Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy là một cách giải thích nguyên nhân việc mất nước Âu Lạc. Đồng thời, nhân dân ta muốn nêu lên bài học lịch sử về tinh thần cảnh giác với kẻ thù và cách xử lí đúng đắn mối quan hệ giữa riêng và chung, giữa nhà với nước, giữa cá nhân và cộng đồng.
TH Văn Thủy sẽ cung cấp nội dung Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy, hy vọng có thể giúp ích cho các bạn học sinh lớp 10 khi tìm hiểu về tác phẩm này.
I. Giới thiệu về thể loại
– Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy thuộc thể loại truyền thuyết.
– Truyền thuyết là loại truyện dân gian, kể về các sự kiện, nhân vật lịch sử hoặc liên quan đến lịch sử. Qua đó, truyền thuyết thể hiện nhận thức, tình cảm của tác giả dân gian đối với các nhân vật, sự kiện lịch sử. Đặc điểm của truyền thuyết được thể hiện qua cách xây dựng nhân vật, cốt truyện, sử dụng yếu tố kì ảo, lời kể.
I. Đôi nét về tác phẩm
1. Xuất xứ
Văn bản trong SGK được trích từ Truyện Rùa Vàng trong Lĩnh Nam chích quái – một bộ sưu tập truyện dân gian ra đời vào cuối thế kỉ XV.
2. Tóm tắt
Sau khi An Dương Vương xây xong thành Cổ Loa thì được thần Kim Quy cho một cái móng để làm nỏ thần. Lúc bấy giờ Triệu Đà làm chúa đất Nam Hải, mấy lần đem quân sang cướp đất Âu Lạc, nhưng vì An Dương Vương có nỏ thần nên đành rút quân về chờ thời cơ thích hợp. Triệu Đà nhân cơ hội đưa con trai mình là Trọng Thủy sang cầu thân với Mị Châu – con gái An Dương Vương. Một thời gian qua đi, khi đã có được lòng tin yêu của vợ, Trọng Thủy dò hỏi chuyện về chiếc nỏ thần. Biết được bí mật, mượn cớ về thăm cha, Trọng Thủy đánh cắp nỏ thần đem về đưa cho Triệu Đà. Có nỏ thần trong tay, Triệu Đà tiến đánh Âu Lạc một lần nữa. An Dương Vương thấy giặc đến chân thành nhưng vẫn chủ quan vì nghĩ rằng đã có nỏ thần. Nỏ thần không phát huy tác dụng, thua trận, An Dương Vương cưỡi ngựa đem theo Mị Châu đi về phía biển. Nhưng đi đến đâu thì thấy quân giặc theo đến đấy. Thần Kim Quy hiện lên nói rằng kẻ thù ở ngay bên cạnh. An Dương Vương bèn rút kiếm ra chém chết Mị Châu rồi nhảy xuống biển tự vẫn. Trọng Thủy nghe tin vì quá hối hận mà nhảy xuống giếng tự vẫn. Ngày nay, giếng ấy được gọi là giếng Trọng Thủy. Tục truyền lại Mị Châu khi chết, máu chảy xuống biển, trai ăn được mới có ngọc châu. Đem ngọc về rửa nước giếng thì thấy sáng lạ lùng.
Xem thêm Tóm tắt Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy
3. Bố cục
Gồm 3 phần:
- Phần 1. Từ đầu đến “ không dám đối chiến, bèn xin hòa ”: An Dương Vương được thần giúp đỡ xây thành, chế nỏ.
- Phần 2. Tiếp theo đến “ Dẫn vua xuống biển ”: Bi kịch nước mần nhà tan.
- Phần 3. Còn lại: Tương truyền về Mị Châu và Trọng Thủy.
Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy
Nghe đọc tác phẩm:
Vua An Dương Vương nước Âu Lạc, họ Thục tên Phán […] xây thành ở đất Việt Thường hễ đắp tới đâu lại lở tới đấy. Vua bèn lập đàn trai giới, cầu đảo bách thần. Ngày mồng bảy tháng ba bỗng thấy một cụ già từ phương đông tới trước cửa thành mà than rằng: “Xây dựng thành này biết bao giờ cho xong được!”. Vua mừng rỡ đón vào trong điện, thi lễ, hỏi rằng: “Ta đắp thành này đã nhiều lần băng lở, tốn nhiều công sức mà không thành, thế là cớ làm sao?”. Cụ già đáp: “Sẽ có sứ Thanh Giang tới cùng nhà vua xây dựng thành mới thành công”. Nói rồi từ biệt ra về.
Hôm sau, vua ra cửa đông chờ đợi, chợt thấy con Rùa Vàng từ phương đông lại, nổi trên mặt nước, nói sõi tiếng người, tự xưng là sứ Thanh Giang, thông tỏ việc trời đất, âm dương, quỷ thần. Vua mừng rỡ nói: “Điều đó chính cụ già đã báo cho ta biết trước”. Bèn dùng xe bằng vàng rước vào trong thành […].
