 9 câu thơ cuối trong bài thơ Vội Vàng của Xuân Diệu

Xuân Diệu người được mệnh danh là một trong ba đỉnh cao của phong trào thơ mới giai đoạn 1932-1941, cùng với hai người bạn khác là Nguyễn Bính và Hàn Mặc Tử. Nếu như Nguyễn Bính thường thiết tha với những bức tranh quê giản dị đơn sơ, với những vần thơ “quê mùa”, còn Hàn Mặc Tử bận rộn với những vần thơ kỳ dị, điên cuồng, có lúc đớn đau như nhỏ máu thì Xuân Diệu lại mang đến cho độc giả những cảm nhận hoàn toàn khác biệt. Đó là một hồn thơ rất đỗi nồng nàn, đắm say và tha thiết với cuộc sống, với tình yêu vô ngần, người bộc lộ cái “tôi” của mình một cách mạnh mẽ bằng nhiều hình thức. Từ tình yêu với thiên nhiên, với mùa xuân hay nỗi khát khao với tuổi trẻ người ta đều nhìn ra một cái gì đó rất đằm thắm, sôi nổi và trẻ trung, kể cả lúc ông mới 20, hay khi đã độ 40 tuổi đời. Vội vàng có thể xem là đỉnh cao, là bài thơ xuất sắc nhất trong sự nghiệp sáng tác của Xuân Diệu và cũng là tác phẩm đáng chú ý nhất trong một giai đoạn thơ Mới kéo dài gần 10 năm. Đặc biệt ở 9 câu thơ cuối chính là kết quả của sự nhận thức về những triết lý về mùa xuân, tuổi trẻ, tình yêu và cả quy luật tuần hoàn của thời gian tạo hóa. Tất cả đã trở thành lời giục giã, ý niệm hành động cổ vũ từng con người hãy sống và tận hưởng khi còn có thể.

Ngay sau khi phát hiện ra những quy luật lạnh lùng và tàn nhẫn của thời gian, của tạo hóa “Không cho dài thời trẻ của nhân gian”, Xuân Diệu đã lập tức đưa ra cho bản thân cũng như độc giả những giải pháp để tận hưởng cuộc đời trong 9 câu thơ cuối bài.

“Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
– Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”

Sự trôi chảy và vận động hối hả không ngừng nghỉ của cuộc sống là nỗi đau lớn nhất của đời của Xuân Diệu, bởi đối với một con người khao khát và tiếc nuối mùa xuân khi nó còn chưa tàn thì sự lụi tàn, tan biến của mùa xuân cũng như tuổi trẻ chính là điều mà người thi sĩ khó có thể chấp nhận. Tuy nhiên một người yêu đời và ham sống như Xuân Diệu cũng chẳng bao giờ chịu bất lực trước trái ngang của tạo hóa, người đã cố gắng tìm cho mình một giải pháp để chiến thắng được cái dòng chảy lạnh lùng của thời gian. Nếu như trong phần mở đầu bài thơ Xuân Diệu chọn cách liều lĩnh, táo bạo chặn đứng bước đi của thời bằng việc “tắt nắng”, “buộc gió” để lưu giữ lại những phần hương sắc tuyệt vời của mùa xuân. Tuy nhiên cái “tôi” ngông cuồng đó của tác giả đã không đủ khả thi để ngăn chặn bước đi đầy quyền năng của tạo hóa, đặc biệt là sau những nhận thức về triết lý nhân sinh cũng như quy luật của thời gian thì Xuân Diệu đã có những sáng tạo mới, giải pháp mới.

Trong 9 câu thơ cuối bài tác giả đã tinh tế trong việc thay đổi đại từ xưng hô từ “tôi” sang “ta”, đây cũng là một cách chuyển đổi khá quen thuộc trong nhiều bài thơ Việt Nam hiện đại, thể hiện sự nhận thức của tác giả về việc chuyển từ cái “tôi” cá nhân ích kỷ sang hòa hợp được với cái “ta” chung, cái mong muốn của nhiều người, của cộng đồng xung quanh mình. Mong muốn của của Xuân Diệu đã trở thành mong muốn của tất cả mọi người, và đó là một mang muốn có tính khả thi, mà mỗi chúng ta đều có thể có nhu cầu muốn thực hiện nó. Bên cạnh đó để bộc lộ khao khát, mong muốn của mình Xuân Diệu đã sử dụng một loạt các động từ mạnh như “ôm”, “riết”, “say”, “thâu”, “cắn” theo cấp độ tăng tiến dần nhằm diễn tả khát khao được tận hưởng vẻ đẹp của cuộc đời bằng tất cả những giác quan mà mình có, đây là một giải pháp rất tích cực và những động từ mạnh được nêu trên chính là sự cụ thể hóa của giải pháp tích cực ấy. Một cái ôm trọn nhẹ nhàng, đến một cái ôm thật chặt chẽ, rồi đến sự hòa quyện, say mê trong việc “say”, “thâu”, cuối cùng là được tận hưởng trọn vẹn tất cả những gì hữu hình và vô hình của sự sống thông qua một ngụm “cắn” mạnh mẽ, giòn tan. Có thể nói thông qua những động từ thú vị này, Xuân Diệu muốn nhắn nhủ với độc giả rằng thay vì chỉ sống một cuộc đời duy nhất thì ta hãy hành động, hãy sống thật nhiệt tình gấp hai ba lần như thế, hãy căng mở tất cả các giác quan mà lâu nay ta vẫn nghĩ nó chỉ có thể làm những nhiệm vụ thông thường để tận hưởng một cách tràn trề, sung sướng cái mùa xuân tuyệt vời đang lan tràn ngoài kia.

