Đề bài: Vẻ đẹp của tình đồng chí được thể hiện trong bài thơ Đồng chí
Vẻ đẹp của tình đồng chí được thể hiện trong bài thơ Đồng chí
I. Dàn ývẻ đẹp của tình đồng chí được thể hiện trong bài thơ Đồng chí (Chuẩn)
1. Mở bài
– Giới thiệu khái quát
2. Thân bài
a. Giải thích khái quát về khái niệm “tình đồng chí”
– Tình đồng chí trước hết là tình cảm giữa những người có chúng lí tưởng và mục đích chiến đấu.
– Đó là tình cảm thấu hiểu, gắn bó, gắn kết đầy cao đẹp.
b. Vẻ đẹp của tình đồng chí thể hiện qua sự gắn bó, sẻ chia, đồng cam cộng khổ vượt qua những gian khổ của cuộc chiến đấu
– Hình ảnh thơ “Súng bên súng, đầu sát bên đầu” gợi sự gắn bó, sát cánh bên nhau.
– Những người lính cùng trải qua sự nguy hiểm của căn bệnh sốt rét.
– Những người lính trải qua những thiếu thốn của cuộc chiến…(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý vẻ đẹp của tình đồng chí được thể hiện trong bài thơ Đồng chí tại đây
II. Bài văn mẫuVẻ đẹp của tình đồng chí được thể hiện trong bài thơ Đồng chí (Chuẩn)
Trong nền văn học trung đại Việt Nam, Nguyễn Đình Chiểu đã dựng lên bức tượng đài bất diệt về những người nghĩa sĩ anh hùng. Đến thời kì văn học hiện đại, người nông dân một lần nữa xuất hiện đầy ấn tượng trong trang thơ của Chính Hữu với tư cách là những người lính. Và giữa họ đã có sự kết nối, liên hệ với nhau để làm nên vẻ đẹp của tình đồng chí – một tình cảm thiêng liêng, cao đẹp trong những năm tháng kháng chiến khốc liệt.
“Đồng chí” là cách gọi thân thuộc giữa những người làm việc chung trong một đơn vị kháng chiến hay đoàn thể cách mạng như tiểu đoàn, tiểu đội,…. Bởi vậy, tình đồng chí trước hết là tình cảm giữa những người có chúng lí tưởng và mục đích chiến đấu đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Đó là tình cảm thấu hiểu, gắn bó, gắn kết đầy cao đẹp và thiêng liêng xuất hiện trong những năm kháng chiến, cách mạng.
Trong bài thơ “Đồng chí”, vẻ đẹp của tình cảm thiêng liêng đó được thể hiện qua sự sẻ chia, đồng cam cộng khổ vượt qua những gian khổ của cuộc chiến đấu. Giã từ những gì thân thuộc nhất, họ rời bỏ quê hương để thực hiện lý tưởng cách mạng cao đẹp:
“Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ
Đồng chí!”
Hình ảnh thơ “Súng bên súng, đầu sát bên đầu” đã khái quát ý nghĩa tượng trưng về sự gắn bó giữa những người lính trong lúc thực hiện nhiệm vụ. Trước hết, giữa họ có điểm chung về lí tưởng, nhiệm vụ chiến đấu giải phóng dân tộc. Đồng thời, cách nói hoán dụ “đầu sát bên đầu” đã khẳng định quyết tâm đó của họ. Dù cuộc đời quân ngũ chứa đựng muôn vàn khó khăn, thiếu thốn nhưng họ vẫn sưởi ấm cho nhau bằng tình cảm đồng chí: “Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ”. Giữa những đêm hành quân giá lạnh, họ truyền cho nhau hơi ấm và trở thành “tri kỉ”- những người bạn luôn đồng hành, thấu hiểu và sẻ chia. Và rồi tiếng gọi “Đồng chí!” vang lên càng nhấn mạnh, khẳng định hơn nữa tình cảm thiết tha, sâu lắng của tình đồng đội.
Những hiểm nguy, gian khổ của những năm tháng kháng chiến còn được thể hiện qua hình ảnh tả thực về những cơn sốt rét rừng: “Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh/ Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi”. Sự tàn phá của những cơn sốt rét đối với cơ thể người lính đã được tác giả làm nổi bật thông qua những chi tiết hết sức trần trụi và chân thực. Đồng thời, sự thiếu thốn còn được nhấn mạnh qua những hình ảnh:
“Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày”
Bằng biện pháp liệt kê, những gian khổ của cuộc đời người lính đã được tô đậm. Tuy nhiên, họ vẫn giữ trên môi nụ cười của tinh thần lạc quan cách mạng: “Miệng cười buốt giá” và coi nhẹ những thiếu thốn, thử thách. Dường như đó chỉ là những điều kiện cần và đủ để họ sẻ chia, yêu thương gắn bó một cách sâu sắc hơn: “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”. Đó chính là biểu tượng của những lời động viên chân thành mà những người lính dành cho nhau để cùng vượt qua những khó khăn và thiếu thốn, truyền thêm sức mạnh to lớn để tiếp tục thực hiện lý tưởng chiến đấu vĩ đại.
Cuối cùng, để nhấn mạnh vẻ đẹp của tình đồng chí, tác giả Chính Hữu đã nâng tình cảm này lên thành một biểu tượng kết tinh cao đẹp qua hình ảnh xuất hiện cuối bài thơ: “Đầu súng trăng treo”. Giữa những đêm sương muối trong cánh rừng hoang, những người lính vẫn sát cánh bên nhau thực hiện nhiệm vụ “chờ giặc tới” trong tư thế hiên ngang và chủ động. Vào những đêm phục kích bên nhau, nhìn từ xa, ánh trăng như sà xuống ngang trời và tưởng như đang lơ lửng treo đầu mũi súng. Từ hiện thực đó, tác giả Chính Hữu đã nâng hình ảnh thơ lên ý nghĩa biểu tượng giữa sự kết hợp hài hòa giữa chất hiện thực và chất lãng mạn. Khoảng không gian xa cách giữa mặt đất và bầu trời đã được nối liền nhau bởi chữ “treo”. Nếu như súng là tượng trưng cho hiện thực tàn khốc của cuộc chiến thì trăng là hình ảnh ẩn dụ cho bầu trời hòa bình, cuộc sống thanh bình, tự do. Hai hình ảnh tưởng chừng như đối lập lại được đặt trên cùng một bình diện và kết nối để gợi lên biết bao ý nghĩa về mối quan hệ giữa chiến tranh và hòa bình, về chất chiến sĩ và tâm hồn thi sĩ quyện hòa, tạo nên vẻ đẹp thiêng liêng của tình đồng chí.
Như vậy, xuyên suốt tác phẩm “Đồng chí”, nhà thơ Chính Hữu đã làm nổi bật tình cảm đồng chí đẹp đẽ giữa những người lính trong cuộc kháng chiến chống Pháp trong cảm hứng ngợi ca bằng những từ ngữ, hình ảnh chân thực nhưng giàu sức gợi. Qua đó, chúng ta có thể thấy được những phẩm chất cao đẹp của những người lính bộ đội cụ Hồ.