Lớp 9

Cảm nhận về bài thơ Đồng chí của Chính Hữu

Đề bài: Em hãy trình bàyCảm nhận về bài thơ Đồng chí của Chính Hữu

cam nhan ve bai tho dong chi

Cảm nhận về bài thơ Đồng chí

Bài làm:

Giữa những năm tháng chiến tranh khốc liệt, dọc những chiến trường đầy lửa đạn bom rơi, tình đồng đội giữa người lính cách mạng vẫn luôn đầm ấm và ngời sáng. Tác phẩm “Đồng chí” của Chính Hữu là một trong số những sáng tác thể hiện rõ điều này. Ra đời vào đầu năm 1948 sau khi tác giả cùng đồng đội tham gia chiến dịch Việt Bắc trong cuộc kháng chiến chống Pháp, bài thơ đã thể hiện một cách sâu sắc tình đồng đội, đồng chí sâu nặng giữa những người lính cách mạng. Qua đó, chúng ta thấy được bức chân dung người lính rất đỗi chân thực, giản dị nhưng hết sức cao đẹp.

Ngay từ nhan đề bài thơ, tác giả Chính Hữu đã nhấn mạnh về sức mạnh và vẻ đẹp tinh thần của người lính cách mạng, bởi cách gọi “đồng chí” vừa thể hiện tình chiến đấu, vừa ẩn chứa những ý niệm sâu sắc về tình thân giữa những con người có cùng chung cảnh ngộ, gắn bó keo sơn để cùng đi qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Sự gắn bó máu thịt và hữu cơ giữa những người lính cầm súng được tạo dựng trên cơ sở về cảnh ngộ xuất thân và lí tưởng chiến đấu. Lời thơ giản dị, mộc mạc “Quê hương anh nước mặn đồng chua/ Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá” cùng giọng thơ thủ thỉ tâm tình đã phác họa cảnh ngộ và hoàn cảnh xuất thân của người lính. Các anh đều là những người nông dân rũ bỏ bùn đất để hội tụ trong đội ngũ kháng chiến và ngày đêm cầm chắc tay súng, và rồi giữa họ có thêm sự gắn kết về lí trí và mục đích chiến đấu cao cả:

“Súng bên súng đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ
Đồng chí!”

Mối tình tri kỉ cùng đi qua những khắc nghiệt, khó khăn của cuộc kháng chiến “đêm rét chung chăn” càng tôi luyện hơn nữa ý chí chiến đấu giữa họ, tạo nên một hình tượng độc đáo: “Súng bên súng đầu sát bên đầu”. Sự chan hòa sẻ chia mọi gian lao của họ bỗng đúc kết thành hai tiếng “Đồng chí!” thật đặc biệt và sâu lắng, thể hiện sự kết tinh một tình cảm hết sức đáng quý và đáng trân trọng. Câu thơ trở thành bản lề, là dấu gạch nối để tác giả miêu tả cụ thể về vẻ đẹp và sức mạnh của tình đồng chí.

Là những người con lên đường ra trận vì tiếng gọi của Tổ quốc, các anh đã để lại sau lưng “ruộng nương”, “Gian nhà không”- những gì thân thương nhất của “nơi chôn rau cắt rốn”. Họ đã chấp nhận hi sinh và dứt khoát đi theo lí tưởng giải phóng dân tộc với một thái độ kiên quyết nhưng những người nông dân ấy vẫn nặng lòng nhớ về quê hương, bởi tình yêu quê hương luôn quyện hòa trong tình yêu đất nước và tạo thành sức mạnh tinh thần để người lính vượt qua mọi khó khăn, gian lao thử thách ác liệt trên chiến trường:

“Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Chân không giày”

