Lớp 7

Giải thích câu tục ngữ Lời nói gói vàng

Đề bài: Giải thích câu tục ngữ Lời nói gói vàng

giai thich cau tuc ngu loi noi goi vang

Giải thích câu tục ngữ Lời nói gói vàng

I.Dàn ýGiải thích câu tục ngữ Lời nói gói vàng

1. Mở bài:

Giới thiệu câu tục ngữ “Lời nói gói vàng”

– Câu tục ngữ “Lời nói gói vàng” mà ông cha ta từ xa xưa đã đúc kết ra nhằm mục đích nhắc nhở chúng ta về giá trị của lời nói để ta biết trân quý lời nói, sử dụng lời nói sao cho hợp lý, hiệu quả, phát huy được hết giá trị ý nghĩa của lời nói

2. Thân bài:
– Lời nói: Là lời ăn tiếng nói hằng ngày của chúng ta, là phương tiện giao tiếp bằng ngôn ngữ nhằm thực hiện một mục đích giao tiếp nào đó, ngoài giá trị về mặt ngữ nghĩa, lời nói còn mang trong mình thái độ, cảm xúc và hàm ý của người nói…(Còn tiếp)

>> Xem Dàn ýGiải thích câu tục ngữ Lời nói gói vàng đầy đủ tại đây.

II. Bài văn mẫu Giải thích câu tục ngữ Lời nói gói vàng

Trong xã hội loài người chúng ta, lời nói không chỉ đơn thuần là phương tiện để giao tiếp, trao đổi và truyền đạt lại thông tin cho nhau, mà hơn thế lời nói còn có ý nghĩa rất quan trọng đối với cuộc sống mỗi người. Câu tục ngữ “Lời nói gói vàng” mà ông cha ta từ xa xưa đã đúc kết ra nhằm mục đích nhắc nhở chúng ta về giá trị của lời nói, để ta biết trân quý lời nói, sử dụng lời nói sao cho hợp lý, hiệu quả, phát huy được hết giá trị ý nghĩa của lời nói.

Trong câu tục ngữ, có hai thứ được nhắc đến đó chính là “lời nói” và “vàng”. Lời nói chính là lời ăn tiếng nói hàng ngày của chúng ta, là phương tiện giao tiếp bằng ngôn ngữ nhằm thực hiện một mục đích giao tiếp nào đó, ngoài giá trị về mặt ngữ nghĩa lời nói còn mang trong mình thái độ, cảm xúc và hàm ý của người nói. Vàng là một thứ vật chất quý giá, đắt đỏ được nâng niu và gìn giữ, trân trọng, một chút vàng cũng có giá trị rất lớn. Việc so sánh lời nói như gói vàng nhằm khẳng định lời nói có giá trị quý như vàng, hơn giá trị của rất nhiều vàng, bởi vậy cần coi trọng và giữ gìn lời nói như một vật quý giá, sử dụng hợp lý và hiệu quả.

