Lớp 7

Nỗi nhớ quê hương trong bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh

Đề bài: Nỗi nhớ quê hương trong bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh

noi nho que huong trong bai tho cam nghi trong dem thanh tinh

Nỗi nhớ quê hương trong bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh

I. Dàn ý nỗi nhớ quê hương trong bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả tác phẩm: Nỗi nhớ quê hương được Lý Bạch thể hiện trong tác phẩm” Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh” qua cảnh vật, nhìn cảnh nhớ quê, nhìn thiên nhiên nhớ người

2. Thân bài

– Phân tích bài thơ để làm rõ nỗi nhớ quê hương trong bài thơ:
+ Hình ảnh vầng trăng soi vào đầu giường nhà thơ khi ông đang là khách bộ hành xa xứ khiến sự cô liêu, quạnh hiu được tô đậm.

  • Ánh trăng sáng tỏ bầu trời, soi vào tận đầu giường nơi người khách trọ nghỉ chân sau những ngày tháng phiêu bạt.
  • Gợi trong lòng thi sĩ biết bao suy tư, trăn trở, để rồi mở lòng tỏ bày cùng trăng, tâm sự về nỗi hoang hoải buồn nhớ quê hương…(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết Dàn ý nỗi nhớ quê hương trong bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh tại đây

II. Bài văn mẫuNỗi nhớ quê hương trong bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh (Chuẩn)

Quê hương luôn là nguồn cảm hứng thi ca bất tận của những nhà văn, nhà thơ kiệt xuất trong mọi thời đại. Tình cảm đối với nơi chôn rau cắt rốn linh thiêng không gì có thể thay thế được tạc bằng những câu chữ đượm tình. Đối với Lý Bạch – thi sĩ vĩ đại của Trung Hoa, quê hương là nỗi niềm khắc khoải, chất chứa trong lòng, chỉ cần một ánh trăng quen thuộc cũng đủ khơi gợi tâm hồn nhạy cảm, hoài niệm về nơi xưa chốn cũ. Tình cảm thuần túy đó đã được thể hiện trọn vẹn trong thi phẩm “Tĩnh dạ tứ” – Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh, một tình yêu quê hương dạt dào, tha thiết mà ý nhị, dịu dàng.

Tình yêu với quê hương bắt nguồn từ ánh trăng vằng vặc:

Sàng tiền minh nguyệt quang
(Đầu giường ánh trăng rọi)

Lấy điểm nhìn từ “sàng tiền” – “đầu giường”, ánh trăng tựa như ánh đèn soi rọi cả căn phòng nhà thơ. Ánh trăng sáng tỏ bầu trời, soi vào tận đầu giường nơi người khách trọ nghỉ chân sau những ngày tháng phiêu bạt. Tưởng chứng như trong giây phút ấy, vạn vật đều ngưng đọng lại, chỉ còn ánh trăng rực rỡ trong đêm khuya tĩnh lặng, gợi trong lòng người yêu nghệ thuật biết bao suy tư, trăn trở, để rồi mở lòng tỏ bày cùng trăng, tâm sự về nỗi hoang hoải buồn nhớ quê hương.

Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương

Trong thời khắc trăng trở thành tri kỉ, trở thành bạn tâm giao soi tỏ nỗi lòng hiệp khách xa quê, trăng và người dường như không còn khoảng cách về mặt địa lý. Tác giả ngắm trăng trong tư thế “cử đầu”, “ngẩng đầu”, thu cả ánh mắt về phía trăng. Giống như hai người bạn cũ lâu ngày gặp lại, chỉ biết cùng nhau trò chuyện thâu đêm, trăng và người có sự giao cảm đến lạ kì. Người đọc tự hỏi rằng phải chăng, cũng vào một đêm thanh cảnh như vậy, nhà thơ đã cùng trăng hàn huyên, chuyện trò trên mảnh đất quê hương. Tình cờ gặp lại khung cảnh quen thuộc ấy nhưng lại ở một nơi xa lạ, nơi bản thân chỉ là khách vãng lai, không khỏi có chút chạnh lòng, vừa trầm trồ trước vẻ đẹp thiên nhiên, vừa buồn thương nhớ về quá khứ.

“Đê đầu tư cố hương”
(Cúi đầu nhớ cố hương)

Ánh trăng khiến cho Lý Bạch hồi tưởng về quá khứ, trong không gian vắng lặng như tờ, giữa một quán trọ toàn khách du hành, bản thân ắt hẳn cảm thấy cô tịch, quạnh hiu. Sự cô đơn nảy sinh thành nỗi nhớ nhà, nỗi nhớ da diết khôn nguôi. “Cúi đầu nhớ cố hương”, nhớ về quê cũ với những kỉ niệm tuổi thơ ấu, những ngày tháng yên bình, ung dung tự tại. Không gian vắng lặng, thời khắc nửa đêm, lòng người hồi tưởng về quá khứ, tất cả tạo nên một không gian vừa buồn vừa thương, quê hương được nhắc đến kèm nỗi nhớ da diết, mãnh liệt. Dường như cái buồn lan tỏa cả vào ánh trăng, ánh trăng khơi gợi nỗi buồn. Lòng người thi sĩ như phơi trải cùng thiên nhiên, tình yêu quê hương dạt dào, sâu sắc. Lòng thi sĩ cô đơn, ánh trăng cũng cô đơn trên bầu trời kia. Sự tri âm, đồng cảm giữa người và thiên nhiên đã đẩy tình cảm dành cho quê hương lên tới đỉnh điểm. Như nữ danh ca Đặng Lệ Quân từng hát, “ánh trăng nói hộ lòng tôi”, ở hoàn cảnh này, lòng trăng cũng chính là lòng người.

Tình cảm với quê hương được gói gọn trong từng câu chữ, nhìn trăng nhớ quê cũ, nhìn cảnh vật nhớ con người. Lý Bạch đã gửi gắm tất cả những dòng tâm sự của một người con xa quê lâu ngày. Với thể thơ ngũ ngôn kết hợp cùng hình ảnh ánh trăng, ngòi bút tình tự, lãng mạn và chất thơ thuần túy, tình cảm quê hương được dàn trải trong từng câu chữ, từng nhịp thơ. Không hổ danh là “Thi tiên Lý Bạch”, với tâm hồn biết rung cảm. hài hòa và một trái tim giàu tình thương.

———————HẾT————————

Tìm hiểu chi tiết về nội dung cũng như đặc sắc nghệ thuật của bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh, bên cạnh bài văn mẫu trên đây, các em có thể tham khảo thêm:Sơ đồ tư duy Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh, Phân tích bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh, Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh của nhà thơ Lí Bạch, Soạn bài Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh.

Nguyễn Thị Hương Thủy

Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội và hiện đang tham gia giảng dạy môn Ngữ Văn tại trường THPT Chu Văn An. Cô có 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, dẫn dắt nhiều thế hệ học sinh đạt những thành tích cao và đặt chân vào các trường đại học danh tiếng. Cô gặt hái được rất nhiều thành công trong sự nghiệp: giải Nhì trong cuộc thi giáo viên giỏi do thành phố Hà Nội tổ chức, tham gia giảng dạy đội tuyển Học sinh giỏi Quốc gia.
Back to top button