Đề bài: Phân tích đoạn trích Sống chết mặc bay
Phân tích đoạn trích Sống chết mặc bay
I. Dàn ýPhân tích đoạn trích Sống chết mặc bay
1. Mở bài
– Sơ lược về tác giả và tác phẩm.
2. Thân bài
a. Cảnh hộ đê của dân làng.
– “Gần một giờ đêm, trời mưa tầm tã…., xem chừng núng thế lắm, hai ba đoạn đã thẩm lậu rồi, không khéo thì vỡ mất….”, khung cảnh lũ lụt, đê điều đang ở thế nguy cấp, tình thế vô cùng mong manh, ngàn cân treo sợi tóc.
– Những người dân cùng hợp lực hợp sức để đắp đê, ngăn lũ, chống lại dòng nước đang ngày một dâng cao có nguy cơ đe dọa cuộc sống của hàng trăm con người “Dân phu kể hàng trăm nghìn con người,… ướt như chuột lột”, liệt kê các từ ngữ mô tả động thái và hành động liên tục, tạo nên sắc thái vội vàng nguy cấp, thể hiện được rõ nét sự cố gắng, nỗ lực của người nông dân trong giây phút đối chọi với thiên tai lũ lụt.
– Các lời bình ngắn, liên tục với thái độ cảm thán, xót xa thể hiện sự bất lực, ngao ngán của tác giả trước viễn cảnh khốn khổ của người nông dân “Tình cảnh trông thật thảm hại” ; “Than ôi! Sức người khó lòng địch nổi với sức trời! Thế đê không sao cự lại được với thế nước! Lo thay! Nguy thay! Khúc đê này hỏng mất”.
b. Cảnh hộ đê của quan phụ mẫu:
– Xúm xít trong một gian nhà ấm áp đánh bài tổ tôm, mặc kệ ngoài kia nhân dân đang đội gió đội mưa bảo vệ đê điều.
→ Khung cảnh ấm áp, an yên và bình thản khác hẳn với không khí vội vã khẩn trương lạnh lẽo bên ngoài kia.
– Quan chỉ hứng thú với cái hồi hộp của những quân bài đang hạ xuống, cùng cái thú sung sướng với bát tổ yến trong tay, bên cạnh là những tráp đựng trầu cau, vôi thuốc sáng loáng trông thích mắt, không khí vô cùng vui vẻ, xôm tụ và nhàn hạ.
=> Khung cảnh đối lập giữa trong và ngoài ngôi đình ấy khiến người ta không khỏi xót xa, đau đớn thay cho số phận người nông dân, cho thấy rõ bản chất vô tình, đốn mạt của tên quan phụ mẫu.
– Khi nghe tên lính lệ báo “Bẩm dễ có khi đê vỡ”. Thì thay vì việc từ bỏ chiếu bạc để đốc thúc công việc cứu đê, thì ngài lại cáu bẳn, gắt lên “mặc kệ” một cách dứt khoát không khoan nhượng hay do dự.
– Khi có tin báo nguy cấp “Bẩm quan lớn…đê vỡ mất rồi!”, thì thái độ của quan lập tức trở nên cục cằn hách dịch “Đê vỡ rồi!… Đê vỡ rồi, thời ông cách cổ chúng mày, thời ông bỏ tù chúng mày! Có biết không? Lính đâu? Sao bay dám để cho nó chạy xồng xộc vào đây như vậy”. => Quan nổi giận bởi tên lính lệ kia dám cắt ngang ván bài sắp ù của quan chứ không phải vì lo đê vỡ thật.
– Khi quan vừa ù được ván bài to, đang chìm trong sung sướng vì thắng lớn thì những người nông dân khốn khổ ngoài kia lại đang phải vật lộn với mưa gió, nước lũ và tính mạng đang ngàn cân treo sợi tóc.
=> Sự đốn mạt, tàn ác vô nhân đạo đến tột cùng, không mảy may quan tâm đến hàng ngàn hàng vạn mạng người sắp bị lũ cuốn trôi mà chỉ biết trông hưởng vinh hoa phú quý cho riêng mình.
3. Kết bài
Nêu cảm nghĩ.