Vậy tại sao ông cha ta lại ví lời nói quý như vàng, lời nói có thực sự mang lại giá trị quý giá đến mức ấy hay không? Lời nói là ngôn ngữ riêng của mỗi người, mỗi người có vốn lời nói của riêng mình và việc sử dụng chúng cũng hoàn toàn mang tính cá nhân, không ai có thể nói thay lời của bạn. Lời nói sẽ phản ánh trình độ văn hóa, đạo đức và phẩm chất bên trong mỗi người, qua cách ăn nói người ta có thể đánh giá về con người bạn. Nếu không giao tiếp, không sử dụng lời nói của mình để khẳng định mình thì dù có dùng tiền hay vàng cũng không thể mua được những đánh giá của người khác dành cho mình, không thể khẳng định bản thân trước mọi người. Đôi khi lời nói giúp ta phân minh rạch ròi đúng sai, trả lại sự công bằng cho chính mình và lấy lại lòng tin từ mọi người, nếu không có lời nói ta đành phải chịu oan uổng, như vậy chẳng phải lời nói quý hơn vàng hay sao. Lời nói được sử dụng đúng hoàn cảnh và phù hợp mục đích giao tiếp còn mang lại nhiều giá trị hơn thế, một lời động viên an ủi kịp thời có thể xoa dịu nỗi đau của người khác, tiếp thêm sức mạnh cho người ấy đứng dậy và bước tiếp. Một lời khuyên răn, ngăn cản hợp tình hợp lý có thể kéo người đi sai đường trở về đúng đường, tránh những bước đi sai lầm dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Quả thực, những lời nói như thế còn quý hơn ngàn vàng, có nhiều tiền nhưng không có người động viên an ủi rồi người thất bại cũng suy sụp tinh thần mà gục ngã, hay có nhiều tiền nhưng đi vào con đường sai trái thì sớm muộn cũng trở thành người tội lỗi. Trong những trường hợp ấy, tiền hay vàng bạc không giúp được chúng ta, chỉ có lời nói của con người dành cho nhau mới có sức mạnh cảm hóa ấy. Bởi thực sự, lời nói vừa là phương tiện giao tiếp vừa gắn kết mọi người lại với nhau, những lời nói tốt đẹp gây dựng nên những mối quan hệ tốt đẹp, nhiều người đến với nhau, trở thành tri kỉ hay bạn bè chí cốt chỉ vì hợp và hiểu nhau, mà để có thể biết mình hợp và hiểu người khác thì phải có lời nói bày tỏ quan điểm, cảm xúc và tâm tư tình cảm của mình cho người khác thấy.

Lời nói giúp con người chia sẻ mọi thứ với nhau, đồng cảm và thấu hiểu nhau, mang đến cho ta một người bạn tri kỉ gắn bó với mình còn quý giá hơn có trong tay nhiều vàng bạc mà không có lấy một người bầu bạn tâm sự. Tiêu biểu có những lời nói đã trở thành câu nói bất hủ, đi vào lịch sử và giá trị tồn tại theo năm tháng, giống như lời Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”, bản tuyên ngôn đã mở ra một kỉ nguyên mới cho đất nước, kỉ nguyên độc lập tự do và thống nhất mà chúng ta đang được hưởng. Lời nói của Bác đã thức tỉnh hàng triệu đồng bào cùng đoàn kết đấu tranh, lời nói ấy còn vang lên ở những nơi xa xôi đấu tranh với những luận điệu xảo trá của kẻ thù, và cũng lời nói của Bác đã khích lệ động viên nhân dân lao động chiến đấu. Có thể nói, lời nói của Bác đã cứu vớt hàng triệu con người Việt Nam rơi vào cảnh nô lệ, mất nước, lời nói của Bác quý giá là vậy, làm sao có vàng bạc châu báu nào có thể so sánh được.

“Lời nói gói vàng” là câu tục ngữ mà công cha ta dùng cách gần gũi nhất khẳng định giá trị của lời nói, nói theo khách quan giá trị của lời nói khó có thể cân đo đong đếm một cách chính xác được. Tuy nhiên, muốn lời nói có giá trị không khó bởi chính chúng ta sẽ là người quyết định giá trị lời nói của mình, hãy sử dụng lời nói một cách có văn hóa, văn minh lịch sự và hơn hết là sử dụng hợp lý, hiệu quả, bởi “Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

——————-HẾT——————–

Bàn về giá trị của lời nói, bên cạnh bàiGiải thích câu tục ngữ Lời nói gói vàng, các em có thể tham khảo thêm:Suy nghĩ về giá trị, ý nghĩa của lời nói trong cuộc sống,Có 3 điều nếu qua đi sẽ không lấy lại được: Thời gian, lời nói và cơ hội. Nêu suy nghĩ về ý kiến đó và bài Nghị luận xã hội Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau tại TH Văn Thủy.

Nguyễn Thị Hương Thủy

Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội và hiện đang tham gia giảng dạy môn Ngữ Văn tại trường THPT Chu Văn An. Cô có 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, dẫn dắt nhiều thế hệ học sinh đạt những thành tích cao và đặt chân vào các trường đại học danh tiếng. Cô gặt hái được rất nhiều thành công trong sự nghiệp: giải Nhì trong cuộc thi giáo viên giỏi do thành phố Hà Nội tổ chức, tham gia giảng dạy đội tuyển Học sinh giỏi Quốc gia.
Back to top button