Đề bài: Giải thích câu Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại
Giải thích câu Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại
I. Dàn ýGiải thích câu Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại (Chuẩn)
1. Mở bài
Giới thiệu câu tục ngữ: “Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”.
2. Thân bài
a. Giải thích câu tục ngữ “Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”:
– “Đánh kẻ chạy đi”: những người mắc lỗi mà không biết ăn năn, hối cải mà vẫn tiếp tục mắc sai lầm.
– “Không ai đánh người chạy lại”: Cần tha thứ, bỏ qua lỗi lầm cho những người biết nhận ra lỗi lầm của mình và có ý thức sửa sai để hoàn thiện mình.
=> Câu tục ngữ khẳng định sự cần thiết của lòng bao dung và thức tỉnh mỗi người khi không may phạm sai lầm phải nhìn thẳng vào sự việc, chịu trách nhiệm với lỗi lầm của mình.
b. Vì sao cần phải tha thứ, bao dung trong cuộc sống?
– Trong cuộc sống, ai cũng từng phạm sai lầm, dù ít, dù nhiều, dù vô tình hay cố ý mỗi sai lầm đều khiến chúng ta thất vọng, tiếc nuối.
– Nếu sai lầm không được tha thứ thì những người phạm sai lầm và không có cơ hội sửa chữa, làm lại cuộc đời.
– Nếu nhận được bao dung, tha thứ vì lỗi lầm mình gây ra, những người đó sẽ thấy lòng nhẹ nhàng hơn, vơi bớt phần nào những áp lực vì lỗi lầm mình phạm phải.
– Sự tha thứ và động viên từ người khác như một liều thuốc tinh thần hữu hiệu ngay lúc ấy để họ được ủi an, sẻ chia, từ đó cố gắng sửa sai, hoàn thiện bản thân mình, tránh những sai lầm trong tương lai.
– Khi chúng ta biết bao dung, tha thứ cho lỗi lầm người khác, chúng ta cũng được thanh thản và vui vẻ hơn rất nhiều.
– Những người được tha thứ họ cũng tôn trọng, xem mình như là chỗ dựa tinh thần để vượt qua.
– Bao dung cho người khác sẽ góp phần tạo nên những mối quan hệ bền chặt, tốt đẹp, đầy tình người trong cuộc sống.
c. Biểu hiện:
– Trải qua bao mất mát, đau thương từ cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp, Mĩ. Bước vào giai đoạn hòa bình, Việt Nam vẫn thể hiện thái độ hoà hiếu, tôn trọng quốc gia, cùng nhau hợp tác phát triển với những quốc gia này.
– Những tù nhân sau khi trở về với cuộc sống đời thường được người thân, bạn bè, làng xóm động viên, giúp đỡ, nhờ vậy mà đã tạo nên sức mạnh cảm hoá kì diệu cho những lầm lạc họ từng gây ra, dần trở nên tốt đẹp hơn.
– Cha mẹ tha thứ cho sai phạm của con, thầy cô tha thứ cho lỗi lầm của trò,…
d. Liên hệ:
– Nuôi dưỡng lòng bao dung trong cuộc sống.
– Sáng suốt, tỉnh táo, tránh tha thứ cho những kẻ xảo tra, dối gian.
3. Kết bài
Khẳng định ý nghĩa của câu tục ngữ.
II. Bài văn mẫuGiải thích câu Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại (Chuẩn)
Ông cha ta đã gửi gắm rất nhiều những bài học, kinh nghiệm và lời khuyên bổ ích qua những câu ca dao, tục ngữ. Một trong số đó phải kể đến câu tục ngữ “Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”, nhắc nhở mọi người về cách ứng xử tốt đời đẹp đạo trong cuộc sống: lòng khoan dung.
Trước hết, chúng ta cần hiểu câu tục ngữ “Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại” nghĩa là gì? “Đánh kẻ chạy đi” là những người mắc lỗi mà không biết ăn năn, hối cải mà vẫn tiếp tục mắc sai lầm. Với những người này cần có thái độ cứng rắn, nghiêm khắc để họ nhận thức được sai lầm của bản thân và sửa chữa. “Không ai đánh người chạy lại”: Cần tha thứ, bỏ qua lỗi lầm cho những người biết nhận ra lỗi lầm của mình và có ý thức sửa sai để hoàn thiện mình. Câu tục ngữ giúp ta hiểu hơn về sự bao dung trong cuộc sống và thức tỉnh mỗi người khi không may phạm sai lầm phải nhìn thẳng vào sự việc, chịu trách nhiệm với lỗi lầm của mình, tránh tình trạng phạm từ sai lầm này đến lần khác.