II. Bài văn mẫuPhân tích đoạn trích Sống chết mặc bay
Phạm Duy Tốn (1883-1924) quê ở Thường Tín, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội), là nhà văn hiện thực tiên phong hiếm hoi có thành tựu đầu tiên trong thể loại văn học hiện thực phê phán, là người “mở ra cánh cửa sổ đến một thế giới khác, thế giới không chỉ bao gồm trí thức và những tầng lớp trên, mà cả nông dân và những người kéo xe cần lao”. Ông viết văn ít nhưng cũng là người có đóng góp quan trọng cho sự mở đầu và phát triển của nền văn học hiện đại Việt Nam. Sống chết mặc bay là tác phẩm đầu tay cũng là tác phẩm thành công nhất của Phạm Duy Tốn trong suốt cuộc đời viết văn của tác giả, thể hiện tư duy và tấm lòng nhân văn nhân đạo sâu sắc của tác giả giữa tình thế đất nước loạn lạc nửa thuộc địa phong kiến, nhân dân lầm than, vua quan mang tiếng phụ mẫu nhưng chỉ biết ăn chơi sa đọa.
Sống chết mặc bay là truyện ngắn hiện đại đầu tiên của Việt Nam, sự mới lạ của tác phẩm nằm ở hình thức thể hiện và những chi tiết truyện vô cùng đắt giá. Khác với những tác phẩm viết theo lối mòn cổ điển, thì Sống chết mặc bay lại có cách mở đầu rất hay, vô thẳng vấn đề của câu chuyện, đặc trưng cho một lối văn mới “Gần một giờ đêm, trời mưa tầm tã. Nước sông Nhị Hà lên to quá; khúc đê làng… thuộc phủ…, xem chừng núng thế lắm, hai ba đoạn đã thẩm lậu rồi, không khéo thì vỡ mất….”. Bấy nhiêu câu chữ đã miêu tả khung cảnh lũ lụt, đê điều đang ở thế nguy cấp, tình thế vô cùng mong manh, ngàn cân treo sợi tóc. Những người dân cùng hợp lực hợp sức để đắp đê, ngăn lũ, chống lại dòng nước đang ngày một dâng cao có nguy cơ đe dọa cuộc sống của hàng trăm con người “Dân phu kể hàng trăm nghìn con người, từ chiều đến giờ, hết sức giữ gìn, kẻ thì thuổng, người thì cuốc, kẻ đội đất, kẻ vác tre, nào đắp, nào cừ, bì bõm dưới bùn lầy ngập quá khuỷu chân, người nào người nấy ướt như chuột lột”. Bằng cách sử dụng biện pháp liệt kê các từ ngữ mô tả động thái và hành động liên tục, tạo nên sắc thái vội vàng nguy cấp, thể hiện được rõ nét sự cố gắng, nỗ lực của người nông dân trong giây phút đối chọi với thiên tai lũ lụt. Bên cạnh đó các lời bình ngắn, liên tục với thái độ cảm thán, xót xa thể hiện sự bất lực, ngao ngán của tác giả trước viễn cảnh khốn khổ của người nông dân “Tình cảnh trông thật thảm hại” ; “Than ôi! Sức người khó lòng địch nổi với sức trời! Thế đê không sao cự lại được với thế nước! Lo thay! Nguy thay! Khúc đê nay hỏng mất” không chỉ bộc lộ tâm trạng lo lắng của tác giả mà đó cũng chính là nỗi lo lắng, sợ hãi của hàng trăm hàng ngàn người dân trước tình thế nguy cấp của khúc đê sắp vỡ đến nơi.
Thế nhưng trái lại với tình cảnh nguy cấp của nhân dân đang chống lụt, bảo vệ đê điều, thì những kẻ vốn là quan “phụ mẫu”, những tưởng phải kề vai sát cánh với nhân dân, lãnh đạo với dân làng tìm biện pháp “hộ đê”. Thì chúng lại cùng nhau xúm xít trong một gian nhà ấm áp, mưa không tới mặt nắng không tới đầu cùng nhau đánh bài tổ tôm, mặc kệ ngoài kia nhân dân đang đội gió đội mưa bảo vệ đê điều. “Đình ấy ở trên mặt đê, nhưng cao mà vững chãi, dẫu nước to thế nữa, cũng không việc gì”, “trong đình, đèn thắp sáng trưng, nha lệ lính tráng, kẻ hầu, người hạ, đi lại rộn ràng”, khung cảnh ấm áp, an yên và bình thản khác hẳn với không khí vội vã khẩn trương lạnh lẽo bên ngoài kia. Đình của quan “phụ mẫu” cũng nằm trên mặt đê ấy, thế nhưng dẫu đê có vỡ cũng chẳng ảnh hưởng gì đến việc quan chơi bài tổ tôm, thế nên quan cũng chẳng lấy làm mặn mà, giờ phút này quan chỉ hứng thú