Đề bài: Cảnh sắc thiên nhiên đèo Ngang và tâm trạng của người lữ khách xa quê qua bài thơ Qua đèo Ngang
Cảnh sắc thiên nhiên đèo Ngang và tâm trạng của người lữ khách xa quê qua bài thơ Qua đèo Ngang
I. Dàn ýCảnh sắc thiên nhiên đèo Ngang và tâm trạng của người lữ khách xa quê qua bài thơ Qua đèo Ngang (Chuẩn)
1. Mở bài
– Giới thiệu tác giả Bà Huyện Thanh Quan và bài thơ “Qua Đèo Ngang”:
+ Bài thơ “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan là bức tranh cảnh – tình đặc sắc trong văn học trung đại Việt Nam.
+ Trước khung cảnh Đèo Ngang, người lữ khách xa quê đã bộc lộ niềm nhớ thương đất nước, quê nhà và những nỗi buồn sâu kín.
2. Thân bài
– Cảnh sắc thiên nhiên Đèo Ngang:
+ Không gian, thời gian
+ Cảnh vật, âm thanh…(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ýCảnh sắc thiên nhiên đèo Ngang và tâm trạng của người lữ khách xa quê qua bài thơ Qua đèo Ngang tại đây.
II. Bài văn mẫuCảnh sắc thiên nhiên đèo Ngang và tâm trạng của người lữ khách xa quê qua bài thơ Qua đèo Ngang (Chuẩn)
Bài thơ “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan không chỉ dựng lên một bức tranh thiên nhiên đầy sống động về địa danh Đèo Ngang của nước ta mà qua đó còn bộc lộ bức tranh tâm cảnh đầy khắc khoải, da diết của người lữ khách xa quê. Khung cảnh Đèo Ngang hiện lên hùng vĩ, rộng lớn nhưng hoang sơ, tịch mịch. Đồng thời trước cảnh tượng ấy, người thi sĩ là kẻ lữ khách xa quê đã bộc lộ niềm nhớ thương đất nước, quê nhà và những nỗi buồn sâu kín.
Trong chuyến đi vào Phú Xuân – Huế để nhận chức quan, Bà Huyện Thanh Quan đã dừng chân nghỉ tại Đèo Ngang, đây cũng là lần đầu tiên tác giả đặt chân tới Đèo Ngang, tức cảnh sinh tình bà đã sáng tác nên bài thơ.
“Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.”
Thời điểm nhà thơ dừng chân tại Đèo Ngang vào lúc chiều tà bóng xế, khi cuối ngày cảnh vật đang chuẩn bị chìm vào bóng đêm, thời điểm này gợi lên trong lòng người những nỗi buồn man mác, và đặc biệt trong hoàn cảnh xa quê, xa nhà một mình nơi đất khách quê người như tác giả tâm hồn lại càng nhạy cảm hơn với ngoại cảnh. Khung cảnh nơi Đèo Ngang là rừng núi chỉ toàn cỏ cây hoa lá, cặp tiểu đối “cỏ cây chen đá” , “lá chen hoa” đã gợi tả khung cảnh hoang sơ, hiu quạnh, hoang vắng. Bên cạnh đó câu thơ cũng gợi nên sức sống mãnh liệt, um tùm, rậm rạp của cây cỏ. Trong bức tranh thiên nhiên ấy thấp thoáng bóng dáng cuộc sống con người:
“Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà”
Dưới núi vài chú tiều đang lom khom kiếm củi, bên sông chỉ lác đác mấy chợ, những câu thơ gợi ra bóng dáng của con người cùng những hoạt động sống thường nhật nhưng dường như sự xuất hiện chớp nhoáng, nhạt nhoà đó chỉ càng tô đậm thêm sự hoang vắng, tịch mịch nơi Đèo Ngang. Trong hoàn cảnh xa nhà, xa quê lại bắt gặp khung cảnh thiên nhiên và con người nơi Đèo Ngang, nữ thi sĩ đã bộc lộ tâm trạng và trải lòng mình với những nỗi nhớ thương, nỗi niềm tâm sự thầm kín:
“Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”
Nỗi nhớ nước thương nhà được nhà thơ gắn với những tiếng chim “con cuốc cuốc”, “cái gia gia”. Tiếng cuốc kêu nghe sao khắc khoải, vang vọng giữa rừng núi hoang vu, tiếng chim gia gia lại thêm phần da diết, réo rắt vào trong lòng người những nỗi nhớ thương. Nghệ thuật chơi chữ kết hợp với chuyển đổi cảm giác đã góp phần bộc lộ rõ tình yêu quê hương đất nước và nỗi nhớ thương quê nhà của Bà Huyện Thanh Quan.
“Dừng chân đứng lại: Trời, non, nước
Một mảnh tình riêng ta với ta”
Hai câu kết bài thơ đã gói trọn lại bức tranh tứ bình nơi Đèo Ngang, đồng thời tác giả đã gửi gắm vào đó nỗi niềm tâm sự thầm kín. Dừng chân tại nơi đất trời non nước hữu tình ấy, không gian bao la choáng ngợp lấy tâm hồn người thi sĩ, để rồi tác giả càng thấm thía hơn sự cô đơn, lạc lõng giữa chốn đất khách quê người. Chỉ có “ta với ta” những nỗi niềm tâm sự không thể giãi bày, chia sẻ với ai, “mảnh tình riêng” ấy đành cất lại nơi sâu thẳm tâm hồn, để rồi thay vào đó là tiếng thở dài đầy tiếc nuối, thở than.
Bài thơ “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan đã mang đến cho người đọc những cảm xúc khác nhau, đầu tiên là niềm tự hào, say mê trong cảnh sắc thiên nhiên đất trời Đèo Ngang, tiếp đến là khơi dậy nỗi nhớ quê hương, tình yêu đất nước và cuối cùng là sự cảm thông chia sẻ với nỗi lòng của nhà thơ.
——————–HẾT———————–
Trên đây là bài văn mẫuCảnh sắc thiên nhiên đèo Ngang và tâm trạng của người lữ khách xa quê qua bài thơ Qua đèo Ngang, để việc học tập có hiệu quả, các em có thể tham khảo thêm:Cảm nhận bài thơ Qua đèo Ngang của bà Huyện Thanh Quan, Phân tích bài thơ Qua đèo ngang- Bà huyện thanh quan, Cảm nghĩ của em về bài thơ Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan, Vẻ đẹp cổ điển trong bài thơ Qua Đèo Ngang và Chiều hôm nhớ nhà của Bà Huyện Thanh Quan.