Lớp 11

Những nét chính về nội dung và nghệ thuật bài thơ Tràng giang

Đề bài: Những nét chính về nội dung và nghệ thuật bài thơ Tràng giang

nhung net chinh ve noi dung va nghe thuat bai tho trang giang

Những nét chính về nội dung và nghệ thuật bài thơ Tràng giang

Bài làm:

Vào một buổi chiều mùa thu năm 1939, ở bờ Nam bến Chèm, có người thi sĩ Huy Cận đứng ngắm nhìn cảnh sông Hồng mênh mông sóng nước, bốn bề xung quanh vắng lặng trong tâm tư lại nghĩ về những kiếp người trôi nổi mà lòng nặng trĩu sự ưu tư, phiền não. Dựa trên sự gặp gỡ giữa phong cảnh và tâm trạng đó mà tứ thơ Tràng giang đã được hình thành. Bài thơ là nỗi sầu của một cái tôi cô đơn trước vũ trụ rộng lớn, niềm khát khao hòa nhập với đời và lòng yêu quê hương đất nước tha thiết được thể hiện qua sự kết hợp hài hoà giữa yếu tố cổ điển và hiện đại.

Về nội dung, hình ảnh bức tranh thiên nhiên”Tràng giang” hiện lên với tất cả sự đối lập, tương phản giữa thiên nhiên, không gian vũ trụ bao la với sự sống đơn lẻ, hiu quạnh, trôi trong vô định, tâm hồn lạc lõng, bơ vỡ giữa dòng. Nhà thơ Huy Cận đã phủ lên cảnh vật, không gian những cảm xúc, tâm trạng với những sắc thái : “buồn điệp điệp”, “sầu trăm ngả”, “lạc mấy dòng”, “gió đìu hiu”, “vãn chợ chiều”, “bến cô liêu”, “không một chuyến đò ngang”,….Qua những hình ảnh đó, tất cả như muốn một màu ảm đảm, buồn thê lương lan toả vào trong không gian và thời gian, sự sống đang dần lụi tàn, chìm vào tuyệt vọng, bế tắc.

Huy Cận đã mượn sự cô tịch của cảnh vật để thể hiện nỗi cô đơn, sầu muộn của người “lữ thứ” – một “cái tôi” cô đơn trước thiên nhiên vũ trụ rộng lớn, bao la, mênh mang, dàn trải, rợn ngợp. Đó là hình ảnh con thuyền xuôi theo dòng nước, một cành củi khô lạc giữa những sóng nước gối dòng, những cánh bèo của kiếp phù du mang thân phận trôi dạt không bến bờ qua câu hỏi “Bèo dạt về đâu hàng nối hàng”. Tất cả như hoà điệu, gợi nên nỗi buồn triền miên của cái tôi trữ tình.

Nỗi niềm khát khao được hoà hợp giữa những con người và tình yêu quê hương đất nước được thể hiện một cách kín đáo ở khổ thơ cuối.

“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.”

Đó là nỗi niềm của một con người đang đứng và sống trên quê hương mà vẫn thấy thiếu quê hương, thấy bơ vơ ngay trên quê hương mình. Lúc này, tâm tư của nhà thơ có sự đồng điệu với nỗi nhớ “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc / Thương nhà mỏi miệng cái gia gia” của Bà Huyện Thanh Quan. Trước cả một đất trời, vũ trụ, tâm hồn của người thi sĩ lúc này là tâm trạng của người dân mất nước, nỗi thiết tha với tạo vật cũng chính là thiết tha với giang sơn, tổ quốc của chính mình.

Về mặt nghệ thuật, bài thơ là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố cổ điển và hiện đại hay cụ thể hơn là yếu tố Đường thi với yếu tố thơ mới được thể hiện xuyên suốt bài thơ, ngay từ nhan đề, lời đề từ cho đến khổ thơ cuối cùng. Nhắc đến Tràng giang, nhiều người không khỏi thắc mắc tại sao nhà thơ Huy Cận lại đặt nhan đề tác phẩm của mình là “Tràng giang” mà không phải là “Trường giang”. Điều đó đã từng được nhà thơ lí giải, “tràng” và “trường” đều có nghĩa là dài, nhưng “tràng” còn là một từ cổ. Hai từ tràng giang đều mang âm “ang”, cùng gợi lên cảnh sông nước mênh mông dài, rộng, không gian vô tận, vũ trụ bao la. Hơn nữa, ở Trung Quốc cũng có một con sông lớn tên là “Trường Giang” nếu đặt nhan đề như thế dễ bị nhầm lẫn về địa danh, mà cái tên “Tràng giang” nó có nét dân gian, mang hồn của nước Việt. Hình ảnh sóng gợn “tràng giang” vừa là một hình ảnh tiểu đối đặc sắc vừa làm nổi bật cái nhỏ bé mơ hồ của sóng lẫn cái mênh mang của cảnh tràng giang. Đó là thủ pháp dùng động tả tĩnh, dùng cái hữu hạn để tả cái vô cùng. Chất cổ điển và hiện đại đã được thể hiện ngay từ cách đặt nhan đề ấy.