với cái hồi hộp của những quân bài đang hạ xuống, cùng cái thú sung sướng với bát tổ yến trong tay, bên cạnh là những tráp đựng trầu cau, vôi thuốc sáng loáng trông thích mắt. Hầu bài cho quan lại là những thầy đề, thầy thông nhì, thầy đội nhất, thầy chánh tổng sở tại,… không khí vô cùng vui vẻ, xôm tụ và nhàn hạ, chẳng có chút nào vướng bận lo lắng với tinh thần yêu dân như con của một quan phụ mẫu đáng có cả. Khung cảnh đối lập giữa trong và ngoài ngôi đình ấy khiến người ta không khỏi xót xa, đau đớn thay cho số phận người nông dân, vừa phải chịu sự tàn phá đe dọa của thiên tai, lại vừa chịu sự bỏ mặc của quan phụ mẫu, buộc bản thân họ phải tự lực cánh sinh, trong khi những kẻ ngồi trên lại ăn sung mặc sướng, đánh bài “hộ đê”. Không chỉ thái độ thản nhiên mặc kệ việc trời mưa gió và những tiếng hô vang cứu đê vỡ của người nông dân mà ta còn thấy rõ bản chất vô tình, đốn mạt của tên quan phụ mẫu trong cái cách mà hắn đáp trả khi nghe tên lính lệ báo “Bẩm dễ có khi đê vỡ”. Thì thay vì việc từ bỏ chiếu bạc để đốc thúc công việc cứu đê, thì ngài lại cáu bẳn, gắt lên “mặc kệ” một cách dứt khoát không khoan nhượng hay do dự. Đỉnh điểm hơn nữa là khi có tin báo nguy cấp “Bẩm quan lớn…đê vỡ mất rồi!”, thì thái độ của quan lập tức trở nên cục cằn hách dịch “Đê vỡ rồi!… Đê vỡ rồi, thời ông cách cổ chúng mày, thời ông bỏ tù chúng mày! Có biết không? Lính đâu? Sao bay dám để cho nó chạy xồng xộc vào đây như vậy”. Thế nhưng nào đâu có phải quan tức, quan lo vì chuyện đê vỡ mà chỉ đơn giản là tên lính lệ kia dám cắt ngang ván bài sắp ù của quan, nên quan mới nổi đóa lên như thế, tùy thời trách phạt thế rồi lại tiếp tục hòa mình vào chiếu bài mà chẳng thèm quan tâm chuyện đê vỡ, hay con dân của mình sống chết ra sao nữa. Để rồi khi quan vừa ù được ván bài to, đang chìm trong sung sướng vì thắng lớn thì những người nông dân khốn khổ ngoài kia lại đang phải vật lộn với mưa gió, nước lũ và tính mạng đang ngàn cân treo sợi tóc. Thử hỏi có bao giờ quan phụ mẫu để tâm đến điều đó, hay chỉ mải mê yêu quý mấy quân bài tổ tôm, mặc kệ dân con sống chết. Thật độc ác, thật tàn nhẫn và vô nhân đạo biết bao, hóa ra quan phụ mẫu lại có bộ mặt cầm thú, vô tâm như thế, nghĩ mà không khỏi xót xa cho những nạn dân khốn cùng vẫn còn trông đợi vào một bàn tay chở che đốc thúc, chỉ dạy cho họ một con đường trước cơn nguy khốn đến nơi.
Như vậy bằng nghệ thuật tương phản, bút pháp miêu tả tài tình, cách dẫn truyện độc đáo Phạm Duy Tốn đã tái hiện được khung cảnh đối lập giữa nhân dân và chính quyền trong xã hội cũ dưới một tình huống đặc biệt – đê vỡ. Từ đó lên án, tố cáo sự bất nhân, tàn bạo, độc ác của những kẻ cầm quyền, vốn được coi là quan phụ mẫu, đã đẩy người nông dân vào tình cảnh khốn khổ thảm thương, để tận hưởng cuộc sống vinh hiển phú quý không một chút xót xa. Đồng thời thể hiện tấm lòng xót xa, thương cảm cho số phận khốn cùng của người nông dân dưới chế độ cũ.
——————HẾT——————-
Sống chết mặc bay đã phản ánh đến tận cùng của xã hội phong kiến thối nát đương thời, nơi người nông dân phải vật lộn với cơ cực trăm bề, cùng với đó là sự vô trách nhiệm, lạnh lùng của những kẻ tự xưng “quan phụ mẫu”. Bên cạnh bàiPhân tích đoạn trích Sống chết mặc bay, các em có thể tìm hiểu chi tiết về truyện ngắn này thông qua việc tham khảo: Cảm nghĩ về nhân vật quan phụ mẫu trong truyện Sống chết mặc bay, Tóm tắt tình huống truyện Sống chết mặc bay, Giải thích nhan đề Sống chết mặc bay, Phân tích hình ảnh viên Quan phụ mẫu trong truyện ngắn Sống chết mặc bay