Bức tranh về hiện thực tàn khốc của chiến tranh đã được tác giả Chính Hữu khắc họa thông qua những nét vẽ về những hiểm nguy về căn bệnh sốt rét và khó khăn thiếu thốn và gian khổ. Giữa những đêm đông gió lạnh nơi “rừng thiêng nước độc”, chỉ với chiếc áo đã rách vai, quần “có vài mảnh vá”, “chân không giày”, những người lính vẫn giữ vững lí tưởng chiến đấu. Hình ảnh của họ bỗng hiện lên đẹp đẽ hơn qua sự sẻ chia, sự cảm thông và tình thương dành cho nhau: “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”. Để mạnh mẽ bước qua những gian khổ, họ đã động viên và truyền cho nhau sức mạnh tình thương bằng hành động “tay nắm lấy bàn tay” đầy xúc động. Hình ảnh đó mang ý nghĩa biểu tượng cho sự kết tinh vẻ đẹp của tình đồng chí, đồng đội:

“Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo”

Giữa không gian âm u, hoang vắng, lạnh lẽo và đầy hiểm nguy của núi rừng bao la, sương muối giăng kín mọi cành cây kẽ lá, người lính vẫn nắm chắc tay súng để hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu. Họ đứng cạnh nhau để truyền cho nhau hơi ấm của tình đồng chí trong tư thế sẵn sàng đối mặt với kẻ thù một cách đầy quyết tâm. Và rồi tầm vóc của người lính bỗng trở nên kì vĩ và lớn lao hơn bao giờ hết với hình ảnh biểu tượng “Đầu súng trăng treo”. Người lính bộ đội Cụ Hồ với vũ khí chiến đấu là cây súng cùng vầng trăng cùng quyện hòa đan cài vào nhau trong mối quan hệ độc đáo. Hai hình ảnh “đầu súng” dưới mặt đất – biểu tượng của chiến đấu, của chiến tranh và “trăng” trên bầu trời khuya vắng – biểu tượng của cái đẹp, của thiên nhiên cùng đồng hiện dựa trên sự kết nối qua từ “treo” đầy thú vị. Hiện thực tàn khốc của chiến tranh không thể tiêu diệt tâm hồn lãng mạn cùng niềm vui, tin yêu và lạc quan của những người lính. Hình tượng thơ độc đáo giữa súng và trăng đã tạo nên vẻ đẹp thơ mộng của không gian và vẻ đẹp trữ tình lãng mạn của tác phẩm.

Như vậy, thông qua ngôn ngữ thơ giản dị, mộc mạc cùng những hình ảnh thơ chân thực và giàu sức gợi kết hợp giọng thơ sâu lắng, xúc động, bài thơ đã làm nổi bật vẻ đẹp của hình tượng người nông dân – chiến sĩ cách mạng với những phẩm chất của anh bộ đội Cụ Hồ. Đồng thời thể hiện rõ tình cảm giữa những người lính – tình đồng chí đầy thiêng liêng, cao đẹp luôn ngời sáng trong những năm tháng kháng chiến gian lao.

——————HẾT——————–

Bài thơ Đồng chí là tác phẩm nổi bật trong ngữ văn lớp 9, ngoài bài làm văn Cảm nhận về bài thơ Đồng chí, học sinh và thầy cô giáo có thể tham khảo thêm các bài làm văn mẫu như Cảm nghĩ về bài Đồng chí, Phân tích bài thơ Đồng chí của Chính Hữu, Suy nghĩ của em về tình đồng chí đồng đội trong bài thơ Đồng chí, So sánh Đồng Chí và Tây Tiến hay cả các phần Soạn bài Đồng chí các bạn cùng tham khảo.

Nguyễn Thị Hương Thủy

Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội và hiện đang tham gia giảng dạy môn Ngữ Văn tại trường THPT Chu Văn An. Cô có 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, dẫn dắt nhiều thế hệ học sinh đạt những thành tích cao và đặt chân vào các trường đại học danh tiếng. Cô gặt hái được rất nhiều thành công trong sự nghiệp: giải Nhì trong cuộc thi giáo viên giỏi do thành phố Hà Nội tổ chức, tham gia giảng dạy đội tuyển Học sinh giỏi Quốc gia.
Back to top button