Và Xuân Diệu không chỉ chọn ra cho chúng ta những động từ mạnh mẽ, bộc lộ niềm khao khát thúc giục, mà ở sau mỗi động từ ấy tác giả còn sắp thêm những bổ ngữ vô cùng đặc sắc, tựa như một bàn tiệc đầy đủ cao lương, mỹ vị tuyệt vời của cuộc sống. Người muốn ôm “cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn”, muốn “riết”chặt lấy những mây đưa và gió lượn đầy tự do, hương sắc, lại cũng muốn say sưa trong những cánh bướm dập dờn, trong sự ngọt ngào của tình yêu đôi lứa. Và khi có tình yêu rồi thi sĩ bất chợt muốn có nhiều hơn muốn thâu tóm trọn vẹn vào lòng bàn tay, vào tâm khảm bằng một cái “hôn nhiều” nồng nàn, say đắm, và cuối cùng chỉ một cái hôn làm sao cho đủ. Xuân Diệu đứng trước sự căng tràn sức sống của mùa xuân, người cũng kìm lòng không đặng mà “cắn” lấy một ngụm, để hoàn toàn được thưởng thức cái vị “ngon” hiếm có của thế gian này. Và khi đứng trước bàn tiệc cuộc đời với đủ món mỹ vị từ mùa xuân, từ tình yêu Xuân Diệu cũng lại giống như một kẻ “quê mùa” bỗng trở nên bối rối “Ta chỉ là một cây kim bé nhỏ/Mà vạn vật là muôn đá nam châm”, tất cả đều có sức hút vô cùng mãnh liệt với thi nhân, không biết phải hướng vào đâu để tận hưởng cho hết sự tuyệt vời đang buổi sung túc ấy.

Bên cạnh đó điểm đặc sắc của đoạn thơ này còn nằm ở việc tác giả sử dụng nhiều các liên từ “và”, “cho” chỉ trong ba ý thơ “Và non nước và cây và cỏ rạng/Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng/Cho no nê thanh sắc của thời tươi”. Nếu như trong thơ trung đại thì đây là một điều tối kỵ trong thi ca, tuy nhiên đối với Xuân Diệu thì đó lại là một sự cố ý có nghĩa vô cùng. Việc lặp các liên từ đem đến cho độc giả một cảm nhận về sự đa dạng, phong phú, dồi dào của bàn tiệc mùa xuân, của cuộc đời, mang đến cảm giác đầy ăm ắp, nhiều không sao tả xiết, khiến bản thân Xuân Diệu phải liên tục gọi tên mà vẫn không thể kể hết. Một loạt các tính từ láy “chếnh choáng”, “đã đầy”, “no nê” lại diễn tả sự thỏa mãn tột cùng khi tác giả căng mở hết tất cả các giác quan để đón nhận vẻ đẹp của cuộc đời. Mà đôi lúc người ta có thể tượng tượng ra Xuân Diệu như một chú ong “tham lam” đang say sưa, ngây ngất, lảo đảo trong chính vườn hoa đậm thanh, đậm sắc mang tên cuộc đời này.

Cuối cùng sau tất cả những mong muốn mạnh mẽ, nồng nhiệt của mình Xuân Diệu đã chốt bài thơ bằng câu “Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi!”. Tất cả những vẻ đẹp của mùa xuân đã được tác giả gói lại bằng một lời gọi thật nồng nàn, cháy bỏng “hỡi xuân hồng”, ở đâu mùa xuân đã không còn là một cái gì đó trừu tượng nữa mà nó trở thành một thực thể có màu sắc, có hình dạng, tựa như một người bạn mà tác giả cất tiếng gọi. Sự tinh tế trong việc chuyển đổi cảm giác từ mùa xuân vô hình sang “xuân hồng” hữu hình, tựa như một trái đào chín mọng nước, thôi thúc tác giả có khát khao, có xúc động muốn cắn vào cho thỏa tấm lòng mong ước.

Tóm lại 9 câu thơ cuối bài đó chính là sự thể hiện giải pháp tận hưởng những vẻ đẹp tuyệt vời của mùa xuân cuộc đời – một giải pháp rất tích cực và sáng tạo trong thơ ca. Hơn ai hết Xuân Diệu hiểu rõ rằng bản thân mình không thể chặn đứng bước đi của thời gian, của tạo hóa để mưu cầu lấy vẻ đẹp của mùa xuân mãi mãi trong ánh nắng, trong hơi gió. Chính vì thế người đã cố gắng tìm ra một giải pháp khác có tính khả thi hơn đó chính là nỗ lực sống và tận hưởng gấp nhiều lần cuộc đời vốn cả, căng mở, thức nhọn hết tất cả các giác quan và tâm hồn để tận hưởng bữa tiệc thịnh soạn do tạo hóa ban tặng..

————————-HẾT————————-

Qua bàiCảm nhận 9 câu thơ cuối trong bài thơ Vội Vàng của Xuân Diệu, các em đã cảm nhận được khát vọng mãnh liệt mà thành thực của người thi sĩ, tìm hiểu chi tiết về bài thơ Vội vàng, các em có thể tham khảo thêm: Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ,Cảm nhận bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ, Bình giảng bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ, Phân tích bức tranh thiên nhiên trong bài Đây thôn Vĩ Dạ

Nguyễn Thị Hương Thủy

Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội và hiện đang tham gia giảng dạy môn Ngữ Văn tại trường THPT Chu Văn An. Cô có 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, dẫn dắt nhiều thế hệ học sinh đạt những thành tích cao và đặt chân vào các trường đại học danh tiếng. Cô gặt hái được rất nhiều thành công trong sự nghiệp: giải Nhì trong cuộc thi giáo viên giỏi do thành phố Hà Nội tổ chức, tham gia giảng dạy đội tuyển Học sinh giỏi Quốc gia.
Back to top button