Đặc biệt, ở lời đề từ “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài”, nội dung tư tưởng và ý đồ nghệ thuật của tác giả được thể hiện một cách rõ nét. Hai từ láy “bâng khuâng” gợi lên một nỗi buồn man mác len lỏi vào trong tâm hồn của con người. Với cách sử dụng biện pháp đảo trật tự cú pháp “bâng khuâng” lên đầu câu, nhà thơ Huy Cận đã khiến người đọc vướng vào những nỗi niềm tâm sự không biết giãy bày cùng với ai. Từ đó, bức tranh “Tràng giang” hiện lên với tất cả sự đối lập, tương phản giữa thiên nhiên, không gian vũ trụ bao la với sự sống đơn lẻ, hiu quạnh, trôi trong vô định, tâm hồn lạc lõng, bơ vỡ giữa dòng.

Qua mỗi khổ thơ, nhà thơ Huy Cận đã vận dụng linh hoạt các biện pháp nghệ thuật đối, bút pháp tả cảnh giàu tính tạo hình với hệ thống từ láy giàu giá trị biểu cảm nhằm diễn tả sự nỗi sầu vô hạn của người thi sĩ khi đối diện trước một không gian vô hạn, vô cùng.Nếu ở khổ thơ thứ nhất, hình thức tiểu đối trong câu thơ “Thuyền về nước lại sầu trăm ngả” làm nổi bật nên bức tranh nghịch cảnh của thiên nhiên, gợi tả sự chia li giữa thuyền và nước, phá vỡ thế sóng đôi cân bằng ở câu thơ “Con thuyền xuôi mái nước song song” thì ở khổ thơ thứ hai, câu thơ “Nắng xuống trời lên sâu chót vót” biện pháp tiểu đối được thể hiện giữa hai động từ “xuống” và “lên” như đang kéo dãn không gian và thời gian, cảm giác mênh mang như nhân lên gấp bội phần.Cáchsử dụng các hình ảnh “buồn điệp điệp”, “sầu trăm ngả”, “lạc mấy dòng”, “bèo dạt hàng nối hàng”, “gió đìu hiu”, “vãn chợ chiều”, “sâu chót vót”, “bến cô liêu”,… là sự kết hợp giữa tính từ chỉ tâm trạng, động từ trạng thái với các từ láy đã làm nổi bật trạng thái thưa thớt, trống trải của bức tranh thiên nhiên cảnh vật. Những hình ảnh đó thường được coi là chất liệu sáng tác của thi ca cổ điển nhưng qua cách dùng từ của Huy Cận nó đã mang âm hưởng, hơi hướng của yếu tố hiện đại. Bởi tác giả đã gửi gắm vào là nỗi lòng thương cảm cho những thân phận nổi trôi, cô đơn, bèo bọt của con người giữa dòng đời. Những hình ảnh mang tính tạo hình, biểu cảm như : “bờ xanh tiếp bãi vàng”, ” mây cao đùn núi bạc”, “chim nghiêng cánh nhỏ”, bóng chiều sa” gợi tả một bức tranh thiên nhiên sắc nét, vừa động vừa tĩnh.

Một hình ảnh “Tràng giang”mênh mông vô tận, hoang vu, lạnh lẽo, sự mờ nhạt trong dấu vết của sự sống con người, của tình người rất mong manh đã được nhà thơ Huy Cận gửi gắm qua cái nhìn lãng mạn của một hồn thơ thuỷ chung với cảm hứng vũ trụ, luôn khát khao hoà hợp cảm thông trong tình yêu với đất nước, tình nhân loại. Từ thể thơ, đề tài, cảm hứng, chất liệu đến giọng điệu, bút pháp, bài thơ Tràng giang vừa mang một dấu ấn đặc trưng của “cái tôi” thơ mới vừa mang phong vị thi ca cổ điển. Tất cả đã làm nổi bật nét đặc trưng trong phong cách của thơ Huy Cận.

——————–HẾT————————

Bài thơ Tràng Giang là tác phẩm nổi tiếng của nhà thơ Huy Cận, ngoài bài làm văn Những nét chính về nội dung và nghệ thuật bài thơ Tràng giang, học sinh và giáo viên có thể tham khảo thêm nhiều hơn nữa những bài làm văn mẫu khác như Phân tích Vẻ đẹp cổ điển và hiện đại của Tràng Giang, Phân tích hình ảnh thiên nhiên trong bài thơ Tràng giang, Cảm nhận về bài thơ Tràng giang của Huy Cận, Bình giảng bốn câu kết trong bài thơ Tràng giang, Tràng Giang mang vẻ đẹp vừa cổ điển vừa hiện đại. Phân tích bài thơ để làm sáng tỏ nhận xét trên, hay cả những phần Soạn văn lớp 11 – Tràng giang.

Nguyễn Thị Hương Thủy

Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội và hiện đang tham gia giảng dạy môn Ngữ Văn tại trường THPT Chu Văn An. Cô có 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, dẫn dắt nhiều thế hệ học sinh đạt những thành tích cao và đặt chân vào các trường đại học danh tiếng. Cô gặt hái được rất nhiều thành công trong sự nghiệp: giải Nhì trong cuộc thi giáo viên giỏi do thành phố Hà Nội tổ chức, tham gia giảng dạy đội tuyển Học sinh giỏi Quốc gia.
Back to top button