Lớp 7

Hào khí chiến thắng và khát vọng hoà bình trong Tụng giá hoàn kinh sư

Đề bài: Hào khí chiến thắng và khát vọng hoà bình trong Tụng giá hoàn kinh sư

hao khi chien thang va khat vong hoa binh trong tung gia hoan kinh su

Bài làm:

Bài mẫu số 1:Hào khí chiến thắng và khát vọng hoà bình trong Tụng giá hoàn kinh sư

Nói đến những chiến công hào hùng trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc, không thể không nhắc những chiến công hiển hách chống quân Mông – Nguyên của triều đại nhà Trần. Chính niềm hân hoan chiến thắng ấy đã tạo nên hào khí Đông A chói lọi trong từng trang sử dưới thời Trần. Một trong số những tác phẩm thể hiện rõ nhất hào khí chiến thắng và khát vọng hòa bình của dân tộc, đó là bài thơ “Tụng giá hoàn kinh sư” (Trần Quang Khải).

Như chúng ta đã biết, dưới triều đại nhà Trần, nước Đại Việt ta phải đương đầu với quân Mông – Nguyên xâm lược. Đây là đội quân nổi tiếng là thiện chiến và tàn bạo nhất thời kỳ ấy, sử cũ còn ghi lại: Vó ngựa của chúng đi đến đâu đến từng cái cây, ngọn cỏ cũng không còn. Nhưng bằng tinh thần đoàn kết trên dưới một lòng đồng thuận quyết chiến đấu đến cùng, nhân dân Đại Việt đánh đuổi kẻ thù xâm lược ra khỏi bờ cõi. Một số hai vị tướng kiệt xuất thời Trần giữ quyền chỉ huy tối cao trong hai lần đánh đuổi quân Mông – Nguyên liên tiếp vào năm 1285, 1287 là Trần Quang Khải – ông cũng là tác giả bài thơ. Bài thơ này ông viết sau ngày đại thắng lần thứ hai của dân tộc, đem lại nền thái bình cho đất nước, Trần Quang Khải nhận được lệnh đi đón Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông, về Thăng Long trong niềm vui chiến thắng hân hoan. Bài thơ đã sâu sắc thể hiện hào khí chiến thắng và khát vọng thái bình thịnh trị của dân tộc ta ở thời đại nhà Trần.

Với thể thơ ngũ ngôn tứ tuyệt, trước hết, bài thơ “Tụng giá hoàn kinh sư” đã thể hiện hào khí chiến thắng của dân tộc ta ở thời đại nhà Trần:

Đoạt sóc Chương Dương độ, Cầm Hồ Hàm Tử quan.

Trong hai câu mở đầu bài thơ, tác giả đã nhắc đến hai chiến thắng lẫy lừng có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của cuộc kháng chiến là: Chương Dương và Hàm Tử, và trong trận Chương Dương Trần Quang Khải chính là vị tổng chỉ huy tối cao. Hai câu thơ đối ngẫu rất chỉnh, nghệ thuật đảo ngữ với một loạt các động từ mạnh “đoạt”, “cầm” đưa lên đầu câu, kết hợp với nhịp thơ nhanh, gấp, nhịp 2/3 , tác giả đã phần nào tái hiện và làm nổi bật không khí chiến đấu vô cùng mạnh mẽ và quyết liệt của quân, dân ta. Đồng thời cho thấy tư thế làm chủ, chủ động tiến công quân giặc của ta. Trận chiến Chương Dương vốn diễn ra vào tháng 6 năm Ất Dậu (1285) còn trận Hàm Tử diễn ra vào tháng 4 năm Ất Dậu (1285). Theo lẽ thông thường trận chiến nào diễn ra trước sẽ được nhắc đến theo trình tự thời gian, nhưng ở đây tác giả đang sống trong tâm trạng hân hoan của chiến thắng Chương Dương mà gợi nhớ lại chiến thắng Hàm Tử cách đó hai tháng. Không cần phải sử dụng đến quá nhiều ngôn ngữ mà chỉ bằng hai câu thơ ngũ ngôn ngắn ngủi nhưng cũng đủ để vị tướng nhà Trần giúp cho người đọc cảm nhận được hào khí chiến thắng ngất trời của quân ta, đồng thời gợi lên trong lòng người đọc niềm tự hào sâu sắc về sức mạnh của dân tộc Đại Việt ta.

Bài thơ “Tụng giá hoàn kinh sư ” không chỉ thể hiện hào khí chiến thắng mà còn thể hiện sâu sắc khát vọng hòa bình của dân tộc ta :

Thái bình tu trí lực Vạn cổ thử giang san.

Vậy là, dù đang trong không khí chiến thắng hừng hực ấy, vị chủ tướng Trần Quang Khải vẫn tỉnh táo và suy nghĩ thấu đáo vô cùng! Với giọng điệu tha thiết, chân thành mang tính chất động viên khuyên nhủ, ông đã tự nhắc nhở mình và cũng là để nhắc mọi người: Không thể vì quá say sưa với niềm vui chiến thắng mà quên mất trách nhiệm xây dựng non sông đất nước. Khi đất nước đã thái bình, nhân dân ta cần tập trung hết sức vào việc xây dựng đất nước, có như vậy đất nước mới trường tồn mãi mãi. Câu thơ vừa là lời động viên xây dựng, phát triển đất trong hòa bình vừa thể hiện niềm tin sắt đá vào sự bền vững muôn đời của đất nước.

