Đề bài: Giải thích câu tục ngữ Chị ngã em nâng
Giải thích câu tục ngữ Chị ngã em nâng
I. Dàn ýGiải thích câu tục ngữ Chị ngã em nâng (Chuẩn)
1. Mở bài
Giới thiệu về câu tục ngữ “Chị ngã em nâng”
2. Thân bài
* Giải thích:
– Nghĩa đen: Em nâng đỡ chị dậy khi chị bị vấp ngã.
– Nghĩa biểu tượng:
+ “Chị”, “em” là danh từ chỉ những người thân trong gia đình.
+ “Ngã” được hiểu là những khó khăn, thất bại trong cuộc sống.
+ “nâng” lại là hành động giúp đỡ, sẻ chia trong lúc khó khăn, hoạn nạn.
=> Bài học về cách ứng xử cần có của mỗi người với những người thân yêu trong gia đình mình: Những người có chung quan hệ huyết thống phải luôn yêu thương, giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh.
* Bàn luận về câu tục ngữ:
– Vai trò của tình cảm gia đình:
+ Tình yêu thương làm cho tình cảm gia đình trở nên khăng khít, bền chặt, tình yêu thương ấy sẽ càng trở nên ý nghĩa hơn khi nó được bộc lộ ra bên ngoài bằng lời nói yêu thương, bằng hành động quan tâm, sẻ chia, giúp đỡ.
+ Tình yêu thương, sự giúp đỡ hỗ trợ của người thân lúc khó khăn sẽ giúp chúng ta mạnh mẽ, kiên cường hơn trong cuộc sống.
+ Những câu nói về tình cảm gia đình: “Anh em như thể tay chân/ Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần” hay “Anh em thuận hòa là nhà có phúc”,…
+ Dẫn chứng
– Phản đề:
+ Vẫn có những người vì lợi ích của bản thân mà sẵn sàng lợi dụng, thậm chí làm hại đến những người thân của mình.
+ Bỏ mặc người thân, gia đình trong những lúc khó khăn, hoạn nạn.
– Bài học:
+ Cần phải biết yêu thương, trân trọng những người anh, chị, em, những người thân yêu trong gia đình mình.
+ Không nên vì những lợi ích cá nhân mà làm tổn thương đến thứ tình cảm cao đẹp ấy.
3. Kết bài
Rút ra kết luận chung
II. Bài văn mẫuGiải thích câu tục ngữ Chị ngã em nâng (Chuẩn)
Tình yêu thương con người là một trong những truyền thống tốt đẹp và đáng quý nhất của dân tộc Việt Nam ta. Trong quan hệ xã hội, tình yêu thương được thể hiện qua tinh thần tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách”. Trong quan hệ gia đình, tình thương được bộc lộ qua tình cảm gắn bó, tinh thần giúp đỡ, sẻ chia giữa các thành viên. Tình cảm gia đình cao đẹp ấy được thể hiện rõ nét qua câu tục ngữ “Chị ngã em nâng”.
Câu tục ngữ “Chị ngã em nâng” tuy ngắn gọn nhưng đủ sức khái quát được vẻ đẹp của tình cảm gia đình, sự gắn kết đầy thiêng liêng giữa anh chị em trong gia đình. Trước hết, câu tục ngữ mang ý nghĩa tả thực, nó gợi cho chúng ta liên tưởng đến hình ảnh người em lo lắng, giúp đỡ chị đứng dậy khi thấy chị vấp ngã. Về ý nghĩa biểu tượng, câu tục ngữ lại là bài học về cách ứng xử cần có của mỗi người với những người thân yêu trong gia đình mình. “Chị”, “em” là danh từ chỉ những người thân trong gia đình. “Ngã” được hiểu là những khó khăn, thất bại trong cuộc sống, “nâng” lại là hành động giúp đỡ, sẻ chia trong lúc khó khăn, hoạn nạn. Câu tục ngữ “Chị ngã em nâng” đã gửi gắm một bài học sâu sắc: Những người có chung quan hệ huyết thống phải luôn yêu thương, giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh.