Thành xây nửa tháng thì xong. Thành rộng hơn ngàn trượng, xoắn như hình trôn ốc, cho nên gọi là Loa Thành, còn gọi là Quỷ Long Thành, người thời Đường gọi là Côn Lôn Thành, lấy lẽ rằng nó cao lắm.
Rùa Vàng ở lại ba năm rồi từ biệt ra về. Vua cảm tạ nói: “Nhờ ơn của thần, thành đã xây được. Nay nếu có giặc ngoài thì lấy gì mà chống?”. Rùa Vàng đáp: “Vận nước suy thịnh, xã tắc an nguy đều do mệnh trời, con người có thể tu đức mà kéo dài thời vận. Nhàn vua ước muốn ta có tiếc chi”. Bèn tháo vuốt đưa cho nhà vua mà nói: “Đem vật này làm lẫy nỏ, nhắm quân giặc mà bắn thì sẽ không lo gì nữa”. Dứt lời, trở về biển Đông.
Vua sai Cao Lỗ làm nỏ, lấy vuốt rùa làm lẫy. Gọi là nỏ “Linh quang Kim Quy thần cơ”. Về sau Triệu Vương là Đà cử binh xâm lược phương Nam, cùng vua giao chiến. Vua lấy nỏ thần ra bắn, quân Đà thua lớn, chạy về Trâu Sơn đắp luỹ không dám đối chiến, bèn xin hoà […].
Không bao lâu, Đà cầu hôn. Vua vô tình gả con gái là Mị Châu cho con trai Đà là Trọng Thuỷ. Trọng Thuỷ dỗ Mị Châu cho xem trộm nỏ thần rồi ngầm làm một cái lẫy nỏ khác thay vuốt Rùa Vàng, nói dối là về phương Bắc thăm cha. Nói rằng: “Tình vợ chồng không thể lãng quên, nghĩa mẹ cha không thể dứt bỏ. Ta nay trở về thăm cha, nếu như đến lúc hai nước thất hoà, Bắc Nam cách biệt, ta lại tìm nàng, lấy gì làm dấu?”. Đáp: “Thiếp phận nữ nhi, nếu gặp cảnh biệt li thì đau đớn khôn xiết. Thiếp có áo gấm lông ngỗng thường mặc trên mình, đi đến đâu sẽ rứt lông mà rắc ở ngã ba đường để làm dấu, như vậy sẽ có thể cứu được nhau”.
Trọng Thuỷ mang lẫy thần về nước. Đà được lẫy cả mừng, bèn cử binh sang đánh. Vua cậy có nỏ thần, vẫn điềm nhiên đánh cờ, cười mà nói rằng: “Đà không sợ nỏ thần sao?”. Quân Đà tiến sát, vua cầm lấy nỏ, thấy lẫy thần đã mất bèn bỏ chạy. Vua đặt Mị Châu ngồi đằng sau ngựa rồi cùng nhau chạy về phương Nam.
Trọng Thuỷ nhận dấu lông ngỗng mà đuổi. Vua chạy tới bờ biển, đường cùng, không có thuyền qua bèn kêu rằng: “Trời hại ta, sứ Thanh Giang ở đâu mau mau lại cứu”. Rùa Vàng hiện lên mặt nước, thét lớn: “Kẻ nào ngồi sau ngựa chính là giặc đó!”. Vua bèn tuốt kiếm chém Mị Châu, Mị Châu khấn rằng: “Thiếp là phận gái, nếu có lòng phản nghịch mưu hại cha, chết đi sẽ biến thành cát bụi. Nếu một lòng trung hiếu mà bị người lừa dối thì chết đi sẽ biến thành châu ngọc để rửa sạch mối nhục thù”. Mị Châu chết ở bờ biển, máu chảy xuống nước, trai sò ăn phải đều biến thành hạt châu. Vua cầm sừng tê bảy tấc, Rùa Vàng rẽ nước dẫn vua đi xuống biển.
Đời truyền nơi đó là đất Dạ Sơn, xã Cao Xá, phủ Diễn Châu. Quân Đà kéo tới đấy không thấy bóng vết gì, chỉ còn lại xác Mị Châu. Trọng Thuỷ đem xác Mị Châu về táng ở Loa Thành, xác biến thành ngọc thạch. Mị Châu đã chết, Trọng Thuỷ thương tiếc khôn cùng, khi đi tắm tưởng như thấy bóng dáng Mị Châu, bèn lao đầu xuống giếng mà chết. Người đời sau mò được ngọc ở biển Đông, lấy nước giếng này mà rửa thì thấy trong sáng thêm, nhân kiêng tên Mị Châu cho nên gọi ngọc minh châu là đại cữu và tiểu cữu.