Đề bài: Phân tích văn bản Sài Gòn tôi yêu của Minh Hương
Phân tích văn bản Sài Gòn tôi yêu của Minh Hương
I. Dàn ýPhân tích văn bản Sài Gòn tôi yêu của Minh Hương
1. Mở bài
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
2. Thân bài
a. Vẻ đẹp của Sài Gòn:
* Cuộc sống:
– Sài Gòn vẫn trẻ. Tôi thì đương già”, “Sài Gòn vẫn trẻ như một cây tơ đương độ nõn nà, trên đà thay da đổi thịt…”, sử dụng biện pháp so sánh và nhân hóa như vậy cho thấy được sự trẻ trung, sự sôi động của một thành phố đang độ phát triển.
– “Tôi yêu Sài Gòn da diết… Tôi yêu nắng sớm … Tôi yêu thời tiết trái chứng… trong vắt lại như thủy tinh… cây xanh che chở”, sử dụng điệp ngữ liên tục “tôi yêu…” bộc lộ trực tiếp và nhấn mạnh cái tính cảm của mình dành cho Sài Gòn cho thiên nhiên và cuộc sống của con người nơi đây.
– Phép so sánh “…trong vắt lạ như thủy tinh” sự độc đáo của thời tiết nơi đây, thời tiết có sự thay đổi bất ngờ, mang lại những cảm xúc bất ngờ.
– Âm thanh của cuộc sống “Tôi yêu đêm khuya thưa thớt tiếng ồn. Tôi yêu phố phường náo động, dập dìu xe cộ vào những giờ cao điểm. Yêu cả cái tĩnh lặng vào buổi sáng tinh sương….”: Sự sôi động, ồn ã của một thành phố trẻ trung, năng động, vừa là cái tĩnh lặng của đêm khuya, cả cái nên thơ của buổi sáng tinh sương, thanh sạch mát lành.
=> Sài Gòn – một thành phố trẻ trung, đến nhận định cụ thể về thời tiết khác biệt, về những âm thanh lúc náo nhiệt lúc lại tĩnh lặng, nên thơ ta → Tình cảm thắm thiết sâu nặng của Minh Hương dành cho Sài Gòn.
* Con người:
– Không có sự phân biệt về nguồn gốc quê quán của con người, có sự đa dạng về màu sắc văn hóa, đan xen với nhau tạo ra bầu không khí văn hóa đặc biệt, thể hiện sự mến khách, sẵn sàng dang tay chào đón bất kỳ ai của mảnh đất này.
– “họ ăn nói tự nhiên nhiều lúc hề hà dễ dãi phần đông ít dàn dựng tính toán. Người Sài Gòn cũng giống như hầu hết người lục tỉnh rất chơn thành, bộc trực”, chân thành, giản dị, bộc trực và tốt bụng.
– Cô gái Sài Gòn với những đặc điểm riêng về trang phục, cách ăn nói cư xử “Các cô gái thị thiềng… ít nhiều thơ ngây”, toát lên sự trẻ trung năng động, tràn đầy sức sống, tính cách “cái e thẹn ngượng nghịu như vầng trăng mới ló,…Nụ cười nhiệt tình tươi tắn và ít phần thơ ngây”.
– Chàng trai lại được tác giả khắc họa thông qua dáng vẻ, bản chất anh hùng của họ trong những lúc đất nước nguy cấp nhất, các cô gái và cả các chàng trai đều nguyện xung phong trận mạc, bảo vệ từng tấc đất quê hương xuyên suốt những năm 45-75.
=> Từ những nhận xét, cách quan sát tỉ mỉ, sự am hiểu của tác giả chúng ta có thể nhận thấy rất rõ ràng tình cảm của tác giả là sự yêu mến, gắn bó, coi mảnh đất Sài Gòn như là quê hương của mình.
b. Tình yêu với Sài Gòn:
– “Vậy đó mà tôi yêu Sài Gòn và yêu cả con người nơi đây, một mối tình dai dẳng bền chặt. Thương mến bao nhiêu cũng không uổng công, hoài của…”, sử dụng điệp ngữ “tôi yêu…” để khẳng định tình cảm của Minh Hương, một tình yêu sâu nặng, gắn bó với mảnh đất Sài Gòn thân thương.
– Tạo ra nhịp điệu cho câu văn, tựa như đoạn điệp khúc của một bài tình ca, như những đợt sóng tình cảm tuôn trào, là lời nhắn nhủ, mong mọi người đều dành một tình yêu dành cho Sài Gòn như tác giả, thể hiện tình cảm chân thành nồng hậu, cũng như lời chào đón của tác giả với mọi người đến mảnh đất ông xem là quê hương máu thịt này.