Thật vậy, trong cuộc sống, không có ai là hoàn hảo cả. Ai cũng từng phạm sai lầm, dù ít, dù nhiều, dù vô tình hay cố ý mỗi sai lầm đều khiến chúng ta thất vọng, tiếc nuối. Nếu sai lầm không được tha thứ thì những người phạm sai lầm và không có cơ hội sửa chữa và trở nên tốt đẹp hơn. Sự xa lánh, rè bỉu của mọi người sẽ khiến họ trở nên bất cần, mất niềm tin vào cuộc sống, bởi vậy sẽ dễ giẫm vào vết xe đổ và phạm phải những sai lầm nghiêm trọng hơn. Điều đó thật đáng quan ngại. Ngược lại, nếu họ được bao dung, tha thứ vì lỗi lầm mình gây ra, những người đó sẽ thấy lòng nhẹ nhàng hơn, vơi bớt phần nào những áp lực vì lỗi lầm mình phạm phải. Sự tha thứ và động viên từ người khác như một liều thuốc tinh thần hữu hiệu ngay lúc ấy để họ được ủi an, sẻ chia, từ đó cố gắng sửa sai, hoàn thiện bản thân mình, tránh những sai lầm trong tương lai.
Mặt khác, khi chúng ta biết bao dung, tha thứ cho lỗi lầm người khác, chúng ta cũng được thanh thản và vui vẻ hơn rất nhiều. Những người được tha thứ họ cũng tôn trọng, xem mình như là chỗ dựa tinh thần để vượt qua. Chúng ta có một cuộc đời để sống và sống một lần trong đời, nếu mãi cứ mang những oán hận, thù hằn, trách móc thì cuộc sống sẽ thật mệt mỏi. Ngược lại, nếu biết bao dung, cuộc sống chúng ta sẽ trở nên thật vui vẻ và ý nghĩa biết bao. Hơn thế nữa, khi biết bao dung cho người khác sẽ góp phần tạo nên những mối quan hệ bền chặt, tốt đẹp, đầy tình người trong cuộc sống. Đó cũng là một trong những đức tính tốt mà chúng ta cần có để hoàn thiện bản thân mỗi ngày, góp phần xây dựng một xã hội nhân ái, văn minh. Là một cách hành xử ý nghĩa, góp phần lan tỏa thông điệp tích cực trong cộng đồng.
Thực tế cuộc sống, lòng bao dung cũng được thể hiện khắp mọi nơi, trong mọi tình huống và hoàn cảnh. Trải qua bao mất mát, đau thương từ cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp, Mĩ. Bước vào giai đoạn hòa bình, Việt Nam vẫn thể hiện thái độ hoà hiếu, tôn trọng quốc gia, cùng nhau hợp tác phát triển với những quốc gia này. Những tù nhân sau khi trở về với cuộc sống đời thường được người thân, bạn bè, làng xóm động viên, giúp đỡ, nhờ vậy mà đã tạo nên sức mạnh cảm hoá kì diệu cho những lầm lạc họ từng gây ra, dần trở nên tốt đẹp hơn. Hay đơn giản hơn là những lần cha mẹ tha thứ cho sai phạm của con, thầy cô tha thứ cho lỗi lầm của trò,..
Chúng ta cũng phải thừa nhận rằng không phải ai cũng có được sự bao dung dễ dàng, đặc biệt là đối với những người đã làm tổn thương mình, gây cho mình những hậu quả đáng tiếc. Thế nhưng, sâu thẳm trong mỗi người vẫn luôn có ngọn lửa của nhân ái, biết xót thương, mủi lòng trước những lời xin lỗi thật tâm, trước những thái độ hối lỗi chân thành. Nhìn thấy họ sửa sai, chúng ta cũng sẽ vui lòng mà tha thứ. Tuy vậy, chúng ta cũng cần nên sáng suốt, tỉnh táo, tránh tha thứ cho những kẻ xảo trá, dối gian. Những kẻ ấy không đáng nhận được sự bao dung từ người khác.
“Đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại”, câu tục ngữ khá quen thuộc ấy đã nhắc nhở mỗi chúng ta về sự bao dung và có trách nhiệm với lỗi lầm của mình. Với hai vế đăng đối, nhịp nhàng, ngôn từ giản dị mà ý nghĩa, câu tục ngữ như một kim chỉ nam trong cuộc sống để mọi người hoàn thiện nhân cách của mình.Mong rằng, tất cả chúng ta đều sẽ nuôi dưỡng lòng bao dung mỗi ngày và luôn hạnh phúc với những bao dung được nhận về.
—————-HẾT——————
Kho tàng ca dao tục ngữ của nước ta vô cùng phong phú và đa dạng. Tìm hiểu thêm về ý nghĩa của những câu tục ngữ thường được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày, các em có thể tham khảo thêm: Giải thích câu Cây ngay không sợ chết đứng, Giải thích về câu tục ngữ Giận cá chém thớt, Giải thích câu tục ngữ Chị ngã em nâng, Giải thích câu tục ngữ Một mặt người bằng mười mặt của.