Đọc bài thơ “Tụng giá hoàn kinh sư” của tác giả Trần Quang Khải, mỗi chúng ta không chỉ cảm thấy tự hào về truyền thống đấu tranh giữ nước bất khuất của cha ông, mà hơn thế nữa chúng ta còn tự hào bởi lịch sử ngàn xưa đã chứng minh Việt Nam luôn là một đất nước khao khát cuộc sống thái bình!

Bài mẫu số 2:

I. Dàn ý

1. Mở bài

Bài thơ “Phò giá về kinh” của Trần Quang Khải như một khúc ca khải hoàn về hào khí chiến thắng và khát vọng hoà bình.

2. Thân bài

* Niềm tự hào dân tộc trong hào khí chiến thắng:

– Hai câu đầu:

+ Chương Dương, Hàm Tử: Tái hiện hai nơi đánh dấu cuộc chiến thắng hào hùng.

+ Niềm tự hào trước chiến công oanh liệt

** Khát vọng hòa bình:

– Hai câu cuối:

+ Lời khích lệ xây dựng đất nước

+ Niềm tin đất nước vững bền, thái bình, thịnh trị.

3. Kết bài

Bài thơ tuy ngắn nhưng ý nghĩa đong đầy, chứa đựng ước mong, suy nghĩ của một tư tưởng lớn, một nhân cách

II. Bài mẫu:

Có lẽ không một quốc gia, dân tộc nào trên thế giới mong muốn bị xâm lăng, không một ai trong nhân loại thích sống trong cảnh loạn lạc chiến tranh. Bởi vậy, khi quân thù xâm chiếm bờ cõi, không thể làm làm gì khác ngoài đứng lên đấu tranh. Và những chiến thắng hào hùng trước kẻ xâm lăng luôn là niềm tự hào, là động lực và ý chí để nhân dân các dân tộc bị áp bức để đấu tranh. Bài thơ “Phò giá về kinh” của Trần Quang Khải như một khúc ca khải hoàn về hào khí chiến thắng và khát vọng hoà bình ấy.

“Chương Dương cướp giáo giặc

Hàm Tử bắt quân thù”

Chương Dương và Hàm Tử là hai trận địa diễn ra cuộc chiến ác liệt của quân dân nhà Trần với quân xâm lược Mông Nguyên. Hai chiến thắng ấy là những chiến công hiển hách, lẫy lừng, vang tiếng bốn phương của nhân dân đã làm thay đổi tình thế giữa ta và địch. Quân ta từ thế bị động, sang thế tấn công để giành thắng lợi. Hai câu thơ chỉ mười tiếng thôi mà âm hưởng vang dội núi sông, như hiện lên trước mắt người đọc cả cuộc chiến ác liệt, có tiếng hô vang, tiếng trống chiêng dội non sông. “Cướp giáo giặc”, “bắt quân thù” – tư thế hiên ngang, oai phong trong trận chiến, bản lĩnh và uy quyền, oai phong lẫm liệt. Hào khí chiến trận như hào khí Đông A của con dân đời Trần vậy – đồng lòng, quyết chí vì nghĩa lớn với tinh thần quyết thắng không gì có thể lay chuyển nổi. Câu thơ ngập tràn niềm vui niềm hứng khởi, hân hoan trong chiến thắng vẻ vang.

Khi đã giành chiến thắng, trải qua những vất vả và gian nan, hơn bao giờ hết ta lại càng trân trọng và khát vọng hoà bình. Và tinh thần, niềm khát khao mãnh liệt ấy được Trần Quang Khải thể hiện trong hai câu cuối:

“Thái bình tu trí lực

Vạn cổ thử giang san”

Sau bao đau khổ, đổ biết bao máu và nước mắt, hàng ngàn tính mạng phải đánh đổi, ta lại càng trân quý hơn thời khắc hoà bình, tự do. Tác giả đã nhắn nhủ đến quân thần, đến nhân dân về ý thức bảo vệ dân tộc, cùng nhau đồng lòng góp sức xây dựng đất nước phát triển trong thái bình thịnh trị để cho đất nước mãi ngàn năm được trường tồn, bền vững. Niềm mong ước của tác giả như thay lời muốn nói cho ước nguyện của nhân dân. Sự trăn trở của muôn người về việc xây dựng, kiến thiết nước nhà tốt đẹp ngàn năm.

Hào khí chiến thắng và khát vọng hoà bình là tư tưởng chủ đạo âm vang xuyên suốt tác phẩm. Bài thơ tuy ngắn nhưng ý nghĩa đong đầy, chứa đựng ước mong, suy nghĩ của một tư tưởng lớn, một nhân cách lớn.

Nguyễn Thị Hương Thủy

Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội và hiện đang tham gia giảng dạy môn Ngữ Văn tại trường THPT Chu Văn An. Cô có 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, dẫn dắt nhiều thế hệ học sinh đạt những thành tích cao và đặt chân vào các trường đại học danh tiếng. Cô gặt hái được rất nhiều thành công trong sự nghiệp: giải Nhì trong cuộc thi giáo viên giỏi do thành phố Hà Nội tổ chức, tham gia giảng dạy đội tuyển Học sinh giỏi Quốc gia.
Back to top button