3. Kết bài
Tổng kết giá trị nội dung và nghệ thuật.
II. Bài văn mẫuPhân tích văn bản Sài Gòn tôi yêu của Minh Hương
Minh Hương (1924-2002), ông tên thật là Võ Văn Đài, quê ở Quảng Nam, ông vừa là nhà văn đồng thời cũng là một thầy giáo. Minh Hương là một nhà văn có giọng văn giàu cảm xúc. Văn bản Sài Gòn tôi yêu trích từ tùy bút Nhớ Sài Gòn, xuất bản năm 1994, là một trong những tác phẩm nổi tiếng và hay nhất của tác giả, thể hiện tâm tư cảm xúc và tình cảm gắn bó tha thiết, nỗi nhớ của tác giả với mảnh đất Sài Gòn yêu dấu.
Tình yêu của tác giả đối với mảnh đất Sài Gòn được thể hiện một cách xuyên suốt trong cả đoạn trích. Đầu tiên nó thể hiện ở cách mà tác giả cảm nhận về vẻ đẹp cuộc sống nơi đây, “Sài Gòn vẫn trẻ. Tôi thì đương già”. Đối với tác giả thì “Sài Gòn vẫn trẻ như một cây tơ đương độ nõn nà, trên đà thay da đổi thịt…”, việc sử dụng biện pháp so sánh và nhân hóa như vậy đã cho chúng ta thấy được sự trẻ trung, sự sôi động của một thành phố đang độ phát triển. Tiếp theo tác giả lại tiếp tục nhận định cuộc sống Sài Gòn thông qua những hình ảnh thiên nhiên “Tôi yêu Sài Gòn da diết… Tôi yêu nắng sớm một thứ nắng ngọt ngào và buổi chiều lộng gió nhớ thương, dưới những cây mưa nhiệt đới bất ngờ. Tôi yêu thời tiết trái chứng với trời đang ui ui buồn bã bỗng nhiên trong vắt lại như thủy tinh… cây xanh che chở”. Cách sử dụng điệp ngữ liên tục “tôi yêu…” chính là cách mà tác giả bộc lộ trực tiếp và nhấn mạnh cái tính cảm của mình, cái cảm xúc của mình dành cho Sài Gòn cho thiên nhiên và cuộc sống của con người nơi đây. Bên cạnh đó phép so sánh “…trong vắt lạ như thủy tinh” lại cho chúng ta thấy sự độc đáo của thời tiết nơi đây, thời tiết có sự thay đổi bất ngờ, mang lại những cảm xúc bất ngờ, ấn tượng sâu sắc trong lòng tác giả. Điểm thứ ba nữa về cuộc sống của Sài Gòn đó chính là âm thanh của cuộc sống “Tôi yêu đêm khuya thưa thớt tiếng ồn. Tôi yêu phố phường náo động, dập dìu xe cộ vào những giờ cao điểm. Yêu cả cái tĩnh lặng vào buổi sáng tinh sương….”. m thanh cuộc sống nơi đây hiện lên với nhiều mặt khác nhau vừa là sự sôi động, ồn ã của một thành phố trẻ trung, năng động, vừa là cái tĩnh lặng của đêm khuya, cả cái nên thơ của buổi sáng tinh sương, thanh sạch mát lành. Như vậy từ cái nhận định chung của tác giả về bản chất của Sài Gòn – một thành phố trẻ trung, đến nhận định cụ thể về thời tiết khác biệt, về những âm thanh lúc náo nhiệt lúc lại tĩnh lặng, nên thơ ta đã thấy được tình cảm thắm thiết sâu nặng của Minh Hương dành cho Sài Gòn.
