Đề bài: Cảm nghĩ của anh (chị) về giá trị hiện thực sâu sắc của đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh
Cảm nghĩ của anh (chị) về giá trị hiện thực sâu sắc của đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh
Bài làm:
Cuộc sống luôn có nhiều áp bức khổ đau. Thật vậy, luôn có những kẻ sống sung sướng mà chẳng hay đang chà đạp lên cuộc đời của người khác hay thậm chí nếu có biết thì chúng cũng chỉ coi người khác như những kẻ nghèo khổ đáng khinh và không chút thương hại. Sự đáng hận tột cùng của xã hội được phản ánh qua bức tranh xa hoa nơi phủ chúa được lột tả qua tác phẩm “Vào phủ chúa Trịnh”.
Không ai sinh ra trên đời này mà mong muốn mình có một cuộc sống khổ đau, không ai có thể chọn được bố mẹ, người đã mang nặng đẻ đau để sinh ra mình. Vì vậy, con vua thì vẫn làm vua còn kẻ nghèo khó thì vẫn muôn đời chịu kiếp đau thương. Và đó cũng là bi kịch của xã hội cũ.
Khung cảnh nơi phủ chúa càng nguy nga, tráng lệ thì cuộc sống của con người càng đau khổ, lầm than. Chẳng biết để làm lên những tòa lâu đài nguy nga, kiều diễm ấy đã hy sinh bao nhiêu tính mạng con người, đã có bao nhiêu kẻ kém may mắn bị bóc lột cùng cực, họ chịu kiếp trâu ngựa bị bóc lột tột cùng mà không được trả công. Họ trở thành những linh hồn khổ đau bị số phận ngược đãi.
Tác giả mở đầu tác phẩm bằng việc vẽ vào tâm trí người đọc bằng những nét chấm phá bởi cỏ cây, những tòa cung điện đồ sộ hoành tráng, đi đâu đâu cũng là kẻ hầu người hạ, màu sắc lộng lẫy chói lóa bởi những thứ được làm bằng vàng ở khắp nơi, rồi lại những tảng đá hình thù kì lạ mà ông chưa nhìn thấy bao giờ. Không chỉ cảm nhận bằng mắt mà ông cũng sử dụng cả khứu giác của mình để cảm nhận mùi hương trong phủ chúa, đó là một thế giới hoàn toàn trái ngược với thế giới ngoài kia. Đó là cuộc sống của những kẻ vua chúa đang sống bằng xương máu người khác, một cuộc sống hoang phí đến tột độ.
Và đâu chỉ có khung cảnh khiến con người ta thần hồn phách tán mà ngay cả cung cách sinh hoạt nơi phủ chúa cũng khác người. May mắn được một bữa cơm ở phủ chúa thế nhưng nó lại khiến ông nhớ cả đời. Bữa ấy ông được ăn sơn hào hải vị, được dùng mâm vàng chén bạc mà cả đời người hành nghề y chưa bao giờ được chạm tới. Đọc đến đây chúng ta lại không khỏi xót xa cho những con người bất hạnh chết vì đói khát, nhiều người phải bỏ mạng trong đêm đông lạnh giá, tất cả đều bị bóc lột đến kiệt cùng. Trong khi nhiều người chỉ mong được ăn lo, mặc ấm thì lại có những kẻ hưởng thụ không biết chán. Cuộc sống vẫn cứ luôn tàn nhẫn như thế và số phận đôi khi luôn chà đạp lên con người. Vì vậy đã có không ít người đứng lên đấu tranh, khởi nghĩa nổ ra khắp nơi để đòi lại quyền tự do của con người. Vậy là để được hưởng thành quả lao động của mình chẳng lẽ con người phải đánh đổi bằng mạng sống ?
Chẳng phải tự nhiên mà cuộc sống con người rơi vào bế tắc, và một trong những điều đáng hận đó là do bộ máy cai trị quá thối nát. Vị vua anh minh mà người dân tin tưởng nay chẳng có nổi một chút quyền lực trong tay để bảo vệ con dân của mình mà ngược lại hắn trở thành con rối, trở thành công cụ cho người khác sai khiến. Mọi quyền lực đều rơi vào tay cha con chúa Trịnh Sâm, cả một quốc gia nay nằm gọn trong tay kẻ vua chúa ăn chơi sa đọa. Thử hỏi trong tình cảnh như thế có đáng hận?
Nhưng không phải cả xã hội kẻ nào cũng lầm đường lạc lối, vẫn có những người sáng suốt biết lấy đại cục làm trọng. Có những người từ bỏ chốn vinh hoa phú quý, quyết tâm tránh xa quyền lực để không bị cuốn vào vòng luẩn quẩn. Và một trong số đó là Lê Hữu Trác, ông không những là một lương y nhân từ, thương yêu con người mà còn là người yêu tự do, không ham mê vinh hoa phú quý. Đó là một hạt bụi vàng trong cồn cát phong kiến hỗn độn.
Ở đâu có áp bức bóc lột ở đó ắt sẽ có khởi nghĩa đấu tranh. Thật vậy, chiến tranh khiến bao người bỏ mạng, nhiều người mất đi người thân đau xót tột cùng. Và tội nhân trực tiếp gây ra bao đau đớn đớn không ai khác lại chính là những kẻ cầm quyền. Đoạn trích “Vào phủ chúa Trịnh” đã vạch trần bộ mặt vô nhân đạo của xã hội cũ đồng thời thể hiện cái nhìn đúng đắn của lương y có tài đức. Đó là sống tự do, sống cuộc sống tự tại của mình chứ không phải sống sung sướng nhưng khom lưng quỳ gối trước kẻ cầm quyền.
———————–HẾT——————–
Bên cạnh bài văn mẫuCảm nghĩ của anh (chị) về giá trị hiện thực sâu sắc của đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh, khi tìm hiểu về đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh, các em có thể tham khảo thêm nhiều bài văn mẫu đặc sắc khác như:Phân tích đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh, Phân tích bút pháp kí sự của Lê Hữu Trác qua đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh, Cảm nhận về đoạn văn Vào phủ chúa Trịnh trích Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác.