Đề bài: Tả cảnh đẹp của núi, rừng
Tả cảnh đẹp của núi, rừng
I. Dàn ý Tả cảnh đẹp của núi, rừng
1. Mở bài
Giới thiệu về một cảnh đẹp núi rừng mà em biết, em đã được nhìn thấy hoặc nghe kể
2. Thân bài
– Tả bao quát cảnh đẹp: không gian, thời gian, màu sắc, không khí của cảnh đẹp
+ ví dụ như cảnh núi đồi trùng điệp đang đắm chìm trong ánh hoàng hôn cuối ngày
– Tả chi tiết cảnh đẹp:
+ Cảnh núi, rừng như thế nào?: Có thể tả hình dáng núi, tả độ dày của rừng, màu sắc của cánh rừng
+ Cảnh núi rừng có những điểm gì đặc sắc?: có thể tả những con đường lên núi, những tảng đá chông chênh hoặc mây mù bao phủ,…
– Tả cuộc sống của con người trong cảnh núi rừng đó: cảnh người dân chăn thả dê trên núi, người dân vào rừng hái măng, đốn củi,…
3. Kết bài
Cảm nghĩ của em về cảnh đẹp núi , rừng
II. Bài văn mẫuTả cảnh đẹp của núi, rừng
1. Tả cảnh đẹp của núi, rừng, mẫu số 1:
Quê hương em Thái Nguyên là cái nôi của cây chè nhưng hình ảnh in sâu trong tâm trí em không phải là những đồi chè nhấp nhô xanh rì mà em lại thích ngắm những rừng cọ hùng vĩ xanh ngút ngàn.
Đi dọc những con đường về phía miền núi, cọ được trồng khắp nơi, đâu đâu cũng có thể nhìn thấy cọ nhưng một rừng cọ thì khó gặp. Bởi chỉ vào sâu bên trong khuất sau vài quả núi mới còn những rừng cọ lâu năm. Cây cọ mọc rất lâu, một năm có khi chỉ cao thêm vài chục cen-ti-mét, mà càng già lại càng chậm lớn, thế nhưng chẳng biết cọ ở khu rừng này đã được trồng từ bao giờ mà nó đã cao hàng chục mét, có cây phải cao đến 30 mét. Cọ cũng là một cây ưa sáng, trong rừng cọ cây nào cây ấy cũng cố vươn thẳng tắp lên cao, cố gắng rướn tán của mình ra để đón ánh mặt trời. Dưới ánh nắng mặt trời cả rừng cọ trở nên xanh ngắt, giống như một chiếc nón lá cọ khổng lồ. Đi vào trong rừng cọ ta sẽ có cảm giác choáng ngợp khi bị tán lá của cây cọ che hết ánh sáng, tán cây này chồng lên tán cây khác. Cũng bởi vậy mà dưới tán rừng cọ chẳng mấy cây nào phát triển nổi, chỉ có vài cây bụi hoặc cây cỏ là chủ yếu. Rừng cọ được coi như báu vật của người dân nơi đây, quả cọ có thể bán, lá cọ lại càng đắt hàng hơn, người ta lợp nhà bằng lá cọ rồi làm nón, làm áo mưa, làm chổi bằng lá cọ.
Em yêu cây cọ, yêu những cánh rừng cọ và yêu tất cả những gì mà cây cọ đã đem lại cho con người, em hy vọng rằng những cánh rừng cọ sẽ luôn được bảo tồn và gìn giữ.
2. Tả cảnh đẹp của núi, rừng, mẫu số 2:
Trong chuyến đi dã ngoại của lớp em, chúng em đã được tham quan Vườn quốc gia Cúc Phương, nơi đây là một cánh rừng nguyên sinh hiếm hoi trên cả nước ta.
Vẻ đẹp của một khu rừng nguyên sinh khác hẳn so với tất cả những khu rừng bình thường khác, điều quan trọng tạo nên sự khác biệt đó là sự đa dạng phong phú và niên đại của các loài động thực vật tồn tại dưới tán rừng Cúc Phương. Khu rừng này rất rộng, mất quãng đường khá dài để đi từ bìa rừng vào đến lõi rừng, nhờ có con đường nhỏ mà chúng em đi lại dễ dàng hơn, vừa đi vừa tìm hiểu và ngắm cây cối xung quanh. Trong khi rừng có những loài cây lạ lần đầu em được thấy, những loài hoa tuyệt đẹp và em cảm nhận rõ sự rậm rạp ẩm ướt trong khu rừng. Em ấn tượng với những loài cây cổ thụ mọc cao chót vót, từ dưới nhìn lên cảm giác như ngọn cây đã đâm thủng tán rừng mà vươn lên. Rồi cả những cây thân leo mọc khắp rừng, leo bò ngổn ngang bắt từ cây này sang cây khác biến khu rừng như một tấm mạng nhện chằng chịt. Nhắc đến Cúc Phương là mọi người nhớ ngay đến cây Chò nghìn năm tuổi, thật tuyệt vời khi cây Chò vẫn đang phát triển tốt, vẫn xanh tươi và hàng ngày chào đón người tham quan.
Làm bạn với khu rừng em đã được thả mình vào không gian xanh tươi, trong lành và mát mẻ, được hoà mình với thiên nhiên, cây cối và hơn hết em đã cảm nhận được hơi thở của rừng, biết trân trọng giá trị của những khu rừng.
3. Tả cảnh đẹp của núi, rừng, mẫu số 3:
Trong kỉ niệm về thời thơ ấu hồn nhiên, thơ ngây của em luôn có những người bạn, những trò chơi, những tháng ngày vui đùa và đặc biệt là tất cả đã diễn ra dưới tán rừng thông xanh.
Rừng thông khi nhìn từ xa sẽ thấy một màu xanh thẫm nhưng khi đến gần ta lại thấy rừng thông có màu xanh thẫm lẫn màu nâu lại chấm phá chút màu xanh non, bởi màu xanh thẫm của tán cây, màu nâu của thân cây và màu xanh non của những loài cây dưới chân rừng. Em thích ngắm nhìn những rừng thông sau cơn mưa, khi ấy là lúc bầu trời trong xanh nhất, rừng thông xanh ngắt rộn vang tiếng chim chóc. Em nhớ những chiều mùa hè cùng mấy đứa bạn đi chơi trong rừng thông, ở trong rừng thông rất mát và rất thoáng đãng, không rậm rạp. Chúng em nhặt những quả thông rồi đem về nhà gắn thành những hình thù khác nhau để làm vật kỉ niệm. Ngồi dưới gốc cây thông chúng em kể chuyện rồi cùng hát cho nhau nghe, những câu hát vang lên hòa cùng tiếng gió rì rào trong rừng cây tạo thành thứ âm thanh êm ái, dễ chịu. Vào những ngày mùa đông lạnh và nhiều sương mù rừng thông như “mất tích” không để lại dấu vết, sương và mây mù đã bao phủ trắng xóa cả khu rừng, chỉ khi đến thật gần mới lại thấy những cây thông.
Sau bao nhiêu năm, giờ đây em đã lớn, rừng thông vẫn còn đó nhưng những chuyến đi chơi vào rừng thông không còn, rừng thông đã trở thành nơi ghi dấu kỉ niệm tuổi thơ của em.
Cùng với bàiTả cảnh đẹp của núi, rừng, các em học sinh có thể tìm đọc thêm những bài văn mẫu đặc sắc khác như:Tả khu chợ mà em biết, Tả dòng sông quê hương, Tả thầy (cô) hiệu trưởng trường em, Tả người mẹ cấy lúa giữa trưa tháng 6 nóng bức.