Nhưng không dừng lại ở đó dáng vẻ của Sài Gòn còn hiện lên thông qua hình bóng của con người Sài Gòn. Ở đây không có sự phân biệt về nguồn gốc quê quán của con người, dù là người đến từ Bắc, Trung hay Nam, dù là dân tộc gì đi chăng nữa thì tất cả đều được gọi chung là người Sài Gòn, tổ hợp tạo nên một sự đa dạng về màu sắc văn hóa, đan xen với nhau tạo ra một hình thức, một bầu không khí văn hóa đặc biệt, thể hiện sự mến khách, sẵn sàng dang tay chào đón bất kỳ ai của mảnh đất này. Điều đó dường như đã trở thành một phong cách sống rất hồ hởi vui tươi nồng ấm của vùng đất này. Dựa vào khoảng thời gian gần 50 năm chung sống với người Sài Gòn, tác giả Minh Hương đã đưa ra một nhận xét rất thấm về con người nơi đây rằng “họ ăn nói tự nhiên nhiều lúc hề hà dễ dãi phần đông ít dàn dựng tính toán. Người Sài Gòn cũng giống như hầu hết người lục tỉnh rất chơn thành, bộc trực”. Từ đó đã tạo ra một phong cách riêng lối sống riêng cho người Sài Gòn nói riêng và người Lục tỉnh nói riêng ấy là sự chân thành, giản dị, bộc trực và tốt bụng. Sở dĩ có nét đặc biệt ấy là bởi vì, mảnh đất Sài Gòn là nơi tập hợp dân cư tứ xứ, từ đó họ đã khai phá đất đai, mở mang bờ cõi, cuộc sống của họ đã từ lâu gắn với thiên nhiên. Là những con người đi mở đất, xuất thân từ nông dân, mộc mạc, giản dị và gần gũi, thế nên lối sống của họ cũng vì thế mà trở nên phóng khoáng, thẳng thắn, không biết lươn lẹo, chua ngoa. Ngoài những đặc điểm chung của con người Sài Gòn tác giả còn đi vào hình ảnh của cô gái Sài Gòn với những đặc điểm riêng về trang phục, cách ăn nói cư xử “Các cô gái thị thiềng… ít nhiều thơ ngây”. Trang phục, tóc buông hoặc tết, nón vải trắng, áo bà ba, quần đen rộng, đi guốc hoặc giày vải, xăng đan da, dáng vẻ thì vừa có cái yểu điệu thướt tha vừa khỏe khoắn mạnh dạn. Có thể thể nói từ dáng vẻ đến trang phục của các cô gái đều toát lên sự trẻ trung năng động, tràn đầy sức sống. Bên cạnh đó tính cách của các cô gái nơi đây cũng được thể hiện thông qua dáng vẻ của họ với “cái e thẹn ngượng nghịu như vầng trăng mới ló,…Nụ cười nhiệt tình tươi tắn và ít phần thơ ngây”. Còn hình ảnh các chàng trai lại được tác giả khắc họa thông qua dáng vẻ, bản chất anh hùng của họ trong những lúc đất nước nguy cấp nhất, các cô gái và cả các chàng trai đều nguyện xung phong trận mạc, bảo vệ từng tấc đất quê hương xuyên suốt những năm 45-75. Từ những nhận xét, cách quan sát tỉ mỉ, sự am hiểu của tác giả chúng ta có thể nhận thấy rất rõ ràng tình cảm của tác giả là sự yêu mến, gắn bó, coi mảnh đất Sài Gòn như là quê hương của mình.
Không chỉ thể hiện tình cảm của mình với mảnh đất đáng yêu và trẻ trung này thông qua cách cảm nhận của tác giả về cuộc sống và con người nơi đây mà một lần nữa trong phần cuối của đoạn trích Minh Hương lại tiếp tục khẳng định nó thông qua những dòng văn đầy tha thiết, yêu thương. “Vậy đó mà tôi yêu Sài Gòn và yêu cả con người nơi đây, một mối tình dai dẳng bền chặt. Thương mến bao nhiêu cũng không uổng công, hoài của…”. Một lần nữa tác giả lại sử dụng điệp ngữ “tôi yêu…” để khẳng định tình cảm của Minh Hương, một tình yêu sâu nặng, gắn bó với mảnh đất Sài Gòn thân thương. Không chỉ vậy nó còn tạo ra nhịp điệu cho câu văn, tựa như đoạn điệp khúc của một bài tình ca, như những đợt sóng tình cảm tuôn trào. Ngoài ra còn là lời nhắn nhủ, mong mọi người đều dành một tình yêu dành cho Sài Gòn như tác giả, thể hiện tình cảm chân thành nồng hậu, cũng như lời chào đón của tác giả với mọi người đến mảnh đất ông xem là quê hương máu thịt này.
Sài Gòn tôi yêu là một văn bản hay, về nghệ thuật có sử dụng những biện pháp tu từ quen thuộc, từ ngữ chọn lọc, đôi chỗ mang tính địa phương. Về nội dung Minh Hương đã thể hiện cho độc giả thấy được vẻ đẹp của Sài Gòn được tái hiện một cách sinh động về nhiều phương diện, bộc lộ tình cảm tha thiết, sâu nặng của tác giả đối với mảnh đất Sài Gòn yêu dấu.
—————–Tổng kết——————
Bên cạnh bàiPhân tích văn bản Sài Gòn tôi yêu của Minh Hương, các em học sinh có thể tham khảo thêm: Soạn bài Sài Gòn tôi yêuvàCảm nhận khi đọc Sài Gòn tôi yêu của Minh Hương.