Chị em là những người có cùng quan hệ huyết thống, cùng được sinh ra và lớn lên trong một gia đình. Bởi vậy, bên cạnh tình yêu thương thuần túy, chị em trong gia đình còn có sự gắn bó sâu sắc và ý thức yêu thương, bảo vệ lẫn nhau. Tình yêu thương làm cho tình cảm gia đình trở nên khăng khít, bền chặt, tình yêu thương ấy sẽ càng trở nên ý nghĩa hơn khi nó được bộc lộ ra bên ngoài bằng lời nói yêu thương, bằng hành động quan tâm, sẻ chia, giúp đỡ. Trong cuộc sống, chúng ta sẽ phải trải qua muôn vàn khó khăn và cũng không thể tránh khỏi những thất bại, vấp ngã. Khi chúng ta đau đớn, tuyệt vọng nhất nếu có sự động viên, giúp đỡ từ những người xung quanh, đặc biệt là những người thân yêu thì chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ, kiên cường hơn trong cuộc sống. Có ai đó từng nói rằng “Gia đình là nơi bình yên nhất”, thật vậy gia đình luôn dang rộng vòng tay đón chúng ta trở về, những người thân trong gia đình cũng là những người cuối cùng ở lại khi mọi người rời chúng ta mà đi. Nói về vẻ đẹp của tình cảm gia đình, tình cảm yêu thương giữa những người anh, chị, em, ông cha ta có rất nhiều câu tục ngữ hay và sâu sắc như: “Anh em như thể tay chân/ Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần” hay “Anh em thuận hòa là nhà có phúc”,…
Khi chúng ta biết yêu thương gia đình, yêu thương những người anh, chị em cũng là khi chúng ta biết yêu cuộc đời. Những hành động yêu thương, giúp đỡ không chỉ làm cho mối quan hệ gia đình càng thêm bền chặt mà nó còn góp phần lan tỏa yêu thương ra cộng đồng, xã hội. Trong một gia đình, nếu ai cũng biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau thì chúng ta sẽ góp phần làm nên một xã hội nhân văn, xã hội của tình thương bởi “mỗi gia đình là một tế bào của xã hội”. Câu chuyện về cậu bé 6 tuổi Bridger Walker ở Wyoming, Mỹ vì cứu em gái khỏi sự tấn công của một con chó dữ mà phải khâu 90 mũi đã gây xúc động mạnh mẽ cho cộng đồng mạng. Dù tuổi còn nhỏ, sức cũng không đủ để chống trả lại sự hung hăng của con chó dữ nhưng để bảo vệ em, cậu bé vẫn sẵn sàng xông vào, bất chấp sự nguy hiểm của bản thân. Câu chuyện của cậu bé Bridger Walker không chỉ khơi dậy sự xúc động mà còn lan tỏa yêu thương đến bất cứ ai khi biết đến câu chuyện nảy.
Thế nhưng, đáng buồn thay, bên cạnh những câu chuyện xúc động về tình cảm gia đình, vẫn có những người vì lợi ích của bản thân mà sẵn sàng lợi dụng, thậm chí làm hại đến những người thân của mình. Hàng ngày, trên báo chí chúng ta vẫn thấy những câu chuyện đau lòng, vì tranh giành tài sản, đất cát mà bố mẹ để lại mà những người anh em ruột thịt trong nhà lại sẵn sàng lăng mạ, xúc phạm thậm chí là sát hại lẫn nhau.
Tình cảm gia đình là tình cảm thiêng liêng, cao đẹp, bởi vậy mỗi chúng ta cần phải biết yêu thương, trân trọng những người anh, chị, em, những người thân yêu trong gia đình mình. Không nên vì những lợi ích cá nhân mà làm tổn thương đến thứ tình cảm cao đẹp ấy. Nếu có gia đình, có những người thân yêu sẵn sàng ở bên mỗi khi chúng ta vấp ngã thì chúng ta đã may mắn hơn rất nhiều người. Bởi vậy, chúng ta hãy trân trọng những gì mình đang có, hãy yêu thương nhiều hơn vì khi trao yêu thương, chúng ta sẽ nhận về hạnh phúc.
Câu tục ngữ “Chị ngã em nâng” đã mang đến cho chúng ta nhận thức đúng đắn về tình cảm gia đình: Tình yêu thương, sự đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau sẽ giúp chúng ta vượt qua những khó khăn của cuộc sống. Cần phải biết yêu thương, trân trọng những người thân trong gia đình.
—————-HẾT—————-
Với những giải thích chi tiết, cụ thể hi vọng rằng bài Giải thích câu tục ngữ Chị ngã em nâng trên đây đã giúp các em hiểu được ý nghĩa sâu sắc của câu tục ngữ. Bên cạnh đó, để mở rộng vốn hiểu biết và rèn luyện kĩ năng viết văn giải thích, các em có thể tham khảo thêm: Giải thích câu tục ngữ Một cây làm chẳng nên non, Giải thích ý nghĩa bài ca dao Công cha như núi Thái Sơn nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra, Giải thích câu tục ngữ Lá lành đùm lá rách, Giải thích và bình luận câu tục ngữ Đói cho sạch, rách cho thơm.